Sử dụng nhân tài cần tránh tình trạng "dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn"

24/01/2025 06:42
Hồng Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Nghị định 179/2024/NĐ-CP là bước đi quan trọng trong chính sách thu hút nhân tài, song cần có sự triển khai quyết liệt và đồng bộ, đảm bảo hiệu quả trong thực tế.

Ngày 31/12/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong đó có nhiều điểm mới được lãnh đạo các trường đại học đánh giá cao. Nếu được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt chắc chắn sẽ thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm việc trong khu vực công.

Bước đi mang tính đột phá, là nền tảng nâng cao chất lượng nhân lực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Nghị định 179 mang tính đột phá, quyết liệt nhằm thu hút và trọng dụng người tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước. Cụ thể:

Thứ nhất, khác với những chính sách trước đây, Nghị định 179 đã được xây dựng rõ ràng, khả thi và có quy định cụ thể về mức kinh phí thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài, giúp các đơn vị chủ động triển khai hiệu quả nghị định.

Thứ hai, Nghị định 179 giúp tháo gỡ khó khăn, khắc phục những hạn chế về chính sách thu hút nhân tài. Trước đây, việc tuyển dụng cán bộ, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn cao như tiến sĩ trở lên phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Tuy nhiên, với chính sách thu hút nhân tài trong Nghị định 179, các trường đại học và viện nghiên cứu có thể áp dụng nghị định để triển khai tuyển dụng, ưu tiên bố trí biên chế nhanh chóng hơn, loại bỏ nhiều rào cản về thủ tục hành chính. Đây là một bước tiến quan trọng, mang lại cơ chế thông thoáng hơn và phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.

Thứ ba, mức trợ cấp, đặc biệt là mức lương trong nghị định được quy định cụ thể và phù hợp, thể hiện rõ sự trọng dụng của nhà nước với người tài. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng như các lĩnh vực khác.

Đáng chú ý, sau khi tuyển dụng, nghị định còn quy định rõ ràng về các chính sách ưu tiên đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng. Những chính sách này được thiết kế cụ thể, chi tiết, tạo sự rõ ràng, minh bạch và khả thi trong thực hiện.

Thứ tư, tại khoản 3, Điều 12, Nghị định 179/2024/NĐ-CP quy định chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam được xem xét tiếp nhận vào công chức, viên chức và được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 300% mức lương hiện hưởng. Đây là một bước đột phá chưa từng có trong các nghị định trước đây, là một điểm nhấn quan trọng trong việc tạo điều kiện đãi ngộ tốt nhất để thu hút và đồng hành cùng đội ngũ nhân tài.

gs-duc-t7-2024-phan-tich-diem-5472.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh NVCC)

Bên cạnh đó, Điều 13 của nghị định quy định về chính sách hỗ trợ đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài là một thay đổi đáng ghi nhận. Trước đây, các trường đại học và cơ quan nhà nước khi muốn mời chuyên gia nước ngoài thường phải chứng minh năng lực của họ theo quy định, đồng thời phải xác nhận người Việt Nam không thể đảm nhận được công việc đó.

Việc đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi hơn không chỉ thu hút nhân tài quốc tế mà còn mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận và học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu thế giới.

Thứ năm, trong Nghị định 179 còn đưa ra cơ chế tiến cử và công nhận viên chức có tài năng, một điểm mới hoàn toàn so với trước đây. Theo đó, đối tượng nhân tài không chỉ được phát hiện và trọng dụng, mà còn được đánh giá, tiến cử và công nhận hàng năm. Chính sách này thể hiện sự minh bạch, công khai trong quy trình, đồng thời khuyến khích người tài tiếp tục phát huy năng lực để cống hiến lâu dài.

Thứ sáu, việc thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia là một sáng kiến tạo nguồn lực quan trọng trong việc thu hút nhân tài. Đây là bước tiến quan trọng và chiến lược dài hạn của Nhà nước trong việc nuôi dưỡng nguồn lực con người.

Nghị định 179 được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích mạnh mẽ, tạo động lực để các cơ quan, tổ chức, trường đại học và viện nghiên cứu công lập thu hút được đội ngũ nhân tài. Điều này góp phần phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao cần chuyên gia trình độ cao và kinh nghiệm từ những tập đoàn lớn tham gia cống hiến cho đất nước.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước khi Nghị định 179 ra đời, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài vẫn luôn được Nhà nước quan tâm và chú trọng. Tuy nhiên, các chính sách cũng còn nhiều bất cập, chưa có sự thực hiện quyết liệt, đồng bộ.

Nghị định 179 về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng làm việc trong khu vực công là một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam. Với những quy định mang tính đột phá và toàn diện, nghị định không chỉ giải quyết bài toán thu hút nhân tài mà còn tạo dựng một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch để các cơ quan, tổ chức áp dụng hiệu quả.

Nghị định thể hiện tư duy đổi mới trong việc xây dựng chính sách, từ việc xác định rõ đối tượng cần thu hút, ưu tiên tuyển dụng, đến việc quy định chi tiết các chế độ đãi ngộ như lương, phụ cấp và các hỗ trợ khác. Đặc biệt, việc tạo điều kiện cho người có tài năng làm việc thông qua môi trường hiện đại, cơ hội đào tạo và lộ trình thăng tiến rõ ràng đã cho thấy tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển nhân tài lâu dài.

Nhà khoa học trẻ tài năng cần đáp ứng những tiêu chí nào?

Một trong các đối tượng Nghị định 179/2024/NĐ-CP đặc biệt chú trọng là sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng. Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, nhà khoa học trẻ tài năng cần được đánh giá dựa trên những kết quả nghiên cứu cụ thể và thành tựu nổi bật trong quá trình làm việc.

Theo đó, một nhà khoa học trẻ tài năng không chỉ cần nền tảng đào tạo tốt và năng lực xuất sắc, mà quan trọng là phải thể hiện được năng lực thông qua các công trình nghiên cứu, các công bố khoa học và những đóng góp thực tiễn.

Kết quả nghiên cứu của nhà khoa học được thể hiện qua các bài báo đăng trên tạp chí quốc tế uy tín, các sáng chế, công nghệ hoặc sáng kiến đã được áp dụng trong thực tế. Khi đánh giá nhà khoa học, hội đồng chuyên môn thường xem xét số lượng công bố khoa học, mức độ uy tín và chất lượng của các tạp chí công bố.

Tuy nhiên, đối với kỹ sư trong các lĩnh vực công nghệ như thiết kế chip hay bán dẫn, tài năng không chỉ thể hiện qua công bố mà còn qua việc được tuyển dụng tại các tập đoàn hàng đầu. Dù không có nhiều công bố, nhưng nếu đảm nhận vai trò quan trọng trong các công ty lớn, đó vẫn là minh chứng cho năng lực vượt trội. Như vậy, tài năng có thể đánh giá trực tiếp qua các sản phẩm cụ thể hoặc gián tiếp qua thành tích trong môi trường chuyên nghiệp.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong nhận định nhà khoa học trẻ tài năng được xác định qua các thành tựu nghiên cứu, sáng chế, hoặc các giải pháp công nghệ đáng chú ý. Trong đó, tiêu chuẩn về nhà khoa học trẻ tài năng được quy định cụ thể tại Điều 23 Nghị định 40/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 27/2020/NĐ-CP) quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ.

Theo đó, nhà khoa học trẻ tài năng là cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ dưới 35 tuổi, có trình độ tiến sĩ trở lên và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

Chủ trì công trình đạt giải thưởng uy tín về khoa học và công nghệ trong nước hoặc quốc tế.

Là tác giả chính ít nhất 05 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín; hoặc chủ biên ít nhất 03 sách chuyên khảo; hoặc là tác giả của ít nhất 02 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ trong đó có ít nhất 01 sáng chế được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Theo thầy Phong, để đáp ứng tiêu chuẩn của một nhà khoa học trẻ, người tài vẫn còn gặp nhiều thách thức. Để đạt được những tiêu chuẩn đó, rất cần đến các chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện để những tài năng trẻ có cơ hội phát triển sớm và phát huy tối đa tiềm năng.

z6183635552180_b62d492f80dd6595322c07e1625d6a1c.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh NVCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương nhận định, Nghị định 179 sẽ mở ra cơ hội mới cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đại học địa phương, khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đội ngũ giảng viên, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường sẽ căn cứ vào nghị định để triển khai đào tạo nguồn tại chỗ, đảm bảo tính ổn định và dài hạn cho đội ngũ giảng viên.

Nghị định mới kỳ vọng sẽ tạo ra những bước tiến lớn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài vào khu vực công. Chính sách đãi ngộ tốt không chỉ giúp người tài có được một môi trường làm việc ổn định mà còn khuyến khích họ đóng góp lâu dài cho sự phát triển chung. Khi chế độ đãi ngộ hợp lý, các nhà khoa học, giảng viên sẽ có thêm động lực cống hiến, thúc đẩy chất lượng giáo dục và nghiên cứu.

Lợi ích của chính sách mới đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc cũng rất rõ ràng. Trước tiên, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sẽ có cơ hội tham gia vào môi trường làm việc tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong các ngành nghề trọng điểm. Mặt khác, khi các giảng viên có tâm, có tầm và trình độ giỏi được thu hút làm việc trong nhà trường, chất lượng đào tạo sinh viên sẽ được nâng cao, đồng thời chất lượng nghiên cứu khoa học cũng sẽ cải thiện.

hop HĐ Trường lần 6 (2).jpg
Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương. (Ảnh website nhà trường)

Nhân tài cần được đặt đúng môi trường để phát huy tối đa năng lực

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức cho rằng, khi làm việc tại cơ quan nhà nước, ba yếu tố cơ bản quyết định sự thành công trong việc giữ chân người tài bao gồm: đãi ngộ xứng đáng, tiềm năng phát huy năng lực và môi trường làm việc công bằng, minh bạch.

Theo đó, nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng với trình độ và đóng góp, sẽ khó giữ chân được nhân tài. Đồng thời phải đảm bảo thành quả lao động của họ được ghi nhận và khen thưởng đúng mức, tạo điều kiện cho người tài phát triển. Bên cạnh đó, môi trường làm việc công bằng, tôn trọng và minh bạch là yếu tố then chốt, giúp thúc đẩy nhân tài cống hiến và gắn bó lâu dài.

Ngoài ra, muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, trước hết, cần phải có người lãnh đạo tốt. Những người đứng đầu phải có khả năng phát hiện và trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Việc lãnh đạo biết phát huy tiềm năng của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng giúp phát triển lực lượng lao động có chất lượng, từ đó đóng góp hiệu quả cho tổ chức.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong cho hay, để đảm bảo tính khả thi, việc triển khai Nghị định 179/2024/NĐ-CP cần được thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Các địa phương cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, gắn với nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, cần thiết lập các chỉ số hiệu quả công việc rõ ràng, đo lường được và có lộ trình thực hiện cụ thể. Điều này không chỉ giúp hiện thực hóa mục tiêu thu hút nhân tài mà còn tạo cơ sở để đánh giá, điều chỉnh chính sách kịp thời, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Mặt khác, để thu hút người tài, đặc biệt là sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng tham gia vào lĩnh vực công, môi trường làm việc và định hướng phát triển đóng vai trò cốt lõi.

Thứ nhất, kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều địa phương về thu hút nhân tài cho thấy việc thu hút người tài năng nhưng không tạo được cơ chế phù hợp thường dẫn đến sự lãng phí tiềm năng. Người tài cần được đặt trong điều kiện phù hợp để phát triển toàn diện và đóng góp hiệu quả.

Thứ hai, môi trường làm việc cần đảm bảo năng lực của cá nhân được sử dụng đúng chỗ và có không gian phát triển. Nếu người có năng lực không được đặt trong môi trường phát triển phù hợp, không đúng chuyên môn có thể khó phát huy tối đa khả năng, trở thành rào cản cho người tài phát triển.

Việc sử dụng nhân tài phải luôn gắn với đúng năng lực và sở trường của từng cá nhân, tránh tình trạng "dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn". Khi người tài không được giao đúng công việc, khả năng của họ không được phát huy, sẽ không có kết quả và thậm chí còn gây hại cho công việc chung, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Thu hút người tài đã khó, làm sao để giữ chân được người tài gắn bó lâu dài càng khó hơn.

gdvn-anh-nc-1979-9427.jpg
Bên cạnh đãi ngộ tương xứng thì môi trường làm việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học trẻ phát triển cũng là yếu tố giúp giữ chân nhân lực. (Ảnh minh họa: Mộc Trà)

Bên cạnh đó, điểm a, khoản 2, Điều 4, Nghị định 179 quy định sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng cần đáp ứng một trong các tiêu chuẩn, điều kiện: “Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên tại cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển”.

Theo thầy Phong, việc ưu tiên sinh viên tốt nghiệp thủ khoa trong chính sách thu hút nhân tài vào lĩnh vực công cần được xem xét mở rộng đối tượng cho linh hoạt để phù hợp hơn với thực tiễn. Theo đó, không chỉ thủ khoa, sinh viên đạt giải trong các kỳ thi mà cả sinh viên tốt nghiệp loại giỏi cũng cần được xem xét.

Thủ khoa thường là một cá nhân duy nhất trong một khóa học, nhưng nhiều công việc trong lĩnh vực công không nhất thiết đòi hỏi xuất sắc vượt trội. Sinh viên giỏi với tiềm năng phát triển và niềm đam mê sẽ mang lại thêm lựa chọn nhân lực chất lượng. Việc chỉ tập trung vào đối tượng thủ khoa và sinh viên xuất sắc kèm các giải thưởng được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 4, Nghị định 179/2024/NĐ-CP có thể tạo ra sự hạn chế, khiến chính sách khó đạt được mục tiêu thực chất, nhất là khi các thủ khoa thường có nhiều cơ hội hấp dẫn khác.

Hồng Mai