Vẫn còn nhiều loại hồ sơ vô bổ làm khổ giáo viên

14/03/2024 06:44
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những loại hồ sơ nào cần thiết, kế hoạch nào thiết thực hãy nên yêu cầu tổ trưởng, giáo viên thực hiện, nếu không cần thiết thì đơn giản hóa cho giáo viên.

Mặc dù số lượng hồ sơ, sổ sách của giáo viên đã được quy định rõ tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT và trước đó, Bộ cũng từng ban hành Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT để chấn chỉnh, lạm dụng hồ sơ sổ sách ở các nhà trường. Tuy nhiên, thực tế tại nhiều trường học hiện nay đang yêu cầu giáo viên, đặc biệt là tổ trưởng chuyên môn làm quá nhiều loại kế hoạch không thực sự cần thiết.

Điều mà các tổ trưởng chuyên môn và giáo viên ở nhiều trường học dễ dàng nhìn thấy là đa phần các phó hiệu trưởng chuyên môn đều rất sợ cấp trên nên đã yêu cầu các tổ trưởng chuyên môn làm nhiều kế hoạch, nhiều loại sổ sách vô bổ, hình thức nhưng đang mất khá nhiều thời gian.

Nhiều tổ trưởng đã lên tiếng, góp ý kiến nhưng một số phó hiệu trưởng không lắng nghe, nhiều khi còn bị xem là những người hay có ý kiến. Vì thế, mỗi năm học làm hàng loạt kế hoạch và thực hiện vô số các loại kế hoạch khác nhau để Ban giám hiệu phê duyệt xong thì lưu vào hồ sơ của tổ nhưng có những loại hồ sơ chẳng để làm gì.

Thỉnh thoảng, sở, phòng giáo dục về kiểm tra- nhiều khi những cán bộ kiểm tra cũng chẳng xem đến vì họ cũng chỉ căn cứ vào những loại hồ sơ bắt buộc đã được ngành quy định. Thế nhưng, tổ trưởng chuyên môn của nhiều trường học hiện nay vẫn phải thực hiện nhiều đầu công việc qua từng năm một cách nhàm chán, vô nghĩa.

ho-so-188-1098.jpg
Ảnh minh họa

Một tổ thao giảng cấp trường, tổ trưởng cả trường khổ theo

Một nữ tổ trưởng chuyên môn cấp Trung học cơ sở ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: Bản thân là một giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn gần 20 năm trời, thường xuyên đọc, tìm hiểu các văn bản chỉ đạo của ngành và đã làm việc với nhiều phó hiệu trưởng chuyên môn ở nhiều nhiệm kỳ, nhiều trường học khác nhau.

Điều mà bản thân rút ra được là khi làm việc với những phó hiệu trưởng chuyên môn thấy họ có phần máy móc, rập khuôn khi yêu cầu các tổ trưởng chuyên môn thực hiện các loại hồ sơ sổ sách khác nhau.

Những loại hồ sơ mà theo quy định, hoặc không có trong quy định nhưng cần thiết cho quản lý chuyên môn thì không nói làm gì. Đằng này, nhiều loại hồ sơ mà giáo viên này bỏ ra rất nhiều thời gian tìm kiếm xem có văn bản nào hướng dẫn hay không nhưng tuyệt nhiên không có.

Chẳng hạn, hiện nay mỗi năm học, các trường phổ thông đều phải thực hiện một số tiết thao giảng chuyên đề cấp trường nhưng cách thực hiện thì khác nhau hoàn toàn. Có những trường chỉ lên kế hoạch chuyên đề và phân công cho một tổ chuyên môn thực hiện và dạy minh họa 1 tiết.

Ngày dạy minh họa, nhà trường sẽ thông báo những giáo viên không có tiết dạy trùng với thời điểm dạy thao giảng vào dự giờ và rút kinh nghiệm. Hoặc, những trường lớn thì yêu cầu mỗi tổ chuyên môn cử 1 giáo viên đại diện tổ đến dự giờ.

Sau khi dự tiết thao giảng, những giáo viên dự giờ sẽ cùng với phó hiệu trưởng chuyên môn rút kinh nghiệm tiết minh họa và kết thúc chuyên đề. Mỗi năm, trường sẽ thực hiện 2 tiết thao giảng chuyên đề như vậy là xong.

Tuy nhiên, có những trường lại yêu cầu đại diện các tổ đến dự tiết thao giảng cấp trường, sau đó yêu cầu tổ trưởng của các tổ chuyên môn trong toàn trường về dự thêm 1 tiết của giáo viên trong tổ mình và làm biên bản rút kinh nghiệm để nộp cho Ban giám hiệu.

Việc làm này cực kì vô lí vì tổ chuyên môn khác thao giảng, mỗi tổ có những đặc trưng và kiến thức khác nhau, dẫn đến phương pháp và hoạt động dạy học cũng có thể khác nhau.

Hơn nữa, tiết thao giảng cấp trường (do 1 tổ minh họa) nên có thể các tổ trưởng các tổ khác không thể đi dự được vì họ cũng có tiết dạy trên lớp và nếu tổ trưởng có đi dự thì giáo viên được dự giờ chắc gì đã dự giờ làm sao thực hiện theo chuyên đề của tổ chuyên môn khác?

Hơn nữa, trong phiếu dự giờ có phần đánh giá, nhận xét tiết dạy cụ thể thì yêu cầu làm biên bản rút kinh nghiệm tiết dạy để làm gì? Theo nội dung giảng dạy của chương trình Ngữ văn hiện nay (chương trình 2006) mà giáo viên đang dạy cho học sinh chỉ có 2 loại biên bản, đó là: biên bản hội nghị và biên bản sự vụ.

Việc dự giờ giáo viên bình thường trên lớp mà yêu cầu làm biên bản rút kinh nghiệm không thuộc vào loại biên bản nào khi chỉ có 2 đối tượng: tổ trưởng (người dự giờ) và giáo viên (người giảng dạy) với nhau.

Nghịch lí như vậy nhưng vẫn có Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu các tổ trưởng chuyên môn thực hiện từ năm này sang năm khác. Trong khi, mỗi năm học, giáo viên, đặc biệt là các tổ trưởng chuyên môn còn phải xây dựng và tham dự nhiều chuyên đề của tổ chuyên môn của mình và của Hội động bộ môn.

Nếu cấp nào cũng yêu cầu tổ chức dạy minh họa chuyên đề xong lại tiếp tục đi dự giờ của giáo viên trong tổ để làm biên bản rút kinh nghiệm thì có lẽ tháng nào tổ trưởng chuyên môn cũng chỉ lo đi dự giờ và làm biên bản rút kinh nghiệm để nộp cho phó hiệu trưởng nhà trường.

Cần đơn giản các loại hồ sơ sổ sách cho giáo viên

Tại Khoản 2, 3,4 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường phổ thông quy định hồ sơ của giáo viên, tổ chuyên môn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông gồm:

2. Đối với tổ chuyên môn:

a) Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học).

b) Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

3. Đối với giáo viên:

a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).

c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử. Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

Như vậy, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào, giáo viên, tổ chuyên môn thực hiện từ 3-4 loại hồ sơ. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử thay cho hồ sơ giấy giảm áp lực cho nhà giáo cả nước.

Thế nhưng, một số phó hiệu trưởng chuyên môn máy móc thêm vào một số loại kế hoạch khác nhau để “thà làm thừa còn hơn làm thiếu” cho khỏi bị góp ý, phê bình khi bị cấp trên kiểm tra. Vì thế, nhiều trường học hiện nay có nhiều loại kế hoạch không thực sự cần thiết.

Nhiều khi, những kế hoạch cấp trên gửi về qua email, nhà trường còn yêu cầu các tổ chuyên môn tải xuống để in lưu hồ sơ. Trong khi, muốn tìm lại một cái thư nào trên email chỉ cần vào mục tìm kiếm gõ đúng tên sẽ tìm lại được nhưng họ luôn yêu cầu phải thực hiện lưu hồ sơ để không bị cấp trên quở trách.

Thiết nghĩ, muốn đổi mới giáo dục, việc đầu tiên phải đổi mới tư duy quản lý, nhất là trong bối cảnh internet hiện nay đã trở nên phổ biến. Mỗi trường đều có 1 website riêng, trên web được phân chia từng mục cụ thể, từng tổ chuyên môn riêng biệt.

Vì thế, các kế hoạch nhà trường, tổ chuyên môn có thể đăng tải trên web của trường. Khi cần thiết, các cấp có thể kiểm tra, giáo viên, phụ huynh và học sinh có thể đọc- vì các kế hoạch hoạt động chuyên môn của các tổ không phải là những tài liệu mật.

Bên cạnh đó, khuyến khích các tổ trưởng chuyên môn thực hiện các kế hoạch và lưu trữ trên máy tính hoặc email cá nhân. Khi cần kiểm tra, có thể yêu cầu họ mở máy tính. Những loại hồ sơ nào cần thiết, những kế hoạch nào thiết thực hãy nên yêu cầu tổ trưởng, giáo viên thực hiện, nếu không cần thiết thì đơn giản hóa cho giáo viên.

Đừng bắt giáo viên làm những việc vô bổ như chuyện 1 tổ chuyên môn trong trường thao giảng nhưng nhà trường yêu cầu tổ trưởng hoặc đại diện tổ khác đến dự giờ rồi về tổ mình tiếp tục đi dự giờ giáo viên trong tổ để làm biên bản rút kinh nghiệm.

Mỗi tổ chuyên môn có 1 đặc thù riêng, kiến thức riêng. Chắc gì việc thao giảng cấp trường đã đem lại hiệu quả bởi đâu phải giáo viên nào cũng am hiểu tất cả kiến thức các môn học. Giáo viên môn xã hội mà đi dự giờ các môn tự nhiên thì mấy ai hiểu được nội dung bài dạy mà đánh giá và ngược lại.

Vì thế, việc nhà trường tổ chức thao giảng và yêu cầu giáo viên tổ khác đến dự là việc họ phải đi nhưng nếu nói họ học hỏi được gì từ tiết thao giảng cấp trường thì phải nói thẳng ra rằng chẳng học được gì cả. Thậm chí, đi dự cho có người.

Nếu Ban giám hiệu cứ mãi yêu cầu giáo viên, các tổ trưởng làm những việc hình thức, vô nghĩa chỉ tốn thời gian và khiến cho họ cảm thấy áp lực vì phải làm những việc vô bổ, chẳng có tác dụng gì.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG