Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng: Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT

14/02/2024 07:25
Phạm Minh (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kỳ vọng năm 2024, toàn ngành thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thuận lợi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình.

Năm 2023 đánh dấu chặng đường 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", ngành giáo dục và đào tạo đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để có những bước phát triển mới, gặt hái nhiều thành tựu quan trọng.

Đóng góp cho sự phát triển chung của toàn ngành phải kể đến sự nỗ lực của từng địa phương. Trong công cuộc đổi mới giáo dục còn nhiều thử thách, các tỉnh/thành phố đã từng bước tháo gỡ khó khăn để hướng tới mục tiêu chung, vì sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trao đổi ngắn với Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng để lắng nghe những tâm tư chia sẻ của ông trong năm mới.

Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, kính chúc ông nhiều sức khoẻ, hạnh phúc và bình an. Khép lại năm 2023, ông có thể chia sẻ một số thành tựu nổi bật mà ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong một năm qua?

Tiến sĩ Phạm S: Năm 2023, ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh gắn với các điều kiện bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đến nay, toàn tỉnh có 677 trường học (trong đó mầm non có 230 trường, tiểu học là 220 trường, trung học cơ sở có 156 trường, trung học phổ thông có 59 trường, giáo dục thường xuyên là 12); có 20.952 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (1.533 cán bộ quản lý, 16.982 giáo viên, 2.437 nhân viên); có 349.742 học sinh (68.725 mầm non, 133.235 học sinh tiểu học, 96.391 học sinh trung học cơ sở:, 48.366 học sinh trung học phổ thông và 3.025 học sinh giáo dục thường xuyên.

Ngành giáo dục cũng đã tổ chức quản lý và khai thác có hiệu quả các nguồn đầu tư để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thực hiện có hiệu quả xây dựng nhà công vụ, nhà bán trú cho giáo viên, học sinh để phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Số trường học công lập đạt chuẩn quốc gia là 497/599 trường, đạt 82,97% so với chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 (0,1%).

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị, có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tuỵ với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Về giáo dục mầm non: Tỷ lệ trẻ đến trường đạt 68,92%, tăng 15,89 % so với năm học 2019-2020. Riêng mẫu giáo 5 tuổi là 24.848 trẻ, đạt tỷ lệ 100%; tăng 0,02% so với năm học 2019-2020.

100% trường tổ chức bán trú cho trẻ tại trường, 100% trẻ được học 2 buổi/ngày; 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng; 100% trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non; 12/12 huyện thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Trong năm 2023, chất lượng giáo dục phổ thông được tăng cường, củng cố vững chắc và đạt nhiều thành tích nổi bật. Ảnh minh hoạ: Báo Lâm Đồng

Trong năm 2023, chất lượng giáo dục phổ thông được tăng cường, củng cố vững chắc và đạt nhiều thành tích nổi bật. Ảnh minh hoạ: Báo Lâm Đồng

Về giáo dục phổ thông: Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng quy định, tạo sự đồng thuận của phụ huynh và học sinh; chất lượng giáo dục được tăng cường, củng cố vững chắc và đạt nhiều thành tích nổi bật.

Cụ thể, tổ chức thành công 15 kỳ thi, cuộc thi, hội thao,… cấp tỉnh, tham gia các cuộc thi cấp quốc gia và khu vực dành cho học sinh và đạt một số kết quả nổi bật: Tham gia Hội thao Giáo dục Quốc phòng – An ninh toàn quốc năm 2022: 04 học sinh đạt giải (02 Nhất, 02 khuyến khích); Giải Vovinam học sinh phổ thông toàn quốc: 24 Huy chương (Vàng: 01, Bạc: 07, Đồng:16), đạt cờ Khuyến khích toàn đoàn. Cử 04 học sinh tham dự vòng chung kết cuộc thi lập trình Coolest Project Malaysia 2022 với 03 Dự án: 01 giải vô địch Bảng, 01 giải vô địch toàn Cuộc thi. Kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 2023: đạt 26 giải: 05 Nhì, 10 Ba và 11 Khuyến khích. Cuộc thi Tin học văn phòng thế giới vòng quốc gia: 01 học sinh đạt giải Ba. Vòng chung kết Cuộc thi Coolest Projects Malaysia 2023 tại Malaysia của 02 dự án: đạt 01 giải Đặc biệt Cuộc thi và 01 giải Nhất lĩnh vực Game, 01 giải Nhất lĩnh vực Lập trình phần cứng.

Lễ Tuyên dương khen thưởng học sinh xuất sắc năm 2023 có 86 học sinh được tuyên dương – khen thưởng.

Tỉ lệ huy động trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 100% (26.960 em); dạy học tiếng Anh, Tin học triển khai tại 219/219 trường. 12/12 huyện thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. 12/12 huyện thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (3/12 huyện thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3); 12/12 huyện thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Về việc triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số: 100% trường học triển khai Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; 100% học sinh nộp hồ sơ trực tuyến đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dự xét tuyển sinh vào lớp 10, số hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến: 1.783/1.862 (95,76%); 100% giáo viên có chữ ký số để ký hồ sơ sổ sách điện tử; 59/59 (100%) cơ sở giáo dục công lập thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp, triển khai hiệu quả việc gửi, nhận văn bản không kèm văn bản giấy;

Thu học phí không dùng tiền mặt được đưa vào triển khai trong các cơ sở giáo dục: mầm non: 83,4%, tiểu học: 76,52%, trung học cơ sở: 94,2%, trung học phổ thông: 81,25%; triển khai kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2 tính đến kỳ báo cáo như sau: tỉ lệ chung toàn ngành: 99,47%, trong đó: cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo đạt 49/49 (100%); các trường học: 21.438/21.524 (99,6%), học sinh phổ thông trên 14 tuổi: 64.616/58.193 (98,99%); các đơn vị trường học thuộc Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố quản lý: 17.840/17.917 (80,01%), tăng 3,19%.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng là sở, ngành đầu tiên của tỉnh hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC), đây là sự nỗ lực vượt bậc được Ủy ban Nhân dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao.

Phóng viên: Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện tổng kết Nghị số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Vậy đâu là những dấu ấn của giáo dục tỉnh Lâm Đồng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm S: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng cũng có được những dấu ấn đáng tự hào.

Xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, quán triệt sâu sắc quan điểm và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Năm học 2023-2024, có 677 đơn vị trường học; 20.952 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 349.742 học sinh; giảm 36 đơn vị so với năm 2013, tăng 45,783 học sinh so với năm 2013.

Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn cao (mầm non đạt chuẩn: 96,28%, trên chuẩn: 76,82%; tiểu học đạt chuẩn: 86,64%, trên chuẩn: 0,7%; trung học cơ sở đạt chuẩn: 94,12%, trên chuẩn: 2,16%; trung học phổ thông đạt chuẩn: 100%, trên chuẩn: 19,62%). Toàn ngành có 10,306 đảng viên, đạt tỷ lệ 43,04%.

Số trường học công lập được kiểm định chất lượng giáo dục là 497/599 trường, đạt 82,97% (tăng 304 trường đạt chuẩn quốc gia).

Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi: 142/142 xã và 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Phổ cập tiểu học: 142/142 xã, phường, thị trấn và 12/12 huyện, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3.

Phổ cập trung học cơ sở: 37/142 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 2, 105/142 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 3, 9/12 huyện, thành đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 2, 3/12 huyện, thành đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở mức độ 3.

Xóa mù chữ: 142/142 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, 12/12 huyện, thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Số người biết chữ trong độ tuổi 15-35 đạt tỉ lệ 99,1%, người biết chữ trong độ tuổi 36-60 đạt tỉ lệ 95,5%.

Công tác triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa được triển khai đúng quy định, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân nhất là công tác lựa chọn sách giáo khoa. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, đáp ứng yêu cầu học tập của các tầng lớp trong xã hội, đạt một số kết quả nổi bật:

Số liệu học sinh tỉnh Lâm Đồng tham gia các Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia qua 10 năm có 641 học sinh đạt giải quốc gia (giải Nhất: 04, giải Nhì: 33, giải Ba: 82, Khuyến khích: 139).

Kết quả học sinh Lâm Đồng tham gia các cuộc thi quốc gia, quốc tế từ 2013 đến nay, tổng số 644 học sinh tham gia, đạt 249 giải. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại tỉnh Lâm Đồng 10 năm qua tương đối ổn định, chất lượng tăng dần qua các năm, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông các năm gần đây đều đạt trên 99%.

Ngành giáo dục đã triển khai thực hiện mô hình: Trường giúp trường với tổng giá trị hơn: 4,7 tỷ đồng; nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn; nhận đỡ đầu gia đình học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn tại địa phương: có 5.866 nhà giáo nhận đỡ đầu 6.930 học sinh khó khăn trong tỉnh.

Phóng viên: Bước sang năm 2024 cũng là chặng đường cuối đánh dấu sự kết thúc của chương trình giáo dục phổ thông 2006, để từ đây, ngành giáo dục triển khai thực hiện triển khai đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo ông, ngành giáo dục địa phương đang đứng trước những cơ hội nào và cần phải có những đổi mới, chuyển biến ra sao trong giai đoạn tới để thực hiện được mục tiêu đổi mới đã đề ra?

Tiến sĩ Phạm S: Về tình hình địa phương hiện nay, kinh tế tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, hoàn thiện, văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh, phúc lợi xã hội đảm bảo, quốc phòng – an ninh được giữ vững.

Giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từng bước được nâng lên theo hướng toàn diện, đảm bảo thực chất; quy mô trường, lớp ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân;

Thời gian tới, ngành giáo dục Lâm Đồng thực hiện tiếp tục nỗ lực, đảm bảo nhu cầu học tập của con em địa phương và đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: Báo Lâm Đồng

Thời gian tới, ngành giáo dục Lâm Đồng thực hiện tiếp tục nỗ lực, đảm bảo nhu cầu học tập của con em địa phương và đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: Báo Lâm Đồng

Chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đạt kết quả khá tốt; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được bồi dưỡng thường xuyên, vững vàng tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường; phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh; phong trào thi đua yêu nước, dạy tốt, học tốt được phát huy; phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá được đổi mới theo hướng tích cực.

Ngành giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì, rà soát sắp xếp lại mạng lưới trường lớp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đảm bảo nhu cầu học tập của con em địa phương và đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 514/604 trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 85,1%).

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó tập trung cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở vùng dân tộc thiểu số.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo.

Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; tăng cường hợp tác và đầu tư với nước ngoài, khuyến khích hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo từ các quốc gia phát triển.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân năm mới, ông có gửi gắm những chia sẻ, kỳ vọng như thế nào đối với sự phát triển của ngành giáo dục nói chung và giáo dục tỉnh Lâm Đồng nói riêng trong năm 2024?

Tiến sĩ Phạm S: Tôi kỳ vọng ngành giáo dục nước nhà có nhiều chuyển biến tích cực hơn về chất lượng nói chung và gặt hái nhiều thành tích trong các kỳ thi trong khu vực và quốc tế; toàn ngành triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thuận lợi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng lộ trình, đạt được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng đối với ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng trong năm 2024. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục quán triệt, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả, đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh giao theo Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 06/12/2023 của Tỉnh ủy Lâm Đồng và Quyết định số 2526/QĐ-UBND ngày 15/12/2023 của Ủy ban Nhân dân tỉnh với với phương châm: “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm”, chủ đề năm 2024 của tỉnh: “Trách nhiệm - Nêu gương - Kỷ cương - Hiệu quả”; tỷ lệ trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt năm 2024 đạt 83,1%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương đạt 82%.

Hi vọng ngành giáo dục địa phương sẽ duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo trong những năm qua và có tỉ lệ học sinh đạt giải các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế bằng và cao hơn năm 2023; triển khai các giải pháp, hoạt động phù hợp với tình hình địa phương và tạo được sự đồng thuận và tham gia hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm S!

Phạm Minh (thực hiện)