Ngày 05/01/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 64/BNV-CCVC về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Đối với giáo viên là viên chức được hướng dẫn ở khoản 1,2 mục II về xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức như sau:
“…1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2):
Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4):
Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.
Ảnh minh họa |
Có nhiều cơ sở giáo dục đã bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II trên 50%
Theo Công văn số 64/BNV-CCVC, đối với viên chức nhóm 1,2,3,4 thì cơ cấu để bổ nhiệm Chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II và tương đương không quá 50%.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương trong cả nước đã bổ nhiệm Chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I, II, III mới theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được hợp nhất bằng các Thông tư 08,09,10,11/VBHN-BGDĐT).
Quy định bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới chỉ cần đảm bảo 2 tiêu chuẩn thời gian giữ hạng liền kề và tiêu chuẩn trình độ đào tạo, nên các địa phương đã bổ nhiệm hạng mới cho giáo viên với tỷ lệ hạng II khá cao, nhiều nơi đã vượt 50%, có nơi trên 60% giáo viên đã được bổ nhiệm hạng II.
Một giáo viên chia sẻ với người viết, ở đơn vị giáo viên này đang công tác có 40 giáo viên nhưng đợt vừa rồi đã bổ nhiệm hạng II là 25 người, chiếm tỷ lệ đến 62,5%, nếu theo Công văn 64 của Bộ Nội vụ sẽ có 5 người không được xếp ở hạng II.
Những giáo viên này lo lắng có bị “xuống hạng” hay không? Nếu xuống hạng thì xếp lương ra sao? Dựa vào tiêu chuẩn nào?
Giáo viên có bị “xuống hạng” khi đơn vị bổ nhiệm vượt 50% hạng II?
Nhiều giáo viên đang ở hạng II ở những nơi vượt tỷ lệ 50% lo lắng có thể bị “xuống hạng” nên đang tìm, tập hợp các thành tích đã đạt được, đề phòng trường hợp phải xuống hạng thì xét thành tích, thi đua,…
Giáo viên lo lắng có thể phải cạnh tranh với đồng nghiệp cùng đơn vị để tranh suất giữ hạng II, nếu không có thể bị xuống hạng, hưởng lương thấp hơn.
Giáo viên tiểu học đến trung học phổ thông hạng II hiện nay được xếp hệ số lương 4,0-6,38 nếu xuống hạng III sẽ có hệ số lương 2,34-4,98 thấp hơn nhiều nên họ lo lắng khi xuống hạng sẽ thiệt thòi về lương và các chế độ khác.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định việc “xuống hạng” thấp hơn.
Việc chuyển ngạch thay đổi chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư trên đều quy định thực hiện việc xếp lương khi bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Tại điểm a khoản 1 quy định xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức mục II quy định cụ thể như sau:
"a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ [...]"
Bên cạnh đó tại Nghị định 115/2020/NĐCP Nghị định Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 85/2023/NĐ-CP) cũng không có bất kỳ quy định nào nói về việc “xuống hạng”.
Như vậy có thể thấy tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có bất kỳ quy định nào về việc “xuống hạng”, cũng không có quy định xếp lương như thế nào khi “xuống hạng”.
Nên các giáo viên ở các đơn vị đã bổ nhiệm vượt 50% hạng II không nên lo lắng, hoang mang.
Nếu đơn vị nào vượt số lượng 50% thì không có việc xuống hạng mà được thực hiện theo theo khoản 3 mục III Công văn 64 một số điểm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện hướng dẫn xác định cơ cấu và tổ chức xét thăng hạng viên chức như sau:
“3. Trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi ngạch công chức hoặc mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào ngạch (hạng) thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định. Trường hợp số lượng thực tế hiện có vượt tỷ lệ nêu trên thì tạm thời không tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đã vượt quá tỷ lệ.”
Như vậy, nếu đơn vị sự nghiệp công lập đã bổ nhiệm vượt hạng II thì giáo viên hạng II trên không xuống hạng, tuy nhiên, cơ sở giáo dục đó sẽ không tổ chức kỳ xét thăng hạng II do đã vượt tỷ lệ 50%.
Sau đó, giáo viên hạng II được xét thăng hạng lên hạng I hoặc nghỉ hưu, chuyển công tác, nghỉ việc,…nếu dưới tỷ lệ 50% thì mới tổ chức xét thăng hạng.
Điều này, sẽ đảm bảo quyền lợi cho giáo viên hạng II đã được bổ nhiệm, tuy nhiên cũng là thiệt thòi cho những giáo viên hạng III đang công tác, nếu có thành tích tốt đến đâu cũng sẽ không được xét thăng hạng lên hạng II.
Mong Bộ Nội vụ có nghiên cứu, xem xét cho một số trường hợp đặc biệt, xem xét đặc cách cho các trường hợp có thành tích tiêu biểu được tặng thưởng bằng khen cấp tỉnh, Trung ương hay giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia,…vì cơ sở giáo dục đã bổ nhiệm quá 50% hạng II mà họ không có cơ hội được xét thăng hạng lên hạng II rất thiệt thòi cho họ.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.