Tuyển dụng giáo viên, Mường Nhé “trắng” nhiều chỉ tiêu các môn chuyên biệt

10/08/2023 06:43
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều vị trí tuyển dụng không có giáo viên đến đăng ký kiến cho huyện vùng cao Mường Nhé gặp thêm nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên cho năm học mới.

Chưa đầy 1 tháng nữa, năm học mới 2023 - 2024 sẽ chính thức bắt đầu. Thời điểm này, Sở Giáo dục và Ðào tạo Điện Biên cùng các huyện đang hoàn thiện quy trình tuyển dụng viên chức, bổ sung nhân lực giáo viên cho năm học tới. Tuy nhiên, tình hình tuyển dụng không mấy khả quan, đặc biệt là đối với các môn chuyên biệt.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Thiết Chùy – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết:

Mường Nhé là huyện vùng cao có địa bàn khó khăn bậc nhất về nhân lực giáo dục của toàn tỉnh Điện Biên. Theo định mức, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện còn thiếu hơn 300 giáo viên.

Nhiều chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên ở Mường Nhé không có hồ sơ ứng tuyển. Ảnh minh họa: LC

Nhiều chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên ở Mường Nhé không có hồ sơ ứng tuyển. Ảnh minh họa: LC

Số lượng tuyển giáo viên gần nhất của huyện tính đến thời điểm ngày 15/3/2023 (năm học 2022-2023) huyện mới tuyển được tổng số 47 giáo viên. Trong đó số lượng giáo viên mầm non là 22 giáo viên, giáo viên tiểu học là 4 giáo viên và 21 giáo viên trung học cơ sở.

Chuẩn bị cho năm học 2023 - 2024, huyện được phân bổ tuyển dụng 121 chỉ tiêu viên chức giáo dục, trong đó 41 giáo viên mầm non, 37 giáo viên tiểu học, 31 giáo viên trung học cơ sở và 4 kế toán, 8 nhân viên y tế.

Kỳ tuyển dụng này được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện kỳ vọng rất nhiều. Bởi lẽ dù năm học 2022 - 2023 đã hoàn thành với kết quả tốt, nhưng trong tình trạng thiếu giáo viên, toàn ngành đã gặp vô vàn trở ngại, cán bộ, giáo viên thêm nhiều áp lực.

Đến thời điểm này, huyện Mường Nhé đã thu xong phiếu dự tuyển, số lượng tiếp nhận chỉ có 106 phiếu/121 chỉ tiêu.

Một số vị trí không có người dự tuyển như: Giáo viên môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Một số vị trí rất ít người dự tuyển như: Giáo viên văn hóa bậc tiểu học (6 phiếu), Tin học (1 phiếu).

Nếu kỳ tuyển dụng này Mường Nhé “trắng” hồ sơ các môn chuyên biệt thì việc thiếu giáo viên càng thêm trầm trọng.

Bởi lẽ năm học tới, theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, có thêm khối lớp 4 học Tiếng Anh là môn bắt buộc.

Chia sẻ về nguyên nhân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: “Nguyên nhân do nguồn tuyển tại chỗ rất hạn chế.

Các huyện trong tỉnh đều được giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, các huyện đều tuyển dụng. Trong khi huyện Mường Nhé là địa bàn xa xôi, khó khăn nên số lượng dự tuyển không nhiều. Việc bố trí giáo viên cho năm học tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.

Nỗi lo không tuyển đủ chỉ tiêu cho năm học mới là của toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên. Theo ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết, từ giữa tháng 7, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã gửi văn bản nhờ hỗ trợ giới thiệu chỉ tiêu, nguồn tuyển dụng giáo viên tới 29 trường đại học trong cả nước, có đào tạo các chuyên ngành: Sư phạm Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc.

Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn khiến việc tuyển dụng giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: LC

Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn khiến việc tuyển dụng giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: LC

Các trường đại học hỗ trợ niêm yết thông tin tuyển dụng trên bảng tin, cổng thông tin điện tử của đơn vị; tạo điều kiện giới thiệu, trao đổi trực tiếp giữa Phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo Ðiện Biên) với sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành kể trên.

Theo đó, các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được phê duyệt tuyển dụng tổng 36 chỉ tiêu viên chức thì trong đó chỉ tiêu các môn chuyên biệt là: 7 chỉ tiêu giáo viên Tiếng Anh, 2 Tin học, 2 Âm nhạc, 2 Mỹ thuật. Hiện chưa hết thời hạn, nhưng tình hình tiếp nhận hồ sơ cũng “ảm đạm”.

Từ cuối năm học trước, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Điên biên đã dự báo năm học 2023 - 2024, theo định mức số lượng người làm việc toàn ngành thiếu 2.206 giáo viên.

Mặc dù có chỉ tiêu tuyển dụng, song toàn ngành còn đang thiếu nguồn tuyển giáo viên, đặc biệt giáo viên ở một số bộ môn chuyên biệt.

Nhằm tháo gỡ khó khăn này, Sở đã tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tổng thể nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn giáo viên.

Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tham mưu xây dựng Kế hoạch đào tạo giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, đa dạng việc đào tạo trình độ giáo viên (liên thông, văn bằng 2...) các chuyên ngành: Tiểu học, Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

“Ðó là phương án lâu dài. Còn trước mắt, với tình hình tuyển dụng trên, nhiều khả năng thêm một năm học nữa, cán bộ, giáo viên tỉnh nhà tiếp tục phải dạy tăng giờ, dạy liên trường, liên xã, gồng gánh nhiều trọng trách để đảm bảo công tác giáo dục với phương châm “không để trường, lớp nào gián đoạn việc học””, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên nói thêm.

Trần Phương