GS.Nguyễn Đình Đức: Giáo dục STEM chưa được chú trọng ở đại học

26/09/2023 11:01
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- GS Nguyễn Đình Đức: "Cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và tiếng Anh kể cả trong bậc trung học phổ thông, cũng như ở giáo dục bậc đại học".

Sáng ngày 26/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá nhu cầu, thực trạng về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học tại Việt Nam, đề xuất quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tham dự hội thảo, về phía Ban Tuyên giáo Trung Ương có ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung Ương cùng lãnh đạo, đại diện các Vụ, cục chức năng trực thuộc.

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ khoa giáo - văn xã (Văn phòng Chính phủ); Vụ Văn hóa - Giáo dục (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội).

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học.

Về phía 2 đại học quốc gia có: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự tham dự của Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo; Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng nhà trường.

Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo của các đại học vùng; các trường đại học đào tạo các ngành kỹ thuật – công nghệ, kinh tế và các lĩnh vực khoa học cơ bản; đại diện một số sở giáo dục đào tạo của một số địa phương trong cả nước và các trường trung học phổ thông chuyên, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Việt Nam đang có tiềm năng phát triển các ngành khoa học công nghệ

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, kể từ năm 1986, sau gần 40 năm, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu

Năm 2022, và 6 tháng đầu năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam, vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện.

Việt Nam ngày càng trở nên là một mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp, công nghệ toàn cầu. Việt Nam đang thực sự từng bước trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, chúng ta đã thu hút được sự chú ý đầu tư đến từ nhiều quốc gia, nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Công nghệ thông tin – truyền thông, điện tử, công nghệ cao, công nghiệp chế tạo và đặc biệt công nghiệp bán dẫn và vi mạch đang là những lĩnh vực đang phát triển rất nhanh của Việt Nam và có tiềm năng phát triển rất lớn trong thời gian tới.

Nền tảng của sự phát triển này chính là nguồn nhân lực kỹ thuật cao, lành nghề đồng hành với thái độ trách nhiệm, kỷ luật, và sức khỏe tốt.

Đại hội 13 của Đảng tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đây cũng chính là chủ đề của buổi Hội thảo.

Giáo dục STEM với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư Nguyễn Đình Đức thông tin, tại Mỹ, đầu những năm 90, đã hình thành xu hướng giáo dục mới gọi là giáo dục STEM. Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành,....

Khái niệm STEM là viết tắt của cụm từ Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học (Science, Technology, Engineering and Math) và lần đầu tiên được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001.

Ngay từ năm 2021, trên trang web của Bộ thương mại Hoa kỳ đã xuất hiện bài viết “STEM: Good Jobs Now and for the Future” do David Langdon và cộng sự công bố.

Nhóm tác giả liệt kê 50 mã nghề STEM cụ thể tại nước Mỹ và được chia thành bốn nhóm: máy tính và toán học, kỹ nghệ và đo đạc, vật lý và khoa học sự sống, và quản lý STEM.

Tốc độ tăng trưởng nhân công STEM ở Mỹ là 7,9% trong giai đoạn 2000-2010 và đã tăng rất nhanh, khoảng 26% trong giai đoạn 2010- 2020. Nhân công STEM đóng một vai trò then chốt cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định của nền kinh tế Mỹ, là một thành phần quyết định để giúp nước Mỹ giành chiến thắng trong tương lai.

Nhận thức được vấn đề này, nước Mỹ và các nước phát triển đặc biệt quan tâm tới đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực STEM.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ đề dẫn tại hội thảo

Giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ đề dẫn tại hội thảo

Hiện tại, giáo dục STEM đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Úc, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ở Việt Nam, trong các thập kỷ 1960-2010, chúng ta nói đến “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Giai đoạn sau, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020, đã chỉ ra “Xây dựng đội ngũ nhân 1 lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn - kỹ thuật tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ, giải quyết về cơ bản những vấn đề phát triển của đất nước và hội nhập với các xu hướng phát triển khoa học tự nhiên,…và công nghệ trên thế giới”, là những nội hàm có liên quan đến STEM.

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04 tháng 05 năm 2017 của Thủ tướng về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là văn bản lần đầu tiên chỉ rõ tầm quan trọng của giáo dục STEM trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.

Mới đây, năm 2022, Thủ tướng đã ký Quyết định số 569/QĐ TTg ngày 11/5/2022 ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, và lần thứ 2, thuật ngữ STEM đã xuất hiện trong văn kiện chiến lược chính thức của Đảng và Nhà nước ta.

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ dữ liệu Scimagojr, từ 1996 đến 2022, Việt Nam công bố 119308 bài báo quốc tế. Việt Nam từ vị trí thứ 76 năm 1996, lên vị trí 59 (số bài báo là 4017) năm 2014 và vươn lên thứ 46 (số lượng bài báo là 18466) năm 2022.

Tổng số lượng bài báo là 97520 bài trong giai đoạn 2014-2022 (nguồn:www.scimagojr.com).

Trong số này, chiếm phần lớn là các công bố trong các lĩnh vực liên quan đến STEM. Năm 2018, lần đầu tiên 2 đại học quốc gia lọt vào top 1000 các trường đại học thế giới theo bảng xếp hạng QS.

Kể từ đó cho đến nay, 2 đại học quốc gia, Đại học Bách khoa Hà Nội và một số trường đại học khác đã liên tiếp lọt vào top 1000 theo tiêu chí của các bảng xếp hạng đại học uy tín như QS, THE, WURN.

Điều đáng nhấn mạnh là tất cả các trường lọt vào các bảng xếp hạng này đều là các cơ sở đào tạo lớn và có uy tín về STEM của Việt Nam.

Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội có 6 lĩnh vực được xếp hạng thế giới trong bảng xếp hạng QS ranking, gồm: Khoa học máy tính và hệ thống thông tin, Cơ kỹ thuật, Hàng không và chế tạo, Toán học, Vật lý và thiên văn học, Kinh doanh và Khoa học quản lý và Kỹ thuật điện - điện tử. Trong đó có tới 5/6 lĩnh vực thuộc top 500 thế giới – đặc biệt 3 lĩnh vực Toán học (Mathematics); Vật lý và Thiên văn học (Physics & Astronomy) và Kinh doanh và Khoa học quản lý (Business & Management Studies) đều được xếp hạng số 1 tại Việt Nam.

Từ năm 2022, QS bổ sung xếp hạng theo 5 nhóm lĩnh vực. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thể hiện vị thế trong xu hướng nghiên cứu khi có 3/5 nhóm lĩnh vực được xếp hạng cao là Kỹ thuật và Công nghệ (Engineering & Technology) xếp thứ 386, Khoa học tự nhiên (Natural Sciences) xếp thứ 401-450 và Khoa học xã hội và Quản lý (Social Science & Management) xếp thứ 451-500 thế giới.

Trong năm 2022, 2023, tổ chức Research.com đã thống kê và xếp hạng các nhà khoa học về công bố quốc tế trên thế giới. Và Việt Nam có các nhà khoa học trong 6 lĩnh vực được ghi nhận và xếp hạng, đó là kỹ thuật công nghệ, khoa học máy tính, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, cơ khí - hàng không, và y tế cộng đồng – đều là các lĩnh vực liên quan đến STEM.

Những con số này cho thấy trong những năm qua, cùng với chính sách đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, xu thế tự chủ và tích cực hội nhập của các trường đại học, chúng ta tự hào giáo dục đại học Việt Nam đã khởi sắc, có những bước tiến bứt phá ngoạn mục về chất lượng và trình độ trong nghiên cứu và đào tạo liên quan đến STEM, hội nhập mạnh mẽ với các chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực.

Giáo dục STEM ở bậc đại học chưa được chú trọng

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, còn có nhiều bất cập trong đào tạo các ngành STEM.

Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) tại Mỹ, năm 2020- 2021, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng sinh viên quốc tế tại Mỹ, với hơn 21.600 người.

Trong đó, gần 10.000 sinh viên theo học các ngành STEM. Số sinh viên Việt tại Mỹ theo học STEM tăng liên tục trong 8 năm qua, từ 28,4% năm học 2014- 2015 lên đến 46% năm 2020-2021.

Trong khi ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ giáo dục và đào tạo, quy mô đào tạo bậc đại học năm học 2022-2023 trên toàn quốc là 1.777.106 sinh viên, thì chỉ có 103.707 sinh viên khối các ngành kỹ thuật và 150.300 sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ.

Tổng quy mô hai lĩnh vực này là 254.007 sinh viên, chỉ chiếm có 14,29% tổng quy mô đào tạo đại học.

Giáo sư Đức cho hay, trong những năm qua, ở Việt Nam đã nói nhiều đến giáo dục STEM, nhưng đa phần dư luận xã hội ở ta hiện nay lại hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông mà chưa chú trọng đến giáo dục STEM ở bậc đại học.

Về chất lượng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết chất lượng nhân lực Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Chẳng hạn như, tại thời điểm xây dựng chiến lược nhân lực (2010), Việt Nam có chỉ số xếp hạng về giáo dục đại học – đào tạo nhân lực là 93 trong số 131 quốc gia trong danh sách xếp hạng.

Tư duy phản biện của nhân lực Việt Nam xếp hạng 113/140 (Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018).

Theo một báo cáo của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp năm 2022, về chất lượng đào tạo, Việt Nam đứng thứ 102/141.

Từ số liệu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng thấy điểm nghẽn của giáo dục.

Trong khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông rất cao, thì môn Toán, số thí sinh có điểm dưới trung bình là thấp nhất trong các môn chuyên môn: chiếm đến 21,636% số bài thi; tiếp đó là môn Vật Lý: 14,786%.

Đây là một trong 2 môn cốt lõi trong giáo dục STEM và có tỷ lệ thí sinh có điểm dưới trung bình rất cao. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tốt rất tích cực, đặc biệt ở những thành phố lớn, và dẫu rằng chuẩn đầu ra bậc trung học phổ thông trình độ chỉ A2 và phổ điểm đã có 2 hình yên ngựa nhưng môn Tiếng Anh vẫn có tới 44,833% dưới điểm trung bình.

Tiếng Anh vẫn là điểm đen trong giáo dục. Với năng lực ngoại ngữ và các môn STEM như vậy; tuyển sinh vào đại học dễ dãi, thế hệ trẻ của chúng ta, đất nước chúng ta sẽ rất khó để vươn lên những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật và nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để không bị tụt hậu, hội nhập với quốc tế; để đất nước ta nắm bắt những cơ hội để đột phá trong cách mạng công nghiệp 4.0, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và tiếng Anh kể cả trong bậc trung học phổ thông, cũng như ở giáo dục bậc đại học.

“Do đó, với hội thảo này, chúng ta kỳ vọng như một tiếng chuông thức tỉnh – điều trước tiên là để thống nhất ý chí và nhận thức sâu sắc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở các bậc trình độ về tầm quan trọng của giáo dục STEM, nguồn nhân lực STEM, và cần phải thi hành ngay các giải pháp thiết thực nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Hai là, từ nhận thức, cần sớm nghiên cứu kỹ các kinh nghiệm và chuẩn mức quốc tế để xây dựng chương trình đào tạo nội địa hóa STEM ở Việt Nam ở bậc đại học: từ khung lý thuyết, nội dung giảng dạy, chuẩn đầu ra.

Ba là, song song với chương trình đào tạo, phải tập trung đầu tư và phát triển công nghệ giáo dục STEM ở các bậc học. Đây là bài toán lớn, đòi hỏi có sự đồng hành đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp.

Bốn là, đảm bảo các môn học STEM phải có mặt trong bài thi đánh giá năng lực tuyển sinh đầu vào bậc đại học và trong các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học.

Năm 2010, theo các nghiên cứu của Elizabeth D. Capaldi và cộng sự, có chín chủ đề nghiên cứu chính tại các đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ gồm sáu chủ đề STEM là Khoa học sự sống (Life Science), Vật lý (Physical Science), Môi trường (Enviro Science), Kỹ nghệ (Eng Science), Công nghệ thông tin (Computer Science), Toán học (Math) và ba chủ đề khác là Tâm lý học (Psychology), Khoa học xã hội (Social Science), và các ngành khác (Other Science).

Cũng theo nhóm tác giả, tại 10 đại học nghiên cứu dẫn đầu nước Mỹ năm 2010 thì tỷ lệ này là 93,1%. Tỷ lệ đóng góp của các chủ đề STEM tại các đại học nghiên cứu hàng đầu châu Á (The Tokyo University, National University of Singapore, Seoul National University, Tsinghua University…) theo thông tin mà chúng tôi thu thập được cũng cho thấy điều tương tự.

Năm là, có thể thấy, lĩnh vực STEM phù hợp với xu thế thời đại và chính là yếu tố đảm bảo cho phát triển bền vững của các trường trong bối cảnh tự chủ đại học.

Các nghiên cứu về khoa học giáo dục cũng chỉ ra rằng mô hình đại học trong thời đại mới cũng không còn chỉ là đại học nghiên cứu, mà phải là đại học đổi mới sáng tạo với ba trụ cột chính là nghiên cứu, chuyển đổi số và innovation.

Đây là một bài học, mô hình quý giá cho giáo dục đại học Việt Nam để các trường đại học xây dựng chiến lược phát triển thành các đại học đa ngành, đa lĩnh vực trong giai đoạn mới.

Sáu là, thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực STEM còn góp phần trực tiếp thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo và ranking của nhà trường.

Theo khảo sát sơ bộ, ở Việt Nam, các sinh viên học về STEM cũng dễ xin được việc làm, dễ xin học bổng học sau đại học ở nước ngoài hơn so với các ngành học khác.

Bên cạnh đẩy mạnh giáo dục STEM, cần đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm và ngoại ngữ cho sinh viên Việt Nam trong thời gian tới.

Đây chính là những hành trang quan trọng nhất của nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Và cuối cùng, một vấn đề đặt ra là phải xây dựng được các tiêu chí để đánh giá lĩnh vực STEM ở một trường đại học, hay trung tâm nghiên cứu.

Đo lường tri thức là một công việc khó khăn và đo lường lĩnh vực STEM của một tổ chức khoa học – công nghệ là một loại đo lường tri thức.

Về cơ bản các nghiên cứu chỉ ra rằng tồn tại ba nhóm tiêu chí đo lường lĩnh vực STEM của một tổ chức KH- 4 CN là: nhóm tiêu chí về sản phẩm STEM; nhóm tiêu chí về nhân lực STEM; nhóm tiêu chí về giá trị kinh tế của hoạt động STEM.

“Chúng ta cần nhận thức sâu sắc nhân lực STEM chất lượng cao, trình độ cao chính là nguồn lực cạnh tranh quốc tế của các quốc gia phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (ở Nhật bản đã nói đến xây dựng Xã hội 5.0), và với Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Chúng ta kỳ vọng từ hôm nay trở đi, STEM sẽ luôn là một trong những từ khóa trong các văn kiện, trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.

STEM cũng sẽ luôn là một trong những từ khóa trong chiến lược và kế hoạch phát triển của giáo dục đại học cũng như giáo dục phổ thông. Từ đây mở ra muôn vàn kế hoạch hành động cho các cơ sở giáo dục và các tổ chức khoa học công nghệ của nước nhà trong thời gian tới”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Phạm Minh