Phụ huynh than phiền phải mua đến bộ sách Tiếng Anh thứ 3 mới đúng sách con học

07/08/2023 06:40
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn về tuổi thọ của những bộ sách giáo khoa do chính địa phương đã lựa chọn.

Một phụ huynh gọi điện than phiền với giáo viên: “Cô ơi! Tôi phải mua đến bộ sách Anh văn thứ 3 mới đúng bộ sách con học ở trường.

Mang trả những cuốn sách đã mua nhưng quy định của nhà sách không cho đổi lại sách khi phụ huynh đã rời khỏi cửa hàng. Một bộ sách Anh văn tốn mấy trăm ngàn, nhà tôi đành phải bỏ”.

(Ảnh minh họa của tác giả)

(Ảnh minh họa của tác giả)

Những lời than phiền trên không chỉ ở một người mà xảy ra ở một số phụ huynh. Không riêng gì bộ sách Tiếng Anh mà bộ sách giáo khoa khác cũng vậy. Bởi, chỉ trong một địa bàn nhưng nhiều trường học lại chọn sách không giống nhau. Vì thế, không chỉ phụ huynh khó mua mà nhà sách cũng rất khó bán.

Kể từ khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, tình trạng phụ huynh mua nhầm sách giáo khoa không phải là hiếm.

Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm sách giáo khoa cũng xảy ra thường xuyên do các nhà sách lấy số lượng cầm chừng. Bởi, nếu đầu năm bán sách không hết, sách sẽ bị tồn lại. Điều này không chỉ khiến đồng vốn của họ bị ngâm mà có nguy cơ phải bỏ bộ sách ấy khi trường học có thể thay đổi sách giáo khoa khác.

Nhiều lý do để liên tục thay sách

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh - Chủ biên môn Hoạt động trải nghiệm của bộ sách Cùng học để phát triển năng lực đã chia sẻ với truyền thông:

“Một chương trình, nhiều bộ sách” là chủ trương đúng đắn, kết hợp với việc đổi mới sách giáo khoa theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, có thể tạo cú hích mạnh mẽ cho giáo dục phổ thông Việt Nam”.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiều - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: Đây là cách làm mới theo xu thế tiến bộ.[1]

Nhiều bộ sách giáo khoa sẽ giúp cho trường học, giúp cho ngành giáo dục mỗi địa phương lựa chọn được bộ sách giáo khoa tốt nhất phù hợp với trình độ học sinh của địa phương mình.

Ở vị trí là giáo viên lựa chọn sách, người viết đã được đọc nhiều bộ sách giáo khoa bậc tiểu học và nhận thấy rằng, có những bộ sách giáo khoa được trình bày dễ hiểu, kiến thức rõ ràng và mức độ yêu cầu cũng nhẹ hơn bộ sách khác.

Bộ sách giáo khoa như thế sẽ rất phù hợp với học sinh vùng nông thôn, học sinh vùng núi, vùng rẻo cao.

Ngược lại, có những bộ sách lượng kiến thức có phần nặng hơn những bộ sách khác. Bộ sách như vậy, sẽ khá phù hợp với học sinh vùng thành thị nơi dân trí phát triển cao hơn.

Giáo viên là người hiểu rõ học sinh của mình nhất. Vì thế, khi được quyền chọn bộ sách, phần đông các thầy cô sẽ chọn được bộ sách phù hợp nhất với các em.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện biên soạn, thẩm định và chọn sách giáo khoa còn tồn tại nhiều vấn đề khiến nảy sinh sự rối ren và người thiệt thòi nhất chính là phụ huynh.

Ngay từ năm học 2020-2021, năm đầu tiên thực hiện việc chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 1. Ngay trong năm học này, nhiều bộ sách giáo khoa bị bạn đọc chỉ ra những lỗi sai.

Với những lỗi sai "không cãi" được, các tác giả của những bộ sách phải chỉnh sửa lại. Năm học 2021-2022, một loạt sách giáo khoa tái bản đã được in lại. Những bộ sách giáo khoa của năm học 2020-2021 đành bỏ.

Ngoài ra, lúc đầu lớp 1 có tới 5 bộ sách giáo khoa. Sang năm học lớp 2 chỉ còn lại 3 bộ sách. Nhiều trường học trước đó đã chọn 2 bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực", và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" phải đổi lại bộ sách lớp 1 khác trong năm học sau.

Ở bậc học trung học cơ sở, có những trường học đã chọn bộ sách A., bộ sách mới học một năm đã bị đổi lại một vài cuốn chỉ với lý do những cuốn sách kia được viết hay hơn. Phụ huynh có muốn tận dụng lại các bộ sách giáo khoa của học sinh lớp trước thì cũng chịu. Họ bắt buộc phải tìm mua một bộ sách giáo khoa mới vì nhiều cửa hàng tuyên bố không bán sách giáo khoa lẻ.

Thậm chí, có những địa phương, có trường học đổi lại sách giáo khoa chỉ với lý do để cùng với số đông các trường khác. Những bộ sách giáo khoa đôi khi còn mới cũng không có cơ hội cho học sinh dùng lại vào những năm học sau.

Ngoài ra, một số học sinh chuyển trường trong năm học có thể sẽ phải bỏ bộ sách giáo đang dùng để mua lại bộ sách mới nếu như trường mới không chọn bộ sách giống trường cũ học sinh từng theo học.

Sách giáo khoa cần được sử dụng ổn định

Từ thực tế giảng dạy của mình, người viết cho rằng, những bộ sách giáo khoa không được sử dụng lại làm lãng phí ngân sách nhà nước và làm khổ phụ huynh, lỗi không ở việc áp dụng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.

Lỗi này đến từ nhiều phía như người biên soạn, thẩm định chất lượng sách, đặc biệt là việc sử dụng sách giáo khoa không ổn định từ nhiều địa phương. Để chấm dứt tình trạng này, ngoài việc giám sát chặt chẽ khâu thẩm định sách hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có thêm những quy định chặt chẽ hơn về tuổi thọ của những bộ sách giáo khoa do chính địa phương đã lựa chọn.

Các trường cũng nên chấm dứt tình trạng thay sách giáo khoa khi mới học được vài năm dù chỉ là thay một vài cuốn. Bên cạnh đó, trong cùng một địa bàn các trường học cần có chung một bộ sách giáo khoa. Điều này giúp cho phụ huynh mua sách được dễ dàng, học sinh có cơ hội dùng lại bộ sách cũ khi chuyển trường hoặc cho, tặng hay ủng hộ cho thư viện trường...mà còn giúp cho việc chỉ đạo chuyên môn của ngành được thuận lợi, giúp các trường có điều kiện trao đổi kinh nghiệm và học tập chuyên môn lẫn nhau.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://hanoimoi.vn/mot-chuong-trinh-nhieu-bo-sach-la-chu-truong-dung-506652.html

Thuận Phương