Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ nêu 4 nhóm vấn đề cần giải quyết trong đào tạo STEM

26/09/2023 13:14
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiện, đội ngũ giảng viên STEM vẫn còn thiếu về số lượng. Một số thầy cô chưa được đào tạo bài bản về giáo dục STEM, chưa nắm vững kiến thức về STEM.

Tại Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng ngày 26/9, ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nguồn nhân lực STEM có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Hội thảo sẽ tập trung thảo luận, trao đổi, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM.

Đây là một hội thảo quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực STEM của đất nước trong thời gian tới", ông Vũ Thanh Mai khẳng định.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đề nghị Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, làm rõ nguyên nhân, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, từng bước giải quyết 4 vấn đề.

Ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ tại Hội thảo.

Thứ nhất, xác định rõ tầm quan trọng, xác định vai trò, vị trí của đào tạo nguồn nhân lực STEM.

Đào tạo nguồn nhân lực STEM là việc cung cấp cho người học những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực STEM được thể hiện ở những khía cạnh như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Các lĩnh vực STEM là nền tảng của nền kinh tế tri thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của người dân;

Nguồn nhân lực STEM chất lượng cao là chìa khóa để các quốc gia phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh quốc gia;

Giải quyết các vấn đề toàn cầu: Các lĩnh vực STEM có thể được ứng dụng để giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nghèo đói, bệnh tật,...

Cùng với đó, tạo ra các cơ hội việc làm trong nhiều ngành nghề khác nhau, với mức thu nhập cao và các lĩnh vực STEM có thể được ứng dụng, đóng góp cho việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới để cải thiện cuộc sống của mọi con người.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo STEM. Phương thức đào tạo STEM cần được đổi mới theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo lý thuyết với thực hành, ứng dụng; chú trọng phát triển năng lực tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề của người học.

Đổi mới mạnh mẽ các đặc điểm chính của phương thức đào tạo STEM, như: Tích hợp liên môn: STEM kết hợp các kiến thức và kỹ năng từ bốn lĩnh vực STEM thành một mô hình học tập thống nhất.

Thực hành và ứng dụng để học sinh được khuyến khích tự khám phá, tìm tòi và giải quyết vấn đề, để sinh viên, học sinh được học cách vận dụng kiến thức STEM, giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.

Thứ ba là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên STEM. Đội ngũ giảng viên STEM cần được nâng cao cả về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ.

Các cơ sở đào tạo cần có cơ chế thu hút, đãi ngộ phù hợp để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên STEM chất lượng cao, khắc phục tình trạng: Đội ngũ giảng viên STEM vẫn còn thiếu về số lượng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi; Một số giáo viên chưa được đào tạo bài bản về giáo dục STEM, dẫn đến việc giảng dạy còn mang tính truyền thụ kiến thức một chiều; Một số giáo viên chưa nắm vững kiến thức về STEM, dẫn đến việc giảng dạy chưa hiệu quả.

Thứ tư là tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo STEM. Hợp tác quốc tế trong đào tạo STEM là sự kết hợp giữa các cơ sở giáo dục và tổ chức nghiên cứu của các quốc gia khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo STEM.

Hợp tác quốc tế trong đào tạo STEM cần nâng cao chất lượng thông qua nhiều hình thức khác nhau, để học sinh, sinh viên sẽ có cơ hội được học tập và trải nghiệm môi trường giáo dục STEM tại các quốc gia khác nhau.

Hợp tác nghiên cứu giúp các nhà khoa học chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Tổ chức hội thảo, hội nghị để các nhà giáo dục, nhà khoa học và chuyên gia STEM từ các quốc gia khác nhau gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về các vấn đề liên quan đến giáo dục STEM.

Hợp tác để các quốc gia có thể hợp tác để chuyển giao công nghệ STEM.

Nâng cao chất lượng đào tạo STEM giúp các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong giáo dục STEM.

Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu STEM giúp các quốc gia có thể chia sẻ nguồn lực và hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ.

Tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia Hợp tác quốc tế trong đào tạo STEM giúp các học sinh, sinh viên và nhà khoa học có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

“Kết quả của Hội thảo khoa học ngày hôm nay là cơ sở khoa học quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng về chủ trương, đường lối trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đất nước “đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, ông Vũ Thanh Mai chia sẻ.

Phạm Minh