Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên. Thông tư này có hiệu lực từ 30/5/2023.
Tại khoản 1, khoản 13 Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT điều khoản thi hành có quy định về hiệu lực và thời hạn bổ nhiệm như sau:
“1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 5 năm 2023.
13. Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”
Giáo viên nhiều địa phương vẫn mong được bổ nhiệm lương theo Thông tư 08 - Ảnh minh họa Giaoduc.net.vn |
Hiện nay là những ngày đầu tháng 01/2024 nhưng nhiều địa phương vẫn chưa tiến hành bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo Thông tư 08 trên, có phần chậm trễ so với quy định, nhiều giáo viên bị thiệt thòi.
Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT không có quy định về cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp
Cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp là xác định tỷ lệ giáo viên hạng I, II, III xếp bao nhiêu phần trăm trong tổng số viên chức tại đơn vị.
Một số địa phương ban hành quy định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp như giáo viên hạng I 5%, hạng II 15%, hạng III là 80% nên khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới còn nhiều vướng mắc, khó triển khai, vì nhiều người đạt tiêu chuẩn nhưng không nằm trong chỉ tiêu cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp.
Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.
Người viết tra soát trong Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT không thấy có quy định nào về tính cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp mỗi hạng đối với viên chức.
Và, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/8/2023 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông trong đó có hướng dẫn khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ các Thông tư liên tịch (20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các Thông tư (01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT), thì chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm,...
Có thể hiểu đơn giản, tại Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới chỉ đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề và không cần theo tỷ lệ cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp.
Giáo viên công lập được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng 2 sẽ không quá 50%
Ngày 05/01/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 64/BNV-CCVC về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. [1]
Theo nội dung Công văn 64, qua kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương và ý kiến tại Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:
Đối với giáo viên là viên chức được hướng dẫn ở khoản 1,2 mục II xác định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức như sau:
“Việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc đã có hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như sau:
1. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2)
Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương:Tối đa không quá 20%;
Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;
Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.
2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4)
Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%;
Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%;
Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.
Như vậy, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3, 4 thì chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I không quá 10%, hạng II không quá 50%, hạng III không quá 40%.
Tại khoản 1,3 mục III Công văn 64 một số điểm thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện hướng dẫn xác định cơ cấu và tổ chức xét thăng hạng viên chức như sau:
"1. Cơ cấu tại Mục I và Mục II Công văn này không bao gồm công chức lãnh đạo, quản lý và viên chức quản lý…
3. Trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi ngạch công chức hoặc mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào ngạch (hạng) thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định. Trường hợp số lượng thực tế hiện có vượt tỷ lệ nêu trên thì tạm thời không tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp đã vượt quá tỷ lệ."
Tài liệu tham khảo:
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.