Nữ giáo sư người Việt đầu tiên của ĐH Việt - Pháp: Dấn thân để nuôi dưỡng đam mê

08/02/2024 06:42
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lần đầu tiên, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (ĐH Việt - Pháp) có một nhân sự cơ hữu người Việt được công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh là 1 trong 12 nữ ứng viên được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2023 (chưa bao gồm các ứng viên ngành Quân sự và An ninh).

Sự kiện này đã đặt một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) - biểu tượng hợp tác về giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Pháp khi lần đầu tiên trường có một nhân sự cơ hữu người Việt được công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư. Đặc biệt hơn nữa, nữ giáo sư cũng chính là hiệu trưởng người Việt đầu tiên, bên cạnh hiệu trưởng chính là người Pháp cùng tham gia vào công tác quản lý trường.

Tân Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Ảnh: USTH

Tân Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Ảnh: USTH

Những thí nghiệm hóa học làm cho con người ta mềm mại hơn

Cô Mai Thanh gây ấn tượng với mọi người bởi sự nhiệt thành, hào sảng cùng năng lượng tích cực, lạc quan tràn đầy. Nói về việc đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, nữ hiệu trưởng tâm sự, đó là cả quá trình nỗ lực và phấn đấu trong suốt chặng đường gần 30 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

“Để trở thành giáo sư là cả một quá trình. Năm 2010, khi được công nhận đạt chuẩn phó giáo sư, tôi đã lên kế hoạch cho cuộc đời mình là đến năm 2020 phấn đấu để trở thành giáo sư.

Tuy nhiên, năm 2016 một ngã rẽ bất ngờ của cuộc đời đã đến khi tôi được điều chuyển công tác từ Viện kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam sang USTH để đảm nhiệm vị trí Phó Hiệu trưởng. Bước ngoặt mới đã khiến kế hoạch của tôi có phần chậm trễ hơn so với dự định ban đầu”, Giáo sư Mai Thanh kể lại hành trình phấn đấu trở thành giáo sư của mình với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Năm 2016, từ vị trí Phó Viện trưởng một viện nghiên cứu, cô Mai Thanh chuyển sang làm công tác quản lý ở trường đại học với nhiều trọng trách hơn. Bởi vậy, nói về khoảng thời gian chuẩn bị cho quá trình trở thành giáo sư, nữ hiệu trường chỉ hình dung bằng 2 từ, đó là “áp lực”.

“Khi đã ở cương vị là người hiệu trưởng, chức danh giáo sư không chỉ là mục tiêu phấn đấu vì sự nghiệp cá nhân, đó còn là sự nêu gương cho những người đồng nghiệp, cán bộ, giảng viên toàn trường”, cô Mai Thanh bày tỏ.

Trải qua 3 vòng xét duyệt nghiêm ngặt từ cấp cơ sở đến hội đồng ngành và cuối cùng là cấp nhà nước, cái tên Đinh Thị Mai Thanh - ứng viên giáo sư ngành Hóa học đã chính thức được thông qua.

“Được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư với tôi đó là một niềm vui, vinh dự và tự hào lớn”, tân giáo sư Đinh Thị Mai Thanh chia sẻ.

Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh nhận quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư. Ảnh: USTH

Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh nhận quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư. Ảnh: USTH

Cô dùng hai từ “diệu kỳ” khi chia sẻ về hành trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy của bản thân. Với cô Mai Thanh, đó vừa là sự kỳ diệu của hóa học vừa là sự kỳ diệu nảy nở từ những nỗ lực miệt mài không ngừng.

Tân giáo sư tâm sự, cô đến với Hóa học như một lẽ tự nhiên. Hồi còn học phổ thông, Hóa học là môn nữ sinh Mai Thanh học giỏi và “nằm lòng” nhất. Được sự định hướng từ gia đình, năm 1990, cô Mai Thanh thi đậu ngành Sư phạm Hóa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Năm 1994, tốt nghiệp ra trường với tấm bằng giỏi, cô Mai Thanh quyết định ứng tuyển vào làm tại Viện kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam để tiếp tục thỏa mãn niềm đam mê với nghiên cứu hóa học.

Những thành quả đóng góp trong nghiên cứu của nữ giáo sư được ghi nhận thông qua nhiều giải thưởng và bằng khen, tiêu biểu như Giải thưởng thanh niên năm 2005, Giải thưởng UNESCO- L’OREAL Vietnam National Fellowship for Women in Science năm 2010, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020; Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

“Hóa học sở hữu sức hấp dẫn rất riêng. Sự kết hợp của các chất trong hóa học tạo nên những biến đổi bất ngờ. Ví dụ như có những chất ban đầu không mùi, nhưng qua phản ứng hóa học lại tạo ra một chất mới có mùi thơm.”

Tân giáo sư ví von các nhà hóa học giống như những đầu bếp đang chế biến món ăn, thông qua sự kết hợp của những “nguyên liệu” khác nhau để tạo ra vô số sản phẩm hóa học có ích được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống, sản xuất công nghiệp, y tế,...

Nữ giáo sư hào hứng chia sẻ: “Chính sự kỳ diệu của hóa học dường như làm chúng ta trở nên mềm mại hơn.”

Cô nhấn mạnh ở bất kỳ lĩnh vực nào, tinh thần “dấn thân” chính là điều quan trọng nhất để nuôi dưỡng đam mê. Suốt hành trình nghiên cứu của mình, cô Mai Thanh tâm sự, có muôn vàn điều kỳ diệu đã đến nhưng cũng khó tránh khỏi những lúc gặp khó khăn.

“Trong nghiên cứu, không phải thí nghiệm nào cũng thành công. Nhà nghiên cứu phải đối mặt với nhiều thất bại. Tuy nhiên, đây là điều chúng tôi phải chấp nhận khi triển khai nghiên cứu khoa học thực nghiệm.”

Và vì vậy tôi hy vọng rằng sẽ có một ngày, trong công bố khoa học không chỉ viết về các kết quả thành công, mà còn đề cập tới những thí nghiệm thất bại. Việc này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tránh lặp lại “dấu chân” thất bại tương tự.

Và đôi khi, với mình, thí nghiệm đó là thất bại nhưng với nhà khoa học ở những lĩnh vực khác, kết quả này có thể sử dụng làm tiền đề cho các sản phẩm có ích khác,” Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh chia sẻ.

Năng lực khoa học của phụ nữ không hề thua kém so với nam giới

Dấn thân ở nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học, giảng dạy tới công tác quản lý, theo cô Mai Thanh, ngoài nỗ lực của chính bản thân thì sự hậu thuẫn, ủng hộ từ phía gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng.

Trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên, nữ giáo sư nhắc nhiều tới hình ảnh người chồng - hậu phương vững chắc đã luôn ủng hộ, động viên và tạo điều kiện để cô theo đuổi sự nghiệp của mình.

“Ở Việt Nam, tôi thấy ngày càng có nhiều nhà khoa học nữ, ngay tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hay tại trường USTH của chúng tôi là một ví dụ”, nữ giáo sư chia sẻ.

Nữ giáo sư khẳng định, trình độ và năng lực khoa học của phụ nữ không hề thua kém so với nam giới. Song, thiên chức làm vợ, làm mẹ, cùng bản năng chu toàn, chăm sóc gia đình đã vô tình khiến phụ nữ gặp không ít rào cản, thách thức khi theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học.

“Ở trường chúng tôi cũng vậy, không hiếm gặp hình ảnh những nữ giảng viên đến tối muộn vẫn miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm. Bởi vậy, sự ủng hộ và tạo điều kiện từ phía gia đình, người thân là điều cực kỳ quan trọng.

Tôi cũng muốn nhắn gửi tới các nhà khoa học nữ trên hành trình theo đuổi sự nghiệp, hãy luôn giữ vững ngọn lửa đam mê và sự bền bỉ, đi đến cùng, chắc chắn sẽ gặt hái được những thành quả tốt đẹp”.

Nhận xét về người cộng sự của mình, Giáo sư Jean-Marc Lavest - Hiệu trưởng chính của USTH bày tỏ Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh là tấm gương cho tất cả giảng viên, sinh viên noi theo.

“Sự mạnh mẽ và nỗ lực của giáo sư Mai Thanh với USTH là một ví dụ điển hình. Năng lực trong công tác quản trị, và công tác khoa học của giáo sư khiến nhà trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và đồng nghiệp từ các trường đại học khác phải nể trọng.

Chính những phẩm chất con người của giáo sư đã tạo ra sự đặc biệt ấy - khả năng lắng nghe, thấu hiểu, tìm ra sự cân bằng phù hợp khi làm việc với các đối tác; cũng như việc luôn quan tâm đến đại gia đình USTH, và là người phụ nữ luôn chăm lo cho gia đình riêng, cho chồng và con của mình”, Giáo sư Jean-Marc Lavest chia sẻ.

Từ năm 2016, cô Mai Thanh được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tin tưởng giao trọng trách Phó Hiệu trưởng và sau đó là Hiệu trưởng USTH, dẫn dắt trường trong giai đoạn quan trọng: phát triển bền vững và mở rộng.

Trong suốt 7 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh và Ban Giám hiệu USTH, nhà trường đã có những bước tiến vượt bậc trong đào tạo và nghiên cứu, trở thành dự án hợp tác giáo dục đại học thành công nhất của Pháp tại nước ngoài và tự hào là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp.

“Trong thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu và giảng dạy của mình, và thực hiện những kế hoạch phát triển Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - USTH theo chiến lược đã đề ra.

Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vững mạnh để làm nền tảng cho quá trình phát triển mở rộng nhà trường trong giai đoạn tới. Trường USTH sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt được tỷ lệ 20% giảng viên-nghiên cứu viên là giáo sư, phó giáo sư vào năm 2030”, nữ hiệu trưởng chia sẻ.

.

Doãn Nhàn