PGS.TS Đinh Thị Thái Mai: “Bất cứ phụ nữ nào cũng có thể nghiên cứu khoa học”

07/03/2024 07:05
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh năm 1983, PGS.TS Đinh Thị Thái Mai là PGS trẻ nhất ngành Điện tử năm 2023. Khi được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, cô mới 40 tuổi.

Ngày 20/11/2023, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành quyết định số 80/QĐ-HĐGSNN về công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023.

Trong đó, cô Đinh Thị Thái Mai - Phó chủ nhiệm phụ trách bộ môn Hệ thống viễn thông, Khoa Điện tử Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội chính là phó giáo sư trẻ nhất ngành Điện tử. Được biết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thái Mai sinh năm 1983, khi được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư, cô mới 40 tuổi.

Từ nữ sinh chuyên Toán đến phó giáo sư ngành Điện tử

Chia sẻ về cơ duyên đến với ngành Điện tử - một lĩnh vực được phần đông nam giới lựa chọn, cô Mai cho biết: “Trước đây, tôi học chuyên Toán nên yêu thích các lĩnh vực khoa học liên quan đến Toán. Vì thế tôi đã lựa chọn lĩnh vực Điện tử - Viễn thông khi vào đại học và gắn bó với lĩnh vực này từ đó đến nay.

Dấn thân vào lĩnh vực Điện tử - Viễn thông, nơi đa phần là nam giới, tôi xem khó khăn cũng là cơ hội để mình được thử sức và học hỏi. Tôi nhận thấy khi mình là nữ giới cũng có nhiều lợi thế ví dụ như nghiên cứu khoa học cần sự cẩn thận, tỉ mỉ là một đặc điểm thường có ở nữ.

Tôi may mắn khi được sự ủng hộ từ phía gia đình trên mọi phương diện. Gia đình là điểm tựa giúp tôi luôn tràn đầy năng lượng để làm việc và cống hiến theo đam mê của mình”.

z5222662654327_ee5aca34391a639190d70d25412a7b47.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thái Mai là phó giáo sư trẻ nhất ngành Điện tử năm 2023. (Ảnh: NVCC)

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, cô Mai lựa chọn học Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và tốt nghiệp năm 2006. Sau đó, cô tiếp tục học chương trình thạc sĩ của Pháp và nhận bằng năm 2008.

Về nước, cô học lên tiến sĩ và tốt nghiệp tiến sĩ ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử, Truyền thông tại Trường Đại học Công Nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của cô là truyền thông không dây trong mạng truyền thông thế hệ mới; ứng dụng định vị tìm đường đi trong Hệ thống mạng 5G/IoT; an ninh trong Mạng truyền thông.

Về các công trình nghiên cứu khoa học, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thái Mai đã công bố 40 công trình khoa học, trong đó 24 công trình thuộc hệ thống ISI/Scopus. Đồng thời, cô là tác giả chính của 10 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (ISI/Scopus), sở hữu 1 bằng độc quyền sáng chế, biên soạn 1 sách giáo trình bậc đại học. Không chỉ vậy, cô Mai còn tham gia nhiều đề tài các cấp, trong đó cô chủ trì và hoàn thành 2 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp cơ sở.

Ngoài ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thái Mai cũng đạt nhiều khen thưởng về hoạt động công đoàn và danh hiệu về gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở năm 2015; Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2020-2021, năm học 2021-2022; Huy chương Vàng cuộc thi Sáng chế quốc tế năm 2021.

z5222657993503_2826fd369b9d54a2cb58d11d34981ff6.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thái Mai cũng đạt nhiều khen thưởng về hoạt động công đoàn và danh hiệu về gương mặt trẻ tiêu biểu. (Ảnh: NVCC)

“Bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể nghiên cứu khoa học”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thái Mai, bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể nghiên cứu khoa học, chỉ cần có sự tự tin và mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình. Cô Mai cũng cho biết, với ngành Điện tử từ khi thực hiện các đề tài nghiên cứu đến ứng dụng nghiên cứu vào thực tế là cả một quá trình gian nan mà người làm cần có đủ sự kiên trì, quyết tâm, không bỏ cuộc giữa chừng.

“Với lĩnh vực Điện tử - Viễn thông từ nghiên cứu lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình từ việc đưa ra bài toán, sử dụng các công cụ toán học để giải quyết bài toán, mô phỏng đánh giá lý thuyết và thực nghiệm.

Việc đưa nghiên cứu lý thuyết vào ứng dụng thực tiễn không phải khi nào cũng thuận lợi và đạt được kết quả như mong đợi. Chính vì thế, nghiên cứu có thể lặp đi lặp lại nhiều lần mới thành công. Để có được một sản phẩm hoàn chỉnh gồm từ lý thuyết đến thực tế thì có thể mất cả năm hoặc thời gian hơn thế”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thái Mai chia sẻ.

Image-1.jpeg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Thái Mai đã công bố 40 công trình khoa học, trong đó 24 công trình thuộc hệ thống ISI/Scopus. (Ảnh: NVCC)

Quá trình nghiên cứu khoa học cùng các bạn sinh viên cũng để lại cho cô Mai nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó có một nghiên cứu được thực hiện trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, tưởng chừng như không thể hoàn thành nhưng cuối cùng với sự quyết tâm, đam mê nghiên cứu khoa học, dự án của cô cũng thành công và đạt được nhiều kết quả thiết thực.

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là khi thực hiện nghiên cứu về định vị trong nhà sử dụng thiết bị iBeacon. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian Covid-19, nên thường bị gián đoạn khi làm thực nghiệm, nhiều lúc cả nhóm cũng nản nhưng cuối cùng cô trò cùng vượt qua và ra được khá nhiều kết quả đáng ghi nhận”, cô Mai bày tỏ.

Sau khi được công nhận đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2023, cô Mai cho biết sẽ tiếp tục con đường mà mình đã chọn, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung vào đào tạo và bồi dưỡng các thế hệ trẻ tài năng. Đặc biệt, trong thời gian tới, cô cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hướng nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông.

Vừa là một nhà khoa học, vừa làm vợ làm mẹ, cô Mai cho biết để cân bằng giữa công việc và cuộc sống cô luôn tách bạch giữa công việc với gia đình. Ở mỗi vị trí cô đều dành toàn bộ tình yêu và thời gian của mình.

“Khi ở nhà, tôi dành gần như 100% thời gian để chăm sóc gia đình. Khi đến cơ quan, là thời gian tôi tập trung toàn bộ sức lực để giải quyết triệt để các công việc.

Tôi luôn tin rằng bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ luôn hoàn thành tốt vai trò của mình trên mọi cương vị. Nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8/3, tôi cũng chúc tất cả những người phụ nữ sẽ luôn tràn đầy tự tin và mạnh dạn theo đuổi những gì mà mình mong muốn. Phụ nữ chúng ta luôn đẹp khi là chính mình”.

Nhật Lệ