Xây dựng thể chế, chính sách cho đào tạo ngành công nghiệp chip bán dẫn

19/10/2023 15:21
Kim Ngân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ những trường quyết tâm đào tạo nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn để có những kết quả trong thực tế.

Ngày 19/10/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Hội thảo: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại Đại học Đà Nẵng.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Cần các giải pháp đột phá cho hoạt động đào tạo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, ngày 19/10 sẽ là ngày đáng nhớ trong chặng đường chúng ta góp sức vào sự tạo dựng và phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam trong tương lai.

Đây là thời điểm, thời khắc quan trọng, là thời cơ, khi có tiềm lực của các trường đại học công lập, ngoài công lập, với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, với sự quan tâm của Chính phủ, các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm, sứ mệnh của chúng ta, nếu làm được chúng ta nâng được vị thế quốc gia, nâng được vị thế của cả hệ thống đại học”.

Bộ trưởng cho biết, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo ý thức được sâu sắc trách nhiệm và sứ mệnh của ngành và xác định, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số 1 trong các chỉ đạo chuyên môn của phần giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm sau.

“Bên cạnh chữ “thời”, cần phải nói chữ “cao”. Nhu cầu đang cao, đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao… nhưng phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao. Cần thống nhất một điều “câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chồng chất phía trước”. Cần xác định tinh thần như vậy và với quyết tâm rất cao mới làm được.

Chúng ta đừng tự lạc quan; cũng đừng nghe vậy rồi mai tất cả cùng tuyển sinh, đào tạo. Chúng ta có trí tuệ, có dữ liệu, có kế hoạch, với quyết tâm cao nhưng phải có lộ trình, bài bản, chắc chắn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc cần có các giải pháp đột phá. Đây là ngành mới, chúng ta không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.

Trước hết là những giải pháp về mặt thể chế, cần đề xuất những giải pháp tầm cao hơn như Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội.

Với các trường đủ quyết tâm chứng minh được khả năng của mình thì sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài

Trách nhiệm của Bộ là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được.

Cần hướng đến tư duy toàn cầu. Phải phát triển cả nghiên cứu và đào tạo, nghĩ đến tương lai có ngành công nghiệp bán dẫn riêng của Việt Nam và cung cấp nguồn nhân lực cho nước ngoài nữa.

Về phía trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng cho biết sẽ chuẩn bị về thể chế và tạo điều kiện cho các trường, trong đó, chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để có sự điều phối về cả nhân lực chung, cơ sở vật chất chung, thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo với nhau để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình.

Cùng với đó, tăng cường chia sẻ và dùng chung, tăng cường cả các chương trình liên kết với nước ngoài, tăng cường chia sẻ doanh nghiệp về chỗ thực tập, thực hành. Doanh nghiệp tăng cường đặt hàng để đào tạo chắc chắn ngay từ đầu, tránh việc phải đào tạo lại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hệ thống điều tiết, cả dữ liệu về người học, giáo viên, chế độ chính sách để tiết kiệm nhất chi phí nguồn lực chuẩn bị của các cơ sở. Hệ thống trường đại học công - tư cùng đồng hành.

Về mặt tổ chức cân nhắc ưu tiên về tài chính, cân nhắc các kiến nghị cần có, giải pháp và lộ trình.

“Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ quyết tâm rất cao, mong các cơ sở giáo dục đại học đều tự xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ vinh quang khi tham gia vào công việc đào tạo, nghiên cứu này. Trường nào có quyết tâm và giải pháp đúng, trường ấy sẽ có sự bứt phá

Bộ Giáo dục và Đào tạo ủng hộ những trường quyết tâm, để chúng ta cùng nhau có những kết quả trong thực tế, từ đây làm thay đổi cái nhìn của thế giới, xã hội, đất nước về hệ thống giáo dục đại học.

Tất cả cùng nhau cố gắng cho một mục tiêu chung không chỉ là việc làm mà là vấn đề vị thế quốc gia. Mong chúng ta cùng nhau cố gắng và có giải pháp phù hợp để có kết quả trong hiện thực, chứ không chỉ là khẩu hiệu, phong trào.

Mong các doanh nghiệp truyền cảm hứng cho học sinh và phụ huynh, mùa tuyển sinh sắp tới các trường cũng tích cực trong tư vấn tuyển sinh”, Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng.

Số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp còn rất thấp

Phát biểu tại khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn cho biết, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Đặc biệt, từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được thiết lập vào tháng 9/2023 vừa qua, những cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… đã được mở toang nhưng thực tế triển khai lại đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ cao nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội thảo.

Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn.

Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Vòng quẩn này chính là điểm nghẽn lớn, bên cạnh sự định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động và tạo vòng hồi tiếp để thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Để thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, không ai khác chính là các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ yếu. Theo số liệu thống kế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

Thứ trưởng cho biết, để có thể tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, như dự báo của một số cơ quan, tổ chức, sẽ có nhiều việc cần phải làm.

Trước hết, chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng, năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức, từ đó đặt ra mục tiêu và các kịch bản để xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho ngay những năm tiếp theo và cả giai đoạn tới 2030.

Trên cơ sở đó, cùng thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, làm rõ những gì các trường cần chủ động triển khai và phối hợp triển khai, những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm, những gì cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành địa phương.

Nhiệm vụ đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…

Thứ hai, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.

Thứ ba, cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực…

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự chủ động, sự quyết tâm của các cơ sở giáo dục đại học, nhất là 5 cơ sở giáo dục đại học đã có sáng kiến cùng tổ chức hội thảo ngày hôm nay và ký kết văn bản hợp tác để hình thành liên minh đại học đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các cơ sở giáo dục đại học đã sẵn sàng vào cuộc, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chuyển đổi để nhanh chóng cùng gánh vác nhiệm vụ này.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không thể chỉ là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học hay của các bộ ngành, để thành công cần có sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp, của địa phương, của các trường phổ thông và của toàn xã hội.

Kim Ngân