Vấn nạn sản xuất, in ấn, buôn bán sách giáo khoa giả: Những con số gây nhức nhối

28/06/2024 09:28
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Việc sản xuất, in ấn, buôn bán sách giáo khoa giả, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các nhà xuất bản và quyền lợi học sinh, người sử dụng. 

Vừa qua, Công an thành phố Đà Nẵng đã phá thành công chuyên án SGK-192, triệt phá đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn từ năm 2012 đến nay, với số lượng lên tới hơn 4 triệu cuốn sách.

Đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến vấn nạn sách giáo khoa giả. Trước đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt phá nhiều vụ liên quan đến việc sản xuất, in ấn, buôn bán sách giáo khoa giả, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các nhà xuất bản, quyền lợi của người sử dụng.

Untitled.jpg
Ảnh: Công an Đà Nẵng.

Có bao nhiêu cuốn sách giáo khoa làm giả đã được phát hiện?

Vụ việc đáng chú ý liên quan đến ông Trần Hùng - cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường và 17 bị cáo khác trong vụ án hơn 9,4 triệu cuốn sách giáo khoa giả được Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đem ra xét xử hồi tháng 1/2024 cũng khiến dư luận quan tâm. [1]

Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Hùng 9 năm tù về hành vi nhận hối lộ 300 triệu đồng để bao che cho doanh nghiệp sản xuất sách giáo khoa giả. Bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát) bị tuyên phạt 8 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Theo cáo trạng, Cao Minh Thuận đã tiêu thụ hơn 6 triệu quyển sách giáo khoa giả, thu lời bất chính hơn 30 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, trong năm 2021, Cao Minh Thuận tổ chức sản xuất và thực tế nhập kho hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa các loại, giả sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác, với trị giá hàng thật là hơn 260 tỷ đồng.

Theo thông tin đăng tải trên báo Sóc Trăng, ngày 4/6/2024, Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với lực lượng công an địa phương tổ chức kiểm tra đột xuất Công ty Trách nhiệm hữu hạn B.H có địa chỉ tại Phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện công ty đang kinh doanh các loại sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tổng số lượng là 40.155 quyển, tổng giá trị hàng hóa gần 600 triệu đồng.

Có tổng số 47 loại sách giáo khoa có dấu hiệu giả mạo, trên bìa của tất cả các loại sách này đều có ghi dòng chữ “Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam”. Qua đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số lượng sách có dấu hiệu giả mạo để tiếp tục thẩm tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.

Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã có văn bản gửi Nhà xuất bản Giáo dục tại thành phố Cần Thơ để yêu cầu xác định. Kết quả toàn bộ số sách bị tạm giữ là giả mạo về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. [2]

Cuối tháng 5/2024, lực lượng chức năng phát hiện một doanh nghiệp tại Đồng Nai kinh doanh, buôn bán hàng hóa là sách giáo khoa các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bao gồm 33.809 bản phẩm các loại. Tổng trị giá hàng hóa theo giá bán niêm yết là 607.035.000 đồng.

Toàn bộ sách giáo khoa trên bìa có logo “GD” và ghi tên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, có tem chống hàng giả trên các ấn phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp này chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của toàn bộ số hàng hóa này. [3]

Vào tháng 7/2023, Đội Quản lý thị trường số 5 (thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Dương) phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sách và Thiết bị giáo dục Duy Ngân (đường Huỳnh Văn Lũy, Khu phố 6, Phường Phú Lợi, Thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương). [4]

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3.445 quyển sách giáo khoa các loại đang kinh doanh tại công ty trên có dấu hiệu là hàng giả mạo nhãn hàng hóa; tổng giá trị hơn 198 triệu đồng.

Đại diện công ty này không xuất trình được hóa đơn chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số sách giáo khoa đang bán tại cửa hàng.

Trước đó, vào tháng 1/2023, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét, bắt tạm giam 3 tháng đối với Vũ Ngọc Anh (52 tuổi, trú tại tổ 4, thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng) về tội buôn bán hàng giả. Vũ Ngọc Anh là chủ nhà sách tự chọn ở huyện Đông Hưng.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, dù biết Cao Thị Minh Thuận - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, chủ Nhà sách Minh Thuận (358 Nguyễn Trãi, Hà Nội) sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả nhưng năm 2021, Vũ Ngọc Anh vẫn mua 750 thùng sách với trên 90.000 quyển sách giáo khoa các loại, có trị giá trên 2 tỷ đồng về bán ở Thái Bình. [5]

Vào ngày 18/6/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an Thành phố Hà Nội phát hiện một đường dây in, gia công, tiêu thụ sách giáo khoa giả có quy mô cực lớn.

Đối tượng tiêu thụ sách giả của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như: Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi nhuận thu được thông qua bán sách giáo khoa giả của đường dây này lên tới 50 tỷ đồng. [6]

Liên quan đến sách giáo khoa giả, ngày 12/6/2019, Đội kiểm tra liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Bình Định phối hợp Công an Huyện Hoài Nhơn cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc phát hành xuất bản tại nhà sách Mỹ Huyền do ông Lê Văn Hải làm chủ.

Kết quả đã phát hiện 72.602 cuốn sách giáo khoa các loại ghi Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sản xuất nhưng lại không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Qua kiểm tra, xác định sơ bộ số xuất bản phẩm nêu trên không phải do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Vụ việc được chuyển cho Cơ quan An ninh điều tra tiến hành trưng cầu giám định và xác định số sách trên đều là giả với tổng trị giá hơn 1 tỉ đồng. [7]

Sách giả khiến sách thật "lao đao"

Bài viết "Vấn nạn sách giả, sách lậu khiến nhà xuất bản kiệt quệ" đăng tải ngày 22/3/2024 trên baodautu.vn dẫn chia sẻ của bà Nguyễn Kim Thoa - Giám đốc Tân Việt Books. Bà Thoa bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng sách giả, sách lậu bày bán tràn lan ở vỉa hè, trong hiệu sách, nhất là tại các thành phố lớn. Theo bà Thoa, các đơn vị làm sách chân chính chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế, công sức, thời gian. Bởi vì, để làm ra một cuốn sách, phải đầu tư công phu từ việc đi mua bản quyền, ký hợp đồng khai thác, chi phí dịch thuật, thiết kế, in ấn, phát hành, quảng cáo.

Chia sẻ tại Hội thảo “Nhận diện các hành vi vi phạm in lậu, làm giả xuất bản phẩm, gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và các giải pháp phòng, chống” hồi cuối tháng 6/2023, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, năm 2022, toàn ngành đã tiến hành 1.632 cuộc thanh tra, kiểm tra (tăng 126% so với năm 2021 - 722 cuộc), thu hồi, tiêu hủy trên 128.476 ấn phẩm; xử lý 7,27 tấn bán thành phẩm không rõ nguồn gốc, xử phạt hơn 1 tỷ đồng.

Cục Xuất bản cũng chỉ ra những loại sách thường bị in lậu là sách giáo khoa, tham khảo, sách giáo trình; sách dạy và học ngoại ngữ; sách văn học; sách phổ biến kiến thức, sách chính trị, pháp luật; Sách “đen”. Đây là loại sách đặc biệt nguy hại, còn được gọi là sách “độc hại” hay sách “ngoài luồng”, mặc dù không được phép xuất bản nhưng những loại sách này vẫn xuất hiện trên thị trường nên cũng thuộc loại sách in lậu…

Sách lậu, sách giả ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của các nhà xuất bản nói riêng, ngành xuất bản, phát hành sách nói chung và làm cho hoạt động của ngành xuất bản, phát hành gặp khó khăn.

Thông tin tại Hội thảo cho biết, theo thống kê của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến năm 2023, đã phát hiện trên 3,3 triệu bản sách, hơn 100.000 đĩa CD và gần 41 tấn bán thành phẩm sách giáo dục bị in lậu, tàng trữ để tiêu thụ lậu tại nhiều tỉnh, thành trong nước.

Theo chia sẻ của bà Vũ Thủy - Giám đốc bản quyền Công ty Cổ phần sách Thái Hà tại Hội thảo, đơn vị đo lường được số lượng sách bán của những đầu sách bán chạy đã giảm 40% so với trước 2020 và có hơn 100 đầu sách đang bị in lậu, chiếm 60% số đầu sách bán chạy của Thái Hà Books.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/dau-dau-truoc-nan-sach-gia-sach-lau_151057.html#google_vignette

[2]https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/thu-giu-hon-40-000-quyen-sach-gia-mao-sach-cua-nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-tri-gia-gan-600-trieu-dong-73997.html

[3]: https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-gan-34000-sach-giao-khoa-nghi-gia-nhan-hieu-nha-xuat-ban-giao-duc-post957005.vnp

[4]https://baobinhduong.vn/chuyen-ho-so-vu-buon-ban-hang-ngan-quyen-sach-giao-khoa-gia-qua-cong-an-thu-ly-a304181.html

[5]https://vietnamnet.vn/bat-chu-cua-hang-sach-tu-chon-ban-hon-90-nghin-cuon-sach-giao-khoa-gia-2096594.html

[6]:https://thanhnien.vn/triet-pha-duong-day-san-xuat-tieu-thu-3-trieu-cuon-sach-giao-khoa-gia-1851080035.htm

[7]https://binhdinh.gov.vn/tin-tuc/diem-bao/binh-dinh-khoi-to-3-nguoi-mua-ban-sach-giao-khoa-khong-ro-ng.html

Thi Thi