Trường ĐH duy nhất đào tạo ngành Dân số và phát triển khó tuyển hệ chính quy

25/09/2023 06:38
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiện cán bộ trong lĩnh vực dân số hầu như là tốt nghiệp ĐH ở các ngành về y tế công cộng, công tác xã hội, xã hội học nên chưa thể đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.

Hiện cả nước chỉ có duy nhất một đơn vị đào tạo ngành học Dân số và phát triển, đó là Trường Đại học Đà Lạt. Nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển, chú trọng chất lượng dân số và đội ngũ cán bộ của lĩnh vực này, Trường Đại học Đà Lạt đã bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021. Tuy nhiên, 3 năm, Trường không thể tuyển đủ người học để mở lớp đào tạo cho hệ đại học chính quy của ngành học này.

Trong khi đó, trên thực tế, không thể phủ nhận rằng chất lượng dân số là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.

Đã 3 năm không thể mở lớp của hệ đại học chính quy

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Hữu Duy – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt cho hay, việc đào tạo nhân lực của ngành Dân số và phát triển có vai trò rất quan trọng trong xã hội hiện nay.

Ảnh minh họa: Phạm Minh.

Ảnh minh họa: Phạm Minh.

Theo thầy Duy, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới đã nêu rõ quan điểm là tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, đặc biệt chú trọng chất lượng dân số.

Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về Chương trình hành động Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trong đó có nội dung về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo là đa dạng hóa các loại hình giáo dục về dân số; Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 phê duyệt chiến lược dân số của Việt Nam đến năm 2030 và Quyết định số 314/QĐ-TTg ngày 28/2/2020 phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030 với mục tiêu tăng cường tiềm lực nghiên cứu về dân số và phát triển, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước về dân số và phát triển cho cán bộ nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực y tế - dân số.

Như vậy, có thể thấy việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực về dân số và phát triển là yêu cầu hết sức cấp thiết để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của trung ương và của Chính phủ về chiến lược dân số trong tình hình mới, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực này ở các địa phương, các bộ, ngành có liên quan.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, chủ yếu cán bộ công tác trong lĩnh vực dân số hầu như là tốt nghiệp đại học ở các ngành về y tế công cộng hoặc công tác xã hội, xã hội học nên chưa thể đáp ứng yêu cầu về chuyên môn để công tác trong lĩnh vực về dân số.

Với các chiến lược, mục tiêu của Đảng và Nhà nước, Chính phủ về công tác dân số trong tình hình mới là rất rõ ràng và nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này là cấp thiết như vậy, Trường Đại học Đà Lạt đã phối hợp với Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình mở ngành này đầu tiên trên cả nước, tổ chức tuyển sinh từ năm 2021.

Tuy nhiên, do là ngành đào tạo còn khá mới đối với xã hội nên công tác tuyển sinh hệ chính quy ngành này của trường trong 3 năm qua hết sức khó khăn và không đủ người học để mở lớp.

Chính vì vậy, trường đã lồng ghép chương trình đào tạo dân số và phát triển vào trong ngành Công tác xã hội dưới dạng một chuyên ngành và tổ chức đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, mỗi năm có khoảng 200 sinh viên là các cán bộ công tác trong lĩnh vực dân số của các địa phương theo học.

Chia sẻ về cơ hội việc làm của người học sau khi tốt nghiệp ngành Dân số và Phát triển, thầy Duy bày tỏ, đây là ngành có thế mạnh là nằm trong chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước.

Vậy nên, cơ hội việc làm cho ngành này cũng tương đối rộng mở bởi đào tạo nguồn nhân lực không chỉ phục vụ đội ngũ cho các địa phương công tác trong lĩnh vực dân số, cho các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này mà còn là đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu về dân số và phát triển để hỗ trợ Chính phủ trong việc đưa ra các chính sách phù hợp cho việc nâng cao chất lượng dân số phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.

Về cơ sở vật chất, với hệ thống giảng đường toàn trường đều được đầu tư đồng bộ, hiện đại nên hiện vẫn đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy đối với tất cả các ngành học.

Về công tác đào tạo, Khoa Xã hội học và Công tác xã hội của Trường Đại học Đà Lạt đã được thành lập hơn 20 năm và là trường đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo ngành Công tác xã hội, trong đó có nội dung đào tạo về dân số, giới và phát triển, cùng với mối quan hệ hợp tác rộng rãi với các tổ chức, chuyên gia đầu ngành tham gia vào quá trình giảng dạy nên việc tổ chức giảng dạy hết sức thuận lợi và đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của Khoa hiện nay có tuổi đời trẻ, có trình độ chuyên môn cao, một số được đào tạo ở nước ngoài, do đó hoàn toàn đáp ứng tốt yêu cầu về mặt chuyên môn giảng dạy.

Tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo, giảng dạy, số lượng người học trong tương lai, trường cũng cần phải có mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên sâu về lĩnh vực dân số và phát triển, xây dựng năng lực nghiên cứu chuyên sâu về dân số và phát triển.

Trưởng phòng Đào tạo – Trường Đại học Đà Lạt đã đưa ra đề xuất để thu hút người học nhằm đảm bảo yêu cầu về nguồn nhân lực công tác trong lĩnh vực dân số và phát triển.

Theo đó, rất cần một chính sách vĩ mô từ nhà nước hoặc từ Bộ Y tế đưa ra yêu cầu bắt buộc về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là phải có trình độ đại học về dân số và phát triển để đáp ứng yêu cầu công tác.

Ngoài ra, cũng cần có các chính sách lương hoặc ưu đãi đặc thù cho cán bộ công tác trong lĩnh vực này để thu hút tốt hơn nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Tường San