Cơ hội mới trong bối cảnh công nghệ 4.0
Trong bối cảnh hội nhập và tốc độ phát triển nhanh chóng của nền công nghệ 4.0, ngành Nghệ thuật số (Digital Art) với sự giao thoa giữa lĩnh vực thiết kế mỹ thuật cùng các công cụ kỹ thuật số mở ra nhiều triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn, đa dạng cho các bạn trẻ đam mê nghệ thuật ứng dụng.
Nghệ thuật số (Digital Art) là một ngành học mới tại Việt Nam. Ảnh: HUTECH cung cấp. |
Với tính ứng dụng cao, sinh viên học ngành Nghệ thuật số có thể đảm nhiệm nhiều vị trí công việc như chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế trong các công ty game, phần mềm, truyền thông, marketing - quảng cáo, studio, tổ chức sự kiện hoặc các tòa soạn, nhà xuất bản, đài truyền hình, báo chí; chuyên viên tư vấn thiết kế, cố vấn nghệ thuật, giám đốc sáng tạo trong các dự án điện ảnh, truyền thông, quảng cáo; nghiên cứu, giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo thiết kế; làm việc tự do trong lĩnh vực thiết kế hoặc thành lập, điều hành studio riêng;…
Tại Việt Nam, hiện có hai môi trường đào tạo ngành Nghệ thuật số trình độ đại học, gồm Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) và Trường Đại học Hoa Sen (HSU).
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Là một ngành học mới gắn liền với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ và truyền thông - quảng cáo, Nghệ thuật số được Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh trình độ đại học từ năm 2022, nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Mỗi năm trường đều tuyển 50 chỉ tiêu, nhận được khoảng 200-300 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trong đó có khoảng 50-100 nguyện vọng 1.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC. |
Khi chọn học ngành Nghệ thuật số tại HUTECH, sinh viên có nhiều ưu thế đáng kể. Với sự đầu tư liên tục về cơ sở vật chất, trường có hệ thống trung tâm thực hành thiết kế, studio và máy tính hiện đại để sinh viên học tập, phát triển kỹ năng chuyên môn cũng như khả năng sáng tạo.
Cùng với đó, từ ưu thế về mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp của trường, các bạn thường xuyên gặp gỡ các nghệ sĩ, nhà thiết kế hàng đầu để giao lưu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Trường cũng thường xuyên tổ chức đưa sinh viên đến tham quan, trải nghiệm doanh nghiệp, tìm hiểu môi trường làm việc thực tế để các em hình dung công việc của ngành đang theo đuổi một cách trực quan, cụ thể, qua đó chuẩn bị tốt nhất cho hành trang của mình”.
Thầy Phan Vũ Linh - Giám đốc chương trình ngành Nghệ thuật số, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật (Trường Đại học Hoa Sen) cũng nhấn mạnh về cơ hội nghề nghiệp của sinh viên ngành Nghệ thuật số hiện nay “trải rộng” trên nhiều ngành nghề khác nhau, bởi, hiện nay, mọi lĩnh vực đều có thể phát triển liên quan đến “số hóa”.
Thầy Phan Vũ Linh - Giám đốc chương trình ngành Nghệ thuật số, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật (Trường Đại học Hoa Sen) hướng dẫn sinh viên môn Thực tập nghề nghiệp. Ảnh: NVCC. |
Theo thầy Linh, nhu cầu của ngành Nghệ thuật số đã âm thầm phát triển từ nhiều năm qua, sinh viên các ngành khác như Thiết kế đồ họa cũng lựa chọn sản phẩm tốt nghiệp liên quan đến nghệ thuật số, nên Trường Đại học Hoa Sen đã lập ngành Nghệ thuật số riêng để đáp ứng cho sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành.
“Sinh viên ngành học này tại trường sẽ được tiếp cận với những môn học rất mới như Thiết kế nhân vật, Thiết kế sinh vật, Thiết kế bối cảnh cho phim, game, Điêu khắc mô hình, sa bàn... đó là những ưu thế rõ rệt nhất” - Giám đốc chương trình ngành Nghệ thuật số cho biết thêm.
Khó khăn trong đảm bảo cơ sở vật chất, giảng viên và thu hút tuyển sinh
Mặc dù mở ra cơ hội việc làm lớn với đa dạng lĩnh vực trong thời đại 4.0, song do vẫn còn là một ngành học mới, nên những năm qua, các trường đào tạo ngành học này vẫn chỉ duy trì tuyển sinh ở con số 50 chỉ tiêu.
“Có lẽ do ngành học còn quá mới, nhiều thí sinh chưa mường tượng được sẽ học tập những gì, nên việc thu hút trong tuyển sinh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào công tác truyền thông của nhà trường đến xã hội.
Theo định hướng, thí sinh phải nhìn thấy những sản phẩm được tạo ra bởi ngành học này, thì sức lan tỏa mới rõ rệt hơn. Những năm tới, khi có sản phẩm tốt nghiệp của sinh viên các khóa đầu tiên, công tác truyền thông sẽ được đẩy mạnh để xã hội biết đến ngành học này và kỳ vọng mang đến hiệu quả hơn” - thầy Phan Vũ Linh bày tỏ.
Thực tế những năm qua cho thấy, một số cơ sở giáo dục đại học công lập hiện vẫn đang gặp khó trong việc thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao, đặc biệt, tuyển dụng giảng viên trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành, nhất là đối với những ngành nghệ thuật, lại càng gặp khó.
Mặc dù có ưu thế hơn trong chế độ đãi ngộ và điều kiện môi trường làm việc cho đội ngũ giảng viên, song các trường đại học dân lập, tư thục này cũng gặp một số khó khăn, nhất là đảm bảo đội ngũ đối với ngành Nghệ thuật số, vốn vẫn đang khá mới mẻ tại Việt Nam.
Sinh viên tham gia talkshow “Thiết kế sa bàn”. Ảnh: NVCC. |
Thầy Phan Vũ Linh chia sẻ: “Để mở một ngành mới, cần đảm bảo cơ cấu giảng viên trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, về điều này, nhà trường cũng đã cơ bản đáp ứng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn lại nằm ở đội ngũ giảng viên chuyên môn. Bởi, trước đây, ở Việt Nam chưa có môi trường nào đào tạo chính quy đối với chuyên ngành này, nên hầu như khó có nguồn tuyển trong nước, giảng viên chủ yếu đều đi học và tốt nghiệp ở nước ngoài về.
Có lẽ cũng chính vì vậy, các trường đại học công lập sẽ khó có thể thu hút được giảng viên đào tạo ngành này, trong khi chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng và môi trường làm việc chưa thực sự tạo được điều kiện phát triển...”.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Là ngành học mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm gần đây, quá trình thu hút giảng viên có trình độ cao đúng chuyên ngành Nghệ thuật số đang là vấn đề được nhiều cơ sở giáo dục có đào tạo ngành quan tâm. HUTECH cũng đặc biệt chú trọng đến việc này.
So với một số trường, HUTECH có lợi thế vì đã có nhiều năm đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực Kiến trúc - Mỹ thuật, Thiết kế - Truyền thông như Kiến trúc, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Truyền thông đa phương tiện,…
Bên cạnh chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” để thu hút nhân tài, chúng tôi còn chú trọng tạo điều kiện, khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ, đồng thời không ngừng có những điều chỉnh về mức thu nhập, chính sách đãi ngộ, khen thưởng,… để thu hút và giữ chân các giảng viên trình độ cao cũng như phát triển bền vững đội ngũ nhân sự của trường”.
Bên cạnh những khó khăn kể trên, thầy Phan Vũ Linh cũng đề cập: “Ngành nghệ thuật số của nhà trường hiện nay cũng đang gặp khó khăn đối với điều kiện cơ sở vật chất. Chẳng hạn, cần có những phòng lab, phòng thực hành đặc thù khác với các chuyên ngành khác như phòng điêu khắc... hiện tại, vẫn đang sử dụng chung với những chuyên ngành khác nên có một số bất tiện. Để tối ưu hóa, cần đáp ứng cơ sở vật chất riêng cho ngành, từ đó có cơ sở đáp ứng để mở rộng quy mô tuyển sinh trong các năm tới”.
Sinh viên được hướng dẫn sử dụng kính VR để ứng dụng vào quy trình làm game và phim hoạt hình thực tế ảo. Ảnh: NVCC. |
Chia sẻ về định hướng phát triển ngành Nghệ thuật số, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Trong những năm tới, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành học này theo định hướng ứng dụng, tức đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn của thị trường, các doanh nghiệp, để sinh viên sau tốt nghiệp có thể hình dung cụ thể thực tế ngành nghề của mình, hiểu nghề và có hướng đi cụ thể phù hợp với bản thân.
Để thực hiện điều này, nhà trường đang không ngừng mở rộng bản đồ hợp tác doanh nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên học tập một cách đúng nhu cầu của thực tế nhất, để trở thành nguồn nhân sự chất lượng của doanh nghiệp. Mỗi năm trường đều chủ động điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo theo góp ý, phản hồi từ doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng.
Sinh viên trong tiết thực hành môn Thiết kế sinh vật (Creature Design). Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, HUTECH cũng không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, tiện ích hỗ trợ học tập để mang đến môi trường học tập hiện đại cho sinh viên phát triển toàn diện.
Đặc biệt, Nghệ thuật số là ngành học đòi hỏi cao về tính sáng tạo, tư duy thẩm mỹ, sự am hiểu về văn hóa - nghệ thuật và nhất là khả năng ứng dụng công nghệ để tạo nên những sản phẩm thiết kế độc đáo, do đó, HUTECH sẽ chú trọng đến những yếu tố này trong chương trình đào tạo cũng như thường xuyên tổ chức những sân chơi học thuật phù hợp để sinh viên có thể phát huy bản thân tốt nhất”.