Đại diện trường sư phạm chỉ ra điểm chưa hợp lý ở dự thảo sửa đổi Nghị định 116

27/08/2023 06:34
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ địa phương là cơ quan quản lý trực tiếp công dân mới đủ chức năng hành chính, phương tiện để theo dõi, thu hồi các khoản SV phải bồi hoàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo một số lãnh đạo cơ sở đào tạo sư phạm cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116 sẽ khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện thời gian qua.

Bàn về dự thảo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) bày tỏ đồng tình.

Cụ thể, với đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định số 116/2020/NĐ-CP như sau: “Từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo, sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí. Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học”.

Theo thầy Trường, nội dung này có ý nghĩa thiết thực, đòi hỏi sinh viên được nhận hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí phải nỗ lực vươn lên để đáp ứng tiến độ và đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo đúng lộ trình.

Đồng tình với quan điểm trên, thầy Đỗ Văn Sỹ - Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 116 của Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp sinh viên hiểu rõ hơn về trách nhiệm và cố gắng trong học tập, rèn luyện.

“Căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện thực tiễn của sinh viên, việc bình xét dựa trên tinh thần tuân thủ theo các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo tính công khai, minh bạch”, thầy Sỹ chia sẻ.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. (Ảnh: NTCC).

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. (Ảnh: NTCC).

Dự thảo cũng đề cập đến trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với sinh viên sư phạm.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định: “Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi và ra thông báo bồi hoàn kinh phí đối với các sinh viên sư phạm đang học tại các cơ sở đào tạo chuyển ngành, nghỉ học hoặc thôi học”.

Với điều này, thầy Sỹ cho rằng: “Hiện nay, ngoài việc gửi thông báo trực tiếp đến sinh viên và gia đình về mức bồi hoàn kinh phí theo quy định. Nhà trường không có cơ sở chắc chắn nào để liên hệ sinh viên bồi hoàn kinh phí theo như Dự thảo sửa đổi đã nêu. Nhiều sinh viên sau khi đã xác định thôi học thường từ chối liên hệ và kết nối với nhà trường. Chỉ địa phương là cơ quan quản lý trực tiếp công dân mới đủ chức năng hành chính, phương tiện để theo dõi và thu hồi các khoản sinh viên bồi hoàn theo quy định”.

Cũng theo thầy Sỹ, cá biệt có những gia đình cho rằng sinh viên đã đủ tuổi chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề nên khi nhà trường xin thông tin của sinh viên để liên lạc thì không nhận được sự hợp tác từ gia đình. Hơn nữa, các trường hợp sinh viên là con em dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn không có tiền chi trả khoản bồi hoàn nên rất khó thu hồi.

Cùng với đó, việc liên lạc, ra thông báo cho sinh viên học tập, sinh hoạt tại một đơn vị ngoài trường sẽ gặp khó khăn hơn so với việc liên lạc, kết nối với sinh viên hiện đang theo học tại trường.

Dự thảo cũng nêu: “Sinh viên sư phạm hoặc gia đình không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền theo dõi, ra thông báo thu hồi kinh phí có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định pháp luật”.

Song, thầy Sỹ cho rằng, chức năng chính của các cơ sở giáo dục là đào tạo người học, việc tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến tố tụng pháp luật sẽ khó khăn hơn nhiều cho nhà trường vì không có cán bộ chuyên trách và mất thời gian dẫn đến phân tâm trong công tác quản lý, đào tạo.

Còn thầy Trường cho hay, nếu thực hiện khởi kiện, nhà trường sẽ gặp khó trong việc sắp xếp bộ phận cán bộ chuyên trách để làm việc với cơ quan tố tụng. Việc người học có thực hiện nghĩa vụ tham gia các buổi tố tụng hay không, nhà trường cũng không đảm bảo được.

Góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 116, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Khi sinh viên và gia đình không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí thì nên giao cho Ngân hàng chính sách thu hồi giống như nợ ngân hàng. Như vậy, việc quản lý, giải ngân cũng như bồi hoàn kinh phí hỗ trợ của sinh viên sẽ đạt hiệu quả cao hơn”.

Cùng nêu góp ý cho Dự thảo, thầy Sỹ nhấn mạnh việc bồi hoàn sinh hoạt phí, học phí nên giao cho các địa phương là cơ quan hành chính trực tiếp quản lý công dân thực hiện thu hồi sẽ thuận tiện hơn việc giao cho các cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, thầy Sỹ cho rằng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 116 cần làm rõ một số nội dung như: năm học trước, sinh viên có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu nhưng sang năm học sau, sinh viên đạt loại trung bình trở lên, vậy sinh viên này có tiếp tục được nhận hỗ trợ hay không?

Thêm nữa, sinh viên đang trong thời gian học, nếu có nhu cầu chuyển trường (đã thực hiện thủ tục, giấy tờ theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo) mà trong thời gian học tại trường cũ chưa được nhận hỗ trợ thì điều kiện chuyển tiếp sang nhận hỗ trợ sinh hoạt phí tại cơ sở giáo dục mới như thế nào?.

Chưa kể, ngân sách chi hỗ trợ hàng năm cho sinh viên cấp về trường thường chậm, muộn dẫn tới việc thực hiện chi trả cho sinh viên chưa đáp ứng đúng tinh thần hỗ trợ người học. Đặc biệt là đối với những sinh viên thuộc vùng khó khăn và sinh viên là con em người dân tộc. Khó khăn này hiện vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Thảo Ly