Tôi sợ tổ chức hoạt động học như CV 5512, thầy và trò cứ giả vờ khen nhau

14/10/2022 06:52
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cả thầy và trò khéo đang giả vờ khen nhau và nếu lãnh đạo, giám khảo có dự giờ mà thấy cả thầy và trò “phối hợp” với nhau “diễn” tốt thì càng khen.

Cấp trung học cơ sở đã bước sang năm thứ hai và trung học phổ thông là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các lớp 6, 7 và 10 đang bắt buộc phải thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 18/12/2020.

Điều này được thể hiện rõ trong việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục trong năm học 2021-2022; năm học học 2022-2023 qua Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH một cách rất cụ thể.

Không chỉ Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH và Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH yêu cầu các nhà trường, giáo viên thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH mà ngay trong phần tập huấn chương trình mới cho giáo viên ở module 4: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh trung học cơ sở/trung học phổ thông” thì giáo viên đã được tập huấn kĩ về các kế hoạch giáo dục theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH.

Nhưng, kế hoạch giáo dục làm theo hướng dẫn Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH có rất nhiều những hạn chế, bất cập - điều này thể hiện rõ trong việc hướng dẫn giáo viên soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) theo các hoạt động dạy học trên lớp.

Các bước thực hiện một hoạt động dạy học được Bộ hướng dẫn khá kĩ (Ảnh: Hương Mai)

Các bước thực hiện một hoạt động dạy học được Bộ hướng dẫn khá kĩ (Ảnh: Hương Mai)

Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn giáo viên soạn giáo án và thực hiện các hoạt động trên lớp ra sao?

Hơn một năm qua, chúng tôi thực hiện việc soạn kế hoạch bài dạy (giáo án) và thực hiện các hoạt động dạy học trên lớp phải nói rằng phần lớn giáo viên khá băn khoăn về những hướng dẫn của Bộ.

Nếu làm theo hướng dẫn của Bộ và lãnh đạo các cấp dưới cơ sở, người viết e rằng cả thầy và trò đang “đóng kịch” với nhau và thừa nhận giả dối của nhau. Hay, nói đúng hơn cả thầy và trò cứ giả vờ thực hiện, giả vờ nhận xét và và vờ đánh giá, khen ngợi nhau.

Học sinh chưa học - có nghĩa là đa phần học sinh chưa biết về các đơn vị kiến thức mới (chỉ trừ những em thực sự giỏi xuất chúng) nhưng lại yêu cầu học trò chuẩn bị nhiệm vụ trước. Đến lớp, chỉ báo cáo các nhiệm vụ học tập được giáo viên phân công, sau đó thầy trò nhận xét cho nhau và chốt lại vấn đề bài học…là xong.

Điều này được cụ thể hóa tại Phụ lục 4 - Mẫu Kế hoạch bài dạy (Kèm theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18 tháng 12 năm 2020) mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, hướng dẫn.

Theo đó, các bài học chương trình mới được thực hiện thông qua 4 hoạt động. Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động); 2. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1 (Ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động); Hoạt động 3: Luyện tập; Hoạt động 4: Vận dụng.

Mỗi hoạt động đều phải thực hiện qua các bước: Mục tiêu; Nội dung; Sản phẩm; Tổ chức thực hiện.

Theo đó, Bộ ghi chú cụ thể các bước tổ chức thực hiện một hoạt động học như sau:

“Giao nhiệm vụ học tập: Trình bày cụ thể nội dung nhiệm vụ được giao cho học sinh (đọc/nghe/nhìn/làm) với thiết bị dạy học/học liệu cụ thể để tất cả học sinh đều hiểu rõ nhiệm vụ phải thực hiện.

Thực hiện nhiệm vụ (học sinh thực hiện; giáo viên theo dõi, hỗ trợ): Trình bày cụ thể nhiệm vụ học sinh phải thực hiện (đọc/nghe/nhìn/làm) theo yêu cầu của giáo viên; dự kiến những khó khăn mà học sinh có thể gặp phải kèm theo biện pháp hỗ trợ; dự kiến các mức độ cần phải hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.

Báo cáo, thảo luận (giáo viên tổ chức, điều hành; học sinh báo cáo, thảo luận): Trình bày cụ thể giải pháp sư phạm trong việc lựa chọn các nhóm học sinh báo cáo và cách thức tổ chức cho học sinh báo cáo (có thể chỉ chọn một số nhóm trình bày/báo cáo theo giải pháp sư phạm của giáo viên).

Kết luận, nhận định: Phân tích cụ thể về sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành theo yêu cầu (làm căn cứ để nhận xét, đánh giá các mức độ hoàn thành của học sinh trên thực tế tổ chức dạy học); làm rõ những nội dung/yêu cầu về kiến thức, kĩ năng để học sinh ghi nhận, thực hiện; làm rõ các nội dung/vấn đề cần giải quyết/giải thích và nhiệm vụ học tập mà học sinh phải thực hiện tiếp theo”.

Các bộ phận chuyên môn cấp sở, phòng, nhà trường hướng dẫn như thế này, bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo. Nếu có tiết dự giờ hay tham gia thi giáo viên giỏi các cấp mà giáo viên giảng nhiều, làm việc nhiều sẽ bị liệt vào tình trạng chưa đổi mới, vẫn dạy theo phương pháp cũ.

Vì thế, bắt buộc giáo viên phải “đổi mới” phương pháp, cách thức giảng dạy trên lớp của mình. Thế là, cuối buổi học hôm trước, giáo viên sẽ “giao nhiệm vụ học tập”, học sinh sẽ “thực hiện nhiệm vụ” bằng cách chuẩn bị nội dung bài học mới ở nhà trên bảng phụ hoặc soạn theo file trình chiếu Power Point.

Đến khi dạy bài mới, các tổ sẽ thay nhau lên “báo cáo và thảo luận” sau đó, giáo viên sẽ “kết luận, đánh giá” sản phẩm của học trò và yêu cầu học sinh chép các ý thống nhất vào vở ghi chép…thế là xong.

Tính trung thực trong dạy và học thực chất đến đâu?

Một giáo viên chủ nhiệm chia sẻ với chúng tôi rằng trong lớp của cô có một học sinh được phân công làm tổ trưởng mới được mấy tuần đã nằng nặc lên xin giáo viên chủ nhiệm để…được nghỉ vì em này phải chuẩn bị quá nhiều bài tập.

Hàng ngày, giáo viên bộ môn phân công cho tổ - tất nhiên tổ trưởng sẽ phân công cho các bạn thực hiện nhưng nhiều học sinh trong tổ không chịu thực hiện nên tổ trưởng “gánh cả” và đuối sức.

Hiện nay, cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở đang được biên chế mỗi tuần có trung bình từ 29 đến 29,5 tiết học nên về cơ bản đa số các buổi học của 2 cấp này đều 5 tiết, chỉ có 1 buổi học là 4 tiết nên áp lực chuẩn bị bài của học sinh hiện nay rất lớn và thường là những em cán sự lớp và những em học giỏi thực hiện nhiệm vụ này.

Học sinh chưa học bài mới nên hầu như chưa thể giải quyết được các đơn vị kiến thức của bài học mới nhưng vì giáo viên bộ môn giao nên bắt buộc các em phải thực hiện. Vậy các em học sinh sẽ chuẩn bị như thế nào?

Đa phần các bài chuẩn bị của học trò lấy trên mạng Internet hoặc lấy từ các lớp học thêm chứ mấy em mà biết trước được kiến thức chưa học. Nếu biết trước như vậy, các em còn phải đến trường để học làm gì.

Mỗi ngày, các em đều có từ 4-5 tiết học (đa số là 5) mà bộ môn nào thầy cô cũng giao nhiệm vụ thì học sinh chỉ lên mạng chép cũng không kịp chứ đừng nói gì đến suy nghĩ, chuẩn bị trước.

Vậy nhưng, khi học sinh báo cáo sản phẩm học tập của mình đúng thì giáo viên chẳng thể nói gì nhưng giáo viên nào cũng biết đó là những sản phẩm không phải các em tự nghĩ ra.

Vì mỗi giáo viên thường dạy nhiều lớp và những sản phẩm của học trò cứ giống nhau như “2 giọt nước” thì có gì lạ lẫm đâu.

Cứ như vậy, người viết e rằng cả thầy và trò cứ đang phải giả vờ thực hiện, giả vờ khen nhau và nếu lãnh đạo, giám khảo có dự giờ mà thấy cả thầy và trò “phối hợp” với nhau “diễn” tốt thì càng khen nhiều vì lớp đã thực hiện nhuần nhuyễn phương pháp dạy học mới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI