Tuyển 17 ngành nhưng chỉ có điểm chuẩn 16 ngành, Hiệu trưởng ĐH Đông Đô nói gì?

28/11/2023 06:34
Ngọc Huệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Năm 2023, Trường ĐH Đông Đô thông báo tuyển sinh 17 ngành nhưng đến khi công bố điểm trúng tuyển thì chỉ có 16 ngành. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, trên Cổng thông tin điện tử Trường Đại học Đông Đô thông báo, năm 2023 trường tuyển sinh 3.250 chỉ tiêu cho 17 ngành trong tổng số 23 ngành đào tạo đại học chính quy.

Tuy nhiên, trong thông báo công bố điểm trúng tuyển đợt 1 năm 2023 của Trường Đại học Đông Đô lại chỉ có 16 ngành được công bố điểm trúng tuyển.

Ảnh chụp màn hình trên Cổng thông tin điện tử Trường Đại học Đông Đô.

Ảnh chụp màn hình trên Cổng thông tin điện tử Trường Đại học Đông Đô.

Thông báo điểm trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 của Trường Đại học Đông Đô công bố trên Cổng thông tin điện tử của trường. (Ảnh chụp màn hình).

Thông báo điểm trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 của Trường Đại học Đông Đô công bố trên Cổng thông tin điện tử của trường. (Ảnh chụp màn hình).

Thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô cho biết: "Thông báo tuyển sinh 17 ngành nhưng công bố điểm trúng tuyển 16 ngành vì trên thực tế, có ngành không có thí sinh dự tuyển nên trường cắt thông tin để đỡ rườm rà".

Năm 2023, Trường Đại học Đông Đô dừng tuyển sinh đối với ngành Dược học và bắt đầu tuyển sinh đối với ngành Luật Kinh tế, Điều dưỡng và Ngôn ngữ Nhật. Trong đó, ngành Luật Kinh tế từng được tuyển sinh vào năm 2021, và ngừng tuyển sinh năm 2022.

Về vấn đề này, thầy Sơn cho hay, Trường Đại học Đông Đô được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tiếp tục đào tạo trình độ đại học ngành Luật kinh tế năm 2016, ngành Ngôn ngữ Nhật từ năm 2018. Các ngành này ngừng và tiếp tục tuyển sinh cũng do nguyên nhân đáp ứng điều kiện đào tạo đến đâu thì tuyển sinh đến đấy.

Cũng theo thầy Sơn, riêng ngành tiếng Nhật, năm 2022, nhà trường mời một phó giáo sư chuyên ngành tiếng Nhật và đội ngũ giảng viên có đủ trình độ giảng dạy tiếng Nhật; đồng thời, nhà trường có truyền thống khá dày dặn về hợp tác đào tạo, thực tập, trao đổi sinh viên ngành tiếng Nhật với đối tác Nhật Bản.

Còn về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học đã có việc làm của Trường Đại học Đông Đô theo Đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 cho thấy như sau:

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thống kê theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và Đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Đông Đô. (Bảng: Ngọc Huệ).

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thống kê theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và Đề án tuyển sinh năm 2022 của Trường Đại học Đông Đô. (Bảng: Ngọc Huệ).

Theo bảng số liệu trên cho thấy, nhiều ngành có số sinh viên tốt nghiệp cao nhưng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm lại thấp.

Đơn cử, theo Đề án tuyển sinh năm 2023, ở ngành Kỹ thuật Xây dựng, số sinh viên tốt nghiệp là 8, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm là 100% nhưng trong Đề án tuyển sinh năm 2022, số sinh viên tốt nghiệp ngành này là 76, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm chỉ hơn 80%.

Bên cạnh đó, cũng có một số ngành có lượng sinh viên tốt nghiệp cao và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cũng cao. Ví dụ, đối với ngành Luật Kinh tế, trong Đề án tuyển sinh năm 2023, số sinh viên tốt nghiệp ngành này là 190, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm gần 100%, còn trong Đề án tuyển sinh năm 2022, có 9 sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế và tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm gần 80%.

Cũng theo bảng số liệu trên, một số ngành có số lượng sinh viên tốt nghiệp khá ít như: Công nghệ Kỹ thuật môi trường, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kiến trúc, Công nghệ Kỹ thuật ô tô, Thú y, Ngôn ngữ Anh.

Điển hình, ngành Du lịch chỉ có duy nhất 1 sinh viên tốt nghiệp (trong Đề án tuyển sinh năm 2023). Chia sẻ về điều này, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô cho biết, nhà trường đã chủ động đóng ngành Việt Nam học (trong đó có bộ môn Du lịch) từ năm 2019. Số liệu chỉ có 01 sinh viên tốt nghiệp năm 2023 chứng tỏ đây là sinh viên chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp từ những năm trước.

"Theo quy chế đào tạo đại học, sinh viên được phép học tại trường gấp đôi số thời gian mà chương trình đào tạo quy định. Do vậy, nếu có sinh viên ngành Du lịch tốt nghiệp năm 2026 vẫn là bình thường", thầy Sơn thông tin.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ sinh viên trình độ đại học tốt nghiệp có việc làm của Trường Đại học Đông Đô. (Biểu đồ: Ngọc Huệ).

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ sinh viên trình độ đại học tốt nghiệp có việc làm của Trường Đại học Đông Đô. (Biểu đồ: Ngọc Huệ).

Nguồn thu hợp pháp giảm, chi phí đào tạo trung bình sinh viên/năm tăng

Về nguồn thu, theo Đề án tuyển sinh năm 2023 và 2022 của Trường Đại học Đông Đô cho thấy, từ năm 2021 đến năm 2022, tổng thu hợp pháp/năm của nhà trường giảm hơn 2 tỷ đồng.

Về vấn đề này, thầy Sơn chia sẻ: "Chúng tôi coi tài chính là vấn đề "bí mật" của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào và không tiện nêu lên các phương tiện truyền thông. Tôi khẳng định tại thời điểm này (tháng 11/2023-PV), nhà trường có đủ kinh phí để trang trải công tác đào tạo; đều đặn trả lương hàng tháng cho người làm công là một thực tế không thể phủ nhận".

Cũng theo số liệu thống kê trong Đề án tuyển sinh năm 2023 và 2022 của Trường Đại học Đông Đô, tổng chi phí đào tạo trung bình sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh có xu hướng tăng.

Cụ thể, năm 2021, tổng chi phí đào tạo trung bình sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh là 8.086.000 đồng. Đến năm 2022 thì chi phí này là 9.687.000 đồng.

Ngọc Huệ