Kỳ thi tuyển vào lớp 10 các năm tiếp theo, học sinh lớp 9 có bớt đi học thêm?

29/05/2024 06:42
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Từ năm học 2024-2025 tới đây, học sinh lớp 9 sẽ học chương trình 2018 với thay đổi về môn học so với hiện nay và cách thức kiểm tra, thi cử cũng sẽ khác.

Kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay cũng như những năm vừa qua ở các địa phương thường rất áp lực bởi tỉ lệ chọi. Đặc biệt, những trường Trung học phổ thông ở các khu vực trung tâm của các tỉnh, thành phố càng trở nên căng thẳng bởi không chỉ là tỉ lệ chọi mà những thí sinh tham dự kỳ thi cũng có chất lượng đồng đều hơn, cạnh tranh quyết liệt hơn.

Chính vì vậy, học sinh cuối cấp Trung học cơ sở ở nhiều địa bàn luôn phải gồng mình đi học thêm ở trường, ở nhà thầy cô giáo với một lịch học dày đặc trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, tình trạng này có thể vẫn khó được cải thiện trong những năm học tới đây khi mà số lượng học sinh mỗi năm đều cao hơn, tỉ lệ lấy đầu vào lớp 10 trường công không tăng hoặc tăng không đáng kể.

Bên cạnh đó, từ năm học 2024-2025 tới đây, học sinh lớp 9 sẽ học chương trình 2018 có rất nhiều thay đổi về môn học, về cách thức kiểm tra, thi cử. Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn sẽ lấy ngữ liệu phần đọc hiểu và viết ngoài sách giáo khoa hoàn toàn. Vì thế, những khó khăn sẽ có rất nhiều cho các em học sinh trong những năm tới đây.

gdvn-6-2623.jpg
Ảnh minh họa: Linh An

Kỳ thi tuyển sinh 10 sẽ tiếp tục căng thẳng, áp lực ở nhiều địa phương

Là giáo viên đang trực tiếp dạy lớp 9 và ôn thi tuyển sinh 10 nhiều năm qua, cùng với sự quan sát, theo dõi thông tin tuyển sinh 10 ở các địa phương, bản thân tôi cho rằng kỳ thi tuyển sinh 10 những năm tới đây sẽ tiếp tục căng thẳng, với nhiều lý do.

Thứ nhất: số lượng học sinh luôn tăng theo từng năm, nhất là khu vực đô thị, những khu vực phát triển- nơi dân cư tập trung đông đúc nên có hiện tượng di dân từ các vùng khác đến lập nghiệp, sinh sống và họ đưa con em mình theo.

Chính vì thế, những trường Trung học cơ sở ở khu vực có điều kiện luôn có sĩ số tối đa theo quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo (45 học sinh/ lớp), thậm chí có nhiều trường vượt sĩ số theo quy định.

Trong khi, các trường Trung học phổ thông tuyển sinh hằng năm không tăng về số lượng, quy mô trường lớp không được mở rộng, hoặc mở rộng rất ít và phải có lộ trình.

Hơn nữa, chính sách phân luồng học sinh cũng được triển khai nên các địa phương chỉ có tuyển khoảng trên dưới 70% học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở vào trường công lập. Một khi số lượng dự thi cao, số lượng tuyển đầu vào lớp 10 công lập không tăng, hoặc tăng rất ít sẽ dẫn đến sự cạnh tranh giữa các thí sinh với nhau.

Thứ hai: hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 1-2 con nên phụ huynh rất chú trọng đầu tư việc học cho con em của mình bởi đầu tư cho học tập là đầu tư cho tương lai của mỗi gia đình. Vì thế, học sinh lớp 9 thường chỉ chú tâm vào việc học nên chất lượng học tập của những nhiều học sinh được nâng lên, đồng đều hơn, nhất là khu vực đô thị.

Trong khi đó, việc học nghề sau khi hết lớp 9 rất ít phụ huynh và học sinh hướng đến nên cho dù các trường triển khai công tác phân luồng thì học sinh vẫn muốn dự thi tuyển sinh 10. Vì thế, sự cạnh tranh giữa các thí sinh sẽ quyết liệt hơn.

Thứ ba: từ năm học 2024-2025 tới đây, học sinh lớp 9 sẽ học chương trình 2018 nên có những thay đổi so với năm học này và các năm trước đây. Nếu như chương trình 2006, đề thi phải bám vào sách giáo khoa và chuẩn kiến thức kĩ năng nên học sinh chỉ cần đầu tư kĩ những đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa là ổn.

Tuy nhiên, chương trình 2018 hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học nên phương pháp học, thi cử cũng khác hơn rất nhiều so với chương trình 2006.

Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn chương trình 2018 đã thay đổi trong kiểm tra, thi cử vì khi ngữ liệu trong sách giáo khoa (cả 3 bộ sách) không được lấy làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu và phần làm văn.

Cụ thể, Công văn 3175 đã hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hóa và pháp luật”.

Với cách hướng dẫn như thế này, nói một cách dễ hiểu là những tác phẩm văn học đã có trong sách giáo khoa thì không được dùng làm đề thi tuyển sinh 10 mà phải lấy ngữ liệu mới hoàn toàn, ngoài sách giáo khoa.

Liệu học sinh sẽ phải học thêm nhiều hơn hiện nay?

Thực tế cho thấy, năm học 2023-2024 này, Thành phố Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở nhưng kỳ thi tuyển sinh 10 cho năm học 2024-2025 tới đây chỉ tuyển 61% (khoảng hơn 81.000 thí sinh) vào lớp 10 công lập. Vì thế, dù chưa thi nhưng địa phương này đã biết có tới hàng chục ngàn thí sinh sẽ rớt.

Những thí sinh rớt không hẳn là học không tốt mà tại vì tỉ lệ tuyển đầu vào thấp và tuyển từ thí sinh có điểm cao xuống đến chỉ tiêu đã được ấn định từ khi chưa thi.

Các tỉnh, thành khác, nhất là khu vực đô thị có phần “dễ thở” hơn Hà Nội nhưng tỉ lệ vào lớp 10 công cũng chỉ dao động khoảng 70%. Những năm tiếp theo, tình hình cũng sẽ không khả quan hơn vì chủ trương phân luồng học sinh.

Vì thế, muốn đậu vào lớp 10 công lập đương nhiên học sinh ở các địa phương phải có năng lực học tập tốt, nhất là đối với những thí sinh thi vào các trường chuyên, trường năng khiếu, trường điểm ở các địa bàn. Bởi, những thí sinh thi vào các trường này- dù có lực học giỏi vẫn có thể rớt như thường vì các thí sinh khác còn giỏi hơn mình.

Chính vì vậy, muốn thực sự giỏi, muốn đạt được điểm cao để đủ điều kiện đậu nguyện vọng 1 vào lớp 10 công lập tất nhiên học sinh phải thực sự cố gắng.

Bên cạnh việc học ở trường, nhiều học sinh thường sẽ đi học thêm ở các trung tâm hoặc ở nhà thầy cô giáo dạy thêm. Bởi lẽ, những kiến thức thầy cô giảng trên lớp mới chỉ là kiến thức cơ bản, kiến thức nền. Muốn có kĩ năng làm bài tốt, khai thác đề tốt ắt phải đi học thêm mới có thể đáp ứng được yêu cầu thi cử hoàn toàn mới.

Đặc biệt, đối với môn Ngữ văn - môn thi mà nhiều địa phương đang tính điểm hệ số 2 đang có những khó khăn nhất định bởi đề thi sẽ khác hoàn toàn với chương trình 2006. Nếu chương trình 2006 - phần làm văn luôn chiếm khoảng 4-6 điểm (tùy từng địa phương) đã được đóng khung bằng những tác phẩm cụ thể trong sách giáo khoa thì những văn bản được lựa chọn cho đề thi của chương trình mới vẫn đang là những ẩn số cho các thí sinh trong tương lai.

Bởi, những tác phẩm học trong nhà trường chắc chắn không lấy làm ngữ liệu cho đề thi Ngữ văn nữa. Vì thế, chuyện học thuộc, học tủ văn mẫu, học kĩ tác phẩm sẽ không còn tác dụng. Thay vào đó, thí sinh phải có kĩ năng làm bài, kĩ năng khai thác một tác phẩm văn học hoàn toàn mới.

Thời gian thi 120 phút cho đề đại trà và 150 phút cho đề chuyên sẽ là khoảng thời gian căng não để vừa đọc, vừa cảm thụ một tác phẩm, hoặc một đoạn trích mới hoàn toàn. Học sinh không có vốn kiến thức sâu rộng, không am hiểu về thể loại, kiểu bài sẽ không thể nào hoàn thiện được bài văn.

Bên cạnh đó, những học sinh thi vào các trường chuyên một số môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa cũng gặp những khó khăn rất lớn khi cấp Trung học cơ sở không có các môn học này mà hiện nay chỉ còn môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý.

Những thách thức này sẽ đặt ra và giải quyết bài toán này, phần nhiều học sinh lớp 9 lựa chọn phương án đi học thêm ở nhà trường, trung tâm gia sư, nhà thầy cô giáo và có thể phải học cùng lúc nhiều thầy/ môn học đối với những môn tích hợp khi học sinh thi vào trường chuyên đối với một số môn Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.

Vì thế, có thể những chi phí cho học thêm sẽ tăng, gánh nặng sẽ tiếp tục đè lên vai phụ huynh và những thí sinh dự thi tuyển sinh 10 trong những năm tới đây- nếu muốn đậu nguyện vọng 1 vào các trường công lập bởi những thay đổi cơ bản của chương trình 2018 về kiến thức và đổi mới kiểm tra, thi cử hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

THANH AN