Thu nhập của giáo viên có ít tuổi nghề đang thua thiệt đủ đường

14/04/2023 06:38
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều thầy cô có bằng đại học nhưng vì đang dạy ở cấp Mầm non; Tiểu học; Trung học cơ sở nên họ vẫn đang hưởng lương trung cấp, cao đẳng.

Vấn đề tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ cho nhà giáo hiện nay đang còn tồn tại khá nhiều bất cập.

Bằng cấp, định mức công việc của giáo viên từng cấp học đang giống nhau nhưng tổng thu nhập hàng tháng đang chênh lệch khá nhiều. Những giáo viên mới vào nghề, thậm chí có chục năm công tác khó sống được bằng lương trong thời điểm giá cả luôn có nhiều biến động.

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non đến trung học phổ thông công lập nhưng đến nay việc thực hiện cũng còn nhiều nhiều bất cập.

Chính vì ngành giáo dục chưa giải quyết được những bất cập về lương nên rất khó tạo đột phá cho ngành và đang tạo nên một sức ì lớn đối với nhiều thầy cô giáo ở một số nhà trường.

Cách tính chuẩn, định mức giảng dạy và lương giáo viên hiện nay còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Cách tính chuẩn, định mức giảng dạy và lương giáo viên hiện nay còn nhiều bất cập

(Ảnh minh họa: VOV.vn)

Bằng cấp, định mức giảng dạy như nhau nhưng lương giáo viên đang khác nhau?

Năm học vừa qua, cả nước có 16.000 giáo viên trên cả nước bỏ việc và nguyên nhân được một số lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo là do áp lực công việc cao nhưng thu nhập của nhà giáo còn quá thấp.

Mấy năm qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 cùng những khó khăn khác nên lộ trình triển khai thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 nhưng hơn 2 năm qua ở nhiều nơi vẫn chưa thực hiện được.

Nhiều giáo viên đã bổ sung thêm một số văn bằng, chứng chỉ theo hướng dẫn nhưng mọi thứ vẫn đang rất rối. Chính vì thế, đời sống của một bộ phận lớn nhà giáo hiện nay đang gặp khó khăn sau gần 4 năm lương cơ sở không tăng.

Khó khăn nhiều hơn đến với các nhà giáo có tuổi nghề còn ít bởi hệ số lương thấp mà hàng tháng nhiều loại quỹ của địa phương, nhà trường vẫn trừ đều đặn hằng tháng.

Những giáo viên mới vào nghề có trình độ đại học được hưởng hệ số 2,34 của lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng nên lương hàng tháng được nhận khoảng trên 3 triệu đồng. Hết 1 năm tập sự, cứ 3 năm giáo viên sẽ lên 1 bậc lương với hệ số 0,33 của lương cơ sở.

Đối với giáo viên công lập hiện nay, khi hết 5 năm đầu tiên sẽ được nhận thêm khoản phụ cấp thâm niên, mỗi năm 1%.

Vì thế, nếu giáo viên công tác trong các trường phổ thông công lập có trình độ đại học sau 10-12 năm công tác (khoảng 34-35 tuổi) sẽ hưởng lương bậc 4 với hệ số 3,33 (thực lĩnh khoảng 6 triệu đồng).

Một giáo viên có 25 công tác (khoảng 46, 47 tuổi) đang hưởng lương bậc 9- bậc cuối cùng, hệ số 4,98, cộng với các khoản phụ cấp khác sẽ có mức lương trên 11 triệu đồng.

Một giáo viên có thâm niên khoảng 29,30 năm công tác, không đảm nhận chức vụ và công tác ở vùng đô thị, nông thôn sẽ hưởng lương vượt khung, cộng với các khoản phụ cấp khác thì hàng tháng sẽ có mức thu nhập trên dưới 13 triệu đồng.

Trong khi đó, giáo viên dù bao nhiêu năm công tác đi chăng nữa, định mức giảng dạy của giáo viên cùng cấp học sẽ giống nhau: cấp Tiểu học cũng đang dạy theo định mức 23 tiết/ tuần; giáo viên Trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần; giáo viên Trung học phổ thông đang dạy 17 tiết/ tuần.

Điều 72, Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Như vậy, yêu cầu chuẩn trình độ như nhau, định mức giảng dạy như nhau nhưng lương giáo viên đang khác nhau quá xa. Một giáo viên có thâm niên 30 năm công tác có mức lương tương đương với 3,5 giáo viên trẻ mới được tuyển dụng; gấp đôi những giáo viên có thâm niên 10-12 năm (lương bậc 4).

Trong khi, các khoản trừ các loại quỹ hiện nay ở một số địa phương lại thường trừ bằng nhau, chứ không tính theo bậc lương khiến cho đồng lương giáo viên trẻ càng teo tóp hơn.

Một thực tế cho thấy đội ngũ nhà giáo đang ở độ tuổi 30-45 đang là lực lượng nòng cốt để tạo sự đột phá cho các nhà trường.

Họ là những người năng nổ, nhiệt tình trong công việc và hiệu quả công việc cũng đang nổi bật hơn cả. Trong các phong trào thi đua, những người ở độ tuổi này thường luôn có mặt, những việc khó thì Ban giám hiệu cũng giao cho họ…

Những thầy cô có thâm niên cao vẫn có nhiều thầy cô đang thể hiện được hình ảnh “cây cao bóng cả” nhưng cũng không ít thầy cô làm trong tư thế…chờ hưu.

Rõ ràng việc trả lương “theo năm công tác” đã và đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí bất công trong các nhà trường.

Có những trường hợp giáo viên không đủ năng lực giảng dạy, dạy lớp nào học sinh, phụ huynh lên tiếng lớp đó nên nhà trường phân công làm giám thị, trực hành chính cho đủ định mức nhưng lương của họ đang gấp nhiều lần những giáo viên trẻ có năng lực. Thậm chí, hơn cả lương hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ trưởng chuyên môn…

Đau đớn hơn, nhiều thầy cô có bằng đại học nhưng vì dạy ở cấp Mầm non; Tiểu học; Trung học cơ sở nên họ vẫn đang hưởng lương trung cấp, cao đẳng

Vì thế, nhiều giáo viên trẻ hiện nay đang thiệt thòi đủ đường.

Hy vọng vào sự đột phá về lương giáo viên trong tương lai

Nghị quyết 27-NQ/TW, Bộ Chính trị cũng khẳng định việc xác định lương như hiện nay không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Do đó, việc cải cách tiền lương là yêu cầu khách quan và là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên, có một điều khác biệt là khi trả lương theo vị trí việc làm cũng đồng nghĩa chấm dứt tình trạng “cào bằng” trong trả lương như hiện nay.

Một khi người lao động đáp ứng yêu cầu công việc tại vị trí việc làm đó, sẽ được trả lương tương xứng công sức bỏ ra và kết quả đạt được. Điều này làm tăng mức độ cạnh tranh trong công việc giúp người lao động cố gắng phát huy hết khả năng trong công việc.

Như vậy, lương sẽ phản ánh thực chất năng lực, cống hiến của người lao động cho công việc, cho đơn vị. Đồng thời, lương sẽ trở thành thu nhập chủ yếu, không phải phụ cấp như từ trước đến nay.

Chính vì vậy, người lao động, trong đó có nhiều giáo viên cũng đang hy vọng khi thực hiện chủ trương trả lương theo vị trí việc làm sẽ rút được khoảng cách trong cách trả lương hiện nay. Từ đó, tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, cố gắng và tạo ra những chuyển biến tích cực cho ngành giáo dục.

Việc trả lương theo năm công tác hiện nay đang thể hiện nhiều bất cập, hạn chế.

Nhiều giáo viên khi đã được biên chế, được ký hợp đồng không xác định thời hạn là họ làm việc cầm chừng vì tốt cũng 3 năm tăng 1 bậc lương, thường thường cũng 3 năm tăng 1 bậc lương nên sức ì đối với một bộ phận nhà giáo là điều ai cũng có thể nhìn thấy.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG