Nhức nhối nạn sản xuất, in ấn, buôn bán sách giáo khoa giả

27/06/2024 06:33
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Đã có nhiều vụ việc sản xuất, in ấn, buôn bán sách giáo khoa giả bị cơ quan chức năng phát hiện.

Vừa qua, Công an thành phố Đà Nẵng đã phá thành công chuyên án SGK-192, triệt xóa đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn trên địa bàn. Cơ quan công an đã xác định và làm rõ Lê Duy Quang (42 tuổi) và Nguyễn Văn Ánh (44 tuổi) cùng trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) là hai nghi phạm cầm đầu.

Tiếp tục mở rộng điều tra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ban chuyên án phát hiện, bắt thêm các nghi phạm khác trong đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa nêu trên, gồm Nguyễn Trung Luật (43 tuổi, trú quận 12), Phạm Ngọc Quang (47 tuổi, trú quận Gò Vấp), Phạm Thạch Kim Điền (39 tuổi, trú quận Bình Tân).

Cơ quan công an đã thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm, trị giá khoảng 12 tỉ đồng, toàn bộ máy in, máy cắt, máy đóng kim, máy may chỉ, máy dán keo, xe ô tô, bản kẽm, giấy in... Đồng thời tạm giữ hình sự các nghi phạm liên quan để tiếp tục điều tra mở rộng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. (1)

sach.jpg
Tang vật thu giữ trong đường dây làm giả 4 triệu cuốn sách giáo khoa tại Đà Nẵng mới đây. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đáng nói, đây không phải là vụ việc duy nhất liên quan đến vấn nạn sách giáo giáo khoa giả.

Vào ngày 30/5/2024, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Công an huyện Nhơn Trạch cũng đã kiểm tra và phát hiện lô sách giáo khoa hơn 33.800 bản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa theo giá bán niêm yết khoảng 607 triệu đồng.

Toàn bộ số hàng hóa là sách giáo khoa trên bìa có logo “GD”, ghi tên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có tem chống hàng giả có dấu hiệu giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, chủ doanh nghiệp chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của toàn bộ số hàng hóa này. (2)

Cùng chung "vấn nạn" này có thể nói đến vụ việc đáng chú ý liên quan đến ông Trần Hùng - cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường và 17 bị cáo khác trong vụ án gần 9,5 triệu cuốn sách giáo khoa giả được Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đem ra xét xử hồi tháng 1/2024.

Sau khi xem xét, tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ” đối với ông Trần Hùng. Bị cáo Cao Thị Minh Thuận (Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát), tuyên phạt bị cáo này 8 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”. (3)

Thông qua quá trình điều tra của cơ quan chức năng đã lộ ra mánh khóe của các đối tượng trong việc làm giả và tiêu thụ sách giáo khoa giả. Theo đó, năm 2020, Cao Thị Minh Thuận, Hoàng Mạnh Chiến cùng đồng phạm thiết lập dây chuyền thu mua giấy, in ấn sách giáo khoa giả. Nhóm này sử dụng hàng chục địa điểm tại Hà Nội để làm hệ thống văn phòng, nhà xưởng, kho hàng phục vụ cho việc in ấn, gia công, tập kết và phân phối sách giả đến nhiều địa phương như Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...

Ngày 9/7/2020, ông Trần Hùng trực tiếp chỉ đạo Đội Quản lý thị trường số 15 và 17 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội cùng lực lượng chức năng quận Hoàng Mai và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kiểm tra, phát hiện xưởng cất giấu hơn 27.000 sách giáo khoa giả do Công ty Phú Hưng Phát in ấn. Trong quá trình giải quyết vụ việc, Nguyễn Duy Hải đã gặp và tác động để nhờ ông Hùng xử lý nhẹ đối với sai phạm của các cá nhân và doanh nghiệp liên quan.

Sau đó, ông Hùng lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không chỉ đạo cấp dưới giải quyết, xử lý theo quy định pháp luật đối với vụ việc liên quan 2 doanh nghiệp in và phân phối sách giả. Cho đến khi bị bắt, nhóm của Cao Thị Minh Thuận đã tiếp tục sản xuất, in ấn và tiêu thụ sách giả.

Cũng liên quan đến sách giáo khoa giả, ngày 18/6/2021, cơ quan điều tra bắt quả tang Hoàng Mạnh Chiến cùng chiếc xe tải tại một kho hàng ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong xe tải có hơn 9 nghìn cuốn sách giáo khoa giả, dán tem giả của nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (4)

Trước đó, vào tháng 7/2023, Đội Quản lý thị trường số 5 (thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Dương) phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra tại Công ty TNHH Sách và Thiết bị giáo dục Duy Ngân có địa chỉ tại thành phố Thủ Dầu Một. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của 3.455 cuốn sách giáo khoa đang bán tại cửa hàng, có tổng giá trị gần 200 triệu đồng.

Qua đối chiếu hồ sơ, mẫu sách giáo khoa thật và văn bản phúc đáp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cơ quan chức năng xác định toàn bộ số lượng sách giáo khoa trên đều là hàng giả mạo nhãn hàng hóa; các thông tin thể hiện trên cuốn sách này đều là giả mạo sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (5)

Cũng trong tháng 7/2023, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính Nhà sách Hải Vân ở thị trấn Cái Nước với số tiền 48 triệu đồng.

Được biết, cơ sở này bày bán sách giáo khoa các loại với số lượng 470 bản/24 tên xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp, chủ yếu là sách tiếng Anh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (6)

Cũng liên quan đến "vấn nạn" này, vào tháng 6/2019, Đội kiểm tra liên ngành Phòng chống in lậu tỉnh Bình Định đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm tại nhà sách Mỹ Huyền, số 33 đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Bồng Sơn. Cơ sở này do Lê Văn Hải làm chủ.

Qua kiểm tra phát hiện 72.602 cuốn sách các loại ghi Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Hải khai nhận đã mua số sách này tại một số nhà sách trong và ngoài tỉnh, không phải mua của Công ty sách và thiết bị Bình Định. Đội liên ngành đã phối hợp với Nhà Xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng để kiểm tra, xác định sơ bộ số xuất bản phẩm nêu trên không phải do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam phát hành. (7)

Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông trong tháng 7/2019, Đội Quản lý thị trường số 12 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất 3 cơ sở kinh doanh sách trên địa bàn tỉnh này.

Qua kiểm tra thực tế 3 cơ sở kinh doanh gồm: Lê Văn Trí (thành phố Pleiku); siêu thị nhà sách Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) và cơ sở kinh doanh Toàn (thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) phát hiện các cơ sở này đang tàng trữ sách in để bán ra ngoài thị trường.

Số lượng sách lưu trữ lên tới 3.577 quyển (gồm sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9; sách bài tập bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 7 và sách tin học). Tại thời điểm kiểm tra toàn bộ số sách trên chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định. Đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục cũng đã xác định toàn bộ số sách trên là sách giả và tem dán trên sách là tem giả. (8)

Tư liệu tham khảo:

(1) https://giaoduc.net.vn/bo-truong-bo-gddt-tang-bang-khen-cho-luc-luong-cong-an-da-nang-post243632.gd

(2) https://laodong.vn/thi-truong/phat-hien-hon-33000-cuon-sach-giao-khoa-co-dau-hieu-gia-mao-o-dong-nai-1346826.ldo

(3) https://vneconomy.vn/vu-9-4-trieu-sach-giao-khoa-gia-dung-toi-danh-khong-oan.htm

(4) https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-bat-sach-gia-khung-lien-quan-ong-tran-hung-khoi-to-them-22-bi-can-20220407195734393.htm

(5) https://thanhnien.vn/binh-duong-dieu-tra-vu-buon-ban-hang-ngan-cuon-sach-giao-khoa-gia-185230827093403808.htm

(6) https://cand.com.vn/Thi-truong/bi-phat-48-trieu-dong-vi-ban-sach-giao-khoa-gia-i699159/

(7) https://tuoitre.vn/khoi-to-3-chu-cua-hang-sach-mua-ban-72-600-cuon-sach-giao-khoa-gia-2020051609451138.htm

(8) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bat-giu-hang-nghin-quyen-sach-giao-khoa-bi-dan-tem-gia-20190715105213538.htm

Trung Dũng