Chi tiết điểm chuẩn các ngành của Học viện Tài chính 5 năm qua

23/02/2024 06:39
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Những năm qua, các chuyên ngành thuộc Chương trình CLC như Hải quan & Logistics, Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính đều có điểm chuẩn cao.

Học viện Tài chính (Academy of Finance) là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ Tài chính, được thành lập theo Quyết định số 120/2001/QĐ-TTg ngày 17/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng Cán bộ Tài chính. Năm 2003, đơn vị tiếp nhận thêm Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả.

Sứ mệnh của đơn vị này là “cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính – kế toán chất lượng cao cho xã hội”.

gdvn-anh-45-8695.jpg
Học viện Tài chính (Academy of Finance) là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ Tài chính. Ảnh: Ngân Chi

Hiện tại, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Cơ là Giám đốc Học viện và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng là Chủ tịch Hội đồng trường.

Trụ sở chính của học viện tại Số 58 Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Theo giới thiệu trên website nhà trường, Học viện Tài chính có chức năng, nhiệm vụ đào tạo cán bộ trình độ đại học, sau đại học về các lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh, tiếng Anh Tài chính và Tin học Tài chính kế toán với 4 loại hình đào tạo (gồm: đại học chính quy, đại học vừa làm vừa học, đại học bằng 2, liên thông đại học); Nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng công nghệ quản lý về lĩnh vực tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh phục vụ hoạch định chính sách tài chính, kinh tế cho ngành và cho đất nước; phục vụ giảng dạy và quản lý; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ quản lý về tài chính – kế toán.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Học viện Tài chính từ năm 2019 – 2023, phương thức tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển của đơn vị này cũng có sự thay đổi.

Năm 2019, Học viện chỉ tuyển sinh đối với các tổ hợp khối A00, A01 và D01, theo 03 phương thức là: Xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông; Xét tuyển căn cứ kết quả thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2019.

Từ năm 2020 – 2023, Học viện đã tuyển sinh thêm đối với tổ hợp khối D07.

Phương thức tuyển sinh của Học viện Tài chính trong 5 năm (từ 2019 - 2023) cụ thể như sau:

Phương thức xét tuyển Năm 2019 (3) Năm 2020 (5) Năm 2021 (5) Năm 2022 (5) Năm 2023 (5)
Xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ GD&ĐT x x x x x
Xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập bậc THPT x
Xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia/thi tốt nghiệp THPT x x x x x
Xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT x x x x
Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT x x x x
Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT đối với thí sinh nước ngoài x x
Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội x x

Phương thức xét tuyển giai đoạn này cũng có sự biến động. Năm 2020 và 2021, Học viện Tài chính có thêm 2 phương thức tuyển sinh mới so với năm 2019 là xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, và xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông đối với thí sinh nước ngoài (tổng cộng 5 phương thức xét tuyển).

Tuy nhiên, đến năm 2022 và 2023, đơn vị này lại loại bỏ phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập trung học phổ thông đối với thí sinh nước ngoài.

Thay vào đó là giữ nguyên 4 phương thức còn lại của năm 2021 (xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xét tuyển học sinh giỏi trung học phổ thông; xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông), cùng phương thức mới là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (tổng cộng 5 phương thức xét tuyển).

Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học Học viện Tài Chính trong 5 năm (từ 2019 - 2023) (1).png
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học của Học viện Tài chính từ 2019 - 2023. Thống kê: KMC

Trong 5 năm từ 2019 – 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học của Học viện Tài chính giao động từ 3.800– 4.200 chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2019, 2020 và 2023 trường có 4200 chỉ tiêu, năm 2021 là 4.000 chỉ tiêu, riêng năm 2022 có chỉ tiêu thấp nhất 5 năm qua là 3800 chỉ tiêu.

Gần nhất, năm 2023, tổng chỉ tiêu là 4.200, trong đó: chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy là 4080 (chỉ tiêu chương trình chuẩn là 3.000, chương trình đào tạo chất lượng cao là 1.080) và chỉ tiêu tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân – DDP là 120.

Từ năm 2019 - 2022, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi của Học viện Tài chính chiếm ít nhất 50% và có xu hướng tăng lên trong năm 2023. Năm 2023, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi chiếm 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy tối đa 5%, số còn lại là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển kết hợp.

Về sự thay đổi trong tuyển sinh các ngành (chuyên ngành) đào tạo, năm 2019, Học viện Tài chính tuyển sinh 2 khối ngành III, VII, với các ngành là: Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý, Kinh tế và Ngôn ngữ Anh. Trong đó, ngành Ngôn ngữ Anh tính điểm môn tiếng Anh nhân hệ số 2.

Từ năm 2020, các chuyên ngành thuộc Chương trình đào tạo chất lượng cao như: Hải quan & Logistics, Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính, Kế toán doanh nghiệp, Kiểm toán cũng đã có mã xét tuyển riêng (nhân hệ số 2 Tiếng Anh).

Trong 2 năm gần đây (2022, 2023), ngành Tài chính – Ngân hàng được Học viện Tài chính tuyển sinh thành 3 chương trình, cụ thể: Tài chính - Ngân hàng 1 (bao gồm các chuyên ngành: Quản lý tài chính công, Thuế, Hải quan và Nghiệp vụ ngoại thương, Tài chính quốc tế, Phân tích chính sách tài chính); Tài chính – Ngân hàng 2 (bao gồm Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính, Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản); Tài chính – Ngân hàng 3 (bao gồm Ngân hàng, Tài chính bảo hiểm, Đầu tư tài chính).

453883b0f88455da0c95.jpg
Điểm chuẩn một số ngành (cao nhất và thấp nhất) của Học viện Tài chính trong 5 năm (từ 2019 - 2023). Biểu đồ: KMC

Những năm gần đây, các ngành/chuyên ngành có điểm chuẩn cao nhất của Học viện có thể kể đến là: ngành Hải quan & Logistics (CLC – hệ số 2 tiếng Anh) có điểm chuẩn năm 2023 là 35,51 điểm; ngành Ngôn ngữ Anh (hệ số 2 tiếng Anh) có điểm chuẩn năm 2023 là 34,40 điểm; Phân tích tài chính (CLC – hệ số 2 tiếng Anh) có điểm chuẩn năm 2023 là 34,60; Tài chính doanh nghiệp (CLC – hệ số 2 tiếng Anh) có điểm chuẩn năm 2023 là 34,25 điểm.

Còn các ngành/chuyên ngành có điểm chuẩn thấp nhất của Học viện Tài chính là: Ngành Tài chính - Ngân hàng 3 có điểm chuẩn năm 2023 là 25,08 điểm; Ngành Tài chính - Ngân hàng 1 có điểm chuẩn năm 2023 là 25,94 điểm; Ngành Kinh tế có điểm chuẩn năm 2023 là 25,85 điểm; Ngành Hệ thống thông tin quản lý có điểm chuẩn năm 2023 là 25,94 điểm. Đây là những ngành tính theo thang điểm 30.

Để có cái nhìn tổng quan hơn về bức tranh tuyển sinh của Học viện Tài chính, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã cập thống kê điểm chuẩn xét tuyển các ngành/chương trình đào tạo hệ đại học chính quy trong 5 năm trở lại đây của đơn vị này:

ĐIỂM CHUẨN HỌC VIỆN TÀI CHÍNH TRONG 5 NĂM (TỪ 2019 - 2023)
STT Tên ngành/chuyên ngành Năm 2019 Năm 2020 Năm 2021 Năm 2022 Năm 2023
1 Ngành Tài chính - Ngân hàng 21,45 25,00 26,10
Ngành Tài chính - Ngân hàng 1 - - - 25,80 25,94
Ngành Tài chính - Ngân hàng 2 - - - 25,80 26,04
Ngành Tài chính - Ngân hàng 3 - - - 25,45 25,08
2 *Hải quan & Logistics (CLC) - 31,17 36,22 34,28 35,51
3 *Tài chính doanh nghiệp (CLC) - 30,17 35,70 33,33 34,25
4 *Phân tích tài chính (CLC) - 31,80 35,63 33,63 34,60
5 Ngành Kế toán 23,30 26,20 26,55 26,20 26,15
6 *Kế toán doanh nghiệp (CLC) - 30,57 35,13 32,95 34,01
7 *Kiểm toán (CLC) - 31,00 35,73 33,85 34,75
8 Ngành Quản trị kinh doanh 23,55 25,50 26,70 26,15 26,17
9 Ngành Hệ thống thông tin quản lý 21,25 24,85 26,10 25,90 25,94
10 Ngành Kinh tế 21,65 24,70 26,35 25,75 25,85
11 Ngành Ngôn ngữ Anh 29,82 32,70 35,77 34,32 34,40
Kim Minh Châu