Áp lực hồ sơ sổ sách: phép vua thua…lệ trường

31/08/2023 06:46
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mục đích khi triển khai thực hiện các kế hoạch giáo dục của nhà trường là sợ thanh tra, kiểm tra của cấp trên bắt bẻ nên thà làm thừa còn hơn thiếu!

Nhiều năm qua, Bộ ban hành một số Công văn; Chỉ thị nhằm giảm tải hồ sơ sổ sách đối với các nhà trường; Thông tư hướng dẫn những loại kế hoạch, hồ sơ của giáo viên và điều này các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn biết.

Nhưng ở dưới cơ sở, một số Ban giám hiệu nhà trường vẫn máy móc, cứng nhắc yêu cầu giáo viên làm thêm rất nhiều các loại mẫu kế hoạch và vô vàn các loại hồ sơ sổ sách vô bổ khác khiến cho giáo viên quá tải.

Đặc biệt, kể từ khi Bộ ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường thì đội ngũ tổ trưởng chuyên môn vất vả gấp nhiều lần trước đây vì các kế hoạch của những lớp đang thực hiện chương trình 2006 và chương trình 2018 đều được một số nhà trường yêu cầu thực hiện theo mẫu Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Nhiều giáo viên lên tiếng, tham mưu, góp ý nhưng Ban giám hiệu nhà trường cương quyết không nghe, vẫn triển khai các kế hoạch giáo dục theo các phụ lục của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Thời điểm này, khi chuẩn bị cho năm học 2023-2024 thì hàng loạt kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đã triển khai đến đội ngũ tổ trưởng chuyên môn để chuẩn bị thực hiện và ban hành Khung phân phối chương trình cho năm học mới.

Theo hướng dẫn của Công văn 5512 thì các bài học đều phải liệt kê mục tiêu cần đạt (Ảnh: L.V.M)

Theo hướng dẫn của Công văn 5512 thì các bài học đều phải liệt kê mục tiêu cần đạt (Ảnh: L.V.M)

Kế hoạch giáo dục, hồ sơ sổ sách của đội ngũ tổ trưởng chuyên môn vẫn quá tải

Theo quy định tại Điều 22, Thông tư 32/2020/TT BGDĐT Ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì tổ trưởng chuyên môn, giáo viên có các loại kế hoạch, hồ sơ sổ sách sau:

Đối với tổ chuyên môn (tổ trưởng) có các loại kế hoạch, sổ sách bắt buộc: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Đối với giáo viên có các loại kế hoạch, sổ sách sau: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Như vậy, nếu là giáo viên bộ môn không kiêm nhiệm chức vụ sẽ có 3 loại kế hoạch, nếu kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp thêm sổ chủ nhiệm (4 loại) và kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn sẽ có 5 loại kế hoạch, sổ sách khác nhau.

Khi thực hiện chương trình 2018 đầu tiên ở cấp trung học cơ sở, đầu năm học 2021- 2022, Bộ ban hành Công văn 2613 và hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường như sau:

“Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512); các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án).

Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước)”.

Ngày 19/4/2022, Bộ ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình mới và hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường như sau:

“Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512); các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng Kế hoạch dạy học các môn học, Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, Kế hoạch giáo dục của giáo viên, Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Đối với các lớp còn lại: Tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ngày 03/10/2017 hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018.

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước)”.

Chuẩn bị cho năm học 2023-2024 tới đây, ngày 03/8/2023 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024, Bộ cũng không hề yêu cầu nhà trường, tổ chuyên môn phải soạn các kế hoạch các lớp thuộc chương trình 2006 theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Hướng dẫn của Bộ đồng nghĩa với việc chỉ những lớp đang thực hiện chương trình 2018 ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì thực hiện các kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH và các phụ lục trong Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH cũng chỉ dùng để tham khảo mà thôi. Những lớp học thuộc chương trình 2006 thì không yêu cầu.

Đặc biệt trước đó, vào ngày 18/11/2019, Bộ ban hành Chỉ thị 138/CT-BGDĐT 2019 chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, trong đó hướng dẫn: “Giám đốc sở giáo dục và đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo và Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Tuy nhiên, khi thực hiện ở cơ sở, một số nhà trường lại máy móc yêu cầu các tổ chuyên môn thực hiện nhiều loại kế hoạch theo phụ lục của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH- kể cả những lớp đang dạy chương trình 2006. Điều này dẫn đến rất nhiều áp lực đối với những tổ chuyên môn có số tiết nhiều/ tuần khi làm các kế hoạch ở thời điểm đầu năm học.

Yêu cầu các lớp đang dạy chương trình 2006 thực hiện kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH là sai quy định

Chính từ các hướng dẫn của Bộ cho thấy những lớp dạy chương trình 2018 sẽ thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH. Các lớp dạy chương trình 2006 vẫn thực hiện như trước đây.

Tuy nhiên, có những trường học yêu cầu tổ chuyên môn thực hiện Khung phân phối chương trình phải có mục tiêu cần đạt đối với tất cả các lớp.

Những môn học ít tiết thì việc làm thêm mục tiêu cần đạt cũng đơn giản hơn nhưng những môn học có nhiều tiết thì đây là cực hình, nhất là đối với những lớp không nằm trong chương trình 2018 vẫn thực hiện mẫu theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Một tổ trưởng môn Ngữ văn, cấp trung học cơ sở chia sẻ: nhà trường yêu cầu Khung phân phối chương trình phải thực hiện mục tiêu cần đạt đối với tất cả các lớp. Trong khi, tổng số tổ Ngữ văn cấp trung học cơ sở đang có 667 tiết/ năm- kể cả các môn, phân môn khác nhau.

Hiện Ngữ văn lớp 6, lớp 7 và lớp 8 mỗi khối lớp có 140 tiết/ năm; phân môn Ngữ văn trong môn Nội dung giáo dục địa phương lớp 6, lớp 7 và lớp 8 mỗi khối lớp có 9 tiết/ năm; môn Công nghệ 6 có 35 tiết/ năm.

Đặc biệt, môn Ngữ văn 9 có tới 175 tiết, không được thiết kế theo các bài học (chủ đề) như chương trình 2018 nên nếu ngồi liệt kê hết các mục tiêu cần đạt của gần 100 bài học là một điều cực hình đối với tổ trưởng chuyên môn.

Chỉ riêng Khung phân phối chương trình Ngữ văn 9 phải mất mấy chục trang A4 mới có thể liệt kê hết vì dòng ngang phải chia ra: thứ tự; tên bài học; số tiết; mục tiêu cần đạt; ghi chú nên nhiều khi mục tiêu 1 bài học đã nhảy đến 1/3 trang A4 bởi dòng ngang chia ra nhiều ô như vậy.

Mặc dù đã lên tiếng, viện dẫn nhiều công văn, thông tư khác nhau của Bộ hướng dẫn chương trình 2006 không yêu cầu làm theo mẫu Công văn 5512 nhưng có nhà trường không chịu mà vẫn bắt phải thực hiện các khối giống nhau theo đúng phụ lục của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Một khi nhà trường yêu cầu, đội ngũ tổ trưởng chuyên môn lên tiếng, phản biện không được thì bắt buộc họ phải thực hiện theo kế hoạch chung của nhà trường nhưng trong lòng họ ấm ức phải làm một việc vô nghĩa, hình thức.

Không chỉ Khung phân phối chương trình mà Kế hoạch giáo dục của giáo viên (phụ lục 3) còn phải chèn thêm mục “tài liệu tham khảo” nữa. Vì thế, đầu năm học nhiều tổ trưởng chuyên môn rất áp lực khi thực hiện các loại kế hoạch theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Người xưa có câu: “phép vua thua lệ làng” nhưng giờ đây có thể nói “phép vua thua lệ trường” khi áp lực đổi mới chương trình đã khiến giáo viên vất vả, lại còn gánh thêm vô số các loại kế hoạch, hồ sơ sổ sách mà làm ra, ký duyệt xong thì cất, chẳng có tác dụng gì.

Mục đích cuối cùng khi triển khai thực hiện các kế hoạch, hồ sơ sổ sách của nhà trường là sợ thanh tra, kiểm tra chuyên môn thường niên của cấp trên bắt bẻ nên thà làm thừa còn hơn là thiếu!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH