Các trường lại bước vào mùa lựa chọn sách giáo khoa vất vả và hình thức

11/02/2023 06:42
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm nào cũng yêu cầu các tổ chuyên môn, nhà trường lựa chọn sách giáo khoa là việc làm không cần thiết, mất thời gian mà kết quả chẳng có gì thay đổi.

Thời điểm này, các nhà xuất bản sách giáo khoa đã gửi link các bộ sách: Cánh Diều; Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống đến các nhà trường để giáo viên đọc, tham khảo và lựa chọn sách cho tổ chuyên môn và đơn vị mình.

Qua những lời giới thiệu của các nhà xuất bản, chúng tôi nhận thấy bộ sách nào cũng dùng những mĩ từ đẹp nhất để đề cao bộ sách giáo khoa mà đơn vị mình biên soạn, phát hành.

Cùng với sự chuyển động của các nhà xuất bản thì các trường học cũng đã nhận được kế hoạch hướng dẫn của sở, phòng giáo dục về việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Trường cũng gửi kế hoạch, đường link sách giáo khoa đến các tổ chuyên môn trong đơn vị và yêu cầu giáo viên tiến hành đọc, họp để tiến hành lựa chọn các bộ sách giáo khoa cho năm học 2023-2024 tới đây.

Theo hướng dẫn, có hàng loạt các yêu cầu, biểu mẫu và những cuộc họp dài lê thê từ tổ chuyên môn đến nhà trường cho việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 phải nói là rất mệt mỏi, hình thức mà có lẽ không có tác dụng gì. Nó chỉ hợp thức hóa các loại hồ sơ mà thôi.

Những lời quảng cáo có cánh của các nhà xuất bản sách giáo khoa được gửi đến giáo viên (Ảnh chụp từ màn hình)

Những lời quảng cáo có cánh của các nhà xuất bản sách giáo khoa được gửi đến giáo viên

(Ảnh chụp từ màn hình)

Năm nào cũng yêu cầu lựa chọn sách giáo khoa để làm gì?

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” nên năm học đầu tiên có tới 5 bộ sách lớp 1 nhưng từ năm thứ 2 (năm học 2021-2022) chỉ còn 3 bộ sách giáo khoa.

Trong đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị chủ quản của 2 bộ sách giáo khoa: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống.

Bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC.

Nhìn chung, mỗi bộ sách giáo khoa đều có thế mạnh riêng và thực tế đến năm học 2022-2023 thì thị phần sách giáo khoa của 3 bộ sách này đã được định hình rõ nét theo từng địa bàn khác nhau.

Các tỉnh phía Nam chủ yếu lựa chọn các đầu sách giáo khoa của bộ Chân trời sáng tạo. Các tỉnh phía Bắc và miền Trung lựa chọn bộ Cánh DiềuKết nối tri thức với cuộc sống.

Vì thế, năm học 2023-2024 tới đây là năm thứ 4 cấp tiểu học và năm thứ 3 ở cấp trung học cơ sở giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới nên không bao giờ có chuyện các trường học ở 2 cấp học này lại đi chọn 1 bộ sách giáo khoa khác với bộ sách mà trường, tổ chuyên môn của mình đang dạy 2-3 năm nay.

Đối với cấp trung học phổ thông- dù sang năm mới là năm thứ 2 thực hiện chương trình mới nhưng vì chương trình, sách giáo khoa liên quan đến tổ hợp, chuyên đề học tập và các kỳ thi, xét tuyển đại học ở lớp 12 nên có lẽ cũng không có trường nào chọn lại bộ sách khác với lớp 10 đang học.

Vì thế, bộ môn nào chọn bộ sách nào sẽ đi xuyên suốt cả cấp học chứ không thể lớp thấp chọn bộ sách này, lên đến lớp cao lại chọn bộ sách khác bởi mỗi bộ sách có cách bố trí kiến thức và triết lý xây dựng của các nhóm tác giả khác nhau.

Cho nên, việc năm nào cấp trên cũng yêu cầu nhà trường phải chọn lựa sách giáo khoa cho các lớp mới là việc làm hình thức, tốn kém thời gian, công sức của giáo viên ở các nhà trường khi phải hội họp nhiều buổi, phải đọc các bộ sách mà mình không dạy để ghi nhận xét ưu điểm, hạn chế và làm các mẫu văn bản nộp lên cấp trên.

Thủ tục lựa chọn sách giáo khoa phải trải qua rất nhiều bước thực hiện

Để lựa chọn sách giáo khoa ở các nhà trường hiện nay phải trải qua 2 bước cơ bản.

Bước 1: các tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và mỗi giáo viên phải có 1 phiếu nhận xét ưu điểm, hạn chế về 3 bộ sách khác nhau.

Sau đó, sẽ tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn bộ sách cho mỗi môn học và báo cáo với hiệu trưởng danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn. Danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn.

Sau khi họp tổ chuyên môn, tổ trưởng chuyên môn sẽ hoàn thiện các loại hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi cho Ban giám hiệu nhà trường.

Hồ sơ bao gồm: Bản nhận xét đánh giá sách giáo khoa của từng thành viên (những ưu điểm, hạn chế, tính phù hợp của các quyển sách); Biên bản thảo luận của tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa; Biên bản bỏ phiếu kín lựa chọn;

Danh mục sách giáo khoa được lựa chọn, được sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp và có chữ kí của các thành viên của tổ và tổ trưởng tổ chuyên môn lựa chọn.

Để hoàn thiện được các loại hồ sơ này, giáo viên ở các tổ chuyên môn phải đọc 3 cuốn sách giáo khoa trên file PDF theo đường link, đó là: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống; Cánh Diều để rút ra nhận xét về ưu điểm, hạn chế của mỗi cuốn sách.

Các tổ trưởng chuyên môn phải chuẩn bị nội dung họp, tiến hành họp và sau đó hoàn thiện hồ sơ mất rất nhiều thời gian. Nhiều khi hồ sơ phải làm đi, làm lại nhiều lần mới xong hồ sơ nộp Ban giám hiệu nhà trường.

Xong bước 1, sẽ đến bước 2: thành phần dự họp gồm hiệu trưởng; các phó hiệu trưởng; tổ trưởng tổ chuyên môn; Đoàn- Đội; đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất.

Sau đó là lựa chọn 1 sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo về phòng giáo dục (cấp tiểu học, trung học cơ sở), sở giáo dục (cấp trung học phổ thông) do đơn vị đề xuất lựa chọn.

Hồ sơ lúc này sẽ bao gồm: Kế hoạch tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường; Biên bản họp (tổng hợp nhận xét, đánh giá, lựa chọn sách giáo khoa của các thành viên); Báo cáo danh mục sách giáo khoa đề xuất lựa chọn có chữ ký của hiệu trưởng và các thành viên tham gia (01 sách giáo khoa cho mỗi môn học).

Chính vì phải trải qua nhiều thủ tục như vậy nên các tổ chuyên môn và nhà trường phải thực hiện rất nhiều loại văn bản, biểu mẫu khác nhau để triển khai và hoàn thiện nộp lại cho cấp trên của mình.

Trong khi, lựa chọn sách nào thì cơ bản cả huyện, cả tỉnh đã chọn chung 1 bộ rồi. Năm trước đã chọn bộ sách A thì lẽ nào năm sau đi chọn bộ sách B? Công sức giáo viên đầu tư kế hoạch bài dạy (giáo án); nhà trường mua sách giáo khoa, sách tài liệu chẳng lẽ bỏ đi hay sao?

Nếu chọn sai, chỉ là năm đầu tiên chứ cấp tiểu học và trung học cơ sở đã bước sang năm thứ ba và thứ tư chẳng lẽ lại đi lựa chọn sách khác? Không ai lại dại dột bỏ đi tất cả công sức, tiền bạc nhiều năm để làm lại từ đầu.

Vì thế, việc năm nào cũng yêu cầu các tổ chuyên môn và nhà trường phải lựa chọn sách giáo khoa là việc làm không thực sự cần thiết, mất nhiều thời gian, công sức mà kết quả cũng chẳng có gì thay đổi.

Thiết nghĩ, Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các cơ sở giáo dục để đỡ tốn kém, lãng phí.

Nếu như tổ chuyên môn nào, trường nào lựa chọn bộ sách khác thì mới cần họp, cần hoàn thiện các loại hồ sơ nộp về trên. Nếu tổ chuyên môn, nhà trường vẫn tiếp tục dạy bộ sách giáo khoa đối với các lớp trên thì chỉ cần yêu cầu hiệu trưởng báo cáo danh mục sách giáo khoa là được.

Suy cho cùng, tổ nào, trường phổ thông nào nào cũng phải tổ chức họp để lựa chọn sách giáo khoa và thực hiện hoàn thiện, in ấn các biểu mẫu nộp về trên nhưng cũng chẳng có gì thay đổi thì đó là công việc vô bổ, lãng phí mà thôi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG