Trường ĐH duy nhất đào tạo ngành Gốm, Sơn mài gặp hạn chế trong tuyển dụng GV

18/09/2023 08:46
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-"Dù đứng trước bao thăng trầm và sự phát triển không ngừng của xã hội, vẫn luôn có những người viết tiếp câu chuyện của văn hóa truyền thống mà ông cha ta để lại"

Mặc dù đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử và đang phải đương đầu với sự đổi mới không ngừng của xã hội, mỹ thuật truyền thống vẫn luôn được bảo tồn, giữ gìn và lưu truyền, đào tạo ra những lớp họa sĩ, nhân lực tiếp nối và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chính là một trong những "cái nôi" đào tạo chuyên nghiệp của lĩnh vực mỹ thuật truyền thống ấy.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Mạnh Thẩm – Trưởng khoa Mỹ thuật truyền thống, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp bày tỏ, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của mỹ thuật truyền thống trong xã hội hiện nay.

Dù trong xã hội hiện đại có mở ra những ngành nghề mới, mỹ thuật truyền thống vẫn luôn tồn tại và phát triển, thể hiện nét đặc trưng riêng trong bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới.

Thầy Thẩm cho hay, hiện Khoa Mỹ thuật truyền thống đang đào tạo ngành Gốm, chuyên ngành Sơn mài và chuyên ngành Thiết kế trang sức. Trong đó, Gốm và Sơn mài là những ngành/chuyên ngành học được đào tạo sớm nhất của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Thầy Nguyễn Mạnh Thẩm – Trưởng khoa Mỹ thuật truyền thống, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Ảnh: Tường San).

Thầy Nguyễn Mạnh Thẩm – Trưởng khoa Mỹ thuật truyền thống, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Ảnh: Tường San).

Trải qua bao thăng trầm cùng những giai đoạn phát triển của nhà trường, đến nay, Khoa đã đạt được nhiều thành tựu trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống trong mỹ thuật ứng dụng nói chung và trong cuộc sống mới ngày nay, đào tạo được nhiều lớp họa sỹ tài năng cho đất nước.

Về công tác tuyển sinh, thầy Thẩm chia sẻ, đối với những ngành học mỹ thuật truyền thống tất nhiên không thể nào đông người học như những ngành học khác.

Bởi, những ngành/chuyên ngành của Khoa đào tạo như Gốm, Sơn mài hay thiết kế trang sức đòi hỏi sinh viên phải học tập, thực hành trực tiếp trên các chất liệu để tạo ra sản phẩm chứ không chỉ là mang laptop đến lớp học và làm trực tiếp trên máy như nhiều ngành học mỹ thuật, thiết kế hiện đại khác nên khá vất vả và nặng nhọc.

Tuy nhiên, thường những thí sinh lựa chọn các ngành/chuyên ngành Mỹ thuật truyền thống đã tìm hiểu về những khó khăn này, có sự đam mê cũng như nắm rõ được thông tin từ sự tư vấn tận tình của các thầy cô trong Khoa vào mỗi mùa tuyển sinh.

Và tín hiệu đáng mừng của Khoa là những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh đã tăng lên với khoảng 15-20 sinh viên cho mỗi ngành/chuyên ngành. Trong khi đó, trước kia, Khoa chỉ tuyển sinh được khoảng 4-9 người học cho mỗi ngành/chuyên ngành. Trong đó, chuyên ngành Thiết kế trang sức những năm gần đây ngày càng thu hút sinh viên theo học, cũng là chuyên ngành hot nhất hiện nay của Khoa.

“Với tình hình tuyển sinh đang rất tích cực như hiện tại, chắc chắn sẽ không lo lắng về việc thiếu nguồn nhân lực của các lĩnh vực mỹ thuật truyền thống trong tương lai.

Tôi tin rằng, dù đứng trước bao thăng trầm và sự phát triển không ngừng của xã hội, vẫn luôn có những người viết tiếp câu chuyện của văn hóa truyền thống mà ông cha ta đã để lại”, thầy Thẩm khẳng định.

Lý giải nguyên nhân tại sao có nhiều người quan tâm, lựa chọn những ngành học Mỹ thuật truyền thống hơn so với trước kia, thầy Thẩm cho biết, ngày càng có nhiều người học đến từ các gia đình, làng nghề truyền thống lựa chọn đi học để về quản lý, phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho gia đình, làng nghề của mình.

Hơn nữa, các ngành, chuyên ngành của Khoa luôn được đào tạo theo định hướng mỹ thuật ứng dụng trên cơ sở nền tảng của nghệ thuật dân tộc, đó là truyền thống gắn với hiện đại, học đi đôi với hành. Nhờ vậy, người học vừa được tiếp cận nghệ thuật truyền thống, vừa sáng tạo, phát huy để phù hợp với nhu cầu của sự phát triển của các ứng dụng thẩm mỹ hiện đại.

Do đó, sau khi tốt nghiệp ra trường, các sinh viên của Khoa đều có cơ hội việc làm rộng mở, trở thành những người có tay nghề giỏi, những nhà thiết kế mỹ thuật cùng với chuyên môn có đóng góp tích cực vào sự phát triển và lưu giữ mỹ thuật truyền thống của nước nhà với mức lương tương đối cao, trên 15 triệu đồng/tháng, tùy theo vị trí công việc. Thậm chí, một số em chưa ra trường đã được các làng nghề nhận vào làm việc với mức lương cao.

Theo đó, người học các lĩnh vực của mỹ thuật truyền thống sau khi tốt nghiệp có thể trở thành họa sỹ sáng tác, nhà thiết kế tạo mẫu cho các tập đoàn, doanh nghiệp gốm, sứ, gạch ốp lát, chủ các xưởng sản xuất hay tự khởi nghiệp mở xưởng gốm, mở xưởng sơn mài riêng theo những thiết kế sáng tạo đặc trưng riêng của mình.

Đặc biệt, khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu làm đẹp của con người theo đó tăng cao nên sức hút về nhân lực thiết kế trang sức cũng ngày càng nhiều. Một số tập đoàn lớn về trang sức trên thế giới khi phát triển tại thị trường Việt Nam rất mong muốn tuyển những họa sĩ thiết kế trang sức từ Khoa để có những sản phẩm độc đáo, nổi bật cho mình.

Và trên thực tế, đã có nhiều nhà thiết kế trang sức được đào tạo tại trường hiện đang đảm nhiệm vai trò chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế, giám đốc sáng tạo … tại các công ty kinh doanh lớn nhỏ trong và ngoài nước, hằng năm cho ra đời những bộ sản phẩm trang sức được nhiều khách hàng ưa chuộng và đánh giá cao.

Thế nhưng, khó khăn của Khoa hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất chưa tương thích được với sự phát triển liên tục của nơi sử dụng lao động.

Thầy Thẩm và các sinh viên ngành Gốm của Khoa Mỹ thuật truyền thống - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trong giờ thực hành.

Thầy Thẩm và các sinh viên ngành Gốm của Khoa Mỹ thuật truyền thống - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp trong giờ thực hành.

Hiện, mỗi ngành/chuyên ngành của Khoa đều có các xưởng thực hành riêng. Tuy nhiên, với sự cập nhật liên tục về các máy móc, trang thiết bị hiện đại ở các xưởng, các doanh nghiệp, tập đoàn, Khoa chưa có các cơ sở vật chất tương thích như vậy.

Vậy nên, thầy Thẩm mong rằng, Khoa sớm có cơ sở vật chất được bổ sung đầy đủ, hiện đại, để các em trong quá trình học tập được hòa nhập ngay với môi trường thực tế để ra ngoài có thể đáp ứng luôn được yêu cầu của nơi sử dụng lao động, tránh việc phải đào tạo lại.

Ngoài ra, thầy Thẩm cho biết thêm, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Khoa hiện nay với chủ yếu là Thạc sĩ, chỉ có 1 Tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh nên vẫn còn thiếu.

Các ngành Gốm, chuyên ngành Sơn mài hệ đại học hiện chỉ có Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đào tạo. Vậy nên, giảng viên của Khoa đều tuyển từ nguồn sinh viên của Khoa qua việc chọn lọc các bạn sinh viên giỏi, xuất sắc có năng lực đào tạo chứ không thể lấy được từ nguồn bên ngoài nên cũng hạn chế hơn trong việc tuyển dụng.

Tường San