11 chính sách mới của giáo dục năm qua, thầy cô có biết?

06/01/2021 10:18
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành công và các chính sách có ảnh hưởng đến giáo dục trong năm học đặc biệt này.

Năm 2020 có thể coi là một năm vô cùng đặc biệt của ngành giáo dục, một năm vừa dạy học, vừa phòng dịch nhưng ngành giáo dục cũng đã hoàn thành chương trình, hoàn thành việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều học sinh đạt giải trong các kỳ thi quốc tế,…

Bên cạnh đó, hầu như các chính sách về giáo dục ở các cấp học, bậc học,… đều có nhiều thay đổi.

Vừa dạy vừa phòng dịch Covid-19, với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã linh hoạt, chủ động chuyển sang dạy – học trực tuyến. Phương án này tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Tôi cho rằng, đây là một trong những điểm sáng nhất của ngành Giáo dục trong năm học 2019 - 2020.

Chủ động, linh hoạt dạy – học trong mùa dịch Covid-19, mà điểm nhấn là ứng dụng dạy – học trực tuyến trong toàn hệ thống; Thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đã có những chuyển biến tích cực, được nhà trường và xã hội đồng thuận; Chất lượng giáo dục tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao được nâng lên.

Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành công và các chính sách có ảnh hưởng đến giáo dục trong năm 2020 để cùng nhau chuẩn bị bước qua năm Tân Sửu thành công hơn, tốt đẹp hơn.

Thứ nhất, các công văn về tinh giảm chương trình trong giai đoạn dịch Covid-19 để thực hiện hoàn tất chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn giảm chương trình học kỳ II năm 2019 – 2020, tiếp sau đó ở năm học 2020 – 2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Việc tinh giảm nội dung chương trình là rất cần thiết, loại bỏ những cái không thật sự cần thiết đối với giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học.

Hy vọng việc tinh giảm tránh gây áp lực về kiến thức nặng nề lên giáo viên và học sinh, giảm quá tải và hạn chế học thêm, dạy thêm.

Năm 2020, ngành giáo dục có nhiều thay đổi về chính sách. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Năm 2020, ngành giáo dục có nhiều thay đổi về chính sách. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Thứ hai, Luật Giáo dục có hiệu lực từ 01/7/2020. Theo đó có thay đổi quan trọng về tiêu chuẩn trình độ giáo viên.

Theo Điều 72 Luật Giáo dục 2019, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Quy định này được áp dụng từ ngày 01/7/2020 nhưng trên thực tế, không phải giáo viên nào cũng đáp ứng được yêu cầu trên.

Do đó, Nhà nước đã đề ra lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2030 (căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 71/2020/NĐ-CP).

4 trường hợp không cần nâng chuẩn trình độ:

Giáo viên mầm non chưa có bằng cao đẳng nhưng còn ít hơn 07 năm công tác tính từ 01/7/2020;

Giáo viên tiểu học có bằng cao đẳng còn ít hơn 07 năm công tác tính từ 01/7/2020;

Giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp còn ít hơn 08 năm công tác tính từ 01/7/2020;

Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân còn ít hơn 07 năm công tác tính từ 01/7/2020.

Tuy có khó khăn, áp lực học nâng chuẩn tuy nhiên việc nâng chuẩn sẽ khiến trình độ giáo viên nâng cao và quan trọng là việc xếp lương chính thức bỏ việc giáo viên có bằng đại học hưởng lương trung cấp trong thời gian tới.

Cụ thể, giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông cùng chuẩn trình độ đào tạo sẽ cùng mức lương khởi điểm, đây là điều đáng hoan nghênh.

Bên cạnh đó, cũng sẽ không còn được "biên chế" khi tuyển dụng mới.

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hay có thể gọi là “biên chế” của viên chức là loại hợp đồng mà hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Thông tư 32 năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/11/2020.

Trong đó có nhiều nội dung mới đáng chú ý liên quan đến học sinh, giáo viên ở cấp học này không cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ...

Không còn cấm giáo viên dùng điện thoại trong giờ...

Học sinh không được lưu ban quá 3 lần trong một cấp học. ...

Học sinh không còn bị cảnh cáo ghi học bạ.

Và từ ngày 20/10/2020, Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học chính thức có hiệu lực, việc phê bình học sinh trước lớp sẽ bị nghiêm cấm.

Điều lệ trường tiểu học trước đây chỉ quy định sơ sài về hình thức kỉ luật nếu học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện.

Theo đó, khoản 2 Điều 44 Điều lệ trường tiểu học 2010 cho phép giáo viên nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình khi học sinh vi phạm.

Tuy nhiên, điều khoản này đã được quy định cụ thể hơn tại khoản 3 Điều 38 trong Điều lệ mới:

Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Tại điểm kỷ luật mới, tuy rất nhân văn, tiến bộ tuy nhiên các trường đang khá lúng túng trong việc dùng các biện pháp giáo dục học sinh cá biệt, mong Bộ có hướng dẫn cụ thể hơn.

Thứ tư, lớp 1 dạy theo chương trình giáo dục mới.

Việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh, theo hướng học sinh làm chủ kiến thức, tăng thực hành, trải nghiệm, hạn chế kiến thức hàn lâm, tránh dạy thêm học thêm quá tải,… là những mục tiêu của công cuộc đổi mới.

Việc năm học 2020 – 2021 bắt đầu dạy theo chương trình mới bắt đầu từ năm lớp 1 theo hình thức cuốn chiếu ở các năm tiếp theo thể hiện sự cố gắng, quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện chương trình trên.

Dù vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện, rất mong các cấp lãnh đạo và toàn thể nhân dân cùng chung lòng, chung sức, quyết tâm phấn đấu để giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển.

Thứ năm, đánh giá phân loại công chức, viên chức – giáo viên không cần sáng kiến kinh nghiệm.

Nghị định Số: 90/2020/NĐ-CP về đánh giá xếp loại công chức, viên chức có hiệu lực từ 20/8/2020 quy định nhiều điểm mới về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Trong đó nổi bật là việc bỏ các tiêu chí liên quan đến sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học,... khi đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cụ thể như sau:

Đối với cán bộ: Không yêu cầu phải "Có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách và được cấp có thẩm quyền công nhận.".

Đối với công chức: Không yêu cầu tiêu chí phải "Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong hoạt động công vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền công nhận.".

Đối với viên chức: Không yêu cầu tiêu chí phải "Có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.".

Như vậy, xem như việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức từ hoàn thành nhiệm vụ đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không cần yêu cầu sáng kiến, việc có sáng kiến chỉ thể hiện trong các danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên.

Đây là điểm mới rất đáng ghi nhận, hoan nghênh, việc hạn chế sáng kiến sao chép, không cần thiết được giáo viên và nhân dân mong mỏi từ lâu.

Thứ sáu, tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 115/2020/NĐCP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có hiệu lực từ ngày 29/9/2020. Trong đó có rất nhiều điểm mới về tuyển dụng, hợp đồng làm việc, trình tự thủ tục miễn nhiệm,…

Có điểm mới là người tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ đào tạo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2020 trong các trường hợp sau: Làm việc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; (Trước đây quy định làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn),…

Bổ sung hình thức thi viết trong xét tuyển viên chức

Cụ thể tại vòng 2 trong xét tuyển viên chức, căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng quyết định một trong ba hình thức thi: Phỏng vấn; thực hành; thi viết.

Trước đó, chỉ bao gồm 02 hình thức: phỏng vấn hoặc thực hành.

Thứ bảy, rà soát lại các trường hợp tuyển dụng sai quy định, hướng khắc phục sẽ không có giáo viên bị đẩy ra đường như các địa phương khác đã làm.

Tại công văn 2965/HD-BNV về xử lý các trường hợp có sai phạm, thiếu sót trong tuyển dụng sẽ được chấm dứt vào 01/01/2021 các trường hợp được tuyển dụng đều đúng quy định, không còn việc tuyển dụng sai, sẽ không còn trường hợp tuyển dụng không đúng hay việc giáo viên bị mất việc di tuyển dụng sai, mọi sai sót sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành, thị chịu trách nhiệm sau này.

Thứ bảy, Luật Lao động chính thức có hiệu lực, chính thức tăng tuổi nghỉ hưu.

Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động nêu trên được thực hiện theo bảng dưới đây:

Thứ chín, giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ như viên chức đến hết 2021.

Cụ thể, từ ngày 01/11/2020, Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực thi hành và thay thế Nghị định 06/2018/NĐ-CP.

Riêng chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 8 Nghị định 06/2018/NĐ-CP được thực hiện đến hết năm 2021.

Như vậy, chính sách đối với giáo viên mầm non dạy hợp đồng hưởng chế độ, chính sách như viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập được thực hiện đến hết năm 2021.

Thứ mười, sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, quy định mức hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm như sau:

Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;

Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ;

Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020 và áp dụng bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.

Cuối cùng đánh giá học sinh phổ thông theo hướng dẫn mới tại Thông tư 26/2020/ BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT.

Thông tư 26 thể hiện rõ quan điểm đổi mới về hoạt động kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; đảm bảo hoạt động kiểm tra, đánh giá như một hoạt động học tập, vì hoạt động học tập và sự tiến bộ của học sinh.

Đây chính là bước đệm giúp giáo viên, cán bộ quản lý chuyển dần sang kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học; từ đó không bỡ ngỡ khi triển khai hoạt động kiểm tra đánh giá trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra còn một số thay đổi như không còn kiểm tra 1 tiết, giảm số cột điểm đánh giá định kỳ, theo đó ở các môn học chỉ còn 1 cột kiểm tra giữa kỳ, và 1 cột kiểm tra cuối kỳ giảm áp lực về điểm số,…

Trên đây là một số chính sách mới của giáo dục trong năm 2020.

BÙI NAM