Kiến nghị có chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em nhà trẻ, Bộ GD nói gì?

28/02/2023 10:50
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Bộ Giáo dục, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, hiện nay chưa đủ nguồn lực để áp dụng chính sách này đối với trẻ nhà trẻ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, theo đó, cử tri kiến nghị ban hành chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em nhà trẻ (như chính sách đối với trẻ mẫu giáo); bổ sung chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, trẻ em và giáo viên tại các cơ sở dân lập, tư thục thuộc các cụm công nghiệp để đảm bảo sự công bằng và phù hợp với điều kiện đặc thù của các địa phương.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP nhằm góp phần tăng tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đến trường, tăng tỷ lệ chuyên cần, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ..., duy trì kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tạo tiền đề tốt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào học lớp 1 và đảm bảo tính ổn định, bền vững. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, hiện nay chưa đủ nguồn lực để áp dụng chính sách này đối với trẻ nhà trẻ.

Theo quy định của Điều 27, Luật Giáo dục năm 2019, địa bàn có khu công nghiệp được Nhà nước ưu tiên về chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với trẻ em, giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn và khả năng ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng mức hỗ trợ cụ thể trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3, Điều 21 của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ do Chính phủ quy định để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, một số địa phương đã mở rộng chính sách cho con công nhân tại cụm công nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tỉnh Hà Tĩnh quan tâm ban hành chính sách địa phương để phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách đối với con công nhân làm việc tại cụm công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của công nhân và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến của cử tri để nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Linh An