SV sư phạm học lực yếu không được hỗ trợ sinh hoạt phí, vậy học phí thì sao?

06/09/2023 06:28
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghị định 116 cần xem xét đồng thời nhiều góc độ khác làm cơ sở để xác định giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo giáo viên.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định 116/2020/NĐ-CP đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực cho công tác tuyển sinh, đào tạo ngành sư phạm. Sự ra đời của Nghị định 116 giúp thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào các ngành đào tạo giáo viên, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục.

Song, nhìn từ thực tiễn, Nghị định 116 cũng đã phát sinh một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116 và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các đơn vị có liên quan.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, một số nội dung trong dự thảo cần phải được bổ sung để thực tiễn triển khai hiệu quả hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang. Ảnh: Trường Đại học An Giang

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang. Ảnh: Trường Đại học An Giang

Cụ thể, Khoản 4 Điều 1 quy định: “Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí”.

Theo thầy Thắng, nên quy định, sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại trung bình, loại yếu hoặc điểm rèn luyện loại trung bình, loại yếu sẽ không được phép hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí.

Bởi lẽ, sinh viên cần xứng đáng với khoản hỗ trợ Nhà nước đã chi trả sinh hoạt phí hàng tháng. Điều này cần được triển khai từ học kỳ 2 của năm thứ nhất (sau khi sinh viên đã học 5 tháng tại cơ sở đào tạo) để sinh viên nỗ lực trong học tập hơn.

Cũng cần phải làm rõ điểm b, khoản 1, Điều 4: Nếu sinh viên bị học lực loại yếu hoặc rèn luyện loại yếu thì không được xét hỗ trợ sinh hoạt phí, vậy có hỗ trợ học phí nữa hay không? Việc không được xét này chỉ diễn ra ở năm học ngay sau năm học tập/rèn luyện loại yếu hay diễn ra ở tất cả các năm học sau đó? Ví dụ: Năm nhất bị học lực loại yếu, vậy chỉ năm 2, hay các năm 2, 3, 4 đều không được xét?

Cũng trong khoản này, nên chăng xem xét học lực của sinh viên có nên đạt từ mức yêu cầu cụ thể trở lên, chẳng hạn mức tích lũy phải từ 2.5 trở lên thì mới tiếp tục xem xét hỗ trợ tiếp tục để đảm bảo sinh viên sư phạm tập trung học tập nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đầu ra.

Điều này cũng hạn chế tâm lý của một số sinh viên chọn ngành sư phạm do được hỗ trợ kinh phí mà không thực sự yêu thích nghề và không thực sự cố gắng trong quá trình học tập để cống hiến trong ngành giáo dục.

Về nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9 về “Thu hồi chi phí bồi hoàn”, khoản 1, điều 9 của Dự thảo có quy định: “Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 116, cơ sở đào tạo giáo viên theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gia đình theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 116”.

Phó Giáo sư Võ Văn Thắng cho rằng, với đối tượng này, nên để cơ sở đào tạo chuyển hồ sơ về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo bồi hoàn kinh phí đã hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gia đình.

Vì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị quản lý và nắm rõ thông tin, tình hình cư trú, chuyển chỗ của các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng là cơ quan có thẩm quyền truy thu khoản bồi hoàn so với cơ sở đào tạo - nơi chỉ chuyên trách về việc đào tạo sinh viên.

Khoản 2, điều 9 quy của Dự thảo quy định: "Đối với sinh viên sư phạm thuộc đối tượng phải bồi hoàn kinh phí theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 116, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên cư trú theo dõi, hướng dẫn, ra thông báo thu hồi kinh phí hỗ trợ để sinh viên sư phạm hoặc gia đình thực hiện nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn theo quy định tại Điều 8 Nghị định 116".

Thế nhưng, khoản 2 điều 13 lại quy định: “Sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, báo cáo tình hình việc làm của bản thân tới cơ sở đào tạo giáo viên và cơ quan đang công tác để thông báo xóa hoặc thu hồi khoản kinh phí hỗ trợ”. Theo thầy Thắng, nội dung này cần sửa đổi, người học cần báo cáo tình hình việc làm cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh? Vì cơ sở đào tạo không còn quản lý sinh viên cũng không có nhiệm vụ thu hồi kinh phí đối tượng này.

“Cần có quy định cụ thể, sinh viên còn học tại trường thì cơ sở đào tạo giáo viên là nơi đảm bảo quyền lợi và quản lý, hướng dẫn sinh viên thực hiện nghĩa vụ.

Khi sinh viên đã ra trường (bao gồm bỏ học, bị buộc thôi học) thì địa phương, nơi sinh viên sinh sống là đơn vị quản lý sinh viên.

Do vậy, khi sinh viên nhận quyết định tốt nghiệp, cơ sở đào tạo giáo viên có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban Nhân dân tỉnh cụ thể từng trường hợp; và sau đó mọi việc liên quan đến công việc bồi hoàn của sinh viên là do Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý, kể cả việc sinh viên trong 2 năm sau khi ra trường có trúng tuyển vào ngành giáo dục hay không và sinh viên có công tác trong ngành đủ thời gian quy định hay không”, thầy Thắng nêu quan điểm.

Dự thảo có bổ sung khoản 8 Điều 12 về trách nhiệm của cơ sở đào tạo giáo viên như sau: “Hướng dẫn thủ tục theo dõi, đôn đốc và ban hành thông báo bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với các trường hợp phải bồi hoàn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 6 Nghị định 116, tính lãi suất đối với khoản tiền chậm bồi hoàn theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này và xử lý các trường hợp không thực hiện việc bồi hoàn theo quy định của pháp luật”.

Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho rằng, đối với trường hợp sinh viên chuyển sang ngành học khác trong trường thì cơ sở đào tạo giáo viên còn quản lý sinh viên và có thể hướng dẫn và ra thông báo bồi hoàn.

Nhưng các trường hợp ''tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học'' thì cơ sở đào tạo giáo viên không thể theo dõi, hướng dẫn và ra thông báo bồi hoàn nếu sinh viên không tự giác thực hiện.

Vì sinh viên có thể đi làm và sinh sống ở bất cứ đâu, nhà trường không có quyền quản lý và cũng không có người để thực hiện công việc đi tìm sinh viên và gia đình để yêu cầu bồi hoàn. Trường hợp kiện ra tòa thì tại cơ sở đào tạo giáo viên, ai sẽ là người thực hiện nhiệm vụ này?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116. Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116. Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Võ Văn Thắng cũng có đề xuất, cần xem xét điều chỉnh quy định để phù hợp với tình hình thực tế trong công tác tuyển sinh

Cụ thể là: Thay vì chỉ dựa vào cơ chế đặt hàng của địa phương, Nghị định cần xem xét đồng thời nhiều góc độ khác làm cơ sở để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, ví dụ: nhu cầu học tập của xã hội; năng lực và khả năng duy trì ngành đào tạo của cơ sở đào tạo,... Và khi giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo cần có nguồn kinh phí tương ứng.

Cần xem xét cho phép mức dao động chỉ tiêu dưới 3% trong việc thực hiện xét tuyển đối với lĩnh vực đào tạo giáo viên giống như các lĩnh vực đào tạo khác.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Triệu Quý Hùng - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, dự thảo đã tháo gỡ được những vướng mắc trong thực tiễn triển khai Nghị định 116, có các hướng đề xuất phù hợp.

Dự thảo đã bỏ phương án đấu thầu đào tạo giáo viên; quy định trách nhiệm của cơ sở đào tạo kiểm soát sinh viên thụ hưởng chính sách theo Nghị định 116 và quy định bồi hoàn kinh phí rõ ràng hơn.

“Thực tế hai năm triển khai, phương án đấu thầu không khả thi. Việc triển khai đấu thầu còn liên quan đến vấn đề định giá, thực tế rất khó để định giá hoạt động đào tạo.

“Hơn nữa, đấu thầu còn liên quan đến hồ sơ, nội dung thực hiện, kinh phí (giá thầu), như vậy trong giáo dục đại học, đấu thầu khó thực hiện, vì vậy, Dự thảo đề xuất bỏ phương thức đấu thầu là hợp lý.

Còn hai phương thức tiếp tục được triển khai là giao nhiệm vụ và đặt hàng đào tạo. Địa phương có thể đặt hàng cho các cơ sở đào tạo khác nhau với số lượng chỉ tiêu nhất định.

Hi vọng sau nghị Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 được ban hành, sẽ thúc đẩy việc đặt hàng đào tạo của các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có thêm nhiều đơn đặt hàng của các địa phương khác nhau”, thầy Hùng chia sẻ.

Nguyên Phương