Năm 2025 là một năm hứa hẹn có nhiều bước tiến mới trên hành trình đổi mới giáo dục. Nhân dịp năm Ất Tỵ 2025 đang đến, phóng viênTạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên xung quanh sự phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.
Theo chia sẻ của giám đốc Nguyễn Văn Đoạt, năm 2024 là năm then chốt, có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Trong bối cảnh có thời cơ, thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tập trung tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành Giáo dục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp từ những ngày đầu của năm 2024 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Một năm bứt phá của giáo dục phổ thông tỉnh Điện Biên
Trong năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo quyết liệt công tác rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp, học sinh; đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Năm 2024, toàn ngành có 482 trường, trung tâm (trong đó: 168 trường mầm non, 296 trường phổ thông, 17 trung tâm và 01 trường cao đẳng); với trên 7.000 lớp, trên 200 ngàn học sinh, sinh viên. Tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi ra lớp cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao.
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã triển khai một số mô hình nhằm tăng cường sự hỗ trợ từ cha mẹ vào quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ như: Mô hình “Bữa ăn đủ dinh dưỡng trong trường mầm non” “Vườn rau sạch cho bé”; “Tình nguyện viên hỗ trợ ngôn ngữ và nấu ăn cho trẻ ở điểm trường lẻ”; “Thư viện thân thiện cho bé”. Thực hiện có chất lượng chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Tăng cường giáo dục tình cảm, kỹ năng xã hội; kỹ năng nghe, nói tiếng Việt; cho trẻ làm quen tiếng Anh…
Về việc đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông, Sở đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn, tổ chức Khảo sát chất lượng học sinh gắn với đánh giá xếp loại giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở giáo dục; Chỉ đạo thành lập tổ nhóm chuyên môn cốt cán, tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường liên cấp; phát động Cuộc vận động “học sinh Điện Biên nói không với sử dụng điện thoại trong buổi học,…
Ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết: “Nhờ sự đổi mới trong phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, sự tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ dạy học, ôn tập, ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 tỉnh Điện Biên đạt 99,36%; điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm 2024, số lượng học sinh đạt giải và chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia cao nhất từ trước đến nay...”.
Tiếp nối thành tích đó, tin vui trong những ngày đầu năm 2025, kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia năm học 2024-2025 lại tiếp tục gặt hái thành tích cao hơn: tỉnh có 22 giải, trong đó 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba, 11 giải Khuyến khích. Đây là lần đầu tiên tỉnh có giải môn Tin học (giải Nhì) và môn tiếng Trung (2 giải khuyến khích); lần đầu tiên có giải Nhì môn Toán, môn Địa và đặc biệt, sau 10 năm tỉnh đã có thêm giải Nhất thuộc một môn Khoa học tự nhiên (môn Sinh học).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng chia sẻ, trong năm qua, Sở đã tăng cường đầu tư, quản lý và sử dụng cơ sở vật chất trường, lớp học, tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, tài trợ cho các cơ sở giáo dục. Năm 2024, tổng kinh phí đầu tư từ nguồn xã hội hoá đạt trên 165 tỷ đồng. Tỷ lệ phòng học và phòng học bộ môn được kiên cố đạt trên 75%; 100% các cơ sở giáo dục được bổ sung thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu dạy và học theo quy định.
Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cũng đạt được nhiều thành công. Theo đó, đến nay, tỉnh Điện Biên đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3 (trước 1 năm so với Kế hoạch), duy trì chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn Xoá mù chữ mức độ 2. Có 78,7% số trường đạt chuẩn quốc gia; 80,2% số trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục; gần 80% số xã đạt tiêu chí số 5 và 100% số xã đạt tiêu chí số 14 về nông thôn mới.
Trong năm 2024, toàn tỉnh Điện Biên cũng đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu toàn ngành, cập nhật đầy đủ, thường xuyên đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên thực hiện học bạ số; toàn tỉnh đã thực hiện thu nộp học phí, chi trả chế độ cho người học theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua phần mềm quản lý thanh toán tập trung toàn tỉnh.
Toàn ngành đã thực hiện hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với nhiều hoạt động thiết thực như: Tổ chức thành công Chương trình Giao lưu văn nghệ, thi đấu giao hữu thể thao giữa học sinh tỉnh Điện Biên với học sinh 06 tỉnh Bắc Lào; tham gia Chương trình Gameshow truyền hình cho học sinh phổ thông tìm hiểu về lịch sử; Hội khỏe Phù Đổng; Hội thi Dân vũ - Điệu nhảy đường phố dành cho học sinh, sinh viên lần thứ Nhất; Giải thi đấu thể thao ngành Giáo dục và Đào tạo từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh; Giải Cầu lông, Bóng bàn, Pickleball ngành Giáo dục mở rộng... Huy động gần 15.000 lượt cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tham gia cuộc thi “Vẽ tranh của thiếu niên, nhi đồng về Chiến thắng Điện Biên Phủ và hình ảnh Điện Biên Phủ hôm nay”.
Năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên được xếp loại Xuất sắc trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiêu chí “Giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt” được xếp hạng 17/63 tỉnh thành năm 2023, tăng 34 bậc so với năm 2022.
Ngành đã tổ chức trao tặng danh hiệu cho 43 “Nhà giáo ưu tú” (số lượng nhiều nhất từ trước đến nay), có 02 nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo bình chọn "Nhà giáo tiêu biểu của năm 2024", 01 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”. Cũng trong năm 2024, ngành đã kết nạp đảng cho 54 học sinh, sinh viên; có gần 300 học sinh, sinh viên đã tham gia các lớp nhận thức về Đảng. Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ
Bên cạnh những thành tích trong giáo dục nói chung, tỉnh Điện Biên có nhiều điểm mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết: “Trong năm vừa qua, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Điện Biên, tỉnh đã xét chọn và cử 121 học sinh, người học đi đào tạo trình độ đại học ngành sư phạm với các chuyên ngành thiếu nguồn tuyển (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiểu học) hệ cử tuyển, vừa làm vừa học. Bên cạnh đó, tiếp tục hợp tác với tỉnh Vân Nam Trung Quốc và các tỉnh Bắc Thái Lan đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Điện Biên; hợp tác với các tỉnh Bắc Lào đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Đề án hợp tác đào tạo giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào. Chỉ đạo Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tổ chức dạy tiếng Hàn, tiếng Nhật cho học sinh, sinh viên và nhân dân”.
Nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn chuyên biệt, các môn còn thiếu giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thực hiện phương án bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cấp, dạy tăng giờ đối với những loại hình giáo viên chuyên biệt thiếu nguồn tuyển (Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc). Tích cực tham mưu thực hiện các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Về triển khai, tổ chức thực hiện đảm bảo chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên theo quy định, Sở chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên, học viên.
Năm 2025 sẽ tăng cường nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, sắp xếp bộ máy, nâng cao chất lượng giáo dục
Bên cạnh những kết quả ấn tượng trong năm 2024, việc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp năm học còn một số hạn chế, cần sự quyết tâm, chung tay, nỗ lực của toàn ngành để khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết, hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp tại một số huyện vùng cao, nơi có nhiều khó khăn chưa đạt kế hoạch Uỷ ban nhân dân tỉnh giao. Đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu so với định mức quy định, thiếu nguồn tuyển giáo viên các môn chuyên biệt;
Ngoài ra, chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn hạn chế. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các quy định để đảm bảo điều kiện kiểm định chất lượng giáo dục và trường học đạt chuẩn quốc gia.
Khắc phục những khó khăn trên, trong năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên sẽ tập trung các giải pháp hướng tới hoàn thành mục tiêu giáo dục đào tạo theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 và chỉ tiêu kế hoạch năm học do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
Đặc biệt, Sở sẽ rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, gắn liền với tinh giản biên chế; ổn định tư tưởng đội ngũ trong quá trình tổ chức thực hiện; bố trí, sử dụng hợp lý, hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có; tham mưu, thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển. Thực hiện các nội dung liên quan đến Đề án thành lập Trường Đại học Điện Biên Phủ, phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Điện Biên.
Bên cạnh đó, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh, tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư kinh phí cho việc xây dựng phòng học, phòng học bộ môn, mua sắm thiết bị tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên nhấn mạnh, năm 2025 sẽ ưu tiên bố trí ngân sách địa phương cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của ngành giáo dục với các chương trình, dự án, đề án khác đã được phê duyệt; thực hiện huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025 và các năm tiếp theo.
Năm học này, lứa học sinh lớp 12 học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đầu tiên sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, phát động Phong trào thi đua “70 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025”.
Nhìn lại năm 2024, ông Nguyễn Văn Đoạt bày tỏ: “Ngành Giáo dục Điện Biên đã khép lại một năm đầy nỗ lực với những kết quả nổi bật đáng tự hào. Những kết quả này không chỉ thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, lãnh đạo Sở cùng tập thể đội ngũ công chức, viên chức, người lao động Sở Giáo dục và Đào tạo mà còn là minh chứng rõ nét cho khát vọng đổi mới, vươn lên mạnh mẽ của toàn ngành.
Bước sang năm 2025, để hoàn thành cao nhất những mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV đã đề ra, hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; ngành giáo dục tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, cùng với sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của tập thể lãnh đạo và đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành. Tôi tin tưởng rằng ngành giáo dục Điện Biên sẽ vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”.