Trường ĐH Tôn Đức Thắng: Không có tiến sĩ chủ trì ngành Thiết kế công nghiệp

10/11/2023 06:37
Việt Dũng - Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2022-2023, ngành Kinh doanh quốc tế chất lượng cao chỉ tiêu là 12 nhưng có 56 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 44 người, tương đương 366%).

Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập theo Quyết định 787/TTg-QĐ ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 28/01/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển đổi pháp nhân và đổi tên Trường Đại học Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tới ngày 11/6/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 747/TTg-QĐ đổi tên Trường Đại học Bán công Tôn Đức Thắng thành Trường Đại học Tôn Đức Thắng và chuyển về thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Hiện, Trường Đại học Tôn Đức Thắng do Tiến sĩ Vũ Anh Đức là Chủ tịch Hội đồng trường; Tiến sĩ Trần Trọng Đạo là Hiệu trưởng.

Không có tiến sĩ chủ trì ngành

Theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 được đăng tải trên website ngày 23/6/2023, quy mô đào tạo hiện tại của trường là 35 tiến sĩ, 358 thạc sĩ, 23.152 sinh viên đại học chính quy.

Trong đó, số học viên, sinh viên tập trung chủ yếu ở khối ngành III và khối ngành V. Cụ thể, ở hệ đại học chính quy, trường có 7.761 sinh viên khối ngành III (chiếm 33,5%). Khối ngành V trường có 7.782 sinh viên (chiếm 33,6%).

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng năm học 2022-2023. Ảnh chụp màn hình

Quy mô đào tạo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng năm học 2022-2023. Ảnh chụp màn hình

Số lượng giảng viên cơ hữu phân chia theo khối ngành của Trường Đại học Tôn Đức Thắng như sau:

Khối ngành II có 74 giảng viên (1 giáo sư, 4 tiến sĩ, 49 thạc sĩ, 20 cử nhân).

Khối ngành III có 329 giảng viên (1 giáo sư, 1 phó giáo sư, 38 tiến sĩ, 178 thạc sĩ, 111 cử nhân).

Khối ngành IV có 38 giảng viên (15 tiến sĩ, 16 thạc sĩ, 7 cử nhân).

Khối ngành V có 280 giảng viên (2 giáo sư, 7 phó giáo sư, 113 tiến sĩ, 107 thạc sĩ, 51 cử nhân) .

Khối ngành VI có 34 giảng viên (1 giáo sư, 13 tiến sĩ, 1 chuyên khoa cấp II, 17 thạc sĩ, 2 cử nhân).

Khối ngành VII có 188 giảng viên (3 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 107 thạc sĩ, 45 cử nhân).

Ngoài ra, năm học 2023-2024, nhà trường còn có 539 giảng viên thỉnh giảng.

Đáng chú ý, ngành Thiết kế công nghiệp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng không có giáo sư, phó giáo sư giảng dạy đồng thời không có tiến sĩ chủ trì ngành.

Trong khi, tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT, điều kiện mở ngành đào tạo cần có ít nhất 1 tiến sĩ chủ trì ngành. Ngoài ra, cần có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 1 tiến sĩ và 4 thạc sĩ, hoặc 2 tiến sĩ và 2 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

Tuy nhiên, nhiều ngành của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa đáp ứng được yêu cầu này. Cụ thể:

Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường chỉ có 5 giảng viên cơ hữu (4 tiến sĩ, 1 cử nhân).

Ngành Quy hoạch vùng và đô thị chỉ có 4 giảng viên cơ hữu (3 tiến sĩ, 1 cử nhân).

Ngành Bảo hộ lao động chỉ có 5 giảng viên cơ hữu (4 tiến sĩ, 1 cử nhân).

Ngành Thiết kế công nghiệp không có tiến sĩ chủ trì ngành. (Ảnh: chụp màn hình báo cáo)

Ngành Thiết kế công nghiệp không có tiến sĩ chủ trì ngành. (Ảnh: chụp màn hình báo cáo)

Liên quan đến việc ngành Thiết kế công nghiệp không có giáo sư, phó giáo sư giảng dạy cũng như tiến sĩ chủ trì ngành, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào - Trưởng ban Truyền thông & Quan hệ công chúng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) cho biết: Thực tế khoa Mỹ thuật Công nghiệp (gồm 4 ngành đào tạo: Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế công nghiệp) của trường có 1 giáo sư, 7 tiến sĩ.

"Trong năm 2023, nhà trường không tổ chức tuyển sinh, đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp. Do đó, căn cứ vào khoản 1, điều 5 của Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT nêu: "Mỗi giảng viên của cơ sở đào tạo được xếp vào một hoặc nhiều ngành trong một hoặc nhiều lĩnh vực đào tạo phù hợp với chuyên môn với tổng trọng số tham gia giảng dạy của mỗi giảng viên không vượt quá 100% ở mỗi trình độ đào tạo..."

Vì vậy, trong đề án tuyển sinh năm 2023, nhà trường sắp xếp giảng viên ở khoa Mỹ thuật Công nghiệp theo ngành đào tạo đúng với Thông tư 10/2023/TT-BGDĐT. Nghĩa là giảng viên giảng dạy ở cả ngành Thiết kế công nghiệp và Thiết kế đồ họa nhưng trường ưu tiên xếp tên giảng viên vào ngành Thiết kế đồ họa", Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào thông tin.

Nhiều ngành tuyển vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp

Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Tôn Đức Thắng được công bố ngày 21/6/2023, có nhiều ngành nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Cụ thể, năm học 2021-2022, một số ngành tuyển vượt chỉ tiêu khá cao như:

Ngành Tài chính - Ngân hàng chất lượng cao chỉ tiêu là 45 nhưng có tới 94 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 49 sinh viên, tương đương 108%).

Ngành Công nghệ sinh học, chỉ tiêu tuyển sinh là 60 nhưng có tới 102 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 42 sinh viên, tương đương 70%).

Ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa chất lượng cao chỉ tiêu nhà trường được phê duyệt là 40 nhưng có 92 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 52 sinh viên, tương đương 130%).

Ngành Việt Nam học chỉ tiêu là 45 nhưng có tới 78 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 33 sinh viên, tương đương 73%).

Nhiều ngành nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp. (Ảnh chụp màn hình)

Nhiều ngành nhà trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu 2 năm liên tiếp. (Ảnh chụp màn hình)

Năm học 2022-2023, trường cũng có khá nhiều ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Đáng chú ý những ngành tuyển vượt ở năm học 2021-2022 vẫn tiếp tục vượt chỉ tiêu ở năm học này. Có thể kể đến một số ngành tiêu biểu như:

Ngành Thiết kế đồ họa, chỉ tiêu là 42 nhưng có tới 103 sinh viên nhập học (vượt 61 chỉ tiêu, tương đương 145%).

Ngành Tài chính - Ngân hàng chất lượng cao chỉ tiêu là 50 nhưng có tới 107 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 57 chỉ tiêu, tương đương 114%).

Ngành Kế toán chất lượng cao, chỉ tiêu nhà trường được phê duyệt là 45 nhưng có 108 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 63 chỉ tiêu, tương đương 140%).

Ngành Kinh doanh quốc tế chất lượng cao chỉ tiêu là 12 nhưng có 56 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 44 chỉ tiêu, tương đương 366%).

Ngành Công nghệ sinh học, chỉ tiêu là 38 nhưng có tới 86 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 48 chỉ tiêu, tương đương 126%).

Ngành Kỹ thuật cơ điện tử chỉ tiêu là 30, nhưng có tới 68 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 38 chỉ tiêu, tương đương 126%).

Ngành Ngôn ngữ Anh chất lượng cao chỉ tiêu 45 nhưng có tới 117 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 72 chỉ tiêu, tương đương 160%).

Ngành Việt Nam học chỉ tiêu là 55 nhưng có tới 113 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 58 sinh viên, tương đương 105%).

Trước những con số đó, Tạp chí yêu cầu nhà trường lý giải nguyên nhân vì sao lại có sự chênh lệch như vậy? Làm sao đảm bảo chất lượng đào tạo khi số lượng người nhập học vượt chỉ tiêu được phê duyệt thì Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào cho biết:

“Đây chỉ là con số căn cứ vào phương thức tuyển sinh xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu xét trên tổng số sinh viên trúng tuyển nhập học thì năm 2023, ngành Tài chính Ngân hàng có chỉ tiêu là 280 sinh viên nhưng chỉ tuyển được có 271 em, còn năm 2022 chỉ tiêu của ngành này là 350 em nhưng tuyển được chỉ có 333 em trúng tuyển nhập học.

Ngành Công nghệ sinh học chỉ tiêu tuyển sinh là 230 em nhưng chỉ tuyển được có 185 em. Ngành Việt Nam học chỉ tiêu tuyển sinh là 420 em, nhưng tuyển được chỉ có 324 em".

Nguồn thu hơn 90% đến từ học phí

Theo báo cáo ba công khai năm học 2022-2023 công bố ngày 23/6/2023, tổng thu năm 2022 của trường là 1.067,48 tỷ đồng.

Trong đó, từ ngân sách là 5,81 tỷ đồng (chiếm 0,5%); từ học phí là 963,69 tỷ đồng (chiếm 90,3%); từ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và tài trợ (đề tài, dự án nghiên cứu, hợp đồng tư vấn, chuyển giao tri thức, tài trợ) là 56,5 tỷ đồng (chiếm 5,3%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 41,48 tỷ đồng (chiếm 3,9%).

Trước con số này, Tạp chí đặt câu hỏi: "Là một cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, xin Thầy cho biết hiện nhà trường gặp khó khăn gì trong việc gia tăng các nguồn thu khác như: nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác với các doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân,…"

Về nội dung này, thầy Hào cho hay: Việc thu hút các nguồn lực khác ngoài học phí, đó có thể là nguồn lực thu hút bằng trí tuệ, kinh nghiệm, môi trường học tập và trải nghiệm cho sinh viên, hay cũng có thể chính bằng tiền ở các khoa.

“So với mặt bằng chung của các trường đại học trong cả nước thì việc thu hút các nguồn lực khác ngoài học phí của TDTU cũng có thể coi là một thành tựu”, Tiến sĩ Nghiêm Quý Hào khẳng định.

Nguồn thu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng phần lớn đến từ học phí. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Nguồn thu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng phần lớn đến từ học phí. (Biểu đồ: Nhật Lệ)

Được biết, học phí của Trường Đại học Tôn Đức Thắng năm 2023 dao động từ 24,6-55,2 triệu đồng/ năm với chương trình đại trà.

Chương trình chất lượng cao mức học phí dao động từ 48,5-52,63 triệu đồng/ năm.

Chương trình đại học bằng Tiếng Anh học phí dao động từ 73,4-74,8 triệu đồng/ năm.

Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng như sau:

Khối ngành II: Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế công nghiệp.

Khối ngành III: Kinh doanh quốc tế, Quan hệ lao động, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Luật.

Khối ngành IV: Công nghệ sinh học, Khoa học môi trường.

Khối ngành V: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Toán ứng dụng, Thống kê, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điện tử viễn thông, Kỹ thuật hóa học, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện, Kiến trúc xây dựng, Kỹ thuật xây dựng, Quy hoạch vùng và đô thị, Quản lý xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.

Khối ngành VI: Dược học

Khối ngành VII: Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh, Xã hội học, Việt Nam học, Công tác xã hội, Quản lý thể dục thể thao, Bảo hộ lao động.


Việt Dũng - Nhật Lệ