Tranh cãi về việc tăng học phí đối với sinh viên quốc tế của Nhật Bản

19/03/2024 06:50
Tường San (theo Timeshighereducation và Nikkei Asia)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Các trường đại học quốc gia Nhật Bản dự kiến ​​sẽ tăng học phí cho sinh viên nước ngoài sau khi chính phủ dỡ bỏ mức trần đối với học phí này vào tháng tới.

Trên thực tế, có thể thấy rằng, một số quốc gia đang phát triển nhanh như Việt Nam và Nepal,… có số lượng học sinh, sinh viên có nhu cầu và mong muốn rất lớn đi du học Nhật Bản. Chính vì vậy, theo một số chuyên gia, nếu các trường đại học Nhật Bản tăng học phí ​​có thể làm nản lòng các ứng viên quốc tế đến từ những thị trường này.

Cụ thể, Nhật Bản chuẩn bị dỡ bỏ mức trần học phí đối với sinh viên quốc tế tại 86 trường đại học quốc gia, các trường sẽ được phép tăng mức học phí là tối đa 20%. Hơn nữa, các trường đại học công lập thuộc chính quyền địa phương và các trường đại học tư có thể cũng sẽ thực hiện theo cách làm này.

Đáng nói, vào tháng 03/2023, chính phủ Nhật Bản đã đặt ra kế hoạch tăng gấp đôi số lượng tuyển sinh sinh viên quốc tế. Theo đó, Thủ tướng Fumio Kishida đã công bố mục tiêu tăng số lượng tuyển sinh sinh viên nước ngoài lên 400.000 người vào năm 2033. (Tính đến 2022, có khoảng 231.000 sinh viên quốc tế tại nước này vào năm 2022).

Cropped-164683587720220309N foreign students.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Nikkei Asia).

Chia sẻ từ ông Thomas Brotherhood - trợ lý giáo sư tại Đại học Rikkyo cho biết, sinh viên đến từ các quốc gia như Việt Nam và Nepal có thể bị cản trở bởi những thay đổi lớn và đột ngột về việc học phí như vậy.

Trong khi đó, hai quốc gia này lại lần lượt là nguồn thị trường người học lớn thứ hai và thứ ba cho các trường đại học và cao đẳng tại Nhật Bản hiện nay với số lượng đang tăng nhanh hàng năm. Năm 2022, số sinh viên Việt Nam tham gia học tại quốc gia này đã tăng lên 25%; số sinh viên Nepal tăng 29%.

Theo thông tin từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Nhật Bản, học phí của sinh viên nước ngoài cao hơn khoảng 50% so với sinh viên trong nước ở Mỹ, trong khi khoảng cách ở Canada vào khoảng 100%.

Thế nhưng, các trường đại học ở Hoa Kỳ và Canada thường cung cấp chỗ ở được trang bị tốt cho sinh viên và hỗ trợ sinh viên nước ngoài.

Đáng nói, tỷ lệ sinh viên nước ngoài ở Đại học Tokyo chỉ mới đạt khoảng 2%, còn cách xa so với tỷ lệ 24% tại Đại học Cambridge (Anh) và 12% tại Đại học Harvard (Mỹ).

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Christopher Haswell, Đại học Kyushu (Nhật Bản) lại chỉ ra rằng, so với các điểm đến du học hàng đầu như Anh và Mỹ, nhiều người vẫn sẽ coi quốc gia này là nơi học tập với chi phí tương đối phải chăng.

Và nếu các trường đại học tư cũng tăng học phí, nguồn thu từ chi phí tăng đó có thể giúp giảm áp lực tài chính đang ngày càng gia tăng đối với chính các trường này khi dân số Nhật Bản tiếp tục giảm. Vì vậy, việc tăng học phí đối với sinh viên quốc tế du học tại quốc gia là cần thiết cho các trường đại học.

Ông Thomas Brotherhood cũng bày tỏ, trước đây, chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi các trường đại học tăng cường đầu tư vào các dịch vụ dành cho sinh viên quốc tế, bao gồm cả việc đào tạo ngôn ngữ.

Vậy nên, nếu các trường đại học quốc gia sử dụng thêm nguồn tài chính từ nguồn học phí tăng lên đó để thực hiện vào việc tăng đầu tư các dịch vụ có thể cải thiện trải nghiệm và kết quả học tập của sinh viên quốc tế.

Một quan chức của một trường đại học quốc gia tại Nhật Bản thông tin, để chứng minh rằng việc tăng học phí là cần thiết, nhà trường đã có kế hoạch cải thiện cơ sở vật chất cho sinh viên nước ngoài.

Cũng theo ông Thomas Brotherhood, hiện chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng các quy định về thị thực sau đại học, cho phép sinh viên quốc tế tốt nghiệp các trường dạy nghề và cao đẳng tìm kiếm việc làm ngoài lĩnh vực học tập của họ. Đây là chính sách mới nhất trong chuỗi chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sinh viên quốc tế làm việc trong nước.

Tuy nhiên, chính phủ sẽ phải đưa ra nhiều chính sách hơn nữa để giải quyết các rào cản về ngôn ngữ, quy trình tuyển dụng khó khăn và mức lương thấp nếu muốn khuyến khích nhiều sinh viên nước ngoài sau khi tốt nghiệp ở lại và làm việc tại quốc gia này.

Tường San (theo Timeshighereducation và Nikkei Asia)