Kinh phí hỗ trợ ít, thời gian nghiên cứu là rào cản với người học khoa học cơ bản sau đại học
Ở góc nhìn của người học, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn - nghiên cứu sinh ngành Sinh học tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Tôi chọn theo học ngành Sinh học ở bậc sau đại học bởi niềm đam mê khám phá sự đa dạng sinh học và mong muốn đóng góp vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của hệ thống sinh thái tại khu vực miền Trung của Việt Nam. Hiện nay, tôi tập trung nghiên cứu về đa dạng sinh học và ứng dụng trong chỉ thị môi trường, với hy vọng có thể đưa ra những giải pháp hữu ích trong việc bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái”, Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn chia sẻ.

Theo Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn, những kiến thức và kỹ năng anh có được trong quá trình là nghiên cứu sinh ngành khoa học cơ bản đã hỗ trợ anh trong công việc giảng dạy và nghiên cứu hiện tại. Tuy nhiên, quá trình học tập và nghiên cứu của anh cũng không tránh khỏi những khó khăn.
“Tôi phải dành phần lớn thời gian cho các hoạt động nghiên cứu, từ làm việc trong phòng thí nghiệm đến khảo sát thực địa và thu thập dữ liệu ngoài môi trường tự nhiên, nhưng vẫn cần đảm bảo công việc giảng dạy tại trường đại học. Trong khi đó, việc nghiên cứu ở bậc sau đại học đòi hỏi sự tập trung cao độ và đầu tư nhiều thời gian. Điều này dẫn tới việc cân bằng giữa công việc và nghiên cứu khi học chương trình đào tạo tiến sĩ của tôi gặp khó khăn. Cùng với đó, việc thiếu kinh phí để duy trì và mở rộng nghiên cứu cũng là rào cản đối với tôi trong quá trình nghiên cứu ngành khoa học cơ bản ở bậc học tiến sĩ”, Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn bày tỏ.
Thạc sĩ Trần Ngọc Sơn cũng cho rằng, hiện nay, việc thu hút và đào tạo các ngành khoa học cơ bản bậc sau đại học đang gặp nhiều thách thức. Trong đó, việc thiếu thông tin về dự án và chiến lược phát triển chuyên ngành, khiến người học gặp khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp và cơ hội phát triển cụ thể. Bên cạnh đó, nguồn hỗ trợ và học bổng còn hạn chế, tạo nên áp lực tài chính cho người học trong việc theo đuổi các ngành khoa học cơ bản sau bậc đại học. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô phù hợp và nhỏ với nhu cầu nhân sự cho bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) không cao, dẫn đến cơ hội làm việc và ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu khoa học cơ bản còn nhiều hạn chế. Những thách thức này không chỉ ảnh hưởng đến người học mà còn tác động đến sự phát triển chung của ngành khoa học cơ bản tại Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Dương Thị Hồng - cựu nghiên cứu sinh ngành Toán ứng dụng tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, hiện là giảng viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên cho biết: “Tôi chọn theo học ngành khoa học cơ bản ở bậc tiến sĩ vì niềm đam mê nghiên cứu và giảng dạy. Khoa học cơ bản không chỉ giúp khám phá bản chất của sự vật, hiện tượng mà còn là nền tảng cho các ngành khoa học ứng dụng. Việc học tiến sĩ ngành Toán ứng dụng giúp tôi có thêm nhiều kiến thức chuyên môn, phát triển tư duy nghiên cứu độc lập và góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực mình theo đuổi. Đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng để tôi có thể giảng dạy, hướng dẫn sinh viên và truyền cảm hứng khoa học cho thế hệ trẻ”, Tiến sĩ Dương Thị Hồng chia sẻ.
Theo Tiến sĩ Dương Thị Hồng, việc thu hút và đào tạo bậc sau đại học trong các ngành khoa học cơ bản hiện nay gặp không ít thách thức. Khoa học cơ bản thường đòi hỏi yêu cầu khắt khe về chuyên môn, khả năng nghiên cứu độc lập và thời gian đào tạo kéo dài. So với các ngành mang tính ứng dụng cao, cơ hội việc làm và mức đãi ngộ ngay sau khi tốt nghiệp của các ngành khoa học cơ bản chưa thực sự hấp dẫn, khiến nhiều người e ngại theo đuổi con đường học thuật dài hạn. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học cơ bản vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và khả năng triển khai các đề tài chuyên sâu. Ngoài ra, việc kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn chưa thực sự chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong việc chứng minh giá trị của các công trình khoa học cơ bản đối với xã hội.
Cô Hồng cũng nhấn mạnh, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, vai trò của khoa học cơ bản ngày càng quan trọng. Nếu có chính sách hỗ trợ tốt hơn về học bổng, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, các ngành khoa học cơ bản sẽ thu hút được nhiều người trẻ tài năng theo đuổi con đường này.

Mong muốn có thêm những chính sách hỗ trợ cho người học sau đại học ngành khoa học cơ bản
Còn theo Tiến sĩ Lê Thị Hiền - cựu nghiên cứu sinh ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý Toán tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, hiện đang công tác tại Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng, sau khi tốt nghiệp, nhiều sinh viên ưu tiên tìm việc làm thay vì tiếp tục học lên cao do nhu cầu tài chính cũng như định hướng nghề nghiệp của bản thân. Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản thường khó có việc làm đúng với chuyên môn, khiến nhiều sinh viên phải chuyển hướng sang các lĩnh vực khác và không còn nhu cầu nâng cao trình độ trong lĩnh vực đã được đào tạo. Ngoài ra, những sinh viên giỏi, có năng lực nghiên cứu, thường có xu hướng lựa chọn du học nước ngoài do môi trường học tập, cơ hội phát triển tốt hơn so với việc học sau đại học ở trong nước. Điều này khiến việc giữ chân nhân tài trong lĩnh vực khoa học cơ bản tại Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Tiến sĩ Lê Thị Hiền cũng cho biết, trong suốt quá trình theo học nghiên cứu sinh ngành khoa học cơ bản bậc sau đại học, cô đã tích lũy nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cho các nghiên cứu khoa học hiện tại. Trong đó, nổi bật là kiến thức, kỹ năng tiếp cận các hướng nghiên cứu mới và cách giải quyết các vấn đề nghiên cứu.
Tuy nhiên, cô cũng đã gặp không ít những khó khăn trên con đường chinh phục tấm bằng tiến sĩ của mình.
“Việc học ngành khoa học cơ bản ở bậc sau đại học đòi hỏi khả năng tự nghiên cứu rất cao, đặc biệt là khi tiếp cận các tài liệu chuyên sâu, tìm hiểu những lý thuyết nâng cao và khám phá các hướng nghiên cứu hoàn toàn mới. Ở bậc đại học, kiến thức thường được truyền đạt theo hệ thống rõ ràng, nhưng chương trình sau đại học yêu cầu người học phải chủ động tìm tòi, phân tích và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này khiến tôi gặp không ít những khó khăn, nhất là khi đối diện với những khái niệm phức tạp hoặc những mô hình nghiên cứu chưa từng tiếp cận trước đó”, Tiến sĩ Lê Thị Hiền cho hay.

Trong khi đó, theo cô Dương Thị Hồng, quá trình học tập và nghiên cứu khi là nghiên cứu sinh ngành khoa học cơ bản đã giúp cô rèn luyện tư duy logic, khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và phương pháp nghiên cứu khoa học một cách bài bản. Bên cạnh đó, việc đọc nhiều tài liệu chuyên sâu giúp cô củng cố kiến thức nền tảng, mở rộng hiểu biết, từ đó nâng cao tư duy và khả năng nhìn nhận vấn đề. Những kiến thức này không chỉ hỗ trợ trực tiếp trong giảng dạy mà còn giúp cô Hồng định hướng và phát triển các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản một cách sâu sắc và có hệ thống.
Việc tham gia và báo cáo tại các hội thảo khoa học không chỉ giúp cô nâng cao phương pháp nghiên cứu mà còn cải thiện kỹ năng trình bày, diễn đạt vấn đề một cách mạch lạc, logic hơn. Những trải nghiệm này đã giúp cô ứng dụng tốt hơn vào giảng dạy, truyền đạt kiến thức hiệu quả và khuyến khích sinh viên tư duy khoa học.
Tuy vậy, quá trình học ngành khoa học cơ bản bậc sau đại học của cô Hồng cũng gặp không ít thách thức.
Theo cô Hồng, việc nghiên cứu ở bậc đào tạo sau đại học đòi hỏi tư duy độc lập, khả năng tự học và sự kiên trì, đặc biệt là khi tiếp cận những vấn đề mang tính trừu tượng cao. Cùng với đó, nguồn tài liệu chuyên sâu dành cho nghiên cứu còn khó tiếp cận, nhất là những nghiên cứu mới trên thế giới. Ngoài ra, việc cân bằng giữa nghiên cứu, học tập và công việc cũng là một thử thách lớn khi xuất phát điểm cô là sinh viên ngành sư phạm, nên chưa có điều kiện được đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu và cơ hội tiếp xúc với các giáo sư đầu ngành còn hạn chế.
Vì vậy, để khắc phục, cô Hồng đã chủ động đọc và tìm tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, duy trì sự kỷ luật để hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Ngoài ra, cô cũng tích cực tham gia các hội thảo khoa học để học hỏi, giao lưu với các nhà khoa học, từ đó mở rộng kiến thức và định hướng nghiên cứu tốt hơn.
Để nâng cao chất lượng đào tạo và thu hút người học sau đại học trong ngành Khoa học cơ bản, cô Hồng cho rằng: “Trước hết, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ tài chính như học bổng và kinh phí nghiên cứu để tạo động lực cho người học. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sự kết nối giữa khoa học cơ bản và các lĩnh vực liên ngành cần được chú trọng, nhằm mở rộng hướng nghiên cứu, nâng cao giá trị học thuật. Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông về tầm quan trọng của khoa học cơ bản, qua đó tạo điều kiện thu hút nhiều người trẻ có đam mê theo đuổi các ngành học liên quan đến lĩnh vực này”, cô Hồng nhấn mạnh.