Thông tư mới về dạy thêm: Quy định đúng và trúng, ngăn hiện tượng tiêu cực

04/01/2025 06:42
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngày 30 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14 tháng 02 năm 2025.

Ngày 30 tháng 12 năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 14 tháng 02 năm 2025.

Thông tư với các quy định rất cụ thể, rõ ràng để cơ sở giáo dục, giáo viên thực hiện. Những quy định này theo người viết đánh giá là đúng với tinh thần chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.

Ảnh Thông tư 29 2024 dạy thêm.jpg
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm- Ảnh chụp màn hình

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cấm dạy thêm học sinh tiểu học, cấm dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa

Tại Điều 4, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm với những quy định hết sức cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tại khoản 1 quy định: “Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống”.

Quy định này là hết sức hợp lý, nhận được sự đồng thuận lớn từ nhân dân cả nước. Bởi học sinh tiểu học theo chương trình mới đã học 2 buổi/ngày, tuổi còn nhỏ, nếu đã học 2 buổi/ngày, mà còn cho phép dạy thêm sẽ khiến các em kiệt sức, quá tải và phản tác dụng, mất đi tuổi thơ,…vắt kiệt sức phụ huynh phải tốn kém kinh phí để cho các em học sinh tiểu học thêm.

Người viết trao đổi với nhiều phụ huynh có con đang học tiểu học gần như tất cả đều vui mừng và cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định cấm dạy thêm học sinh tiểu học này, và họ mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh giáo viên tiểu học lén lút dạy thêm thu tiền.

Quy định trường hợp không được dạy thêm tiếp theo quy định tại khoản 2 cũng được đồng thuận rất lớn đó là: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.

Với quy định này, giáo viên công lập không được dạy thêm thu tiền đối với học sinh đang được giáo viên dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường (dạy chính khóa), người viết là giáo viên vô cùng hoan nghênh và cho rằng điều này là vô cùng hợp lý, hàng loạt bất cập lớn từ việc dạy thêm học sinh chính khóa thu tiền, o ép học sinh, nay với quy định mới này hy vọng môi trường giáo dục sẽ tốt hơn, công bằng hơn.

Điều này phù hợp với định hướng dạy học theo năng lực và phẩm chất trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh ngoài việc học còn phải tham gia các hoạt động, trải nghiệm, o ép học thêm dễ khiến học sinh thành “máy học”.

Quy định trường hợp không được dạy thêm ở khoản 3: “Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.

Quy định này cụ thể hơn vì Thông tư 17 quy định giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường còn Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT mới đã quy định cụ thể hơn, giáo viên công lập không được quản lí, điều hành dạy thêm ngoài nhà trường, chỉ được quyền dạy thêm trong khuôn khổ cho phép của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.

Chỉ dạy thêm trong nhà trường với đối tượng học sinh xếp loại cuối học kỳ Chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh thi cuối cấp

Tại khoản 1 Điều 5 dạy thêm, học thêm trong nhà trường quy định như sau:

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau:

a. Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b. Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c. Học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đây là quy định mới rất đáng được chú ý, việc dạy thêm trong nhà trường sắp tới sẽ siết chặt hơn, quy định cụ thể hơn so với những quy định trước đây tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Các khoản 2,3,4,5 của Điều 5 Dạy thêm, học thêm trong nhà trường trong Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cũng có nhiều quy định mới hợp lý hơn so với dự thảo Thông tư trước đây và so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, đa số những điều chỉnh này là hợp tình, hợp lý, được đánh giá rất cao.

Dạy thêm ngoài nhà trường phải báo với hiệu trưởng và công khai cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn

Tại Điều 6 quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường cũng có nhiều điểm mới so với dự thảo khi lấy ý kiến và Thông tư 17/2012.

Theo quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT tổ chức, các nhân dạy thêm ngoài nhà trường ngoài việc phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, còn phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm theo từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Quy định này cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn so với dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm trước đây chỉ yêu cầu: “Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.”

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT cũng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 6: “Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm”.

Đọc toàn bộ Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, người viết là giáo viên vô cùng phấn khởi, đồng tình với những quy định mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong Thông tư 29 này, những điểm mới được điều chỉnh, bổ sung đều được nghiên cứu cẩn thận, kỹ lưỡng và người viết tin rằng việc quản lý dạy thêm, học thêm khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực (ngày 14 tháng 02 năm 2025) sẽ dần dần đi vào nền nếp, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Xem Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT TẠI ĐÂY

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên