Điểm trường vùng cao thiếu chỗ nấu ăn bán trú, nơi có phải nấu ngoài hiên

15/07/2023 08:10
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là những khó khăn trong việc tổ chức nấu ăn bán trú cho các bé ở vùng cao, khi cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng được.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị định quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Liên quan đến nội dung trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có trao đổi với một số lãnh đạo trường mầm non vùng cao, để lắng nghe những chia sẻ, tâm tư nguyện vọng của giáo viên với con em địa phương.

Cô Lương Thị Khắc (Hiệu trưởng trường mầm non Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang) chia sẻ, nhà trường có 5 điểm trường lẻ và điểm trường chính. Năm học 2022-2023, số lượng bé học lớp nhà trẻ (1 đến 3 tuổi) là 136, còn lại là 156 bé học mẫu giáo (3 đến 5 tuổi).

Đối với các bé nhà trẻ, hiện chưa có chế độ chính sách ăn bán trú. Vì vậy, các phụ huynh thường phải đón con em về nhà ăn trưa và đến chiều lại chở chúng đến trường. Trong khi đó, người dân địa phương trên 90% là dân tộc người Mông, đa phần phụ huynh đều đi làm nương rẫy nên rất bận rộn.

"Các bé nhà trẻ hiện chưa nhận được chế độ chính sách nào, phụ huynh phải đóng góp tất cả các khoản thu. Nếu các con được hỗ trợ chế độ ăn bán trú 360 nghìn đồng/tháng, và hơn nữa thì càng tốt. Nhà trường sẽ luôn cố gắng để cho các con có được bữa ăn đầy đủ", cô Khắc nói.

Nữ hiệu trưởng nhà trường cho biết, với 360 nghìn đồng/tháng/trẻ, nhà trường sẽ huy động xã hội hóa giáo dục để các con có thêm thức ăn trong bữa. Ví dụ như đơn vị sẽ đi xin gạo.

Những khó khăn về chế độ ăn bán trú

Chia sẻ về chế độ, chính sách đối với các bé lớp mẫu giáo, cô Khắc cho hay, nhóm đối tượng này đang được nhận hỗ trợ theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; và Nghị định 81/2021/NĐ-CP về Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP, các em mẫu giáo được hỗ trợ 160 nghìn đồng/tháng tiền ăn trưa. [1]

Tức một tháng bé lớp mẫu giáo ăn trưa khoảng 20-23 buổi, một bữa hết 7.200-7.800 đồng.

Với số tiền hỗ trợ ở mức khiêm tốn trên, cô Khắc cho biết, nhà trường phải linh hoạt có các giải pháp giúp tăng khẩu phần chất lượng bữa ăn cho các bé.

Cụ thể, với bữa ăn trưa, nhà trường vận động phụ huynh đóng góp rau. Đó có thể là rau cải, su su, bí...rau ở đây được trồng theo mùa, nên cũng thuận lợi cho nhà trường trong việc chế biến. Mỗi phụ huynh khi chở con đến trường mang theo một nắm rau để hỗ trợ nhà trường chế biến cho các con.

Trường mầm non Sủng Là.

Trường mầm non Sủng Là.

Về gạo ăn, nhà trường vận động xã hội hóa, từ đó khoản tiền dùng để mua gạo sẽ mua thực phẩm.

Việc lựa chọn thực phẩm cũng được phụ huynh nơi đây rất quan tâm. Nhà trường không chọn món trứng vì trứng để lâu không tốt cho sức khỏe của bé, hay thịt lợn phải là lợn đen của người dân địa phương chăn nuôi, không chọn cá vì nhiều xương. Vì vậy, bữa ăn của các bé thường sẽ là thịt sốt cà chua, giò sốt cà chua.

"Nhiều năm nay, nhà trường chế biến đồ ăn đều không có thực phẩm là trứng. Việc nấu nướng cũng được cô nuôi làm rất cẩn thận, chu đáo nên các con ăn rất ngon miệng", cô Khắc nói.

Trước những khó khăn kể trên, cô Khắc nhận định, đây là động lực để cho nhà trường năng động, cố gắng vận động được nhiều nguồn xã hội hóa nhằm cải thiện bữa ăn cho các con.

Tuy nhiên, khó khăn với việc nấu ăn bán trưa cho các bé vẫn chưa hết, vì hiện tại mới chỉ có 2/6 điểm trường có nhà ăn bán trú. Những điểm trường còn lại có điểm đã xuống cấp, điểm phải tổ chức nhờ trụ sở của thôn. Điểm trường đông nhất là 160 bé.

"Có điểm trường chỉ có hai phòng học dành cho 61 em (mẫu giáo và nhà trẻ). Vì vậy, việc nấu nướng phải làm ở ngoài hiên nhà.

Nếu điểm trường được đầu tư xây dựng, cũng gặp khó khăn trong việc mở rộng do không còn quỹ đất. Nhà trường chỉ có thể xây nhà cao tầng trên diện tích đất hiện tại", cô Khắc chia sẻ.

Chia sẻ về nội dung trên, một lãnh đạo trường tiểu học ở vùng cao của tỉnh Hà Giang cho biết, đối với trẻ mầm non (3-5 tuổi) thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn được nhận hai mức hỗ trợ gồm chế độ ăn trưa theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP, mỗi tháng các bé mẫu giáo được hỗ trợ 160 nghìn đồng và chế độ mua đồ dùng học tập theo nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Tại địa phương, có 7 thôn đặc biệt khó khăn giáp biên giới. Vì vậy, một lớp có khoảng 25 em, đông nhất là có 7 em thuộc hộ thoát nghèo. Còn lại đa phần với các hộ thuộc nghèo, cận nghèo nên nhà trường không thu các khoản phí.

Bữa ăn trưa của trẻ em nhà trẻ, các bé được 12 nghìn đồng/bữa, đây là số tiền do nhà trường vận động xã hội hóa. Thực đơn gồm có canh, cơm, thịt băm nhỏ, trứng... Buổi chiều các bé được uống sữa đậu nành, bánh ngọt.

Việc tổ chức ăn bữa trưa chỉ được tổ chức tại điểm trường chính, các điểm trường còn lại, đơn vị không có cơ sở vật chất để thực hiện.

"Nếu các trẻ nhà trẻ được nhận mức hỗ trợ như Dự thảo nêu, nhà trường sẽ không xin các mạnh thường quân nữa", lãnh đạo nhà trường chia sẻ.

Link bài viết tham khảo:

1: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=200971

Mạnh Đoàn