Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14/2/2025. Thông tư mới ban hành đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của các bậc phụ huynh.
Qua đó có nhiều ý kiến cho rằng, thông tư đã có những quy định rất cụ thể, rõ ràng để cơ sở giáo dục, giáo viên thực hiện và đúng với tinh thần chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Thông tư mới hướng đến yếu tố công bằng trong giáo dục
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Thị Phương - giáo viên tiểu học huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, với các quy định được đưa ra trong Thông tư 29 rất phù hợp với điều kiện thực tế. Đây là ràng buộc cần phải có trong lúc việc dạy thêm, học thêm có thu phí diễn ra tràn lan và trở thành một vấn nạn.
Giáo viên này cho rằng, thông qua đó, những bất cập từ việc dạy thêm học sinh chính khóa và chuyện "ép" học sinh học thêm bao lâu nay có thể từng bước được giải quyết. Với quy định mới trong thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hy vọng môi trường giáo dục sẽ tốt đẹp, công bằng hơn.
Cô Phương chia sẻ thêm rằng, khi Thông tư 29 chính thức được ban hành, rất nhiều phụ huynh tỏ ra phấn khởi vì trút đi gánh nặng xem "thái độ" của giáo viên để quyết định có cho con đi học thêm hay không. Khi đó, dù không bằng lòng nhưng nhiều phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn vẫn đành phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền để cho con học thêm vì sợ con sẽ bị "phân biệt đối xử" trên lớp học.
Giáo viên này cũng nhận định rằng, thông tư này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo ra sự thay đổi rất lớn về góc nhìn của phụ huynh với những người làm công tác quản lý giáo dục. Qua đó, phụ huynh bày tỏ mong muốn, các cơ quan quản lý nên có những phương án tích cực để phát hiện những giáo viên cố tình vi phạm quy định và "ép buộc" học sinh đi học thêm để xử lý nghiêm minh.
"Bản thân tôi cũng là giáo viên tiểu học, nhưng từ ngày đầu làm nghề giáo đến nay tôi chưa từng kêu gọi học sinh của mình phải đi học thêm ở các lớp mình đứng ra tổ chức. Bởi lẽ tôi thấy rằng, nếu mình cố gắng truyền thụ hết những kiến thức đã được đưa ra trong sách giáo khoa thì cũng đủ hàm lượng để học sinh có thể tiếp thu.
Vì thế, nếu có học sinh nào chậm hiểu, không tiến bộ thì mình có thể tranh thủ kèm cặp thêm cho các em đó vào giờ giải lao trên lớp hoặc ngày cuối tuần ở nhà mình. Tất nhiên là chỉ là kèm cho một vài học sinh thực sự cá biệt chứ không tổ chức theo quy mô nhóm, lớp và hoàn toàn miễn phí. Còn gia đình nào muốn đầu tư thêm cho con thì hoàn toàn có thể đăng ký cho con học tại các trung tâm dạy thêm đã được cấp phép, tôi hoàn toàn khuyến khích.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 của thông tư này cũng nêu lên yêu cầu, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học. Tôi thấy rằng đây là điểm mới có thể sàng lọc được đâu là giáo viên tâm huyết, có đạo đức với nghề.
Bởi lẽ, nếu chỉ đơn thuần là chạy theo lợi nhuận kinh tế, không hướng đến mục đích là nâng cao chất lượng học tập của học sinh thì hầu như không có giáo viên nào dám bỏ thời gian, công sức của mình để đến trường "dạy không công" cho học sinh cả", cô Phương nhấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cô Phương cũng cho rằng, quy định tại khoản 1, Điều 4 về việc, không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống là một điểm đáng chú ý của Thông tư 29.
Theo quan điểm của giáo viên này, học sinh tiểu học theo chương trình mới đã học 2 buổi/ngày, với độ tuổi như vậy nếu đã học 2 buổi/ngày nhưng nếu vẫn bị "ép" học thêm thời lượng dễ khiến các em kiệt sức, quá tải và mất đi thời gian thư giãn cùng gia đình.
Cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương để xử lý các lớp dạy thêm "chui"
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Cảnh - giáo viên Trường Trung học cơ sở Xuân Vinh (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) bày tỏ, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 với một số quy định mới về dạy thêm, học thêm được đang được phụ huynh rất ủng hộ.
Thầy Cảnh cho biết: "Tôi cũng là một phụ huynh đang có con đi học nên tôi thấy rằng, nếu không kiểm soát được tình trạng dạy thêm, học thêm thì có thể rất nhiều học sinh sẽ đánh mất tuổi thơ, thiếu kỹ năng sống cơ bản chỉ vì các em mất quá nhiều thời gian cho việc học".
Thầy Cảnh cũng bày tỏ quan điểm đối với quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư 29, trong đó có quy định về việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học. Điều này có tác động rất lớn và giảm thiểu đáng kể việc học sinh dù không muốn nhưng vẫn bị "ép" theo học tại các lớp học thêm được tổ chức trong nhà trường".
Cũng theo giáo viên này, khi đã có yêu cầu về phân loại đối tượng tham gia các lớp học thêm được tổ chức trong trường thì chắc chắn không xảy ra tình trạng dạy thêm theo kiểu "đại trà" được. Qua đó, quyền chủ động lựa chọn có cho con đi học thêm hay không của phụ huynh cũng được đảm bảo.
Và hơn hết, khi việc dạy thêm, học thêm không vì lợi nhuận kinh tế thì ở các lớp học như thế chỉ có dạy và học bằng tâm huyết, đúng bản chất cần có của người làm nghề giáo.
"Nếu điều này được thực hiện tốt thì sẽ kéo chất lượng học tập trong mỗi lớp trở nên đồng đều, từ đó tạo ra kết quả tiến bộ đồng đều trong các nhà trường. Trong thông tư đã nhấn mạnh đến đối tượng được đăng ký học thêm ở trường là "Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt". Như vậy, khi chỉ bồi dưỡng một số học sinh trong nhóm đối tượng này thì rõ ràng kiến thức và chất lượng học tập của các em sau một thời gian hoàn toàn có thể theo kịp với mức chung của các học sinh trong lớp.
Tất nhiên, đối với những trường hợp muốn học nâng cao hơn nữa hoặc phục vụ cho mục đích tham dự các kỳ thi lớn thì phụ huynh có thể đăng ký cho con học tại các trung tâm dạy thêm được cấp phép. Điều này đảm bảo tính tự nguyện của học sinh, hơn nữa khi học thêm tại các trung tâm, sự tiến bộ của các em ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của em đó, không hề có sự thiên vị hoặc "nâng đỡ" vì người dạy tại đó không phải là giáo viên chính khóa", thầy Cảnh nhấn mạnh.
Cùng bày tỏ một số quan điểm xoay quanh chủ đề này, thầy Vũ Mạnh Cường - giáo viên Trường Trung học phổ thông Xuân Trường B (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) cho rằng, các quy định đưa được ra trong Thông tư 29 là thực sự cần thiết để chấn chỉnh và đưa hoạt động dạy thêm, học thêm sớm vào quỹ đạo.
Tuy nhiên, theo giáo viên này, để các quy định được thực hiện nghiêm túc thì cần phải có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ giữa phụ huynh, cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương để giám sát, phát hiện và xử lý các lớp học thêm "chui" đang tồn tại.
Ngoài ra, thầy Cường cũng nhấn mạnh rằng, cái gốc của vấn đề vẫn là làm sao giải quyết được tình trạng chạy đua thành tích giữa các lớp, các trường học với nhau. Đồng thời, cũng chính phụ huynh nên có cái nhìn thoáng hơn về kết quả học tập của con. Điều này, một phần tạo ra gánh nặng, áp lực học hành và làm mất đi thời gian được trải nghiệm, thư giãn của học sinh.
Ngoài ra, chính từ việc phụ huynh quá kỳ vọng vào thành tích của của nên cố cho con chạy đua học thêm tại các lớp học của giáo viên dạy chính khóa mở ra cũng là yếu tố tạo ra sự phát triển không ngừng và không thể chấm dứt các lớp dạy thêm "chui" được mở ra.
"Tôi thấy rằng, với học sinh trong độ tuổi học tiểu học và trung học cơ sở các em cần phát triển toàn diện. Tuy nhiên, việc quản lý không tốt dẫn đến việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan, kéo theo việc các em phải đi học quá nhiều ảnh hưởng đến kỹ năng phát triển những kỹ năng sống của em đó.
Trong đó, có một phần học sinh là học thêm theo đúng nhu cầu thực tế nhưng cũng có không ít học sinh rơi vào vòng xoáy của học thêm tại các lớp do giáo viên chính khóa mở ra, vì tâm lý không đi học thêm sẽ chèn ép hoặc nhận kết quả kém trên lớp.
Vì thế, khi các quy định về dạy thêm, học thêm đã được nêu cụ thể trong Thông tư 29 như vậy, các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền địa phương cũng nên có sự giám sát và phối hợp chặt chẽ. Đồng thời nếu phát hiện ra các trường hợp vi phạm quy định dạy thêm thì cần xử lý nghiêm minh", thầy Cường bày tỏ.