Năm 2022 tôi chỉ mong Bộ quyết liệt bãi bỏ các quy định bất cập như giáo án 5512

01/01/2022 06:38
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên phải soạn giáo án theo mẫu Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH dài lê thê là một trong những quy định bất cập khiến thầy cô ngao ngán.

Năm 2021, ngành giáo dục cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 khiến cho hoạt động dạy và học phải chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến.

Giáo viên, học sinh phải dạy và học online trong một thời gian dài làm cho cả thầy và trò đều mệt mỏi, căng thẳng.

Cùng với đó, một số quy định, chính sách giáo dục còn bất hợp lí khiến giáo viên bức xúc.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được điểm lại và bàn thêm một số vấn đề cấp thiết nhận được nhiều sự quan tâm của thầy cô trong năm 2021 nhằm góp thêm một tiếng nói mang tính xây dựng cho ngành.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Mẫu giáo án 5512 dài lê thê

Ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Theo đó, Phụ lục IV mẫu Kế hoạch bài dạy (giáo án) gồm các phần Mục tiêu; Thiết bị dạy học và học liệu; Tiến trình dạy học – mỗi phần gồm nhiều hoạt động, mỗi hoạt động đều yêu cầu nêu cụ thể các nội dung khiến một giáo án dài lên đến cả chục trang A4. [1]

Nhận được sự phản ứng, bức xúc của giáo viên cả nước, ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 nhằm xoa dịu dư luận.

Bộ Giáo dục chỉ đạo, đối với lớp 6, việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn 5512, các phụ lục kèm theo chỉ để tham khảo, các lớp còn lại vẫn thực hiện theo những hướng dẫn trước đây. [2]

Thế nhưng, Điều lệ trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn 5512 đều yêu cầu hồ sơ giáo viên có Kế hoạch bài dạy (giáo án) nên thầy cô không còn cách nào khác phải soạn giáo án theo mẫu Công văn 5512.

Hơn nữa, Kế hoạch bài dạy (giáo án) vẫn còn “đất sống” vì chương trình bồi dưỡng thường xuyên có nhiều module đều yêu cầu giáo viên nộp các sản phẩm là Kế hoạch bài dạy soạn theo mẫu Công văn 5512.

Thậm chí, nhiều giáo viên cho biết, ở một số tỉnh đến Kế hoạch bài dạy online lãnh đạo cũng yêu cầu phải soạn theo mẫu Công văn 5512 mới được chấp nhận.

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 còn nhiều bất cập

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non; trường tiểu học; trường trung học cơ sở; trường trung học phổ thông công lập.

Chùm Thông tư còn nhiều bất cập thể hiện ở những quy định về nhiệm vụ; tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; cách xếp lương; điều khoản chuyển tiếp; điều khoản áp dụng… khiến giáo viên “dậy sóng”.

Chia sẻ trên báo chí, cô giáo H.T.L. (Thanh Hóa) dạy bậc Mầm non cho biết, cô đã tốt nghiệp đại học sư phạm năm 2013 nhưng đến 2019 vẫn hưởng mức lương hệ trung cấp. Đến khi cô được thăng hạng từ hạng từ hạng IV lên hạng III thì mới được hưởng lương hệ cao đẳng.

Hiện tại, dù là Phó Hiệu trưởng nhà trường, có đầy đủ bằng cấp theo quy định, nhưng cô vẫn chưa được hưởng lương hệ đại học do chưa được thăng lên hạng II. Nếu cứ quy định 9 năm mới hưởng lương theo từng hệ như thế, đến năm 2028, cô mới được hưởng lương hệ đại học sau khi “kinh qua” thời gian hưởng lương hệ cao đẳng. [3]

Ngoài ra, việc chuyển lương, xếp hạng mỗi địa phương làm một kiểu cũng khiến giáo viên rất bức xúc. Chẳng hạn, năm 2020 và 2021, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa tổ chức thi hoặc xét thăng hạng cho giáo viên đủ điện kiện, ví dụ giáo viên trung học phổ thông hạng III lên hạng II.

Liên quan đến việc thăng hạng, năm 2021 có tình trạng giáo viên đua nhau đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với mức học phí dao động từ 2,5 đến 3 triệu đồng, chưa kể các chi phí liên quan khác. Trong khi đó, đa phần kiến thức đào tạo đã được thầy cô học ở trường sư phạm hoặc bồi dưỡng thường xuyên qua các năm.

Dạy học tích hợp – khó “tích” và khó “hợp”

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 bắt đầu học sách giáo khoa mới, có những môn học mới như Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lí. Các trường gặp một số khó khăn trong việc triển khai dạy học 2 môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.

Dạy tích hợp theo chủ đề rất khó bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh. Với môn Khoa học tự nhiên, giáo viên có thể dạy song song các chủ đề theo từng phân môn nhưng không khoa học bởi chương trình thiết kế theo mạch kiến thức, có tính logic, cho nên không phải muốn dạy chủ đề nào trước cũng được.

Nếu 1 giáo viên dạy cả 3 phân môn của môn Khoa học tự nhiên thì khó đảm bảo chất lượng. Còn giáo viên dạy theo đúng chuyên môn từng phân môn thì việc tích hợp 3 môn thành 1 môn Khoa học tự nhiên không đảm bảo logic mạch kiến thức, mất tính kế thừa kiến thức phần trước và phần sau.

Hiện tại các trường đang bố trí ít nhất 2 giáo viên cho một môn tích hợp nhưng chỉ có 1 đầu điểm nên gặp khó khăn về phân công vào điểm trong hồ sơ đánh giá.

Với môn Lịch sử và Địa lí, dù 2 giáo viên đang dạy 2 phân môn độc lập, học sinh ghi bài vào 2 quyển vở khác nhau, giáo viên được hướng dẫn thiết kế câu hỏi theo tỉ lệ 50% kiến thức Địa lí, 50% kiến thức Lịch sử nhưng chỉ có 1 đầu điểm khi kiểm tra cuối kỳ.

Nếu chỉ lấy 1 đầu điểm thì giáo viên lấy điểm ở phân môn nào? Việc có tới 2-3 giáo viên chịu trách nhiệm cho một môn học, vậy ai vào điểm, ký tên và chịu trách nhiệm chính cho môn học đó? Chưa kể, nếu học sinh phải kiểm tra lại khi bị đánh giá loại yếu thì các em phải kiểm tra lại 1 phân môn hay cả hai?

Ngoài ra, việc ghép môn Âm nhạc với môn Mỹ thuật thành môn Nghệ thuật là bất hợp lý vì bản chất, âm nhạc và mỹ thuật chẳng có gì liên quan với nhau. Chương trình môn học được thiết kế riêng, các trường phân công, xếp thời khóa biểu 2 giáo viên dạy độc lập, kiểm tra riêng nhưng vẫn bị ghép thành môn Nghệ thuật – rất khiên cưỡng. [4], [5]

Thay lời kết

Điều cá nhân người viết mong muốn nhất là, sang năm mới 2022, Bộ Giáo dục hãy bỏ hẳn quy định giáo viên phải soạn Kế hoạch bài dạy theo mẫu Công văn 5512 vì chẳng giúp ích gì cho giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục chỉnh sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 sao cho hợp lí, thiết thực và thực sự có sự cải thiện về chế độ cho giáo viên sau khi được thăng hạng.

Muốn vậy, Bộ Giáo dục hãy quy đổi chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thành chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên. Bỏ một số nội dung trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như tiêu chuẩn “nhiệm vụ”; “đạo đức nghề nghiệp”; “chuyên môn, nghiệp vụ”.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng cần điều chỉnh cách xếp lương, điều khoản áp dụng Thông tư… nhằm giúp nhiều giáo viên giỏi thêm cơ hội thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Tôi cho rằng, nếu Bộ Giáo dục giải quyết được 2 vấn đề bất cập nhất hiện nay là quy định soạn Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo mẫu Công văn 5512 và thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì giáo viên mới yên tâm công tác.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-5512-BGDDT-GDTrH-2020-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-462988.aspx

[2] //luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-2613-bgddt-gdtrh-2021-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-trung-hoc-2021-2022-204323-d6.html

[3] //giaoducthoidai.vn/giao-duc/thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-hanh-trinh-lam-gian-nan-3WBxR2T7R.html

[4] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/day-tich-hop-lien-mon-bai-toan-kho-20211010210905798.htm

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/roi-tung-roi-mu-voi-day-hoc-tich-hop-post220802.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên