Có thu nhập cả chục triệu đồng từ dạy thêm nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ TT 29

24/01/2025 06:56
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Chỉ một bộ phận nhỏ giáo viên hưởng lợi từ dạy thêm, nên không thu tiền khi dạy thêm học sinh chính khóa là phù hợp, không ảnh hưởng đến đông đảo giáo viên.

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, quy định mới về dạy thêm, học thêm, thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Là giáo viên, người viết cũng có thu nhập từ dạy thêm một tháng khoảng chục triệu đồng nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định không thu tiền học thêm học sinh chính khóa cả trong và ngoài trường học.

gdvn-day-them-5068.png
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Thực tế, lớp dạy thêm bên ngoài trường của người viết chủ yếu học sinh các trường khác, lớp khác đăng kí học từ năm trước thì mới còn chỗ; học sinh chính khóa chỉ vài em có học lực tốt và không phải đóng tiền. Vì vậy, cấm thu tiền học sinh chính khóa sẽ có tác dụng tích cực cho cả thầy và trò.

Có người cho rằng lương giáo viên chưa đủ sống, không cho giáo viên, nhà trường, thu tiền khi dạy thêm học sinh chính khóa là chưa hợp lý, tôi cho rằng nhìn nhận như vậy chưa đúng.

Trong trường học, chỉ một bộ phận nhỏ giáo viên dạy thêm và hưởng lợi từ dạy thêm. Theo đó, bậc tiểu học là giáo viên chủ nhiệm, bậc trung học cơ sở là giáo viên Toán, tiếng Anh, trung học phổ thông là một số môn như Toán, tiếng Anh, Ngữ văn, còn đại đa số giáo viên không có thu nhập từ hoạt động dạy thêm. Vì vậy, việc cấm thu tiền khi dạy thêm học sinh chính khóa là phù hợp, không ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số giáo viên

Cũng có quan điểm cho rằng Thông tư số 29 khiến giáo viên không còn được dạy thêm. Tôi cho rằng, cách hiểu này là không đúng với các quy định tại Thông tư 29. Thông tư không cấm giáo viên dạy thêm, ngược lại còn cho phép giáo viên dạy thêm đàng hoàng tại cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm.

Thông tư số 29 chỉ ngăn chặn giáo viên tạo áp lực khiến học sinh chính khóa ra cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm hoặc đem về nhà để giáo viên dạy thu tiền.

Người viết có làm một khảo sát nhỏ với 3 lớp mình đang dạy, với câu hỏi về học thêm môn Toán: Em muốn học thêm với giáo viên nào sau đây (đánh dấu * vào ô em chọn).

Trong bốn giáo viên của trường đang dạy cùng khối có cô giáo N. là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Lớp giáo viên này dạy học sinh có năng lực học tập môn Toán trội hơn các lớp khác. Thế nhưng, học sinh các lớp khác chỉ có số ít chọn học cô giáo N., phần lớn học sinh đều chọn học thêm giáo viên chính khóa của mình. Học sinh cho biết học thêm giáo viên chính khóa của mình để có cơ hội đạt điểm cao trong quá trình học tập.

Ảnh chụp màn hình 2025-01-18 134617.png
Phiếu khảo sát học sinh về thầy cô dạy thêm

Theo quy định của Thông tư 29, nếu học sinh chính khóa của giáo viên A. đi học thêm tại cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm, cơ sở kinh doanh dạy thêm giao cho giáo viên A. dạy thêm thì chủ cơ sở không được thu tiền, cả giáo viên A. và chủ cơ sở sẽ không có lợi nhuận.

Có thể sẽ xảy ra tình trạng "lách luật", giáo viên sẽ có sự "dạy chéo" cho nhau. Ví dụ, chủ cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm sẽ xếp học sinh giáo viên A. vào lớp giáo viên B .dạy, học sinh giáo viên B. vào lớp giáo viên A .dạy, nhưng chỉ trên báo cáo của cơ sở kinh doanh dạy thêm, học thêm, còn thực tế thì ngược lại, giáo viên A., B. vẫn dạy thêm học sinh chính khóa của mình. Tổ chức dạy "chéo" như thế sẽ thu hút được học sinh, học sinh thỏa mãn mong muốn được học thêm giáo viên chính khóa; giáo viên, chủ cơ sở sẽ cùng có lợi.

Để quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29 hiệu quả ngoài việc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý thì rất cần phụ huynh, giáo viên nhận thức đúng về các quy định này.

Muốn giảm việc dạy thêm, học thêm cũng cần thay đổi về công tác kiểm tra đánh giá, không nên để giáo viên “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, vừa dạy học, vừa ra đề, vừa “cho điểm” học sinh. Điều này sẽ tạo tâm lý cho phụ huynh, học sinh phải học thêm giáo viên chính khóa để có “điểm đẹp”.

Hiện tại chưa có cơ quan đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông độc lập, theo tôi đề kiểm tra đánh giá định kì nên do phòng giáo dục hay sở giáo dục ra.

Với công nghệ phát triển hiện nay, việc ra đề kiểm tra theo bản đặc tả, ma trận chỉ vài cú nhấp chuột, nên công tác ra đề không phải là "gánh nặng" cho các cơ quan quản lý giáo dục.

Việc phòng giáo dục hay sở giáo dục ra đề bám sát yêu cầu cần đạt, không đánh đố, đảm bảo tính vừa sức ... sẽ định hướng dạy và học; học sinh không cần đi học thêm vẫn làm bài đạt yêu cầu.

Việc thực hiện đồng loạt trên cả nước phòng giáo dục hay sở giáo dục ra đề kiểm tra định kì, bám sát yêu cầu cần đạt, không đánh đố, đảm bảo tính vừa sức, sẽ góp phần giải quyết tận gốc dạy thêm, học thêm tràn lan. Thực hiện quản lý dạy thêm, học thêm theo đúng Thông tư số 29 sẽ giúp cho dạy thêm, học thêm trở về đúng bản chất thay vì đi học theo phong trào để "vừa lòng" thầy cô. Quan trọng là làm sao để học sinh nâng cao tính tự học, tự tìm tòi thay vì thầy cô "dọn sẵn cỗ" ở lớp dạy thêm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai