Tâm sự của con giáo viên khi không chọn nghề giáo

30/07/2023 06:42
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tuổi thơ của con thiệt thòi hơn chúng bạn. Ngày khai giảng đầu tiên ở trường mới, mình con lơ ngơ tìm lớp vì ba mẹ phải lo cho học sinh của mình.

Bài viết “Vì sao nhiều thủ khoa, á khoa không chọn ngành sư phạm để theo học?” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/7 đã thu hút khá nhiều bạn đọc. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng, nghề giáo chưa thu hút được người giỏi một phần do lương của giáo viên khá thấp, thu nhập chủ yếu đến từ dạy thêm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nhiều giáo viên không muốn cho con nối nghiệp. Tuy nhiên, có những gia đình ba mẹ luôn hướng con theo nghề nhưng nhiều em đã phản đối quyết liệt bởi lý do không thể nào thuyết phục hơn: Nhìn ba mẹ làm việc, nhìn cuộc sống của gia đình bao năm nay, là con đã không muốn làm giáo viên.

Chia sẻ về cuộc sống gia đình của những em có ba mẹ là giáo viên

Em X.N. (đề nghị không nêu tên, vốn là một thủ khoa của tỉnh Bình Thuận), ba mẹ em đều làm trong nghề giáo. Khi được khuyên nối nghiệp cha mẹ, X.N. đã chia sẻ thật lòng: “Hồi nhỏ, mỗi khi Tết đến hoặc đến ngày lễ 20/11, học trò cũ của ba mẹ đến chơi rất vui nên con cũng luôn ước ao lớn lên sẽ trở thành cô giáo.

Tuy nhiên, khi lớn lên một chút, thấy ba mẹ đi dạy cả ngày trên trường, tối về còn ôm máy tính làm việc cả đêm. Những ngày nghỉ, ba mẹ lại đi làm vườn như nhổ cỏ, bỏ phân, vuốt tai thanh long nhưng cuộc sống gia đình con vẫn rất khó khăn.

Mỗi khi cần một khoản tiền gì đó, ba mẹ đều phải đi vay mượn. Bạn bè cũng nghèo nên thường phải vay ngoài với lãi suất rất cao và trả hoài không hết.

Con nghĩ, mình có học tốt có nhiều cơ hội lựa chọn, học ngành khác thu nhập cao chắc chắn cuộc sống sẽ không khổ như ba mẹ nên dù yêu thích, con vẫn không chọn nghề giáo”.

Gia đình một đồng nghiệp của tôi có cô con gái học giỏi được nhiều người biết đến ở khu vực. Ngoài thành tích 12 năm học sinh xuất sắc, em còn sở hữu rất nhiều giải thưởng học sinh giỏi Toán cấp tỉnh. Ba mẹ là nhà giáo nên cũng định hướng cho em theo nghề.

Thế nhưng cô bé cương quyết chọn theo học ngành ngân hàng. Ba em nói: “Nghề giáo không giàu nhưng ít bon chen và sự đấu đá, sẽ rất hợp với con gái như con”. Cô con gái lại không nghĩ thế, em cho rằng: “Ba, mẹ là giáo viên dạy giỏi nhưng cả đời vẫn khổ.

Suốt cả năm ba mẹ dạy quần quật, đi du lịch cũng phải rút tiền túi ra đóng. Cả gia đình nhà mình vài năm chưa có được chuyến đi chơi chung vì cha mẹ không có khoản tiền dư. Cuộc sống gia đình ta, quanh năm phải tằn tiện mới đủ”.

Rồi em lấy ví dụ quanh xóm mình, những cô bác hàng xóm không làm nghề giáo nhà ai cũng khá giả, sung túc.

Hai cô con gái của người viết cũng nhất quyết không chọn nghề của cha mẹ. Cô chị nói rằng, tuổi thơ của con và em thiệt thòi hơn chúng bạn rất nhiều. Ngày khai giảng đầu tiên ở ngôi trường mới cũng chỉ mình con lơ ngơ tìm lớp vì ba mẹ cũng phải lo cho học sinh của mình.

Mỗi ngày, khi ba mẹ các bạn chở con đi ăn sáng và chở tới trường thì mẹ thả con trước cổng trường vắng tanh, để kịp chạy tới trường của mẹ (ba đi dạy xa gần 20 cây số nên sáng nào cũng đi rất sớm). Tan trường, các bạn được ba mẹ đón về thì mình con lang thang ngoài cổng đợi mẹ hoặc tự đi bộ về nhà rất xa vì mẹ phải họp đột xuất.

Con và em luôn bị áp lực bởi câu nói của bạn bè, thậm chí của cả thầy cô. Được điểm cao thì là “con giáo viên phải vậy chứ”, nhưng nếu bị điểm thấp “con giáo viên mà học thế à?”. Chúng con luôn phải gồng mình để không bị nói.

Cậu con trai lớn của một đồng nghiệp người viết đạt nhiều giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh chia sẻ, ấn tượng của mình từ hồi còn nhỏ là mỗi buổi tối, ba mẹ mỗi người một góc soạn giáo án rồi học bài. Những ngày, có hội thi giáo viên giỏi hay chuẩn bị lên tiết thao giảng, ba mẹ ôm đống sách học cả đêm như học sinh.

Hôm nào ba mẹ dạy về mà như ý nguyện thì không khí gia đình còn vui vẻ. Tiết dạy không thành công thì gia đình rất buồn.

Giá như nghề giáo hút được những người tài

Giá như ngành giáo dục của chúng tôi thu hút được những học sinh giỏi, xuất sắc, những học sinh tài năng như nhiều ngành nghề khác thì ngành giáo dục sẽ có những bước tiến vượt bậc.

Không phải cứ thầy giỏi mới có học sinh giỏi nhưng học sinh giỏi buộc phải có những người thầy giỏi dạy mới thành danh.

Trong thực tế hiện nay, nhiều học sinh chọn vào ngành sư phạm có lực học ở mức trung bình, khá, chỉ số ít là giỏi. Những học sinh xuất sắc nổi trội, hoặc những học sinh tài năng ở các trường chuyên, đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi lại rất ít.

Chẳng mấy học sinh giỏi, xuất sắc lại chịu cảnh sau 4 năm học đại học ra trường, cũng phải chạy đôn chạy đáo để có được một chỗ dạy với mức lương khởi điểm hơn bốn triệu đồng/tháng, chưa nói đến biết bao áp lực khác bủa vây. Vì lẽ đó, học sinh tiềm năng quay lưng với nghề giáo cũng là điều dễ hiểu.

Ngành giáo cần làm gì để thu hút người tài vào sư phạm?

Thứ nhất, thực hiện việc bố trí việc làm sau khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường. Có thể căn cứ vào bảng điểm hoặc xếp loại tốt nghiệp để thực hiện việc phân công việc làm cho các giáo sinh, chấm dứt tình trạng chạy đôn chạy đáo xin việc như hiện nay.

Thứ hai, những sinh viên giỏi, xuất sắc, những thủ khoa đầu ra ở các trường, các khoa sư phạm sẽ được chọn trường để giảng dạy. Điều này, không chỉ tuyển được người giỏi còn là động lực để các sinh viên nỗ lực trong học tập ở trường.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện việc cải cách tiền lương, ưu tiên xem xét việc tăng lương, tăng thu nhập cho giáo viên để các thầy cô không phải “chân ngoài dài hơn chân trong” mà toàn tâm, toàn ý dành cho việc giảng dạy và giáo dục học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương