Phong trào chống lại vắc-xin, nạn nhân chính là những đứa trẻ

16/03/2019 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Nhiều phụ huynh thiếu hiểu biết đã hùa theo đám đông "nói không với vắc-xin" có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho con trẻ.

Trào lưu nguy hiểm

Gần đây, khi xảy ra một số trường hợp trẻ nhỏ tử vong sau khi tiêm vắc-xin đã xuất hiện nhiều ý kiến trên mạng xã hội kêu gọi dừng sử dụng vắc-xin. Đây là ý kiến của những người thiếu hiểu biết (hoặc có thể do chủ ý nói sai về vắc-xin) làm rối loạn thông tin trong hoạt động tiêm chủng.

Nguy hại hơn, trên mạng internet còn có trào lưu con phải sống thuận theo tự nhiên, không tiêm phòng, không thuốc thang… đã lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống xã hội.

Nhiều nước đã coi việc không tiêm chủng cho trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa, nguồn tri thức trẻ)
Nhiều nước đã coi việc không tiêm chủng cho trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật (Ảnh minh họa, nguồn tri thức trẻ)

Thậm chí đã xuất hiện những comment (có thể do các thế lực phá hoại tạo ra) kêu gọi không cho con tiêm vắc-xin vì sợ biến chứng, rủi ro không may có thể gặp phải. Những người này thậm chí tung tin ác ý, sai sự thật rằng vắc-xin là nguyên nhân của một số chứng bệnh như tự kỷ, ung thư...

Phong trào chống lại vắc-xin, nạn nhân chính là những đứa trẻ ảnh 2Đảm bảo cung ứng vắc-xin phòng bệnh kết hợp DPT-HepB-Hib

Bất chấp những lời cảnh báo của các chuyên gia y tế cho rằng, phong trào này sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, đặc biệt là đối với trẻ em phong trào này vẫn xuất hiện.

Theo thông tin từ báo Nhân dân cho thấy phong trào “anti-vắc-xin” bắt nguồn từ năm 1974 khi một báo cáo được công bố tại Anh cho rằng, 22 trẻ sau khi tiêm vắc-xin ho gà có triệu chứng chậm phát triển và có triệu chứng động kinh.

Dù không hề được xác thực, thông tin này làm tỷ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm mạnh từ 81% xuống 31% trong nhiều năm sau đó, khiến khoảng 100.000 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó có 31 trẻ tử vong.

Không chỉ gây ảnh hưởng tại Anh, phong trào “anti-vắc-xin” sau đó cũng đã lan rộng ở Nhật Bản, Thụy Điển và Xứ Wales (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).

Nhiều nghiên cứu đối chứng đã được tiến hành cho thấy, tỷ lệ chậm phát triển và động kinh ở trẻ sau khi tiêm vắc-xin ho gà tương tự như trẻ không tiêm vắc-xin, và nhiều trường hợp trong số này thật ra mắc một dạng nguy hiểm của bệnh động kinh ở trẻ, gọi là hội chứng Dravet.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin tại California đã sụt giảm kinh ngạc năm 2015 (Nguồn: Cục dự phòng bộ Y tế)
Tỷ lệ tiêm vắc-xin tại California đã sụt giảm kinh ngạc năm 2015 (Nguồn: Cục dự phòng bộ Y tế)

Năm 1998, tiến sĩ Andrew Wakefield cùng đồng nghiệp đã xuất bản trên tạp chí The Lancet một bài báo cho rằng văcxin phòng bệnh sởi có khả năng gây ra rối loạn phát triển ở trẻ, mà hậu quả cuối cùng là chứng tự kỷ.

Sau đó, ông này tiếp tục cho đăng bài báo thứ hai vào năm 2002 khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa vắc-xin sởi và tự kỷ.

Các nhà khoa học hàng đầu thế giới đã nhanh chóng tập trung nghiên cứu, hơn ngàn công trình khoa học được thực hiện đều bác bỏ nội dung hai bài báo này.

Tuy nhiên, hệ quả của trào lưu nguy hiểm này đang trở thành mối đe dọa toàn cầu. Thậm chí, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho rằng đây là một mối hiểm họa đe dọa sức khỏe toàn cầu trong năm 2019.

Theo báo cáo của CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), thì số phần trăm trẻ không được tiêm chủng đã tăng 4 lần trong hơn 1 thập kỉ vừa qua.

Cụ thể hơn, có 47.000 trẻ được sinh vào năm 2015 (1.3% trên tổng số) chưa được tiêm chủng vào năm 2017, lớn hơn rất nhiều so với con số 0.3% của 2011.

Những đứa trẻ 2 tuổi chưa được tiêm chủng rất có thể sẽ mắc những bệnh như sởi, quai bị, rubella, viêm gan B và varicella.

Đến nay, phong trào antivắc-xin đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại với sức khỏe y tế toàn cầu.

Chỉ trong năm 2015, khoảng 134.200 người đã chết vì bệnh sởi, chủ yếu là trẻ em dưới năm tuổi dù vắc-xin phòng sởi được chứng minh an toàn và hiệu quả.

Ước tính, chỉ trong tháng 1-2017, 559 ca nhiễm sởi đã được phát hiện tại châu Âu, trong đó Pháp, Đức, Italia, Romania, Ba Lan, Thụy Điển là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 474 ca nhiễm.

Nhiều nước đã mạnh tay

Theo các chuyên gia y tế thế giới, vắc-xin là phát minh vĩ đại của khoa học. Đây là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một tác nhân gây bệnh cụ thể.

Một thống kê của WHO cho thấy, việc tiêm chủng vắc-xin đã giúp 2 - 3 triệu người thoát khỏi tử vong mỗi năm, đặc biệt là trẻ em, cũng như giúp kéo dài tuổi thọ con người và phát triển kinh tế.

Trước sự phát triển của trào lưu antivắc-xin, nhiều nước đã có biện pháp mạnh tay nhằm đối phó với tình hình xấu đi của việc muốn loại bỏ vắc-xin.

Phong trào chống lại vắc-xin, nạn nhân chính là những đứa trẻ ảnh 4Việt Nam sản xuất thành công vắc-xin sởi-rubella

Tại Italy, trẻ từ 6 đến 16 tuổi đang đi học không tiêm vắc-xin sẽ bị phạt 500 EUR (khoảng hơn 12 triệu đồng).

Tại Đức, Luật pháp Đức quy định, cha mẹ nào từ chối tiêm phòng cho con cái của họ có thể bị phạt tiền đến 2.500 EUR.

Còn tại Romania, cha mẹ từ chối tiêm chủng cho con có thể đối mặt với cáo buộc tội lạm dụng trẻ em nếu đứa bé bị tổn hại sức khỏe hoặc tử vong vì những bệnh bệnh vốn có thể ngăn ngừa bằng tiêm vắc-xin….

Tại Việt Nam, các bác sĩ, các nhà khoa học cũng đã lên tiếng khẳng định vắc-xin là có lợi cho con người và khuyên cha mẹ nên sáng suốt vì sức khỏe của con cái.

Bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn - Giám đốc Y khoa Bệnh viện Victoria Healthcare – đồng tác giả sách “Để con được ốm” cho biết, chích ngừa là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng. Những người cổ súy cho anti vắc-xin có lẽ chưa từng thấy số phận những bệnh nhân bị những bệnh đó như thế nào.

Tiêm phòng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng. (Ảnh minh họa, nguồn Đại Đoàn Kết)
Tiêm phòng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng. (Ảnh minh họa, nguồn Đại Đoàn Kết)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, một trong những bác sĩ đầu tiên kêu gọi cộng đồng chống lại trào lưu anti vắc-xin trên mạng khẳng định trên báo Tri thức trẻ: “Nếu tự anti vắc-xin cho một bé, 1 gia đình nhỏ thì bệnh ráng chịu, chỉ tội cho bé. Nếu anti vắc xin kiểu nhóm, kiểu hùa nhau là có tội với một thế hệ".

Bác sĩ Khanh cũng chứng minh: "Việc bỏ tiêm vắc-xin đã gây ra một thảm dọa về dịch bệnh. Điều này đã chứng minh ở Việt Nam bằng trận “đại dịch” sởi diễn ra vào năm 2014, nguyên nhân chính là do người dân dao động về vắc-xin này nên không chịu đưa trẻ đi tiêm.

Nói không đâu xa, tại khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 có đến 80% các trường hợp mắc bệnh là do chưa tiêm phòng vắc-xin".

Trên ANTV đưa phát biểu của ông Trần Đắc Phu (cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho biết, trào lưu chống vắc-xin là một trào lưu nguy hiểm, có thể làm ảnh hưởng đến những thành quả như thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và nỗ lực tiến đến loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam.

Ở Việt Nam tiêm chủng là bắt buộc và nghị định về tiêm chủng cũng yêu cầu kiểm tra tình trạng tiêm chủng trước khi trẻ vào mẫu giáo và tiểu học.

Tuy nhiên, Việt Nam không có quy định phạt nếu gia đình không cho trẻ đi tiêm chủng, mà coi đây là một chương trình y tế công cộng nhiều ý nghĩa và vận động cha mẹ, người chăm sóc trẻ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, nhằm bảo vệ trẻ khỏi bị lây các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang lưu hành ở Việt Nam cũng như toàn cầu".

Dù luật pháp chưa có quy định phạt khi từ chối tiêm vắc-xin, lựa chọn thế nào là do bố mẹ nhưng hãy nhớ, nạn nhân là chính là con trẻ và thế hệ mai sau.

* Tài liệu tham khảo:

1. http://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-hosotulieu/item/33462702-hiem-hoa-tu-phong-trao-%E2%80%9Canti-vắc-xin%E2%80%9D.html

2. http://vietq.vn/phong-trao-anti-vắc-xin-khien-cac-ong-bo-ba-me-viet-nhoi-long-son-gai-oc-d124916.html

3. https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/nhieu-quoc-gia-manh-tay-voi-phong-trao-chong-tiem-vắc-xin-20190313200122684.htm

4. http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/anti-vacxin-mot-trao-luu-nguy-hiem-tren-mang-xa-hoi-212921.html

5. http://soha.vn/nhieu-tre-mac-soi-tu-trao-luu-anti-vac-xin-nguoi-lon-a-dua-tre-con-chiu-tran-20190222112845724.htm

6. http://vncdc.gov.vn/vi/tin-tuc-trong-nuoc/2190/%E2%80%9Ctrao-luu-anti-vac-xin%E2%80%9D-%E2%80%93-mot-trao-luu-nguy-hiem

Trần Phương