Hà Nội: Thí sinh lo lắng trước giờ thi vào 10, chuyên gia chỉ cách giảm áp lực

06/06/2024 11:16
Lương Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo chuyên gia, mỗi kỳ thi không chỉ là cuộc đua về điểm số, nó còn là cơ hội để học hỏi và phát triển.

Theo thống kê Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay, toàn thành phố có gần 106.500 học sinh đăng ký thi, xét tuyển nguyện vọng vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn thành phố, nhiều hơn năm ngoái 2.000 học sinh.

Tỷ lệ chọi của các trường cũng có nhiều sự thay đổi so với năm ngoái, Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Cầu Giấy) có tỷ lệ chọi cao nhất với 1/3,11, tức trung bình trên 3 thí sinh dự thi mới có 1 thí sinh đỗ; Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Đông) có tỷ lệ chọi cao thứ hai với 1/2,9; tiếp theo là Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (Hà Đông) có tỷ lệ 1/2,55; Trường Trung học phổ thông Nhân Chính (Thanh Xuân) có tỉ lệ chọi cao thứ tư là 1/2,4…

Thí sinh áp lực, phụ huynh lo lắng

Năm nay, tỷ lệ “chọi” của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội vẫn giữ mức cao nên áp lực lên các em học sinh khá lớn. Học sinh phải chạy đua hết mình để dành được tấm vé vào trường công lập.

gdvn_thi vao 10 (18).JPG
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội là "cuộc đua" căng thẳng với nhiều thí sinh. Ảnh minh họa: PM

Gia đình chị Hà Linh (thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) có con thi vào lớp 10 sắp tới, suốt thời gian con ôn thi, chị luôn tìm cách để tạo điều kiện tốt nhất về sức khỏe, tâm lý cho con. Tuy nhiên, chị cũng không tránh khỏi lo lắng bởi năng lực hiện tại của con chưa thực sự giỏi.

“Tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con, con tôi học lực không giỏi, một số lần thi khảo sát trên trường chỉ ở mức trung bình. Nhưng tôi động viên con mạnh dạn thi tuyển. Thời gian này, tôi không ép con học tăng thêm buổi. Tôi để con tự sắp xếp miễn sao con có thời gian nghỉ ngơi”, chị Hà Linh chia sẻ.

Cũng có con thi vào lớp 10, chị Châu Thị Vân Hương, sống tại quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, bản thân chị cũng khá lo lắng.

“Dù gia đình rất mong con sẽ đỗ nhưng cũng không vì thế mà tạo thêm áp lực khiến con mệt mỏi hơn. Gia đình luôn động viên con từng ngày”, chị Hương bày tỏ.

Ngoài lịch học trên trường, học sinh còn đăng ký lịch học thêm bên ngoài, thuê gia sư về dạy, ôn thi ngày đêm để tổng hợp lại kiến thức, học thêm kiến thức mới.

Em Nguyễn Nhật Quang học sinh lớp 9 tại Chương Mỹ đã đặt nguyện vọng vào Trường Trung học phổ thông Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội).

Quang chia sẻ về nỗi lo trước kỳ thi: “Lực học của em ở mức khá nên em rất áp lực vì sợ trượt, lo lắng cho tương lai của bản thân, cộng với sự kỳ vọng của gia đình.

Nếu trượt kỳ thi tới, em sẽ phải học nghề, nhưng đấy không phải là lựa chọn em mong muốn. Vì gia đình không có điều kiện cho em học trường tư thục.

Trong những tháng ôn tập, em thấy lo lắng vì cảm thấy kiến thức mà mình học được còn ít, mẹ em đã đăng ký cho em học thêm gia sư, dù có hiệu quả nhưng em vẫn còn hồi hộp, lo lắng. Em cũng chưa tự tin vào bản thân mình vì em sợ vào phòng thi em sẽ bị tâm lý, quên kiến thức”, Nhật Quang chia sẻ.

Em Phí Đức Nam, học sinh Trường Trung học cơ sở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) mong muốn được thi đỗ vào Trường Trung học phổ thông Tây Hồ. Với Đức Nam, đây là giai đoạn căng thẳng, quan trọng quyết định con đường học tập. Dù biết khó khăn nhưng Nam luôn cố gắng tự nhủ bản thân sẽ làm được.

Việc tập trung nhiều kiến thức khiến Nam không khỏi lo lắng: “Em yếu nhất môn tiếng Anh nên rất lo lắng về môn này.

Thời gian cuối cùng em học dồn nhiều kiến thức, sắp đến kỳ thi, giai đoạn này em không thể học thêm kiến thức nào mới, chỉ còn cách ôn tập lại kiến thức cũ để nắm chắc hơn”.

Để thí sinh tránh gặp áp lực trong giai đoạn nước rút

Trước kỳ thi, nhiều học sinh không tránh khỏi tâm lý lo sợ, chuyên gia tâm lý đã đưa ra một số lời khuyên cho bố mẹ và các sĩ tử vượt qua áp lực tâm lý.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho biết, phân luồng học sinh là chủ trương đúng đắn, đã được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy quá trình học tập, rèn luyện, đào tạo phù hợp với cấu trúc lao động trong xã hội.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học.jpg
Tiến sĩ Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục. Ảnh: giaoduc.net.vn

Cuộc đua vào lớp 10 ở những thành phố lớn khá căng thẳng, tỷ lệ chọi của các trường cao gia tăng sức ép cho phụ huynh và học sinh.

Tiến sĩ Hoàng Trung Học nhấn mạnh, để giảm bớt áp lực cho học sinh, phụ huynh cần nhận thức và định hướng cho con phù hợp trước bước ngoặt quan trọng này.

Thứ nhất, phụ huynh cần nhận thức và đánh giá đúng năng lực, sức học của con để đặt mục tiêu phù hợp.

Con đường thi vào trung học phổ thông là tốt nhưng không phải con đường duy nhất và phù hợp cho tất cả học sinh. Nếu sức học của con hạn chế nhưng bố mẹ đặt mục tiêu vào các trường cao thì vô hình trung tạo ra áp lực đối với con, khi thất bại sẽ để lại cảm xúc nặng nề.

Thứ hai, đối với các cháu có năng lực học tập hạn chế, nên xem xét phân luồng để các cháu có thêm lựa chọn khác. Khi hướng nghiệp cho con, phụ huynh nên có thêm phương án khác ngoài phương án cho con vào trường công lập. Không nên đặt một mục tiêu duy nhất và coi đó là tất cả. Gia đình nên chuẩn bị tâm thế cho con về phương án khác, nếu không may rớt nguyện vọng 1, con có thể sẵn sàng đi theo nguyện vọng 2.

Thứ ba, gia đình phải chuẩn bị thật tốt về sức khỏe, tâm thế, kế hoạch ôn luyện, không tạo sức ép cho con, gắng động viên con hết mình cho mục tiêu đã định. Bằng việc được chăm sóc tốt, chuẩn bị tâm lý tốt, học sinh sẽ giảm bớt áp lực trong giai đoạn nước rút, từ đó đạt được kết quả tối ưu trong kỳ thi quan trọng này.

Ảnh 3_ Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An.JPG
Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An. Ảnh: NVCC

Theo Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An – Giám đốc trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam, cho biết, kỳ thi tuyển sinh là vào lớp 10 là một trong những bước ngoặt trong cuộc đời, nhưng không phải là tất cả. Có rất nhiều con đường để học sinh đi tới thành công và hạnh phúc, điều quan trọng nhất là học sinh hiểu rõ mình muốn gì, có ý chí, niềm tin và sự kiên trì để đạt được mục tiêu đó.

Cạnh tranh giữa học sinh trong giai đoạn này khá lớn khiến áp lực đạt điểm số cao và chứng tỏ bản thân trở nên nặng nề. Lo lắng về khả năng không đạt kết quả mong muốn có thể tạo ra tâm trạng lo lắng, stress, ảnh hưởng đến sự tập trung và kết quả trong quá trình học tập.

Việc duy trì một lịch trình ngủ đủ giấc và đảm bảo cơ thể được bổ sung đầy đủ dưỡng chất là điều quan trọng để có sức khỏe tốt. Duy trì tinh thần lạc quan và tự tin cũng quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi. Mỗi kỳ thi không chỉ là cuộc đua về điểm số, nó còn là cơ hội để học hỏi và phát triển.

Học sinh cần ngủ đủ giấc trước ngày thi, thức dậy đúng thời gian được dự định khi đi thi. Việc cần quan tâm là kiến thức, kỹ năng làm bài của bản thân bởi đề khó hay dễ là của chung tất cả thí sinh. Học sinh cần ôn bài đúng cách, có thể tạo nhóm với bạn bè để cùng nhau giải các bộ đề thi của những năm trước, bấm giờ như thi thật, đối chiếu với đáp án. Điều này sẽ giúp học sinh tập làm quen với không khí khi thi thật, giảm áp lực để tự tin đối diện kỳ thi.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An chia sẻ thêm: “Dù kết quả của kỳ thi này ra sao, đừng bao giờ quên rằng việc học là một hành trình suốt đời. Học không chỉ giới hạn trong sách vở hay nhà trường, mà còn từ cuộc sống, từ những trải nghiệm và từ những người xung quanh. Mỗi con đường đều mang lại những bài học quý giá và mở ra những cơ hội mới.

Hãy luôn giữ vững niềm tin và đam mê, tiếp tục học hỏi và không ngừng phấn đấu. Dù các em chọn con đường nào, chỉ cần có ý chí và sự quyết tâm, các em sẽ đạt được những thành tựu đáng tự hào”.

Chia sẻ về vấn đề dinh dưỡng cho các sĩ tử trong mùa thi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, học sinh cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý trước kỳ thi.

Ảnh 4_ .jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: NVCC

Đây là giai đoạn “nước rút”, các sĩ tử cần nạp đầy đủ năng lượng, cụ thể cần ăn 3 bữa chính với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm đó là chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu, đỗ…), chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật), tinh bột (ngô, khoai, sắn, ngũ cốc …) vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả).

Ngoài ra phụ huynh có thể cung cấp thêm các bữa phụ (ăn nhẹ) cho trẻ bằng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, sữa, phô mai…

Giai đoạn này học sinh không được bỏ bữa ăn sáng, vì các bạn cần được nạp đủ năng lượng để đầu óc có thể minh mẫn, tập trung học hành.

Bỏ bữa ăn sáng sẽ khiến nồng độ glucose trong máu giảm, gây tình trạng buồn ngủ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập, sinh hoạt. Nên ăn sáng trước khi bước vào giờ học 30 – 60 phút. Các sĩ tử không nên ăn quá no, vì khi ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa thức ăn, làm giảm lượng máu lên não dễ dẫn tới buồn ngủ và khả năng tiếp thu bài vở sẽ hạn chế.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần nhắc con thường xuyên uống nước, đảm bảo cho con mỗi ngày 2 lít bởi nước rất tốt cho não bộ. Ngoài nước, phụ huynh cũng có thể bổ sung thêm cho trẻ các loại rau củ, hoa quả nhiều nước như cam, quýt, táo, dưa chuột, dưa hấu…

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập ở Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9/6/2024. Lịch thi cụ thể như sau: Sáng 8/6 thi môn Ngữ văn; chiều 8/6 thi Ngoại ngữ; sáng 9/6 thi môn Toán.

Thời gian làm bài môn Ngữ văn là 120 phút; môn Toán là 120 phút và Ngoại ngữ là 60 phút.

Bài thi môn Toán và Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh đăng ký một trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường trung học cơ sở).

Lương Hiền