Nhà khoa học trẻ Đào Tấn Phát: "NCKH giúp tôi xây dựng các mối quan hệ quốc tế"

Nhà khoa học trẻ Đào Tấn Phát: "NCKH giúp tôi xây dựng các mối quan hệ quốc tế"

03/10/2024 06:20
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhà khoa học trẻ Đào Tấn Phát chia sẻ, NCKH không chỉ giúp anh mở rộng kiến thức, mà còn kết nối với các chuyên gia hàng đầu và phát triển tư duy sáng tạo. 

Đào Tấn Phát là một trong 5 người vừa nhận được vinh danh nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc tại Hàn Quốc năm 2024, lĩnh vực Công nghệ sinh học. Đây là giải thưởng được Ban Tổ chức Hội thảo khoa học sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc ACVYS khởi xướng và bình duyệt theo từng lĩnh vực nghiên cứu.

Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc là một tổ chức được thành lập ngày 25/08/2007, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Đảng uỷ ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hoạt động theo điều lệ Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, dựa trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, đoàn kết nhất trí của lưu học sinh hiện đang học tập, công tác tại Hàn Quốc.

Đam mê nghiên cứu khoa học với mong muốn tạo ra giá trị cho cộng đồng

Trước đó, Đào Tấn Phát cũng xuất sắc giành được học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Hóa học tại Đại học Soongsil (Hàn Quốc). Với học bổng này, Tấn Phát được miễn học phí chương trình học tiến sĩ, ngoài ra, được hỗ trợ các khoản phí sinh hoạt hàng tháng trong suốt quá trình làm nghiên cứu sinh.

"Chương trình học bổng tôi nhận được bao gồm học bổng hỗ trợ nghiên cứu, học bổng đặc biệt dành cho sinh viên quốc tế và học bổng khuyến khích nghiên cứu.

Học bổng này được cấp trực tiếp bởi Đại học Soongsil và dự án từ giáo sư hướng dẫn, bao gồm hai phần chính: Fellowship (học phí, các phụ phí và bảo hiểm y tế); Assistantship (phí sinh hoạt hàng tháng). Tôi có thể tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu mà không phải lo lắng về tài chính.

Để đủ điều kiện nhận học bổng này, ứng viên phải đáp ứng các tiêu chí, bao gồm, thành tích học tập xuất sắc, khả năng nghiên cứu độc lập và sự đóng góp cho cộng đồng. Việc được trao học bổng không chỉ công nhận những nỗ lực của tôi mà còn mở ra cơ hội lớn để tôi tiếp tục phát triển nghiên cứu của mình trong môi trường quốc tế", Đào Tấn Phát chia sẻ.

2.jpg

Trước khi nhận được giải thưởng nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc tại Hàn Quốc năm 2024, Đào Tấn Phát đã có 5 năm nghiên cứu và giảng dạy tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; cùng với vai trò giảng viên thỉnh giảng tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hoa Sen. Anh cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyển giao công nghệ cho các đơn vị khoa học công nghệ đồng thời anh luôn bền bỉ trong nghiên cứu, có nhiều công bố cũng như hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ về động lực thúc đẩy trong công tác nghiên cứu khoa học, Đào Tấn Phát cho biết: "Động lực chính thúc đẩy tôi gắn bó lâu dài với nghiên cứu khoa học chính là niềm đam mê khám phá và mong muốn tạo ra giá trị hữu ích cho cộng đồng. Qua nhiều năm làm việc và nghiên cứu, tôi nhận thấy rằng nghiên cứu không chỉ giúp tôi mở rộng kiến thức và kỹ năng mà còn mang lại sự thỏa nguyện khi giải quyết các vấn đề thực tiễn và đóng góp vào sự phát triển của các lĩnh vực như Hóa sinh, Hóa thực phẩm và Hóa vật liệu, cả trong nước lẫn quốc tế.

Bên cạnh công việc nghiên cứu, tôi còn hợp tác chặt chẽ với các đơn vị khoa học công nghệ và doanh nghiệp địa phương trong việc chuyển giao công nghệ. Hoạt động này không chỉ góp phần thúc đẩy những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao mà còn giúp đưa kết quả từ phòng thí nghiệm vào sản xuất thực tiễn, tạo thêm việc làm và phát triển kinh tế cho người lao động địa phương.

Việc chuyển giao công nghệ bao gồm tư vấn về dây chuyền máy móc, công nghệ phù hợp với nhu cầu sản xuất, vận hành thử nghiệm, hỗ trợ thiết kế bao bì, in ấn nhãn sản phẩm và đăng ký các tiêu chuẩn chất lượng.

Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp tôi mở rộng kiến thức, mà còn có cơ hội kết nối với các chuyên gia hàng đầu, phát triển tư duy sáng tạo và xây dựng các mối quan hệ quốc tế bền chặt. Những thành công và giải thưởng đạt được là nguồn động viên lớn để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê và cống hiến cho cộng đồng”, Phát chia sẻ thêm.

dtpq.gif

Theo Tấn Phát, trong quá trình nghiên cứu khoa học, anh đã đạt được một số giải thưởng quan trọng, giúp anh có thêm động lực cống hiến cho nền khoa học. Trong đó, giải nhất Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch 2021 và việc hướng dẫn sinh viên đạt giải nhì trong Cuộc thi Sinh viên với Ý tưởng Khởi nghiệp Sáng tạo 2021với anh là những thành công đáng kể.

Ngoài ra, các công trình nghiên cứu liên quan đến ngành Điều tại tỉnh Bình Phước là những dự án tôi đặc biệt tự hào. Hơn nữa, tôi có hơn 05 công bố khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus cho dự án này.

Công trình nghiên cứu của tôi tập trung vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ phẩm ngành Điều, đặc biệt là quả điều giả, mà vẫn còn hạn chế trong quá trình sử dụng do hàm lượng tannin cao. Dù quả điều chứa hàm lượng vitamin C cao gấp 5-6 lần cam và chanh, tannin lại gây cảm giác se khít lưỡi, làm giảm giá trị sử dụng của quả điều.

Nghiên cứu của tôi đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng của cây điều, tăng hiệu quả cho ngành Điều và giảm phát thải ra ô nhiễm môi trường bằng cách ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để xây dựng mô hình sản xuất thực nghiệm các sản phẩm giá trị gia tăng từ thịt quả điều, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm phát triển bền vững tại tỉnh Bình Phước.

Dự án này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ứng dụng thực tiễn cao, giúp cải thiện giá trị của sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ người nông dân. Công trình này những những giải nhiều cuộc thi và nhiều công bố khoa học mà còn được nhiều tổ chức và doanh nghiệp địa phương đánh giá cao, và tôi rất tự hào vì nó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tại Việt Nam", nhà khoa học trẻ tự hào chia sẻ.

Học hỏi từ thất bại và duy trì tinh thần làm việc nhóm là bí quyết quan trọng

Trong hành trình nghiên cứu khoa học, Tấn Phát hiểu rằng, sự kiên trì và tinh thần cầu tiến là yếu tố quyết định để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nghiên cứu thường gặp phải nhiều thử thách và thất bại, nhưng chính những trải nghiệm này giúp anh trưởng thành hơn, đồng thời phát triển các giải pháp sáng tạo. Một bài học quan trọng khác mà anh rút ra nữa là cần phải học hỏi từ những thất bại và duy trì tinh thần làm việc nhóm, vì nghiên cứu khoa học thường đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ kiến thức giữa các đồng nghiệp.

Ngoài ra, việc giữ một mục tiêu rõ ràng và đam mê mạnh mẽ cũng giúp nhà khoa học không bị nản lòng và tiếp tục tiến bước. Tôi từng nghe giáo sư hướng dẫn của tôi là Giáo sư Sang-Woo Joo – cựu thành viên của Đại học Chicago và Đại học Harvard trích dẫn câu nói nổi tiếng của Abraham Lincoln: “The best way to predict the future is to create it”. Thông điệp này truyền tải rằng tương lai không phải là điều gì đó xảy ra với chúng ta mà là thứ chúng ta có khả năng định hình và tạo ra", anh Đào Tấn Phát cho hay.

Nhà khoa học trẻ này cũng từng có thời gian tham gia giảng dạy đại học tại Việt Nam, anh đánh giá về khả năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Việt Nam và Hàn Quốc: "Sinh viên Việt Nam có tiềm năng lớn trong nghiên cứu khoa học, nhưng thường gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất và cơ hội tiếp cận tài liệu cũng như công nghệ mới. So với sinh viên Hàn Quốc, sinh viên Việt Nam cần được hỗ trợ nhiều hơn để phát huy hết khả năng của mình.

Các cơ sở giáo dục đại học nên đầu tư vào cơ sở vật chất nghiên cứu, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các dự án thực tiễn và cung cấp cơ hội giao lưu học hỏi với các chuyên gia quốc tế. Việc khuyến khích sinh viên tham gia vào các hội thảo khoa học, cuộc thi nghiên cứu và các chương trình trao đổi học thuật cũng là những cách hiệu quả để thúc đẩy đam mê nghiên cứu và phát triển kỹ năng nghiên cứu của sinh viên.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần tạo ra môi trường nghiên cứu tích cực, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu, và xây dựng các chương trình đào tạo về kỹ năng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu khoa học để chuẩn bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết".

TT.jpg

Nhà khoa học trẻ Việt Nam xuất sắc tại Hàn Quốc năm 2024 Đào Tấn Phát cũng nhắn nhủ thêm: "Hãy luôn duy trì niềm đam mê và sự tò mò trong nghiên cứu. Đừng ngại đối mặt với thất bại và khó khăn, vì đó là phần không thể thiếu trong hành trình nghiên cứu. Hãy tìm kiếm sự kết nối và hướng dẫn từ các chuyên gia cũng như đồng nghiệp, đồng thời luôn sẵn sàng học hỏi và cập nhật các kiến thức mới.

Tham gia vào các dự án thực tiễn và tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế là những cách hiệu quả để nâng cao kỹ năng và mở rộng tầm nhìn. Việc này không chỉ giúp nhà khoa học, nhà nghiên cứu tích lũy kinh nghiệm mà còn mở ra những cơ hội để áp dụng nghiên cứu vào thực tế.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng nghiên cứu khoa học không chỉ là việc tìm ra những giải pháp mới mà còn là đóng góp cho sự phát triển bền vững và cải thiện đời sống của cộng đồng. Đam mê và sự kiên trì là chìa khóa để đạt được những thành công lâu dài và có ý nghĩa trong lĩnh vực này".

Thi Thi