Phát biểu tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Dự kiến, sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6, hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước 30/8.
Việc hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đang đặt ra vấn đề trong việc xây dựng các kế hoạch về bố trí nhân sự, tuyển dụng và đảm bảo quyền lợi cho sinh viên sư phạm theo diện Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
Trong bối cảnh này, yêu cầu về một chiến lược rõ ràng, hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho sinh viên sư phạm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Vừa là cơ hội vừa là thách thức
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sao Đỏ cho biết: Sáp nhập các đơn vị hành chính là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, giúp cải thiện hiệu quả quản lý và phù hợp với xu thế toàn cầu hoá hiện nay.
Theo đó, việc sáp nhập giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý và tăng cường khả năng điều hành của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, đây cũng là một bước đi quan trọng để cải cách bộ máy hành chính, giảm thiểu chi phí vận hành, tạo ra một hệ thống quản lý hiệu quả, linh hoạt và có tính phản ứng nhanh đối với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thầy Đỉnh, trên thực tế, việc sáp nhập các đơn vị hành chính còn góp phần đảm bảo công bằng trong phân phối tài nguyên, nâng cao chất lượng dịch vụ công và tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Khi một hoặc nhiều đơn vị hành chính hợp nhất sẽ tập hợp được chung một nguồn lực, từ đó dễ dàng triển khai các dự án với mức đầu tư lớn hơn, công tác quản lý cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, thầy Đỉnh cũng nhấn mạnh rằng, việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến sinh viên ngành sư phạm. Bởi, quá trình sáp nhập chỉ ảnh hưởng đến cơ cấu bộ máy chính quyền chứ không ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục.
Có thể nói rằng, giáo dục là nhu cầu không thể cắt giảm trong xã hội. Khi sáp nhập các đơn vị hành chính, địa bàn hành chính mới sẽ trở nên rộng hơn. Thế nhưng số lượng dân cư, trường học sau khi hợp nhất cơ bản sẽ giữ nguyên. Do đó nhu cầu về giáo dục và số lượng học sinh sẽ không thay đổi nhiều.

Cùng bàn về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Phạm Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên lại cho rằng, việc sáp nhập các đơn vị hành chính mang đến cả cơ hội và thách thức cho sinh viên ngành sư phạm. Có thể nhận thấy rằng khi thực hiện sáp nhập hành chính thường đi kèm với tinh gọn bộ máy, từ đó sẽ yêu cầu chất lượng giáo viên ngày một cao hơn. Mặt khác, khi hệ thống trường học được sắp xếp lại, giáo viên có thể được phân công công tác ở nhiều địa bàn khác nhau, từ đó mở ra cơ hội làm việc đa dạng hơn.
Theo đánh giá của thầy Tuân, khi các tỉnh hoàn thành việc sáp nhập sẽ dồn nguồn lực về một, từ đó có nội lực đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số. Đây chính là cơ hội để sinh viên sư phạm tiếp cận phương pháp giảng dạy hiện đại, nâng cao năng lực, trình độ của bản thân.
Chưa kể, việc hệ thống trường lớp sau sáp nhập thể được mở rộng về quy mô và có sự đầu tư lớn hơn, tạo ra nhiều vị trí quản lý, chuyên môn, giúp sinh viên có lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng.
“Trước tình hình sáp nhập hành chính, nếu sinh viên sư phạm biết cách tận dụng cơ hội, họ sẽ có thể phát triển bản thân và sự nghiệp một cách vượt trội. Tuy nhiên, để đạt được điều này, sinh viên phải chủ động học hỏi, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và tích lũy những kỹ năng cần thiết để ứng phó với sự thay đổi.
Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên sư phạm không những cần giỏi chuyên môn mà còn phải năng động và nhạy bén với xu hướng giáo dục mới. Việc nắm bắt được các phương pháp giảng dạy mới, áp dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy, cũng như làm quen với các mô hình giáo dục tiên tiến sẽ giúp giáo viên không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh giáo dục đang thay đổi nhanh chóng”, thầy Tuân nêu quan điểm.
Bên cạnh việc chỉ ra những điểm thuận lợi, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng Hưng Yên cũng chỉ ra một số thách thức mà sinh viên sư phạm phải đối mặt trước bối cảnh sáp nhập.
Thứ nhất, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy quản lý sẽ dẫn đến việc cắt giảm hoặc gộp một số vị trí giáo viên. Điều này khiến sinh viên mới ra trường phải cạnh tranh khốc liệt hơn trong việc tìm kiếm cơ hội làm việc.
Thứ hai là áp lực từ sự thay đổi hệ thống quản lý giáo dục. Theo đó, việc sáp nhập có thể dẫn đến những thay đổi trong chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ và quy trình giảng dạy, đòi hỏi sinh viên sư phạm phải thích nghi nhanh chóng.
Trước đây, việc có bằng sư phạm là yếu tố đủ để xin việc và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy. Tuy nhiên, trong bối cảnh giáo dục hiện đại, yêu cầu đối với giáo viên đã không còn chỉ dừng lại ở việc có chứng chỉ sư phạm. Ngày nay, giáo viên phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe hơn để có thể đảm bảo yêu cầu làm nghề như kỹ năng công nghệ, năng lực ngoại ngữ, khả năng giảng dạy theo mô hình mới…
Cuối cùng là nguy cơ mất cân bằng cung – cầu lao động trong ngành sư phạm. Khi các địa phương thực hiện sáp nhập, sẽ có sự thay đổi trong cơ cấu, phân bổ và nhu cầu nhân lực giáo dục cũng vì thế thay đổi.
Trên thực tế, một số địa phương có thể gặp phải tình trạng dư thừa giáo viên ở một số cấp học, trong khi lại thiếu hụt giáo viên ở các cấp học khác. Điều này sẽ tạo ra sự mất cân bằng trong việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm.
Giải pháp dành cho sinh viên sư phạm trong bối cảnh sáp nhập
Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo Nghị định, việc đào tạo giáo viên có thể thực hiện theo các phương thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội. Sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 sẽ được hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí.
Trong trường hợp sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách nhưng không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp thì sẽ phải thực hiện bồi hoàn kinh phí hỗ trợ ban đầu.
Theo Thạc sĩ Trần Phạm Tuân, bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính đang khiến một số sinh viên sư phạm theo diện đặt hàng rơi vào tình trạng tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm. Điều này dẫn đến nhiều lo ngại về nghĩa vụ bồi hoàn học phí cũng như giải pháp hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi.
Về nguyên tắc chung khi xét bồi hoàn được quy định tại Nghị định 116, sinh viên sư phạm theo diện đặt hàng chỉ phải bồi hoàn học phí và sinh hoạt phí trong trường hợp không thực hiện đúng cam kết công tác trong ngành giáo dục (từ chối nhận công việc hoặc tự ý nghỉ việc khi chưa đủ thời gian cam kết) hoặc chuyển sang ngành nghề khác ngoài giáo dục mà không có sự đồng ý từ cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, nếu sinh viên chưa có việc làm do lỗi khách quan (bối cảnh sáp nhập, tinh giản biên chế, dư thừa giáo viên) thì không thể yêu cầu bồi hoàn ngay lập tức.
Do đó, thầy Tuân cho rằng trong trường hợp sinh viên sư phạm theo diện đặt hàng chưa thể tìm kiếm được việc làm vì chưa có chỉ tiêu tuyển dụng do bối cảnh sáp nhập thì có thể tạm hoãn thời gian bồi hoàn, thậm chí miễn bồi hoàn nếu Uỷ ban nhân dân ở các đơn vị không bố trí được việc làm trong khoảng thời gian 3-5 năm.
Trường hợp sinh viên bắt buộc phải bồi hoàn cần áp dụng công thức linh hoạt dựa trên thời gian đã công tác trong ngành giáo dục. Theo đó, nếu sinh viên đã làm việc hợp đồng, trợ giảng, dạy học tạm thời thì thời gian công tác này phải được tính vào cam kết làm việc, giúp giảm số tiền bồi hoàn.
Bên cạnh đó cần xem xét, tính toán phí bồi hoàn dựa trên mức độ hỗ trợ mà sinh viên sư phạm đã nhận. Theo quy định, số tiền bồi hoàn sẽ bao gồm 100% học phí và toàn bộ chi phí sinh hoạt đã nhận. Nếu sinh viên chỉ nhận miễn học phí mà không nhận sinh hoạt phí, mức bồi hoàn cần tính theo mức thấp hơn.
Ngoài ra có thể tính đến phương án linh hoạt trong việc chuyển đổi nghĩa vụ công tác để giảm thiểu số lượng sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải bồi hoàn kinh phí ban đầu. Uỷ ban nhân dân tại địa phương có thể kết nối sinh viên sư phạm với các trường tư thục, trung tâm giáo dục để đảm bảo sinh viên vẫn làm trong ngành giáo dục, tránh bồi hoàn không cần thiết.

Trong bối cảnh sáp nhập, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên cho rằng cần nâng cao, làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xử lý bồi hoàn.
Cụ thể, Uỷ ban nhân dân tỉnh phải công khai lộ trình tuyển dụng, tránh để sinh viên chờ đợi. Trong trường hợp chưa thể bố trí việc làm, cần có chính sách tạm hoãn bồi hoàn hoặc miễn bồi hoàn nếu sau 3-5 năm vẫn không có chỉ tiêu tuyển dụng.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành hướng dẫn rõ ràng về bồi hoàn trong trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính để tránh gây thiệt thòi cho sinh viên. Đồng thời điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm hợp lý để tránh tình trạng thừa giáo viên trong tương lai.
Ngoài ra, thầy Tuân cũng cho rằng việc sáp nhập đơn vị hành chính có thể dẫn đến biến động về nhu cầu tuyển dụng giáo viên, trong khi địa phương đã sử dụng ngân sách để đào tạo sinh viên theo diện đặt hàng. Điều này đặt ra bài toán trách nhiệm giữa nhà trường và địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch hoặc hỗ trợ sinh viên để đảm bảo quyền lợi của họ.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Đỗ Văn Đỉnh cũng cho rằng trong bối cảnh sáp nhập, vai trò của cơ sở giáo dục và địa phương cần phải thiết chặt hơn nữa.
Theo đó, cơ sở giáo dục đào tạo sinh viên sư phạm cần phải phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo để rà soát lại số lượng sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm. Nếu số lượng giáo viên dư thừa do sáp nhập, cần đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo cho các năm tiếp theo để tránh tiếp tục xảy ra tình trạng tương tự.
Mặt khác, nếu sinh viên không còn cơ hội làm việc tại địa phương đã đặt hàng, nhà trường có thể làm việc với các địa phương khác có nhu cầu tuyển dụng để hỗ trợ sinh viên chuyển đổi công tác.
Đối với địa phương cần có chính sách rõ ràng về việc xử lý sinh viên sư phạm chưa có việc làm, tránh gây thiệt thòi cho sinh viên. Cần công khai lộ trình tuyển dụng và tạo cơ hội việc làm cho người học theo từng năm.
Đặc biệt có sự khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng giáo viên sau khi đào tạo để cân đối chỉ tiêu đặt hàng cho phù hợp, tránh tình trạng đào tạo dư thừa gây lãng phí.