Dự thảo sửa đổi NĐ 116 vẫn chưa bao quát hết các trường hợp bồi hoàn kinh phí

28/08/2023 06:38
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Về vấn đề bồi hoàn kinh phí theo Nghị định 116, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cho rằng, cần tính đến phương án chuyển khoản đền bù đó về ngân hàng thu hồi.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, Bộ đã đề nghị bỏ phương thức đấu thầu trong giáo dục đại học, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm, về xây dựng dự toán và bố trí kinh phí và quy định về bồi hoàn kinh phí.

Đề xuất phương án để ngân hàng thu hồi kinh phí

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nói rằng, Dự thảo đã tháo gỡ được một số khó khăn vướng mắc khi triển khai trong 2 năm như: thời điểm báo cáo nhu cầu đào tạo của địa phương sớm hơn giúp cho các cơ sở đào tạo có thể được phân bổ chỉ tiêu sớm, không bị động như 2 năm qua (có trường phải hủy bỏ kết quả tuyển sinh sớm do không được giao chỉ tiêu hoặc giảm rất nhiều chỉ tiêu theo năng lực);

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Thứ hai là nguồn kinh phí được quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm chi kinh phí hỗ trợ, các cơ sở đạo của trực thuộc địa phương sẽ sớm gỡ được nút thắt về nguồn kinh phí chi hỗ trợ trong 2 năm qua;

Dự thảo Nghị định cũng đã quy định rõ hơn về bồi hoàn, thời điểm bồi hoàn, trách nhiệm của các bên liên quan.

Về việc bỏ phương thức đấu thầu, thầy San cho rằng điều này là phù hợp. Vì học phí đào tạo sinh viên sư phạm cũng đang được Nhà nước quản lý nên việc đấu thầu trên thực tế là khó khả thi; các cơ sở đào tạo giáo viên dựa trên năng lực đào tạo và đội ngũ hiện có cũng khó có thể giảm giá hoặc đưa các điều kiện tăng thêm để đấu thầu.

Về vấn đề đặt hàng đào tạo giáo viên, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San chia sẻ: Những năm qua, các địa phương vẫn chủ yếu đặt hàng cho các cơ sở đào tạo trực thuộc địa phương và dựa trên nguồn tài chính của địa phương.

Địa phương chỉ cần làm tốt công tác thống kê nhu cầu đào tạo giáo viên sao cho sát với thực tế đã là rất tốt cho ngành giáo dục, để có thể triển khai giao chỉ tiêu đào tạo.

Đối với các cơ sở đào tạo của địa phương cũng cần phải làm việc với tỉnh để được giao chỉ tiêu phù hợp với năng lực đội ngũ, nếu không, có thể phải hủy ngành, dừng đào tạo trong tương lai.

Chung quy lại, địa phương cần làm tốt 2 việc là thống kê nhu cầu và hỗ trợ cho cơ sở đào tạo địa phương hoạt động được và hoạt động tốt.

Về vấn đề bố trí nguồn kinh phí kịp thời cho sinh viên sư phạm, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San cho rằng, nguồn kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 là rất lớn, đòi hỏi Bộ Tài chính và các địa phương phải tính toán và phân bổ.

Những quy định mới của bản Dự thảo đã gỡ vướng mắc trước đây, các ngành, địa phương quyết tâm thực hiện thì sẽ khả thi. Việc xác định nhu cầu sớm và đưa vào dự toán kinh phí năm tiếp theo kịp thời sẽ giúp cho việc phân bổ kinh phí thuận lợi và có đủ kinh phí để cho hỗ trợ cho sinh viên.

Về quy định bồi hoàn và chi hỗ trợ, theo Thầy San, vẫn còn một số điểm chưa đầy đủ và bao quát hết các trường hợp.

Ví dụ: Sinh viên chuyển cơ sở đào tạo thì việc chi hỗ trợ như thế nào; Sinh viên thuộc diện miễn giảm học phí khi tốt nghiệp không công tác trong ngành giáo dục thì có phải bồi hoàn phần học phí đã được hỗ trợ hay không; Sinh viên tốt nghiệp vào công tác trong ngành giáo dục ở thời điểm sau tốt nghiệp 2 năm;…

“Cá nhân tôi cho rằng, sinh viên vào ngành sư phạm và được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí thì phải nỗ lực học tập tốt, không thể có chuyện học kiểu nào cũng được bố trí việc làm.

Bên cạnh việc thi tuyển biên chế thì còn nhiều vị trí việc làm trong ngành giáo dục, đặc biệt là ở hệ thống giáo dục tư thục. Các em phải nỗ lực để có thể hoàn thành tốt nhất quá trình học tập ở đại học và phải cạnh tranh vị trí sau khi tốt nghiệp (về nguyên tắc thì chúng ta đang đào tạo theo nhu cầu vì vậy sẽ không thiếu vị trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp).

Sinh viên học tốt, có năng lực tốt thì sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn vị trí việc làm sau tốt nghiệp, các bạn học tập yếu hơn thì phải chấp nhận sự lựa chọn của mình hẹp hơn.

Nội dung thu hồi kinh phí đền bù cũng là điều cần xem xét thêm, việc các cơ sở đào tạo theo dõi, hướng dẫn, thông báo, đốc thúc, thậm chí là khởi kiện cựu người học đền bù kinh phí nếu không công tác trong ngành là rất khó khả thi vì chức năng cũng như khả năng thực tế của các trường khó có thể làm được điều này.

Cá nhân tôi nghĩ, chính địa phương cũng sẽ gặp khó khăn trong triển khai công tác thu hồi nếu chỉ giao nhiệm vụ cho các sở ban ngành. Chúng ta vẫn nên suy nghĩ về phương án chuyển khoản đền bù đó về ngân hàng thu hồi”, thầy San chia sẻ.

Một số quy định chưa phù hợp với trường địa phương

Góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116, Tiến sĩ Trương Đình Thăng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho biết, một số điều khoản trong Dự thảo chưa rõ và chưa phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị bỏ phương thức đấu thầu trong giáo dục đại học. Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị bỏ phương thức đấu thầu trong giáo dục đại học. Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.

Cụ thể, dự thảo quy định “Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học”.

Thầy Thăng băn khoăn, việc xét điểm trung bình chung học tập và rèn luyện đối với sinh viên thực hiện vào cuối năm học, vậy cần phải lấy căn cứ kết quả của năm học nào để xét cho sinh viên hưởng hỗ trợ phí sinh hoạt cho năm tiếp theo?

Về nguyên tắc, sinh viên được hỗ trợ sinh hoạt phí vào đầu năm học, vì vậy không thể lấy kết quả của năm học đó để làm căn cứ xét hỗ trợ. Nếu lấy kết quả học tập và rèn luyện của năm học đó xét hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt cho sinh viên thì cần phải đợi đến cuối năm học mới đủ căn cứ để xem xét và trong suốt năm học đó sinh viên sẽ không được nhận tiền chi trả sinh hoạt phí.

Trong trường hợp dự thảo Nghị định quy định “lấy kết quả học tập và rèn luyện của năm học trước xét hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt cho năm học tiếp theo” thì xảy ra trường hợp năm học thứ ba sinh viên có kết quả học tập hoặc rèn luyện loại yếu vẫn được hỗ trợ chi phí sinh hoạt nếu kết quả học tập và rèn luyện năm học thứ hai có mức trung bình trở lên. Vì vậy dự thảo Nghị định cần quy định rõ nội dung này.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Trương Đình Thăng góp ý thêm, trong Khoản 5 Điều 1 của Dự thảo có 2 nội dung chưa phù hợp với hoạt động thực tế của các trường đại học địa phương hoặc trường cao đẳng sư phạm địa phương.

Cụ thể đó là các nội dung: “Căn cứ vào số chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, hằng năm cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”;

Trường hợp địa phương có nhu cầu giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đào tạo sinh viên sư phạm thì hằng năm cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng lập dự toán kinh phí đào tạo giáo viên theo định mức quy định tại Điều 4 Nghị định này báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí để chi trả hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm qua cơ sở đào tạo giáo viên”.

Theo Tiến sĩ Trương Đình Thăng, hai nội dung này chỉ phù hợp với hoạt động của các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa phù hợp với hoạt động thực tế của các trường đại học hoặc cao đẳng sư phạm địa phương.

Đối với các trường cao đẳng sư phạm địa phương, hằng năm, cơ sở đào tạo lập dự toán kinh phí và gửi cho Sở Tài chính để tổng hợp và báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt và bố trí dự toán theo quy định.

Phạm Minh