Cầm tờ quyết định được cử đi học đại học trong tay rồi mà chị Việt cứ ngỡ như mơ. Ước ao được nâng cao trình độ, được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục sắp thành hiện thực, vậy mà chị vừa mừng, vừa lo.
Chặng đường phía trước sẽ vô cùng vất vả, bởi một nách hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, đồng lương của một cô giáo cấp hai vùng đồng bằng còn quá hạn hẹp, về Thủ đô sẽ xoay xở ra sao để các con có chỗ ăn chỗ học.
Không thể gửi con về cho các cụ nội ngoại vì đôi bên bố mẹ đều già yếu, sức khỏe có hạn, làm sao lo toan cho các cháu được.
Cũng không thể gửi con lâu dài cho các bác, vì các bác cũng đang đi làm, lo cho các con bác cũng đã quá mệt rồi.
Phân vân suy tính, có lúc chị Việt nghĩ hay trả lại quyết định, để một vài năm nữa, các con khôn lớn mình sẽ đi học đại học cũng chưa muộn.
Trái ngọt giữa cuộc đời |
Sau khi được gia đình và bạn bè, cấp trên động viên, Chị Việt đã quyết tâm về Thủ Đô đi học đại học. Việc đi học còn vì một lẽ: "Lúc anh Đương chồng chị nhập ngũ, anh có dặn chị phấn đấu để vào trường Đại học".
Đây cũng là lời hứa với người ra trận, chị càng vững tâm hơn bao giờ hết. Cảnh một người vợ trẻ trong thời chống Mỹ nuôi con dại không làm chị xao lòng, nghị lực lớn lao đã giúp chị vượt lên tất cả.
Giữa thời bao cấp, vừa đi học, vừa nuôi hai con, đứa gái lên mười, đứa trai lên ba, chị đã vượt qua bao nhiêu khó khăn bằng trí tuệ và tình cảm của một người mẹ yêu thương con, một người vợ chiến sỹ đang chiến đấu ở chiến trường xa.
Bốn năm trên ghế giảng đường rồi cũng trôi qua nhanh chóng, nhưng giữa những ngày tháng vất vả học hành ấy, chị nhận được tin anh Đương hi sinh .
Nói sao hết những đau thương buồn bã, chị ôm hai con, cảm thấy tan nát cả cõi lòng. Hi vọng ngày anh trở lại đã bị kẻ thù dập tắt, chị lại phải tiếp tục nuôi dạy các con một mình.
Trong những ngày tháng ấy, chị luôn nhớ đến anh, nhiều đêm chị thức dậy, nhìn ảnh anh chị thầm hứa: “Em và các con sẽ sống và làm việc cho xứng đáng với sự hi sinh của anh”.
Chị đã làm được điều anh dặn và giờ đây lại phải tiếp tục đứng lên, thay anh một mình chèo lái con thuyền nan vượt qua sóng gió, nuôi dạy các con, tiếp tục sự nghiệp mà hai vợ chồng hằng theo đuổi.
Chị Vũ Thị Việt và con trai Nguyễn Huy Anh sang Nhật Bản dự lễ tốt nghiệp của cháu nội là Nguyễn Huy Hoàng. (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Sau khi tốt nghiệp đại học Sư Phạm, chị được điều về làm giảng viên môn Đất nước học ở Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Tính toán, sắp xếp công việc trong nhà sao cho tròn vẹn, vừa lo việc giảng dạy cho các khóa sinh viên, vừa quan tâm tới việc học hành của đứa con gái, vừa theo dõi việc rèn luyện của cậu con trai, người vợ thủy chung, người mẹ rất mực yêu thương con một mình đảm đang tháo vát không hề có điều sơ suất.
Trong năm ấy, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường đại học Sư Phạm Ngoại ngữ Hà Nội với số phiếu 100% đã nhất trí bầu chị Việt vào Ban Chấp Hành Đảng Ủy.
Nhận thêm một trách nhiệm được đồng nghiệp tín nhiệm, cấp trên tin tưởng, chị càng thêm quyết tâm, lo lắng hoàn thành nhiệm vụ .
Đầu năm học 1977, chị lại được đề bạt về làm trưởng ban phụ trách các lớp Chuyên ngoại ngữ.
Gánh nặng của công việc không làm chị nản lòng, chị đi sâu đi sát anh em, lắng nghe nguyện vọng, tình cảm của các thầy cô giáo, tìm hiểu ý kiến của các phụ huynh, tập trung nâng cao chất lượng chuyên môn, chị đã tạo ra một bước chuyển biến mới trong đơn vị.
Các lớp Chuyên ngoại ngữ gồm bốn thứ tiếng như: Nga, Trung, Anh, Pháp đi vào nề nếp, có tiếng vang và trở thành một địa chỉ hấp dẫn không chỉ ở Thủ Đô mà rộng khắp miền Bắc .
Chỉ sau một thời gian ngắn, các lớp Chuyên ngoại ngữ đã được cấp trên quyết định đổi tên thành Trường phổ thông trung học chuyên Ngoại ngữ, thuộc Trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Cái tâm của người hiệu trưởng |
Đó là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm vẻ vang, Trường phổ thông trung học chuyên Ngoại ngữ ngày một phát triển, trưởng thành, hiện nay đã ba lần được Nhà nước tặng huân chương Lao động, nhiều thầy cô giáo đã được tặng thưởng huân chương Lao động và danh hiệu Nhà giáo Ưu tú .
Sự trưởng thành của nhà trường có phần đóng góp quan trọng của chị Việt, nhiều thế hệ học trò, nhiều thầy cô giáo và phụ huynh học sinh vẫn mãi ghi nhớ hình ảnh một cô giáo luôn tận tâm với nghề nghiệp, hết lòng yêu thương học sinh, gần gũi đồng nghiệp, đoàn kết được tất cả anh chị em thành một tập thể lớn mạnh.
Nhiều em học sinh trường Chuyên ngữ gọi chị là mẹ Việt, một số thầy cô giáo xem chị như người ruột thịt trong gia đình, gọi chị là cô, là U Việt.
Với tư cách đạo đức cao quý, mô phạm chị Vũ Thị Việt là tấm gương cao cả được ngưỡng mộ, xứng đáng được tôn vinh.
Anh Đương, chồng chị Việt hi sinh ở chiến trường miền Nam, lúc bấy giờ chị Việt mới ba mươi tuổi. Một mình vừa nuôi dạy các con, vừa đảm đương việc nhà, vừa chăm lo công tác xã hội, người giảng viên người đảng viên, người vợ liệt sĩ luôn xứng đáng với người ra đi.
Giờ đây, nhìn các con trưởng thành, con gái con trai của chị đều tốt nghiệp đại học chính quy, hai cháu nội, hai cháu ngoại đều đi du học và đạt kết quả cao trong học tập, lòng chị lại trào dâng niềm hạnh phúc, niềm tự hào về bước đường qua của mình, chị xem đó là phần thưởng vô giá mà mình được trao tặng.