Vừa lo sự nghiệp, vừa xây tổ ấm, giảng viên nữ nghiên cứu khoa học có gặp khó?

08/03/2024 06:36
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nữ giới vừa phải làm tròn vai trò người “xây tổ ấm” gia đình, vừa phải làm việc nên gặp một số khó khăn nhất định khi "dấn thân" vào sự nghiệp nghiên cứu.

Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là cơ sở quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Những năm gần đây, ở các cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ cán bộ, giảng viên nữ tham gia vào nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, khẳng định được vai trò, năng lực và đóng góp của nữ giới trong phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, so với nam giới, nữ giới khi “dấn thân” vào nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo còn phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.

Nhiều lĩnh vực nghiên cứu phải di chuyển xa, nguy hiểm,... thế mạnh vẫn thuộc về nam giới

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy - giảng viên cao cấp môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ có hơn 40 năm tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sau thu hoạch. Cô Thủy đã thực hiện 26 đề tài nghiên cứu và hơn 45 công nghệ được chuyển giao.

Hướng nghiên cứu chính của cô là “Dinh dưỡng trong mối liên quan với thực phẩm và con người” và “Ứng dụng các kỹ thuật xử lý/tồn trữ/chế biến các loại nông sản nhiệt đới sau thu hoạch”. Để phục vụ công tác nghiên cứu, cô Thủy thường xuyên di chuyển, tiếp cận nguồn nguyên liệu ở địa phương. Sau những nỗ lực, cô Thủy hạnh phúc khi những kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn (như rượu vang sim rừng; sữa hạt sen; kỹ thuật sản xuất rượu vang thốt nốt và vang khóm; 02 quy trình công nghệ sản xuất trà linh chi túi lọc và nước uống linh chi đóng chai,...).

GS Thủy.jpg
Giáo sư Thủy cùng sinh viên lớp Công nghệ thực phẩm - Chất lượng cao Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh nhân vật cung cấp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Thủy tâm sự, những chính sách về bình đẳng giới, giải thưởng khoa học công nghệ chỉ dành cho nữ,... là “món quà” khích lệ để nữ giới tham gia tích cực vào nghiên cứu khoa học. Ở nhiều cơ sở giáo dục, giảng viên, nhà khoa học nữ có những đóng góp không thua kém nam giới trong việc hoạch định chính sách của đơn vị, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

“Theo tôi được biết, những năm gần đây, nhiều nữ trí thức đã có dấu ấn đậm nét, thực hiện công trình nghiên cứu các cấp có giá trị cao và được ứng dụng vào thực tiễn. Ở những cương vị khác nhau, nhà khoa học nữ thường tận tụy, cẩn thận và có trách nhiệm cao với công việc.

Ở đơn vị tôi đang công tác, các giảng viên, nhà khoa học nữ được khuyến khích thực hiện công trình nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu. Trong đó, chỉ những kết quả nghiên cứu của giảng viên, nhà khoa học nữ mới được nhà trường tính thêm 10%/tổng số giờ nghiên cứu khoa học. Thêm nữa, nhà trường cũng tổ chức vinh danh cán bộ, giảng viên nữ khi đạt học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư,... Đây là sự khích lệ tinh thần rất lớn đối với cán bộ, giảng viên nữ khi làm nghiên cứu khoa học”

_Giáo sư Nguyễn Minh Thủy_

Chỉ ra những điểm mạnh của giảng viên nữ khi làm nghiên cứu khoa học, theo cô Thủy, giảng viên nữ có sự cần mẫn, chỉn chu, đam mê và lòng nhiệt huyết. Họ có sự sắp xếp khoa học và trách nhiệm cao trong công việc.

Tuy vậy, nữ giới làm nghiên cứu khoa học đôi khi chưa nhận được sự thông cảm, chia sẻ từ đồng nghiệp. Quy định về độ tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam cũng là những thách thức cho giảng viên, nhà khoa học nữ vì họ phải làm việc cật lực hơn để trước khi đến tuổi hưu trí, họ cũng có thể đạt được những thành tựu mơ ước.

"So với nam giới, nữ giới tham gia làm nghiên cứu khoa học phải đối mặt với những thách thức và rào cản nhiều hơn khi phải cân đối hài hòa giữa công việc trong gia đình và sự nghiệp của bản thân. Với nữ giảng viên, công việc gia đình không thể xao nhãng, công việc giảng dạy và nghiên cứu cũng phải hoàn thành như giảng viên", cô Thủy bày tỏ.

lvdhtt(1).jpg
Tiến sĩ Mai Thị Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang. Ảnh: website nhà trường

Cùng chia sẻ về chủ đề trên, Tiến sĩ Mai Thị Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang khẳng định: "Không có ranh giới giữa nam và nữ trong nghiên cứu khoa học"

Đối với Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang, những năm gần đây, tỷ lệ giảng viên nữ đạt trình độ tiến sĩ và tích cực tham gia làm nghiên cứu khoa học có xu hướng tăng lên. Nhiều giảng viên nữ của trường đạt được những thành quả nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, góp sức mình vào phát triển khoa học công nghệ cả nước nói chung.

Tuy nhiên, phân tích có thể thấy, một số lĩnh vực nghiên cứu đòi hỏi nhà khoa học phải di chuyển đến các nơi xa, có tính chất độc hại, nguy hiểm,... thế mạnh vẫn thuộc về nam giới nhiều hơn so với nữ giới. Bởi, đối với mỗi người nữ giới, dù đi đâu, làm gì, họ vẫn hướng về gia đình với tình yêu thương, sự hy sinh lớn lao. Ngoài thời gian công tác, phụ nữ hầu như dành thời gian để chăm sóc cho gia đình. Thậm chí, có nhiều phụ nữ sẵn sàng hy sinh sự nghiệp để lo cho con cái.

"Nữ giới vừa phải làm tròn vai trò người “xây tổ ấm” gia đình, vừa phải làm việc để tạo ra những giá trị xã hội nên gặp một số khó khăn nhất định khi "dấn thân" vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo"

_Tiến sĩ Mai Thị Huyền_

Nói về sức chịu đựng, kiên trì, cô Huyền cho rằng phụ nữ hơn hẳn nam giới. Và nếu có sự hậu thuẫn, ủng hộ từ hậu phương vững chắc, số lượng nữ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học sẽ ngày càng nhiều và đạt kết quả cao.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang cũng cho biết thêm, hiện tất cả các ngành đào tạo của trường đều có nữ giảng viên tham gia tích cực và hiệu quả trong nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực về lâm nghiệp, kiểm lâm, số lượng giảng viên nam làm nghiên cứu khoa học nhiều hơn hẳn so với nữ do tính chất đặc thù phải di chuyển vào rừng để phục vụ nghiên cứu.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội cho rằng, trong giáo dục, số lượng giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, nhà khoa học nữ có xu hướng tăng, trong đó, nhiều phụ nữ giữ các vị trí trọng trách và ngày càng có những đóng góp lớn lao vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế.

Thông qua hoạt động nghiên cứu, nhà khoa học nữ khẳng định được vị thế, vai trò của mình, được nhà nhà nước, xã hội tôn vinh và ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những vinh quang, phụ nữ làm nghiên cứu khoa học cũng gặp không ít rào cản, thách thức. Trước hết, nghiên cứu khoa học cần sự tập trung cao độ và dành nhiều thời gian tâm huyết, song cán bộ, giảng viên nữ với thiên chức của mình (làm mẹ, nuôi con), các công việc gia đình chiếm khá nhiều thời gian, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cô Hương.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)

“Trên thực tế, có nhiều lĩnh vực nghiên cứu khá khó khăn đối với phụ nữ khi phải đi thực địa dài ngày, điều kiện nghiên cứu khắc nghiệt, nhạy cảm, nguy hiểm. Ngoài ra, tâm lý ngại va chạm, dấn thân của nữ giới đôi khi cũng trở thành rào cản trong hợp tác nghiên cứu khoa học.

Nhưng khi đã đam mê, quyết tâm nghiên cứu, phụ nữ thể hiện rõ sự kiên trì trong việc đeo đuổi ý tưởng. Đồng thời, nhờ sự mềm mỏng trong tổ chức hoạt động của nhóm nghiên cứu, sự chăm chỉ và cầu thị học hỏi có thể giúp nhà khoa học nữ đạt được thành công trong nghiên cứu.

Bên cạnh đó, sự nhạy cảm, để ý chi tiết và tinh tế của phụ nữ cũng là yếu tố quan trọng trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu về khoa học hành vi, khoa học sức khoẻ, khoa học xã hội và nhân văn”, cô Hương chia sẻ.

Đồng tình với những chia sẻ về điểm mạnh và khó khăn của giảng viên nữ khi tham gia nghiên cứu khoa học, trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện là Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nhận định, cơ sở giáo dục đại học không chỉ thực hiện đào tạo mà còn là tổ chức khoa học công nghệ. Muốn chất lượng đào tạo tốt, nam hay nữ giảng viên đều nên tham gia nghiên cứu khoa học để có những phát hiện mới, kết quả mới đưa vào xây dựng chương trình giảng dạy sao cho phù hợp, đảm bảo tính cập nhật.

"Nhiệm vụ của giảng viên là vừa phải đảm bảo số giờ nghiên cứu khoa học, vừa phải đảm bảo thời gian giảng dạy. Điều này khiến cho giảng viên, nhất là giảng viên nữ phải nỗ lực để cân bằng giữa giảng dạy và nghiên cứu", Tiến sĩ Nguyễn Quân chia sẻ.

GDVN.JPG
Tiến sĩ Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam. Ảnh: Ngọc Mai

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, xét về giới tính, trong đội ngũ khoa học hiện nay, nam giới vẫn đông hơn nữ giới. Một số cơ sở giáo dục đại học lớn đã rút ngắn được khoảng cách khi số lượng nhà khoa học nữ có chiều hướng tăng lên. Ví dụ như Đại học Bách khoa Hà Nội, trước đây trường có ít giảng viên và cán bộ nghiên cứu là nữ giới. Nhưng trong thời gian gần đây, số lượng cán bộ, giảng viên, nhà khoa học nữ được cải thiện hơn. Đặc biệt trong số đó, có cán bộ, giảng viên nữ được phong chức danh giáo sư, phó giáo sư và giữ trọng trách lớn trong trường cũng tương đối.

"Thời điểm nước ta chưa chuyển sang cơ chế thị trường, bản thân phụ nữ vẫn còn quan điểm sống dựa vào chồng con, vướng bận nhiều thứ khác nên không học lên các trình độ học vấn cao hơn. Một số ít người cũng có tâm lý cho rằng dù học nhiều cũng chẳng làm gì nên phụ nữ lựa chọn cho mình được “an phận”. Còn hiện nay, nhiều nữ giới có thể tự chủ tài chính, không phụ thuộc vào nam giới và không lựa chọn an phận.

Song, đâu đó trong xã hội hiện nay, vẫn còn quan niệm truyền thống của người phụ nữ phương Đông, tức là người phụ nữ của gia đình, phải sinh con, chăm sóc con. Do đó, đến khi phụ nữ tiếp tục muốn đi học, làm nghiên cứu thì đã nhiều tuổi nên việc học trình độ cao gặp nhiều khó khăn.

Chưa kể, năng lực tập hợp đội ngũ để tạo nhóm nghiên cứu khoa học mạnh của nữ giới có phần chưa tốt bằng nam giới. Điều này do mối quan hệ của nam giới thường rộng hơn và họ có nhiều thời gian để toàn tâm, toàn ý đầu tư xây dựng mối quan hệ. Trong khi đó, phụ nữ ngoài làm việc, họ còn vướng bận nhiều hơn với cuộc sống chăm lo cho mái ấm gia đình", Tiến sĩ Quân chia sẻ.

Cần có ưu tiên, khích lệ giảng viên nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”

Từ thực tế những thách thức với giảng viên nữ làm nghiên cứu khoa học, để tăng tỷ lệ giảng viên nữ tham gia nghiên cứu khoa học, phấn đấu đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, theo Tiến sĩ Mai Thị Huyền, ngoài chăm lo đời sống vật chất, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần có chính sách để động viên, tạo điều kiện về thời gian khi giảng viên nữ tham gia nghiên cứu khoa học; các vị trí việc làm cũng nên có cơ cấu giữa nam và nữ. Đồng thời, cần có những khen thưởng, tạo động lực khích lệ giảng viên nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

“Về phía gia đình, mỗi cán bộ, giảng viên nữ khi làm nghiên cứu khoa học đều mong muốn nhận được sự cảm thông, chia sẻ, nhất là từ người chồng, các con”, cô Huyền chia sẻ.

Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thủy cho rằng, để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học nữ, cần phải có những chính sách khuyến khích riêng và đặc thù hơn cho họ. Đơn cử, trong một số chương trình khoa học và công nghệ quốc gia có thể áp dụng ưu tiên cho các nhà khoa học nữ để khuyến khích họ tham gia và phát triển mạnh, chuyên sâu hơn ở lĩnh vực nghiên cứu. Từ đó, hỗ trợ tốt hơn cho các nhà khoa học nữ phát triển tương đương với nhà khoa học nam trong sự nghiệp nghiên cứu, giúp họ cân bằng giữa chăm lo cuộc sống gia đình hạnh phúc và đóng góp giá trị cho xã hội.

Ngọc Mai