Trường ĐH Luật Hà Nội: Điểm trúng tuyển ở một số tổ hợp giảm dần qua các năm

13/03/2024 06:20
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong 3 năm qua, điểm chuẩn Trường Đại học Luật HN có sự chênh lệch khá lớn giữa cơ sở chính (từ 24 – 29,5 điểm) và Phân hiệu tại Đắk Lắk (từ 18 – 24,5 điểm).

Trường Đại học Luật Hà Nội (tên tiếng Anh: Hanoi Law University) được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10/11/1979 của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở hợp nhất Khoa Pháp lí của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lí Việt Nam. Lúc đó, trường có tên là Trường Đại học Pháp lí Hà Nội.

Đến năm 1982, đáp ứng yêu cầu tăng cường đào tạo cán bộ pháp luật, Bộ Tư pháp đã quyết định mở rộng quy mô trường và thống nhất một đầu mối đào tạo nguồn nhân lực pháp luật ở Việt Nam bằng cách sáp nhập Trường Trung học chuyên nghiệp Pháp lí I và Trường Cán bộ Toà án Hà Nội vào Trường Đại học Pháp lí Hà Nội.

Sau đó, theo Quyết định số 369/QĐ-BTP ngày 06/7/1993 của Bộ Tư pháp, trường đã chính thức có tên gọi mới là Trường Đại học Luật Hà Nội.

z5236217768075_73059458c14db421f453e75eee9029ff.jpg
Ảnh: Hội Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo thông tin công bố trên website, Trường Đại học Luật Hà Nội có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao; nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm khoa học pháp lý có chất lượng cao và truyền bá tư tưởng pháp lý phục vụ sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2030, đơn vị này sẽ trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; trường trọng điểm về đào tạo pháp luật, trung tâm nghiên cứu và truyền bá tư tưởng pháp lý hàng đầu của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội thực sự trở thành một trong những cơ sở đào tạo luật hàng đầu của nước ta.

Trường có trụ sở chính tại số 87 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội; cơ sở 2 đang được xây dựng tại phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (dự kiến đi vào hoạt động năm 2025); và Phân hiệu tại tổ dân phố 8, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (thành lập 3/2019).

Hiện, Tiến sĩ Đoàn Trung Kiên là Hiệu trưởng nhà trường và ông Chu Mạnh Hùng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội.

11(2).jpg
Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk. Ảnh: website nhà trường

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Luật Hà Nội từ năm 2019 – 2023, phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển đại học chính quy của Trường Đại học Luật Hà Nội có sự thay đổi.

Về phương thức xét tuyển, năm 2019 – 2020, trường có 2 phương thức tuyển sinh chính là xét tuyển (theo ngành) dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông (40% chỉ tiêu) và xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia (2019)/Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (2020) theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành (60% chỉ tiêu).

Từ năm 2021 – 2022, trường có thêm 2 phương thức mới là xét tuyển các thí sinh tham dự Vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam và xét tuyển dựa trên chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tương đương dành riêng cho thí sinh đăng ký vào chương trình liên kết với Đại học Arizona, Hoa Kỳ.

Đến năm 2023, trường tiếp tục bổ sung thêm 1 phương thức tuyển sinh mới là xét tuyển thẳng (thực hiện theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Như vậy, đến năm 2023, Trường Đại học Luật Hà Nội có 5 phương thức tuyển sinh trình độ đại học (chính quy).

Phương thức tuyển sinh Trường Đại học Luật Hà Nội từ 2019 - 2023
STT Tên phương thức tuyển sinh Năm 2023 Năm 2022 Năm 2021 Năm 2020 Năm 2019
1 Xét tuyển (theo ngành)
dựa trên kết quả học tập bậc THPT.
x x x x x
2 Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia/ tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành. x x x x x
3 Xét tuyển các thí sinh tham dự Vòng thi tháng/quý/năm cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của Đài truyền hình Việt Nam. x x x - -
4 Phương thức dành riêng cho thí sinh đăng ký xét tuyển vào chương trình liên kết với Đại học Arizona, Hoa Kỳ: Ngoài các phương thức trên, trường xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tương đương x x x - -
5 Xét tuyển thẳng (thực hiện theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo) x - - - -

Còn về tổ hợp khối xét tuyển, năm 2029 – 2020, đơn vị này sử dụng 06 tổ hợp xét tuyển. Trong đó, sử dụng khối xét tuyển tổ hợp A00, A01, C00, D01, D02, D03 đối với ngành Luật và Luật Kinh tế; còn sử dụng tổ hợp xét tuyển A01, D01 với ngành Luật Thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh.

Từ năm 2021 – 2023, trường vẫn giữ nguyên tổ hợp A01, D01 xét tuyển ngành Luật Thương mại quốc tế và Ngôn ngữ Anh; còn ngành Luật và Luật Kinh tế có thêm 2 tổ hợp xét tuyển mới là D05 và D06 (tổng có 08 tổ hợp xét tuyển).

Trong vòng 5 năm (từ 2019 – 2023), Trường Đại học Luật Hà Nội giữ nguyên 4 ngành đào tạo đại học là: ngành Luật, ngành Luật Kinh tế, ngành Luật Thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh.

Chỉ tiêu tuyển sinh của trường trong 5 năm giao động từ 2000 – 2500 chỉ tiêu. Cụ thể: năm 2019 là 2215 chỉ tiêu, năm 2020 là 2265 chỉ tiêu, năm 2021 giảm còn 2000 chỉ tiêu, năm 2022 trường có 2365 chỉ tiêu (bao gồm 100 chỉ tiêu cho dự bị dân tộc) và năm 2023 là 2500 chỉ tiêu.

z5241791149206_1de52d2ca2430f29ca52b5278d06ca65.jpg
Chỉ tiêu tuyển sinh Trường Đại học Luật Hà Nội từ 2019 – 2023. Thống kê: KMC

Năm 2023, trong tổng số 2500 chỉ tiêu tuyển sinh, Trường Đại học Luật Hà Nội đã dành 110 chỉ tiêu để xét tuyển thẳng; 10 chỉ tiêu xét tuyển các thí sinh tham dự ­­­­­thi tháng/quý/năm Cuộc thi đường lên đỉnh Olympia; 1140 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông đối với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; 1140 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; và 100 chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tương đương (Chương trình liên kết Arizona).­­­

Ngay trước đó, năm 2022, trong tổng số 2265 chỉ tiêu tuyển sinh (chưa bao gồm cho dự bị đại học), Trường Đại học Luật Hà Nội dành 34 chỉ tiêu để xét tuyển thẳng; 10 chỉ tiêu xét tuyển các thí sinh tham dự cuộc ­­­­­thi tháng/quý/năm Đường lên đỉnh Olympia; 1060 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông đối với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; 1061 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022; và 100 chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hoặc tương đương (Chương trình liên kết Arizona).­­­

Chỉ tiêu theo từng phương thức tuyển sinh _Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023 (3).png
Chỉ tiêu theo từng phương thức tuyển sinh Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023. Biểu đồ: KMC
Chỉ tiêu theo từng phương thức tuyển sinh _Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2022 (3).png
Chỉ tiêu theo từng phương thức tuyển sinh Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2022. Biểu đồ: KMC

Theo thống kê của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, điểm trúng tuyển trong 3 năm (từ 2021 – 2023) theo thang điểm 30 (đã bao gồm điểm ưu tiên, khuyến khích) của Trường Đại học Luật Hà Nội có sự chênh lệch khá lớn giữa cơ sở chính (dao động từ 24 – 29,5 điểm) và Phân hiệu tại Đắk Lắk (dao động từ 18 – 24,5 điểm).

Năm 2023, ngành Luật tại Phân hiệu Đắk Lắk lấy điểm chuẩn chung của tất cả các tổ hợp xét tuyển là 18,15 điểm, trong khi cơ sở chính dao động từ 24 – 27,36 điểm.

Điểm trúng tuyển ngành Luật (Phân hiệu Đắk Lắk).png
Điểm trúng tuyển Trường Đại học Luật Hà Nội (từ năm 2021 - 2023) ngành Luật tại Phân hiệu Đắk Lắk. Biểu đồ: KMC

Bên cạnh đó, điểm chuẩn của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa các tổ hợp khối xét tuyển với nhau.

Để độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Trường Đại học Luật Hà Nội, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cập thống kê điểm chuẩn xét tuyển các tổ hợp/chương trình đào tạo hệ đại học chính quy trong 3 năm trở lại đây của đơn vị này:

Tên ngành
Mã tổ hợp
Điểm trúng tuyển
Năm 2021
Năm 2022
Năm 2023
Luật
A00
25,35
25,35
24
A01
25,75
24,95
24
C00
28,00
28,75
26,5
D01, D02, D03, D05, D06
26,55
25,8
25,75
Luật Kinh tế
A00
26,25
26,35
25,5
A01
26,90
26,55
25,5
C00
29,25
29,5
27,36
D01, D02, D03, D05, D06
27,25
26,8
26,5
Luật Thương mại quốc tế
A01
26,20
24,95
24,8
D01
26,90
26,05
25,75
Ngôn ngữ Anh
A01
25,35
24,35
24
D01
26,25
25,45
24,5
Luật (đào tạo tại Phân hiệu Đắk Lắk)
A00
18,40
19
18,15
A01
18,64
19
18,15
C00
22,75
24,5
18,15
D01, D02, D03, D05, D06
18,00
19,9
18,15

Đáng chú ý, tổ hợp C00 luôn có điểm trúng tuyển cao nhất của toàn trường. Như năm 2022, ngành Luật Kinh tế xét theo tổ hợp C00 có điểm chuẩn lên đến 29,5, cao hơn 0,25 điểm so với năm 2021 (29,25 điểm); năm 2022, điểm chuẩn ngành Luật theo tổ hợp C00 là 28,57 điểm, cao hơn 0,75 so với năm 2021 (28 điểm).

Năm 2023, điểm chuẩn cao nhất 27,36 cũng ở tổ hợp C00 xét tuyển vào ngành Luật kinh tế. Ngành học này cũng là ngành học có điểm cao nhất khi xét tuyển vào trường.

Điểm trúng tuyển ngành Luật Kinh tế (2021 - 2023)  (2).png
Điểm trúng tuyển Trường Đại học Luật Hà Nội (từ năm 2021 - 2023) ngành Luật Kinh tế. Biểu đồ: KMC

Ngoài ra, theo thống kê trong 2 năm gần nhất (2021 – 2022), tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đang có xu hướng tăng (từ 88,32 lên 88,97%).

Cụ thể, theo khảo sát của đơn vị này từ năm 2021 – 2022, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong khoảng 12 tháng, ngành Luật tăng từ 83,64 – 87,45%, ngành Luật Kinh tế tăng từ 92,96 – 93,36%, ngành Luật Thương mại quốc tế tăng từ 91,3 – 93,07% và cuối cùng là ngành Ngôn ngữ Anh tăng nhẹ từ 88,32 – 88,97%.

Kim Minh Châu