Thêm hỗ trợ cho HS miền núi, GV sẽ bớt cảnh trích lương đóng trước hộ phụ huynh

01/08/2023 09:03
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Có lớp khoảng 20 trẻ, nhưng đến một nửa số em nợ học phí, giáo viên phải trích lương đóng trước giúp phụ huynh, khi nào họ có tiền sẽ trả".

Tại Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...có đề xuất, trẻ em nhà trẻ bán trú được hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ. Mỗi trẻ sẽ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và không được hưởng quá 9 tháng/năm học. (Hiện tại các bé nhà trẻ 1-3 tuổi chưa được nhận chế độ hỗ trợ).

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lương Thị Thuý (giáo viên Mầm non Vầy Nưa - khu vực III huyện Đà Bắc, Hòa Bình) cho hay, nhà trường nhận trông trẻ nhà trẻ từ 18-36 tháng, tuy nhiên tỷ lệ trẻ đến trường năm vừa qua cũng không nhiều, do đường đi còn khó khăn, gia đình có đông con cũng là gánh nặng kinh tế với phụ huynh. Phụ huynh thường để con nhỏ cho ông bà chăm nom.

"Đầu năm học, giáo viên cũng đến các gia đình để vận động phụ huynh cho con em đến trường. Tuy nhiên họ nói điều kiện kinh tế không có nên chưa muốn cho con đi học. Họ chờ khi con 3 tuổi vào học lớp mẫu giáo, được hưởng các chính sách hỗ trợ thì khi đó mới cho con đến trường", cô Thúy chia sẻ.

Nữ giáo viên chia sẻ, theo quy định, mỗi ngày trẻ nhà trẻ hết 13 nghìn đồng/bữa trưa và học phí 39 nghìn đồng/tháng. Tính ra, mỗi tháng, phụ huynh chi hơn 300 nghìn đồng. Nhà trường sợ phụ huynh không có tiền, nên cũng chỉ thu tiền ăn theo tuần.

Tuy nhiên, đời sống kinh tế của các gia đình ở địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là những gia đình có đông con em độ tuổi đến trường. Vì vậy, nhiều khi phụ huynh chưa có tiền để đóng học, phải nhờ giáo viên đóng hộ.

"Có lớp khoảng 20 trẻ, nhưng đến một nửa số em nợ học phí, giáo viên phải trích lương đóng giúp phụ huynh. Đến khi phụ huynh có tiền, họ gửi giáo viên và chưa có ai không trả", cô Thúy cười nói.

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Cô giáo Thúy cũng chia sẻ, việc nấu nướng tại điểm trường cũng có quy định. Cô nuôi sẽ báo sĩ số trẻ ăn tại lớp để điểm trường chính cung cấp thực phẩm.

Một tuần các trẻ được ăn thịt, cá, trứng, thịt bò. Các trẻ còn bé nhập học vào đầu năm, còn nhỏ nên thường ăn cháo, cơm nát. Bữa hoa quả ăn trước bữa ăn chính, bữa chính có cháo, bánh…

"Nhà trường cũng đi vận động xã hội hoá, để bữa ăn của các trẻ được đảm bảo chất lượng hơn", cô Thúy chia sẻ.

Trước những khó khăn đối với phụ huynh và nhà trường được nêu ở trên, cô Thúy cảm thấy vui mừng nếu như các trẻ nhà trẻ được hỗ trợ tiền ăn trưa.

"Nếu trẻ được hỗ trợ 360 nghìn đồng/tháng, tính ra mỗi bữa, bé được ăn khoảng 15 nghìn đồng. Như vậy, chất lượng bữa ăn cũng sẽ được nâng cao hơn", cô Thúy nói.

Cô giáo Lường Thị Săm (trường Mầm non Hồng Thu, Sìn Hồ, Lai Châu) cho hay, nhà trường có tổ chức ăn trưa cho trẻ và phụ huynh phải đóng góp gạo, cùng 12 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, nhà trường còn vận động xã hội hóa để có thêm gạo, củi, nhằm tăng chất lượng bữa ăn cho các con.

"Phụ huynh đóng góp thêm gạo theo tháng cho các con, một tháng khoảng hai cân gạo", cô Săm chia sẻ.

Về thực đơn bữa trưa, các trẻ nhà trẻ ăn cơm với chả, thịt lợn, trứng, còn thịt bò thì đắt đỏ, cá thì nơi đây không nuôi được.

Do điều kiện kinh tế, xã hội tại xã Hồng Thu còn nhiều khó khăn, nên khi đến thời gian đóng học phí, tiền ăn cho các bé nhà trẻ, có một số phụ huynh "xin khất". Đứng trước điều này, giáo viên phải bỏ tiền túi để đóng trước giúp gia đình các bé, phụ huynh sẽ trả sau.

"Có nhà phụ huynh đông con, gia đình không có điều kiện kinh tế, nên khi bé đến lớp nhà trẻ, chúng ăn ba, bốn bát cơm. Nhiều lúc, giáo viên phải khuyên các con không ăn nữa vì sợ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa", cô Săm chia sẻ.

Với mức hỗ trợ 360 nghìn đồng/tháng ăn trưa, cô Săm cho hay, bữa ăn của các bé nhà trẻ có thể được hơn 15 nghìn đồng/bữa. Như vậy, bữa ăn có thể được tăng thêm khẩu phần, đảm bảo dinh dưỡng hơn.

Góp ý thêm vào dự thảo, cô Săm cho biết, hiện các bé lớp mẫu giáo (3-5 tuổi) được hỗ trợ 160 nghìn đồng/tháng ăn trưa, vì vậy, cô đề xuất song song việc hỗ trợ tiền ăn cho bé nhà trẻ, có thể tăng mức hỗ trợ ăn trưa với bé mẫu giáo.

Chia sẻ thêm về những khó khăn tại nơi công tác, cô Lường Thị Săm cho hay, người dân bản địa đa phần dân tộc Mông nên giáo viên phải học tiếng để giao tiếp cơ bản với các trẻ. Ví dụ như việc bảo trẻ bằng tiếng Mông như ngồi, đứng, ăn, uống...

Để thuận tiện cho việc giảng dạy, giáo viên phải phân từng loại nhóm trẻ theo khả năng của các con, như nhóm trẻ chưa biết tự xúc ăn được ngồi riêng một chỗ để một mình nữ giáo viên xúc cơm.

"Một mình giáo viên nhiều khi phải xoay như chong chóng để cho các bé ăn, vất vả lắm", cô Săm chia sẻ.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, đó còn là việc nhà trường vẫn thiếu giáo viên. Vì vậy, có cháu đủ tuổi đến lớp, nhà trường cũng chưa nhận bởi sợ quá tải. Năm ngoái, có lớp nhà trẻ chỉ có một cô trông 32 cháu.

Mạnh Đoàn