Ước mơ có được lương “tháng 13” của giáo viên khi nào mới thành hiện thực

08/01/2023 06:31
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lương tháng 13 sẽ là niềm động viên lớn lao và nguồn động lực to lớn để người thầy an yên mỗi khi Tết đến xuân về!

Người lao động trong bất kỳ ngành nghề nào cũng mong chờ đến những ngày cuối năm, dịp đó có 2 dịp lễ rất quan trọng đó là Tết Dương lịch và Tết Âm lịch (Tết nguyên đán).

Dịp này, mọi người không chỉ được sum họp bên gia đình, được nghỉ dài ngày để tái tạo sức lao động, được tham quan mua sắm,…và điều mà người lao động mong chờ nhất có lẽ là mọi người sẽ được thưởng một số tiền kha khá cho 2 ngày lễ lớn này.

Nhưng, đối với những người giáo viên sẽ không có nhiều niềm vui dịp Tết vì trong dịp này giáo viên phải chi tiêu nhiều hơn nhưng lại hầu như không có tiền thưởng Tết.

Giáo viên mong có lương "tháng 13" Ảnh minh họa A.N

Giáo viên mong có lương "tháng 13" Ảnh minh họa A.N

Nhiều giáo viên dạy 20-30 năm vẫn chưa biết thưởng Tết là gì, vẫn “sợ” mỗi khi dịp Tết gần kề vì đủ mọi thứ lo toan, “sợ” mọi người hỏi về thưởng Tết.

Giáo viên có được thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch, lương “tháng 13” không?

Thực tế, đáng buồn là sau bao nhiêu năm đổi mới, số tiền ngân sách chi cho giáo dục không hề nhỏ, nhưng chưa có bất kỳ văn bản nào về việc chi thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch cho giáo viên.

Đối với viên chức, khoản 2 Điều 3 Văn bản hợp nhất Luật Viên chức năm 2019 quy định, viên chức được hưởng tiền thưởng theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, quy định thưởng là số tiền/tài sản/hình thức khác mà người sử dụng lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc để thưởng cho người lao động.

Đồng thời, căn cứ tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW 2018, khi thực hiện cải cách tiền lương, quỹ tiền thưởng của viên chức sẽ bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp. Do đó, tiền thưởng của viên chức sẽ được bổ sung vào cơ cấu tiền lương nếu thực hiện cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, có diễn biến phức tạp nên theo việc cải cách tiền lương của giáo viên là viên chức sẽ bị lùi đến thời điểm thích hợp. Năm 2022 chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Như vậy, Tết này, giáo viên là viên chức sẽ chưa được bổ sung quỹ tiền thưởng vào tiền lương của năm mà vẫn thực hiện theo quy chế của trường học.

Mà quy chế cả đơn vị thì khó có thể bổ sung thưởng Tết cho giáo viên. Như vậy, giáo viên kể cả giáo viên là viên chức hay giáo viên hợp đồng thì trong dịp Tết Nguyên đán 2022 này có thể sẽ không có thưởng Tết.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật chưa quy định về lương “tháng 13” cho giáo viên.

Như vậy, ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có bất kỳ quy định nào thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch hay lương “tháng 13” cho giáo viên.

Quy định hiện nay, giáo viên nào được “thưởng” Tết?

Như vậy, hiện nay giáo viên cả nước chưa có văn bản quy định nào về việc chi thưởng Tết Dương lịch, Âm lịch hay lương “tháng 13” cho giáo viên.

Giáo viên chỉ có thể được thưởng Tết trong 3 trường hợp sau:

Ngân sách địa phương chi thưởng Tết: một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh và một số ít các địa phương khác, cuối năm dùng ngân sách địa phương chi hỗ trợ Tết giáo viên có thể là từ 500.000 đến 1.000.000 đồng mỗi giáo viên.

Hoặc, các trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ là hỗ trợ tiền Tết cho giáo viên, tại nơi người viết công tác trong quy chế đưa ra quy chế chi Tết Dương lịch 300.000 đồng, Tết Âm lịch 500.000 đồng, các khoản này được lấy từ quỹ phúc lợi hoặc quỹ tiết kiệm từ các hoạt động của đơn vị.

Hoặc, tùy theo hoạt động thu nhập, theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị thì cứ đơn vị nào có hiệu suất công việc cao, tiết kiệm được chi phí, tạo nguồn thu cao cho đơn vị thì được hưởng mức thu nhập tăng thêm cao hơn. Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức tăng thu, tiết kiệm chi, tinh giản biên chế, tăng thêm thu nhập cho người lao động trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; căn cứ kết quả tài chính trong năm, đơn vị quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm.

Như vậy, cuối mỗi năm học, các cơ sở giáo dục kết toán, và các khoản kết dư phù hợp được dùng để chi gọi là thu nhập tăng thêm của giáo viên.

Việc chi thu nhập tăng thêm này mỗi nơi mỗi kiểu, có giáo viên nơi chỉ được một vài trăm nghìn đồng, có nơi cũng được chục triệu, nhiều nơi lại không được chi đồng nào.

Theo người viết tìm hiểu ở một số địa phương, nhiều trường không chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên do không còn kinh phí, cũng có có tỉnh/thành không cho các trường chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên.

Có lẽ mùa Tết này, nhiều giáo viên tiếp tục ngậm ngùi đón thêm một dịp Tết mà không có tiền thưởng Tết.

Chi phí, vật giá tăng cao, 3 năm chưa tăng lương cơ sở, đời sống giáo viên vô cùng khó khăn, nếu không có làm thêm, dạy thêm, giáo viên không đủ chi tiêu hàng tháng, đến mùa Tết giáo viên càng khó khăn hơn.

Chính sách hỗ trợ nhà giáo yên tâm dịp Tết chờ đợi bao nhiêu năm không biết bao giờ mới thành hiện thực, có giáo viên đã nghỉ hưu, sắp nghỉ hưu chưa biết tiền thưởng Tết là gì.

Ước ao lương “tháng 13” của giáo viên khi nào mới trở thành sự thật?

Cứ mỗi dịp Tết về lại là dịp giáo viên giấu nỗi đau vào lòng, giáo viên không dám tiếp xúc nhiều người, khi hỏi đến thưởng Tết lại chạnh lòng.

Đã rất lâu rồi, ước mơ về lương “tháng 13” của giáo viên không trở thành hiện thực, việc chi thưởng Tết hay gọi là chi thu nhập tăng thêm của giáo viên thì mỗi nơi mỗi kiểu, tùy tâm của Hiệu trưởng.

Dẫu biết kinh tế ngày càng khó khăn, ngân sách eo hẹp nhưng nếu các địa phương, cơ sở giáo dục biết tiết kiệm chi tiêu, giảm các khoản không phù hợp thì hoàn toàn có thể chi được lương “tháng 13” cho giáo viên mà không phải tốn thêm ngân sách.

Vấn đề là làm sao lãnh đạo cao nhất của ngành là Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Bộ Nội vụ và các ban ngành liên quan cụ thể hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật, giao các địa phương, các cơ sở giáo dục đảm bảo cho giáo viên ít nhất có được lương “tháng 13”, có Tết.

Nghề giáo cũng như các ngành nghề khác, cũng mong được có Tết xin đừng mặc định nghề giáo là nghề “trồng người”, là người thanh cao, phải bằng lòng sống thanh đạm.

Lương “tháng 13” không được nhiều như như doanh nghiệp nhưng có được lương “tháng 13” giáo viên sẽ cảm ơn các lãnh đạo, ban ngành và giáo viên cũng có được thêm một khoản chi tiêu dịp Tết, không phải vay mượn quá nhiều vào dịp Tết.

“Có thực mới vực được đạo”, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả của nhà giáo cần được quan tâm san sẻ nhiều hơn. Lương tháng 13 sẽ là niềm động viên lớn lao và nguồn động lực to lớn để người thầy an yên mỗi khi Tết đến xuân về! Mong lắm thay đời sống người giáo viên được chăm lo tốt hơn trong tương lai gần, và bắt đầu từ năm nay giáo viên sẽ có thưởng Tết.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa