Không có điểm số cao, nữ giảng viên vẫn gây ấn tượng để đạt học bổng TS tại Pháp

09/07/2024 06:42
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -“Xuất thân và quê hương đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định đi du học và nỗ lực giành học bổng tiến sĩ của tôi...”

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ để phát triển bản thân, vừa qua, Triệu Nguyễn Huyền Trang (sinh năm 1995, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã xuất sắc nhận được học bổng France Excellence của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam du học bậc tiến sĩ.

Trang cho hay, đây là dạng học bổng chính phủ, bao gồm trợ cấp hàng tháng đủ để chi trả học phí và các loại sinh hoạt phí. Ngoài ra, học bổng còn bao gồm vé máy bay khứ hồi, hỗ trợ về nơi ở, bảo hiểm và các chi phí khác.

Hiện tại, cô đang công tác tại Học viện Ngoại giao với vai trò Giảng viên khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, đồng thời là viên chức của Bộ Ngoại giao.

Dự kiến, Trang sẽ bắt tham gia chương trình học tại Pháp vào cuối tháng 8 năm nay. Do đó, cô đang khá bận rộn để bàn giao công việc và chuẩn bị cho việc nhập học này.

Xuất thân và quê hương giúp hiện thực hóa ước mơ đi du học

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô bày tỏ, mặc dù chỉ xuất thân từ một huyện miền núi với gia cảnh bình thường, thế nhưng Trang may mắn nhận được sự động viên và định hướng sớm từ gia đình.

“Bố mẹ luôn khuyến khích tôi học tập, nuôi dưỡng ước mơ lập nghiệp ở thành phố và khám phá thế giới. Chính điều này đã tạo nên động lực để tôi chọn học chuyên Anh rồi chuyên Pháp, sau đó thi vào ngành ngoại giao và giờ đây là đi du học.

Có thể nói, xuất thân và quê hương đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định đi du học và nỗ lực giành học bổng du học bậc tiến sĩ của tôi. Đó không chỉ là cơ hội để phát triển bản thân mà còn là cách để tôi hiện thực hóa những ước mơ được ươm mầm từ thời thơ ấu, trong tình yêu của gia đình và chòm xóm”, Trang nói.

01.jpg
Xuất thân và quê hương đã có ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định đi du học và nỗ lực giành học bổng du học bậc tiến sĩ của Triệu Nguyễn Huyền Trang (Ảnh: NVCC).

Không chỉ từ phía gia đình, Trang cho hay, động lực lớn nhất thúc đẩy cô nỗ lực học tập và đạt được những kết quả như hiện tại chính là nhu cầu phát triển bản thân.

Với khao khát có thêm trải nghiệm mới, kiến thức mới và kỹ năng mới luôn thường trực, khi đã trở thành giảng viên và tìm thấy chuyên ngành muốn đào sâu, Trang đã quyết định tìm giáo sư hướng dẫn và nộp học bổng để đi học nghiên cứu sinh tại Pháp.

Kể lại quá trình đạt được học bổng của mình, cô chia sẻ, việc chuẩn bị cho học bổng là một quá trình kéo dài nhiều năm nên cô không áp dụng một phương pháp cụ thể nào. Tuy nhiên, cô đặc biệt chú trọng vào việc tự học như là nền tảng trong quá trình phát triển của mình.

Bên cạnh đó, ở góc nhìn cá nhân, cô nhận thấy rằng, điểm sáng nhất trong hồ sơ xin học bổng giúp bản thân có thể ghi điểm với hội đồng xét duyệt chính là sự cam kết lâu dài với lĩnh vực giáo dục và truyền thông của trong suốt quãng thời gian dài qua.

“Tôi tin Hội đồng muốn trao học bổng cho người sống có kế hoạch và cam kết với những gì đã chọn", Trang bày tỏ.

Nói về thành tích học tập của bản thân, cô cho hay, nếu đánh giá sự xuất sắc dựa trên điểm số thì thành tích học tập của bản thân chỉ thực sự nổi bật ở bậc phổ thông. Ở cấp đại học và thạc sĩ, cô đều tốt nghiệp loại khá.

Tuy nhiên, Trang tin rằng, năng lực của bản thân được thể hiện qua những trải nghiệm nghề nghiệp, được chứng minh bằng một lộ trình phát triển nhất quán trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục.

Luôn áp dụng 2 nguyên tắc để vượt qua khó khăn

Để đạt được thành quả như hiện tại, nữ giảng viên trẻ cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn nhưng trở ngại lớn nhất đối với cô chính là việc sắp xếp cuộc sống và tập trung mọi nguồn lực vào một mục tiêu. Đặc biệt là khi phải đưa ra những lựa chọn khó khăn, tiếp tục một số công việc trong khi từ bỏ những việc khác để có thể tập trung toàn lực cho kế hoạch.

Để vượt qua những khó khăn này, cô đã áp dụng hai nguyên tắc chính, thứ nhất là tự kỷ luật và liên tục tự nhắc nhở, động viên bản thân và thứ hai là không ngần ngại lên tiếng để xin sự trợ giúp từ người khác khi cần thiết.

Nhờ kết hợp giữa nội lực và ngoại lực, cô dần giải quyết các vấn đề và có thêm những thành tựu nho nhỏ.

Trang luôn tin rằng, một người trẻ có thể tiến xa, trước tiên nhờ vào khát vọng và sự nỗ lực của bản thân. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể quên rằng luôn có những người đứng phía sau để động viên, những người đi trước dẫn đường và những người bên cạnh che chở.

Kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ học bổng du học trình độ tiến sĩ của mình, Trang cho biết, đó chính là khoảng thời gian viết thư động lực kèm bài luận. Nó giống như một trải nghiệm mang tính “chữa lành” bản thân.

Khi bắt đầu viết, cô nhận ra mình đang đối diện với những kỷ niệm và cảm xúc sâu sắc về quá trình trưởng thành của bản thân. Cô đã chia sẻ về những khó khăn gia đình đã trải qua; về hành trình của một cô gái từ vùng nông thôn vươn lên trở thành giảng viên đại học ở Hà Nội.

“Có những lúc, tôi chỉ viết được vài câu rồi lại dừng lại để… khóc. Đôi khi, cảm giác buồn tủi và chán nản khiến tôi muốn từ bỏ và cất bài viết đi. Tuy nhiên, tôi đã tiếp tục, và phải mất vài ngày tôi mới hoàn thành được bài luận.

Do đó, trải nghiệm này đã không chỉ giúp tôi hoàn thiện hồ sơ xin học bổng mà còn là một cơ hội để nhìn lại quá khứ, đánh giá toàn bộ hành trình của mình. Bài luận nhắc nhở tôi về những khó khăn đã vượt qua và làm tăng thêm quyết tâm để tiếp tục chinh phục học bổng", Trang xúc động kể lại.

Để đạt được học bổng tiến sĩ, các thành tích, công trình về nghiên cứu khoa học là khá quan trọng. Kể từ khi bắt đầu công tác tại Học viện Ngoại giao vào năm 2021, Trang cho biết, cô đã có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học đa dạng, các công trình nghiên cứu của tôi bao gồm đề tài cấp Cơ sở và cấp Bộ, đồng thời tôi cũng tham gia viết giáo trình và thực hiện các nghiên cứu độc lập.

06.jpg
Quá trình nghiên cứu khoa học đã mang lại cho cô gái trẻ nhiều bài học quý giá, góp phần giúp cô đạt được thành tích như hiện tại (Ảnh: NVCC).

Với đặc thù của ngành ngoại giao, cô và các giảng viên cần tập trung nghiên cứu việc sử dụng truyền thông cho mục đích chính trị. Điều này đã đòi hỏi cô phải đi sâu tìm hiểu không chỉ về hiện trạng của Việt Nam mà còn cả các cường quốc trên thế giới.

Ngoài ra, cô cũng có cơ hội tham gia các nghiên cứu về văn hóa, một yếu tố quan trọng trong truyền thông đối ngoại.

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình nghiên cứu của bản thân, Trang kể lại, khi thực hiện đề tài về thương hiệu địa phương của Việt Nam, đó là lúc cô nhận ra bản thân còn nhiều điều chưa biết về quê hương. Chính trải nghiệm đó đã làm cô càng thêm khiêm tốn trước con đường dài để trở thành một nhà nghiên cứu thực thụ.

“Quá trình nghiên cứu khoa học đã mang lại cho tôi nhiều bài học quý giá. Càng học hỏi và làm việc, tôi càng nhận thức rõ ràng hơn về chiều sâu và độ phức tạp của lĩnh vực mình đang theo đuổi, đồng thời tăng thêm động lực để tiếp tục phát triển trên con đường học thuật”, cô chia sẻ..

Trong tương lai, nữ giảng viên trẻ đã đặt ra định hướng sẽ gắn liền với sự phát triển tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, cô có kế hoạch quay về nước và tiếp tục công tác giảng dạy của mình tại Học viện Ngoại giao.

Khi quyết định thi vào Bộ Ngoại giao và trở thành giảng viên, cô đã nhận thức rõ đây sẽ là một hành trình dài. Hiện tại, cô xem mình đang ở giai đoạn đầu của con đường này - một giai đoạn quan trọng để tìm hiểu bản thân và định hình sự nghiệp.

Trang bày tỏ, cô tin rằng, bằng cách quay về và tiếp tục con đường đã chọn, cô sẽ có thêm nhiều cơ hội để tạo nên những hành trình đáng nhớ trong sự nghiệp, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển của lĩnh vực truyền thông và giáo dục tại đất nước mình.

Tường San