Bằng niềm đam mê với bóng đá, tình yêu với câu lạc bộ Manchester United và mong muốn cống hiến cho nền bóng đá nước nhà, Lê Thảo Nguyên (sinh năm 2000, tại Hoài Đức, Hà Nội) đã đăng ký học chương trình “Đạo đức và Liêm chính trong thể thao” (Sports Ethics and Integrity) trong khuôn khổ các chương trình của Erasmus để học tập và nghiên cứu sâu về vấn đề này.
Với học bổng Erasmus, Thảo Nguyên sẽ được trải nghiệm học tập, nghiên cứu tại 5 quốc gia là Bỉ, Cộng hòa Séc, Tây Ban Nha, Đức và Hy Lạp, được miễn toàn bộ học phí, sinh hoạt phí và phí di chuyển giữa các nước trong 2 năm học.
Trước đó, năm 2022, Lê Thảo Nguyên là thủ khoa tốt nghiệp ngành Đông Nam Á học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Cô nàng cũng vinh dự trở thành một trong 98 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vinh danh năm 2022.
Bí quyết “chạm tay” tới học bổng du học Châu Âu
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Thảo Nguyên cho biết, để hiện thực hóa ước mơ du học Châu Âu, nữ sinh đã chủ động xây dựng kế hoạch học tập từ năm nhất đại học, tập trung nâng điểm trung bình tích lũy (GPA) cao nhất có thể, tiến gần với cơ hội nhận các học bổng trong và ngoài nước.
“Trước khi bắt đầu một học kỳ mới, tôi luôn cố gắng lên kế hoạch một cách chi tiết và cẩn thận nhất có thể để học tập tốt từng môn học. Ngoài giờ học trên trường, tôi soạn đề cương ôn tập theo đề thi của các năm trước, bắt đầu vẽ mindmap (sơ đồ tư duy) rồi đọc và học thuộc mỗi ngày. Gần đến ngày thi, tôi cùng bạn bè học nhóm, một lần nữa rà soát lại những kiến thức mình đã học, lấy ví dụ minh họa để hiểu bài hơn, cùng nhau củng cố kiến thức, động viên nhau cố gắng học tập và mang tinh thần tự tin trước mỗi kỳ thi”, nữ sinh chia sẻ.
Thảo Nguyên cũng khẳng định, khi giúp bạn bè hiểu bài cũng là cách để giúp bản thân hệ thống lại những kiến thức đã học và thấm nhuần hơn.
Bên cạnh đó, để nâng cao kỹ năng mềm, nữ sinh còn hăng hái tham gia các chương trình của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, tham gia vào nhiều dự án xã hội trên địa bàn Thành phố Hà Nội (như dự án bảo vệ môi trường Let’s Do It Hanoi, dự án về thủ lĩnh trẻ I COMMIT,..).
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, trong 8 học kỳ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Thảo Nguyên đã 6 lần đạt được học bổng khuyến khích học tập của nhà trường.
Thảo Nguyên chia sẻ, cô đã tìm hiểu rất nhiều học bổng thạc sĩ ở Châu Âu, sau khi “cân đo đong đếm”, nữ sinh nhận thấy học bổng Erasmus là phù hợp với bản thân nhất, từ lợi thế cạnh tranh đến nhu cầu sau khi tốt nghiệp.
Erasmus (viết tắt của European Region Action Scheme for the Mobility of University Students) là một trong những chương trình học bổng danh giá và được săn đón nhất dành cho sinh viên quốc tế muốn du học tại các quốc gia Châu Âu. Erasmus là một chương trình do Liên minh Châu Âu tài trợ, không chỉ tài trợ chi phí học tập mà còn mở ra cơ hội giao lưu văn hóa, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người học.
Lê Thảo Nguyên cho biết, với học bổng Erasmus, nữ sinh có cơ hội được học tập tại 5 quốc gia trong vòng 2 năm. Cụ thể, nữ sinh sẽ theo học tại các đại học: Katholieke Universiteit Leuven (Bỉ), Charles University (Cộng hòa Séc), University of Pompeu Fabra (Tây Ban Nha), Johannes Gutenberg University Mainz (Đức) và University of the Peloponnese (Hy Lạp). Đây đều là những đại học uy tín trên thế giới với tỉ lệ cạnh tranh cao.
Thảo Nguyên hào hứng chia sẻ, học bổng Erasmus mang đến cho cô cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở các nền văn hóa đa dạng. Nữ sinh cảm thấy vô cùng thích thú khi được sống và học tập ở các quốc gia khác nhau, trải nghiệm những hoạt động độc đáo mới lạ và lĩnh hội thêm nhiều kiến thức phong phú.
Theo nữ sinh Hà thành, yếu tố quan trọng nhất mà hội đồng xét duyệt học bổng Erasmus tìm kiếm ở ứng viên đó chính là sự hiểu biết sâu sắc về chương trình.
Nữ sinh tâm sự: “Ứng viên cần chứng minh rằng mình đã nghiên cứu kỹ về chương trình học, chỉ ra cụ thể chương trình học liên quan đến vấn đề mình sẽ nghiên cứu, phù hợp với mục tiêu học tập và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Điều này chứng tỏ sự nghiêm túc theo đuổi và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ứng viên.
Đặc biệt, để tăng khả năng nhận được học bổng, ứng viên cần chứng minh năng lực học tập, sự cố gắng qua các thành tích đạt được (các thành tích học thuật phải đạt mức độ phù hợp, liên quan với lĩnh vực định nghiên cứu). Ứng viên cũng cần hoàn thành các chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm, xin thư giới thiệu từ thầy cô (nhất là những thầy cô trực tiếp giảng dạy ở bậc đại học để có thể đánh giá công tâm về thái độ học tập và thành tích trên trường).
Cuối cùng là bài luận cá nhân (phần quan trọng nhất trong hồ sơ ứng tuyển), ứng viên nên học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, yếu tố cốt lõi là qua bài luận, kể lại câu chuyện của cá nhân bằng cách nhìn thấu đáo về thực tiễn, chứng minh được những trải nghiệm phong phú”.
Nữ sinh cho hay, ngay sau khi biết tin bản thân nhận được học bổng, cô đã tham gia vào các hội nhóm sinh viên nước ngoài để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và thích nghi với cuộc sống mới.
Thảo Nguyên đã mày mò trên các trang mạng xã hội để tìm hiểu thêm những góc nhìn khách quan về cuộc sống tại các quốc gia sắp đặt chân đến. Cô cũng xem rất nhiều video chia sẻ về lịch sử, văn hóa, đời sống sinh hoạt, khí hậu, phương tiện di chuyển,.. những điều mang hơi thở cuộc sống của mỗi quốc gia.
Đặc biệt, để có “hành trang” hội nhập quốc tế, nữ sinh không ngại thử thách bản thân “bước ra khỏi vùng an toàn” với một bản lĩnh vững vàng.
Nữ thủ khoa ngành Đông Nam Á học cũng bộc bạch: “Hành trình du học sẽ là khởi nguồn của hành trình khám phá bản thân, khám phá những tiềm năng, nâng cao khả năng thích nghi trước thời đại mới và rèn luyện sự tự lập.
Đây cũng là dịp để tôi có thể giao lưu, kết nối với những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, từ đó, có cơ hội giới thiệu về đất nước, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương”.
Nỗ lực học tập, hoàn thiện bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình
Trên hành trình chinh phục học bổng du học Châu Âu không tránh khỏi những thử thách và khó khăn, hiểu được điều đó, Thảo Nguyên luôn giữ cho mình “tinh thần thép” để vượt qua những trở ngại.
Thảo Nguyên bộc bạch: “Đối với tôi, bài luận cá nhân là khó khăn lớn nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ nhận học bổng Erasmus. Tôi thực sự không nhớ bản thân đã phải viết và sửa đi sửa lại bao nhiêu lần, trước khi chính thức hoàn thành bài luận. Việc hiểu bản thân mình là một chuyện khó và phải liên kết tất cả những kinh nghiệm, trải nghiệm trước đây để viết vào bài luận, sao cho hồ sơ của mình trở nên cạnh tranh, ấn tượng còn khó hơn gấp ngàn lần.
May mắn, tôi nhận được sự giúp đỡ và lời khuyên từ rất nhiều người, trong đó có những anh, chị đã từng đạt được học bổng như là Erasmus Mundus, học bổng Chính phủ Hungary, Chevening,…
Ngoài ra, cân bằng giữa việc chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển học bổng và những nhu cầu khác trong cuộc sống cũng là một thử thách không hề nhỏ. Áp lực đè nặng lên bản thân khi tôi quyết định nghỉ việc tại tổ chức phi chính phủ Urban Program Volunteer (công việc mà tôi rất yêu thích) để tập trung hoàn toàn vào hồ sơ du học. Trong khi bạn bè vẫn đang tận hưởng cuộc sống sinh viên, tôi phải đối mặt với những áp lực riêng. Khoảng thời gian ấy, tôi rơi vào trạng thái vô định, loay hoay, không biết kết quả sẽ như thế nào và mọi thứ sẽ ra sao.
Có thể nói, quá trình chuẩn bị hồ sơ để nộp học bổng là một quá trình đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên trì của bản thân. Tôi luôn cố gắng sắp xếp việc học tập cũng như các hoạt động theo kế hoạch, có chiến lược và mục tiêu rõ ràng… Đó là bí quyết giúp tôi chinh phục học bổng lần này”.
Thảo Nguyên chân thành chia sẻ, động lực lớn nhất giúp cô vượt qua hành trình chinh phục học bổng Erasmus đầy khó khăn, chính là gia đình: “Ngay từ nhỏ, chứng kiến bố mẹ làm lụng vất vả, chịu thương chịu khó, dầm mưa dãi nắng đi bán rau củ ngoài chợ nuôi mình ăn học, tôi đã thầm tự nhủ, trên con đường phía trước bản thân phải nỗ lực thật nhiều, cố gắng thật nhiều và miệt mài trau dồi tri thức”.
“Ngoài điểm tựa gia đình, tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ các thầy cô và nhà trường. Năm nhất đại học, có lần tôi bị bệnh phải nằm viện điều trị một tháng, đúng vào lịch thi cuối kỳ. Các thầy cô không chỉ quan tâm, hỏi han sức khỏe mà còn hỗ trợ tôi rất nhiều để hoàn thành kỳ thi, không bị ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả học tập…”, nữ sinh nhớ lại.
Thảo Nguyên bày tỏ, với 2 năm du học sắp tới, nữ sinh sẽ nỗ lực học tập, hoàn thiện bản thân để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Nữ sinh hy vọng, với hành trình học tập, phấn đấu của bản thân, sau này, cô có thể phần nào đóng góp cho cộng đồng, cho sự phát triển của quê hương.
Nhận xét về học trò Lê Thảo Nguyên, Tiến sĩ Hồ Thị Thành - giảng viên Bộ môn Đông Nam Á học, Khoa Đông Phương học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Thảo Nguyên là thủ khoa đầu ra ngành Đông Nam Á học và cũng là thủ khoa khóa đầu tiên của ngành. Cô học trò này rất năng động, chịu khó học tập, cầu thị và cũng rất hăng hái tìm tòi, học hỏi. Ở Thảo Nguyên, luôn có sự tập trung cao độ trong những giờ học ở trên lớp và sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập.
Đối với các công việc liên quan đến khoa hay trường, không chỉ riêng tôi, mà với các thầy cô khác cũng đều ấn tượng với Thảo Nguyên, bởi sự luôn nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm. Mỗi khi nhắc đến Thảo Nguyên, các thầy cô đã từng trực tiếp giảng dạy đều nhớ đến cô học trò nhỏ và dành lời khen cùng sự yêu mến, tin tưởng rằng sẽ đạt được những thành tích xa hơn trong tương lai”.